Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 17/07/2024

Cải thiện môi trường vì sức khỏe con người

20/07/2016

   Loài người đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc đẩy lùi bệnh tật, xóa đói giảm nghèo, duy trì tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, sự bùng nổ về dân số, quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế nhanh cũng gây ra những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe mà nguyên nhân lớn nhất là do tình trạng ô nhiễm, tiếp xúc với hóa chất và BĐKH. Theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2016, 12,6 triệu người thiệt mạng mỗi năm do sống hoặc làm việc trong một môi trường ô nhiễm, chiếm 1/4 tổng số ca tử vong toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng, phần lớn số ca tử vong này có thể tránh được nếu như con người quản lý môi trường tốt hơn. Đây cũng chính là một trong số những mục tiêu mà Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) hướng tới.

Cải thiện môi trường có thể cứu hàng triệu người

   Tài nguyên thiên nhiên đã hỗ trợ con người trong quá trình tồn tại và phát triển, bao gồm cung cấp đất nông nghiệp, thủy sản, sinh kế, không khí, nước, năng lượng... nhưng tầm quan trọng của việc quản lý môi trường lại chưa được đánh giá cao như các vấn đề về y tế, giáo dục, kinh tế và xã hội. Vì vậy, Chương trình nghị sự 2030 ra đời, thiết lập 17 mục tiêu phát triển bền vững nhằm tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân và Trái đất, trong đó, các vấn đề liên quan đến môi trường được đề cập xuyên suốt các mục tiêu.

   Ô nhiễm không khí gây ra cái chết cho khoảng 8,2 triệu người, nguyên nhân chủ yếu do các chất độc hại từ hoạt động sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Để khắc phục tình trạng này, hiện nay, nhiều quốc gia đang đẩy mạnh hệ thống giao thông đô thị bền vững, thay thế nhiên liệu truyền thống bằng các loại nhiên liệu sạch hơn và cho ra đời các loại xe tiết kiệm nhiên liệu. Nhiều sáng kiến công nghệ đang lan rộng trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là các ý tưởng liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo. Theo Báo cáo “Xu hướng toàn cầu về đầu tư cho năng lượng tái tạo năm 2016” của Liên hợp quốc công bố vào tháng 3/2016, vốn đầu tư của toàn thế giới năm 2015 vào năng lượng tái tạo để sản xuất điện đạt mức kỷ lục - 286 tỷ USD. Việc mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo có thể giúp chúng ta tiếp cận nguồn năng lượng sạch mà không gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe con người.

   Bên cạnh đó, lượng hóa chất toàn cầu được sản xuất có giá trị khoảng 171 tỷ USD vào năm 1970, và tăng lên 4,12 nghìn tỷ USD vào năm 2010. Tuy nhiên, ngoài lợi ích mà ngành công nghiệp này mang lại đối với sự phát triển kinh tế và xã hội, nó cũng gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe con người và môi trường. Theo WHO, việc tiếp xúc với chì gây ra khoảng 600.000 trường hợp khuyết tật trí tuệ hàng năm ở trẻ em, kéo theo thiệt hại về kinh tế hơn 900 tỷ USD mỗi năm. Trong năm 2002, chì được sử dụng trong nhiên liệu tại 82 quốc gia. Ngày nay, với sự can thiệp của UNEP và các tổ chức quốc tế, chỉ có 3 quốc gia còn nhiên liệu pha chì. Tuy nhiên, chì trong sơn vẫn còn nhiều bất cập - Đó là lý do UNEP và WHO đang tích cực làm việc với “Liên minh toàn cầu loại bỏ sơn pha chì” để giải quyết vấn đề này. Tại Philipin, luật pháp hiện nay cấm sử dụng, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu và bán các loại sơn với tổng hàm lượng chì trên 90 mg/L. Đây là một trong nhiều nỗ lực để đảm bảo các hóa chất được sử dụng một cách an toàn vì lợi ích của người dân. Ngoài ra, sự ra đời của Nghị định thư Montreal về việc loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ôzôn sẽ ngăn chặn khoảng 283 triệu trường hợp ung thư da vào năm 2100, cứu sống hàng triệu người (Theo Cơ quan BVMT Mỹ). Những bước chuyển biến tích cực trên tạo đà thành công cho nhân loại khi đối mặt với các mối đe dọa với sức khỏe con người.

   Theo Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH, BĐKH làm phát tán một số bệnh truyền nhiễm, thay đổi sự phân bố theo mùa của một số loài hoa gây dị ứng và tăng số ca tử vong do nắng nóng. Hiệp định Pari về BĐKH đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác hại của BĐKH, đảm bảo sức khỏe con người. Nếu chúng ta không làm giảm lượng phát thải khí nhà kính, các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và hoạt động sản xuất nông nghiệp. Chỉ riêng ở châu Phi, BĐKH có thể làm giảm năng suất cây trồng đến 20% vào năm 2050 trong khi dân số tăng gấp đôi gây ra tình trạng thiếu hụt lương thực trầm trọng.

   Ngoài 3 yếu tố trên, sức khỏe con người cũng chịu tác động của nhiều yếu tố khác như đa dạng sinh học, hệ sinh thái, tình trạng ô nhiễm nhựa ở các đại dương và trong thức ăn, tình trạng tiếp xúc với các chất độc hại do lượng chất thải điện tử gia tăng… Việc quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên một cách hợp lý sẽ mang lại tác động tích cực đến sức khỏe của chúng ta. Thông qua Chương trình nghị sự 2030, UNEP, WHO, nhiều tổ chức, Chính phủ và các cá nhân cam kết cùng hợp tác giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe và môi trường.

Lưu Trang
(Theo UNEP)

Ý kiến của bạn