Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 17/07/2024

Bắc Mỹ: Rừng ven biển chết do nước biển xâm thực

21/08/2017

     Mới đây, CBS News đưa tin việc các nhà khoa học Mỹ nhận định, hiện tượng rừng ven biển chết do nước biển xâm thực xuất hiện ngày càng nhiều và nhanh trên thế giới và là bằng chứng rõ ràng của hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH).

     "Tôi nghĩ rừng ma là dấu hiệu rõ nhất của BĐKH dù là ở đâu trên bờ biển phía Đông của Mỹ" - GS.Matthew Kirwan - Viện Khoa học Đại dương Virginia cho biết. "Vùng đất khô ráo có thể sử dụng 50 năm trước giờ là đầm lầy cây chết". "Rừng ma" trải dài từ Canađa xuống bờ biển phía Đông, quanh Florida và đến Texas.

 


Thủy triều tháng 10/2015 giết chết nhiều cây thông gần Yorktown, Virginia (Ảnh: AP)

 

     Theo Kirwan, trong 100 năm qua, trên 400 km2 rừng ở vịnh Chesapeake đã biến thành đầm lầy. Tỷ lệ mất rừng ven biển lớn gấp 4 lần so với thập niên 1930. Ben Horton - GS trường Đại học Rutgers và chuyên gia về nước biển dâng cho biết, nước ngoài bờ biển phía Đông dâng gần 40 cm trong 100 năm qua, nhanh hơn tốc độ của 2.000 trước cộng lại.

     Quá trình rừng chết vì nước biển diễn ra một cách tự nhiên trong hàng nghìn năm, song, tốc độ cây chết tăng nhanh trong vài thập kỷ qua do băng cực tan, nước biển dâng đẩy nước muối tiến xa hơn vào đất liền. Bão lớn cũng góp phần đưa nước biển vào sâu hơn trong đất liền làm chết cây.

     Sự xâm thực của nước mặn làm biến đổi mạnh các hệ sinh thái ven biển; Chim di cư có ít diện tích cư trú hơn trong rừng; Cây chết làm vi khuẩn trong đất giải phóng khí nitơ, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh của tảo và khiến cá ốm hoặc chết do oxy giảm. Tuy nhiên, đầm lầy thay thế rừng lại tạo ra môi trường sống cho cá, ốc, sò...

 

Phương Linh (Theo VnExpress)

 

Ý kiến của bạn