Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 16/07/2024

Afghanistan đối mặt với khủng hoảng thiếu nước

16/01/2019

    Khan hiếm mưa và tuyết, bùng nổ dân số cùng với việc sử dụng nước lãng phí đã làm cạn kiệt hồ chứa nước ở thủ đô Kabul của Afghanistan và tạo ra cuộc ganh đua giữa các hộ gia đình và doanh nghiệp về độ sâu của các giếng khoan với hy vọng có thể chạm tới những mạch nước quý giá.

    Tổng Công ty cấp thoát nước đô thị của Afghanistan cho biết mỗi năm, 80 triệu m3 nước ngầm được khai thác ở Kabul, gần gấp đôi khối lượng nước được nạp lại tự nhiên nhờ lượng mưa. Mực nước tại các hồ chứa nước ở Kabul đã giảm mạnh đến mức cần phải tiếp cận các hồ nước ngầm ở độ sâu tới 100 m, thậm chí 120 m. 

    Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Shanny Campbell, việc khai thác nước ngầm quá mức đã khiến mực nước tại hồ chứa nước của Kabul giảm ít nhất 30 m trong những năm gần đây. Mặc dù tuyết đã rơi tại Kabul trong tháng này nhưng gần như không đủ để giải quyết tình trạng khan hiếm nước hiện nay. Trong năm 2018, mực nước trong hồ chứa ở một số khu vực đã giảm tới 20 m. Ông Campbell nhấn mạnh, nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng thiếu nước ở Kabul là do sự gia tăng chóng mặt về dân số, tác động của tình trạng biến đổi khí hậu kéo theo lượng mưa giảm và tuyết rơi ít hơn.

 

Trẻ em Afghanistan lấy nước tại vòi nước công cộng ở thủ đô Kabul ngày 25/10/2018 (Ảnh: TTXVN)

 

    Chỉ có khoảng 20% các khu vực ở Kabul được kết nối với hệ thống nước máy của thành phố, khiến nhiều người dân phải tự xoay sở tìm nguồn nước bằng cách đào giếng ngay trong vườn nhà. Trong khi đó, nhiều người phải mua nước từ các công ty tư nhân hoặc mang can đựng xăng ra hứng nước miễn phí tại các nhà thờ hoặc hơn 400 vòi nước công cộng được bố trí rải rác trong thành phố.

    Đối với những người dân sinh sống ở các khu vực đồi núi, tình trạng khan hiếm trở nên nghiêm trọng hơn khi việc khoan giếng gặp nhiều khó khăn, trong khi đường ống nước của thành phố không thể “vươn” tới đây.

   Cùng với đó, theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường quốc gia Afghanistan, nước không những khan hiếm ở Kabul mà còn không thể uống được. Khoảng 70% nguồn nước ngầm của thành phố bị ô nhiễm bởi chất thải và hóa chất rò rỉ từ bể tự hoại của các gia đình, cũng như các nhà máy công nghiệp. Nếu sử dụng nước không được lọc đúng cách hoặc không được đun sôi có thể gây tiêu chảy và nhiều bệnh khác.

    Hiện nhà chức trách Kabul đang đẩy mạnh các nỗ lực nhằm tăng khả năng kết nối của mạng lưới đường ống nước và cải thiện các điều kiện vệ sinh dịch tễ. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện còn chậm chạp do nhu cầu về nước ngày càng gia tăng tại Kabul, một trong những thành phố có tốc độ tăng dân số nhanh nhất trên thế giới.

 

Thu Hằng

Ý kiến của bạn