Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 16/07/2024

Bảo vệ môi trường đem lại lợi ích cho doanh nghiệp

01/07/2014

     Phát triển doanh nghiệp (DN) thân thiện với môi trường mang lại những lợi ích cho DN, giúp DN kiểm soát chi phí, phát triển thương hiệu và kinh doanh có trách nhiệm hơn với xã hội và cộng đồng. Đó chính là quan điểm của ông Sugianto Tandio - Chủ tịch Tập đoàn PT Tirta Marta (Inđônêxia), ông đã dành hơn 10 năm để nghiên cứu và phát triển thành công các sản phẩm nhựa thân thiện môi trường, cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế. Trong cuộc trao đổi với Tạp chí Môi trường, ông Sugianto Tandio cho biết, Tập đoàn đã thực hiện một số giải pháp BVMT, xử lý nước thải hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên và đưa thương hiệu đến với khách hàng khắp nơi trên thế giới.

 

Ông Sugianto Tandio - Chủ tịch Tập đoàn PT Tirta Marta

 

     Tập đoàn đã nhận được nhiều giải thưởng và danh hiệu cho những nỗ lực kinh doanh, phát triển thương hiệu thành công với các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường. Ông có thể cho biết, Tập đoàn đã áp dụng các biện pháp BVMT như thế nào?

     Ông Sugianto Tandio: Ngay từ khi thành lập, Tập đoàn luôn xem BVMT là ưu tiên hàng đầu và tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định của Inđônêxia về BVMT trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Chúng tôi đã có một số giải pháp như nghiên cứu, xây dựng chiến lược kinh doanh, thay đổi công nghệ, phát triển những kỹ thuật mới nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất, đồng thời giảm tối đa nguồn tài nguyên sử dụng và lượng chất thải phát sinh ra môi trường. Với mong muốn đóng một vai trò tích cực vào việc BVMT, xanh hóa Trái đất, Tập đoàn đã mất 10 năm để nghiên cứu và thử nghiệm mô hình sản xuất nhựa phân hủy sinh học để thay thế các sản phẩm nhựa truyền thống có hại cho môi trường. Một DN muốn thành công, cũng như một chính sách muốn “sát với cuộc sống” cần có sự kết hợp chặt chẽ của cả 3 đối tượng: Chính phủ, DN và cộng đồng. Chính phủ là cơ quan ban hành các chính sách pháp luật phải nghiên cứu để đưa ra quy định sao cho DN và người dân có thể thực hiện được. Với DN, cần lựa chọn phương án kinh doanh vừa mang lại lợi ích, vừa đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước. Tirta Marta đã góp phần không nhỏ vào công tác BVMT và phát triển kinh tế Inđônêxia bằng cách sản xuất các sản phẩm nhựa phân hủy sinh học từ cây sắn, loại cây được trồng rộng rãi ở Inđônêxia. Điều này giúp giảm lượng khí thải cácbon, tiết kiệm năng lượng và tăng thu nhập cho người dân nghèo trồng sắn. Các sản phẩm nhựa của Tập đoàn có thể quay vòng sản xuất, dễ tái sinh và phân hủy, không gây tác hại cho môi trường, đạt tiêu chuẩn Nhãn xanh của Inđônêxia. Không chỉ phục vụ trong nước, chúng tôi còn chuyển giao công nghệ sang các nước khác thông qua mạng lưới đối tác ở châu Á và châu Mỹ.

     Nhận thức được tầm quan trọng của việc BVMT, Tập đoàn PT Tirta Marta hiện đã và đang tham gia vào hỗ trợ Chính phủ phát triển sản phẩm mới, thực hiện quá trình chuyển đổi mô hình sinh thái, tư vấn cho các DN và người dân Inđônêxia về giảm thiểu cácbon và phát triển kinh doanh bền vững.

     Xin ông cho biết khái quát về hệ thống chính sách pháp luật của Inđônêxia liên quan đến kiểm soát ô nhiễm nước (KSONN) và việc thực hiện những quy định đó của DN?

     Ông Sugianto Tandio: Vấn đề ô nhiễm môi trường hiện đang là thách thức lớn của Inđônêxia, nhất là ô nhiễm môi trường nước. 33 trong tổng số 52 con sông chính thuộc 34 tỉnh của cả nước bị ô nhiễm ở mức báo động. Tình trạng khan hiếm nước và ô nhiễm nghiêm trọng đã xảy ra tại nhiều khu vực và nhiều con sông lớn, nhất là sông Ciliwung ở Jakarta và sông Citarum ở Tây Java. Nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm trên là do sự thay đổi trong sử dụng đất, dân số tăng, thiếu ý thức về bảo tồn lưu vực sông, sự xói mòn của đất, chất thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt và chất thải nông nghiệp được xả thẳng xuống dòng sông, đe dọa cuộc sống của hàng triệu người dân trong khu vực. Một số luật, quy định và chính sách liên quan đến KSONN và quản lý tài nguyên nước đã được ban hành như: Luật Thuốc trừ sâu và Kiểm soát hạt giống năm 1992, Quy chế của Chính phủ số 82/2001 liên quan đến Quản lý chất lượng và KSONN, Luật Tài nguyên Nước năm 2004, Luật Quản lý chất thải rắn năm 2008, Luật Quản lý và BVMT năm 2009. Tùy vào mỗi nguồn thải khác nhau lại có những quy định cụ thể đối với từng loại nguồn thải như: từ rác thải sinh hoạt của người dân, từ hoạt động sản xuất công nghiệp của các nhà máy, DN và sản xuất nông nghiệp.

     Trong nhiều năm qua, Inđônêxia đã triển khai nhiều giải pháp như xây dựng Khung Chính sách và Kế hoạch hành động quốc gia về KSONN, thực hiện các chương trình: Sông sạch (PROKASIH), Đánh giá mức độ ô nhiễm và KSONN (PROPER), Xử lý chất thải rắn trong môi trường nước ở đô thị…

     Đối với Công ty, chúng tôi xác định rõ phải quản lý chất thải theo cách thân thiện môi trường, nghĩa là chất thải được tái chế phải đáp ứng tiêu chuẩn môi trường. Theo Luật Quản lý chất thải rắn của Inđônêxia, nếu DN xả chất thải chưa qua xử lý hoặc xả thải không đáp ứng các tiêu chuẩn sẽ bị phạt. Bất cứ loại chất thải nào sau khi xả xuống nước, các DN đều phải xử lý để không gây ô nhiễm môi trường. Xuất phát từ nguyên nhân đó, chúng tôi đã nảy sinh sáng kiến sản xuất ra những loại chất thải thân thiện với môi trường để khi thải vào nguồn nước chúng sẽ tự phân hủy. Điều này còn tác dụng hơn cả việc mình chỉ quản lý chất thải sau khi đã sử dụng rồi.

     Vai trò của truyền thông và cơ quan báo chí có đóng góp như thế nào đối với công tác BVMT tại Inđônêxia?

     Ông Sugianto Tandio: Rõ ràng, truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội nói chung và công tác BVMT nói riêng. Truyền thông là cầu nối giữa Nhà nước, DN và cộng đồng, thúc đẩy nhận thức của người dân về BVMT. Tuy nhiên, Inđônêxia và Việt Nam có sự khác biệt trong việc truyền thông. Đó là ở Inđônêxia, báo chí không do Chính phủ quản lý mà do tư nhân quản lý, còn ở Việt Nam do Nhà nước quản lý. Mặc dù vậy, trong công tác BVMT, báo chí ở nơi nào cũng phải truyền tải đầy đủ những thông điệp về môi trường cho độc giả. Tại Inđônêxia, trên các báo đều có mục Môi trường và các DN rất sợ khi bị đưa lên báo chí về các vấn đề liên quan đến môi trường. Trước những áp lực về truyền thông, các DN buộc phải quan tâm hơn đến vấn đề BVMT và ô nhiễm nguồn nước. Nếu chỉ dựa trên chính sách để quản lý thì cộng đồng sẽ không thể nắm được các quy định về BVMT. Khi có những áp lực từ các cơ quan báo chí, có sự kết hợp giữa quyền lực và truyền thông sẽ tạo ra những sức mạnh buộc các DN phải tuân thủ các quy định về môi trường.

     Xin cảm ơn ông!

 

            Phương Tâm (Thực hiện)

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề kiểm soát ô nhiễm nước

tại Việt Nam - cơ hội và thách thức

 

Ý kiến của bạn