Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 17/07/2024

10 câu chuyện môi trường thế giới nổi bật năm 2016

10/02/2017

   Nhìn lại năm 2016, bức tranh môi trường thế giới có những gam màu ấn tượng, với sự hồi sinh của một số loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng; các khu bảo tồn biển được xây dựng; các quốc gia nỗ lực trong cuộc chiến chống lại tình trạng săn bắn trái phép động vật hoang dã (ĐVHD)… Dưới đây là 10 câu chuyện môi trường nổi bật của thế giới năm 2016 được tổng hợp từ trang tin Mongabay.com.

   1 Hồi sinh một số loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng

   Trong năm qua, nỗ lực bảo tồn các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu đạt được kết quả quan trọng. Đầu tiên là bảo tồn thành công loài cáo đảo - một loài cáo nhỏ sống tại các vùng bờ biển lân cận của California (Mỹ), có lông màu xám ở phần đầu, màu đỏ hồng trên mặt. Số lượng loài cáo đảo đang bị suy giảm nhanh chóng do hoạt động săn bắt của con người và bị một số loài động vật săn mồi ăn thịt. Chính phủ Mỹ đã tiến hành các hoạt động bảo tồn loài cáo đảo và nhờ những nỗ lực này, quần thể cáo đảo đã tăng đáng kể. Tháng 8/2016, Cơ quan Dịch vụ Cá và ĐVHD Mỹ đã công bố, 3 trong số 6 phân loài cáo đảo đã ra khỏi Danh sách các loài động vật bị đe dọa tuyệt chủng ở Mỹ.

   Ngoài loài cáo đảo, một loài động vật khác tại California cũng không còn nằm trong diện có nguy cơ tuyệt chủng đó là ếch núi chân vàng. Với nỗ lực phục hồi quần thể quý hiếm này, các nhà khoa học Mỹ đã gây giống thành công loài động vật lưỡng cư trên. Số lượng ếch đã tăng 7 lần so với 20 năm trước. Bên cạnh đó, một số loài động vật có nguy cơ “biến mất” khỏi Trái đất thì nay đã được hồi sinh như gấu trúc khổng lồ Trung Quốc (trước đây thuộc nhóm nguy cấp trong Sách đỏ thế giới, nay đã chuyển sang nhóm dễ bị tổn thương); linh dương Tây Tạng (từ nguy cấp sang bị đe dọa).

 

Hai cá thể cáo đảo được tìm thấy tại đảo Santa Cruz (California)

 

   2. Nhiều khu bảo tồn biển được xây dựng

   Bảo vệ đại dương đã được các nước quan tâm thông qua việc xây dựng một số khu bảo tồn (KBT) biển. Chính phủ Malaixia đã quyết định xây dựng công viên hải dương Tun Mustapha (tỉnh Borneo) với diện tích gần 1 triệu ha, nhằm bảo tồn các quần thể động, thực vật biển phong phú như rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và các loài tôm, cá… Tháng 9/2016, Mỹ cũng tuyên bố thành lập KBT đầu tiên ở Đại Tây Dương, với diện tích khoảng 12.700 km2, KBT gồm 2 khu vực: khu đầu tiên chạy dọc thềm lục địa nhằm bảo vệ các rạn san hô, hải quỳ và bọt biển; khu vực thứ hai để bảo vệ 4 dãy núi lửa ở đáy biển... Đặc biệt, 24 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) đã đồng thuận thiết lập KBT biển lớn nhất thế giới, với diện tích khoảng 1,5 triệu km2 tại biển Ross, thuộc Nam Cực. Dự kiến, KBT này sẽ chính thức đi vào hoạt động trong tháng 12/2017 và là nơi cư trú của 10.000 loài sinh vật biển.

 

Hệ sinh thái san hô tại Công viên hải dương Tun Mustapha

 

   3. Phát hiện loài cây nhiệt đới cao nhất thế giới

   Tại Malaixia, trong khi thực hiện các chuyến bay thám hiểm nhằm đánh giá đa dạng sinh học rừng Sabah (đảo Borneo), các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Carnegie (Đại học Stanford) đã phát hiện khoảng 50 cây nhiệt đới cao nhất thế giới với chiều cao khoảng 94,1 m, mỗi vòm cây có đường kính khoảng 40,3 m. Theo các nhà khoa học, những cây này thuộc về chi Shorea (Shorea có khoảng 196 loài khác nhau), thường phân bố từ miền Bắc Ấn Độ đến Malaixia, Philipin và Inđônêxia. Việc phát hiện ra loài cây này có ý nghĩa quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc lưu giữ nguồn gen và bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học của rừng nguyên sinh.

 

 

   4. Đẩy mạnh cuộc chiến chống nạn buôn bán trái phép ngà voi

   Tại Hội nghị Bảo tồn thiên nhiên thế giới do Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tổ chức vào tháng 9/2016 ở Hawai (Mỹ), các nước đã thông qua nghị quyết đóng cửa các thị trường ngà voi nội địa hợp pháp. Đây được xem là bước ngoặt, đánh dấu sự thành công của IUCN trong việc kêu gọi các quốc gia trên thế giới ngăn chặn hoạt động buôn bán ngà voi. Trong năm qua, nhiều quốc gia đã ban hành chính sách để ngăn chặn nạn buôn bán ngà voi, cụ thể, Mỹ đã cấm gần như hoàn toàn mọi hoạt động xuất - nhập khẩu, mua bán ngà voi và các sản phẩm chế tạo từ ngà voi… Chính phủ Hồng Kông cũng đưa ra Kế hoạch chấm dứt hoàn toàn thị trường ngà voi trong nước trong vòng 5 năm tới và đang xem xét tăng hình phạt tối đa cho hoạt động buôn lậu và kinh doanh trái phép các loài bị đe dọa từ 5 triệu HKD (0,6 triệu USD) với 2 năm tù lên 10 triệu HKD (1,3 triệu USD) và 10 năm tù giam.

 

Các sản phẩm trang sức được làm từ ngà voi

 

   5. Quyết tâm hạn chế tình trạng buôn bán các loài hoang dã

   Trước tình hình gia tăng các loài hoang dã nguy cấp trên thế giới bị buôn bán bất hợp pháp, tại Hội nghị lần thứ 17 (CoP 17) các nước thành viên của CITES được tổ chức tại Johannesburg, Nam Phi, Chính phủ các nước đã biểu quyết nhiều nội dung để ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép các loài động, thực vật hoang dã. Cụ thể, các nước đã đưa 300 loài gỗ trắc vào Phụ lục II (Hạn chế buôn bán quốc tế vì mục đích thương mại) của Công ước CITES. Đồng thời, các nước cũng thông qua lệnh cấm tất cả các hoạt động đánh bắt, buôn bán vẹt xám châu Phi, tê tê và đưa vào Phụ lục I (cấp độ bảo vệ cao nhất) của Công ước CITES. Ngoài ra, các nước cũng đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ loài khỉ Barbary, loài linh trưởng hoang dã duy nhất còn sót lại của châu Âu. 

 

Tê tê cây là một trong 8 loài tê tê quý hiếm trên thế giới

 

   6 Cộng đồng nỗ lực bảo tồn rừng

   Trên thế giới đã có nhiều mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ rừng và các loài động, thực vật hoang dã thành công. Tại Ấn Độ, trước đây, người dân ở quận Kamrup, bang Assam (Ấn Độ) cho rằng, chim Già đẫy lớn là một loài chim xấu xí, bẩn thỉu vì chúng ăn thịt, rác thải và những thứ bỏ đi từ hoạt động giết mổ động vật. Họ thường đốn hạ những cây có tổ của loài chim này để chúng không thể sinh sản. Các nhà sinh vật học đã thuyết phục cộng đồng cư dân bản địa ngừng việc chặt cây rừng để bảo vệ loài chim già đẫy lớn quý hiếm. Bên cạnh đó là câu chuyện về cộng đồng người dân làng Wiwa ở Côlômbia được mua đất xung quanh Vườn quốc gia (VQG) Sierra Nevada de Santa Marta và vận dụng truyền thống văn hóa, tập quán vào việc quản lý VQG. Tại TP. Palangkaraya, Inđônêxia, một người dân đã được mua đất và tái trồng rừng trên diện tích đất đã thoái hóa. Điều này đã giúp phục hồi 18 ha đất rừng và gìn giữ môi trường sống cho các loài ĐVHD.

 

Một con chim già đẫy lớn bị rơi khỏi tổ được người dân cứu sống

 

   7 Cảnh báo nguy cơ tuyệt chủng đối với loài khỉ đột tại Côngô

   Việc săn bắt trái phép tại Côngô đã làm cho 70% loài khỉ đột biến mất chỉ trong 2 thập kỷ qua và đẩy loài này tới bờ vực tuyệt chủng. Số lượng loài này đã giảm từ 17.000 cá thể trong năm 1994 xuống còn khoảng 4.000 con. Đây là loài linh trưởng lớn nhất với trọng lượng lên đến khoảng 200 kg/con. Vì vậy, Thống đốc tỉnh Nam Kivu đã chính thức phê duyệt ranh giới của KBT Itombwe, nơi cuối cùng còn có loài khỉ đột quý hiếm này sinh sống. Đây cũng là nơi có hơn 750 loài động vật và hơn 1.000 cây, trong đó có ít nhất 53 loài bị đe dọa trên toàn cầu.

 

Loài khỉ đột ở Cộng hòa Dân chủ Côngô (DRC) được đưa vào Danh sách đỏ IUCN về các loài bị đe dọa tuyệt chủng

 

   8 Bảo tồn và khôi phục vùng đất than bùn

   Trước những ảnh hưởng về môi trường và sức khỏe của những đám cháy rừng trên vùng đất than bùn trong năm 2015, Chính phủ Inđônêxia đã ban hành các quy định về bảo vệ và phục hồi các vùng đất than bùn, như siết chặt các hoạt động cấp phép đối với việc trồng dầu cọ, khai thác mỏ và từ chối việc thành lập các đồn điền ở các khu rừng. Đồng thời, thiết lập khu vực cần bảo vệ, lập bản đồ vùng đất than bùn trên khắp đất nước (ước tính khoảng 2,5 triệu ha) và tiến hành ngăn chặn các đối tượng (chủ yếu là các công ty khai thác dầu cọ) lợi dụng cháy rừng để thu lợi riêng. Ngoài ra, Inđônêxia cũng đang tích cực tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT, bảo vệ rừng.

 

 

   9. Ban hành lệnh cấm khoan dầu khí ở Bắc Cực và Đại Tây Dương

   Tổng thống Barack Obama đã ban hành lệnh cấm khoan dầu khí tại các vùng biển Chukchi và Beaufort (Bắc Cực) và vùng biển Đại Tây Dương. Nơi đây có nhiều loài hải sản quý hiếm như cá voi vây, hải mã Thái Bình Dường, gấu Bắc Cực... Lệnh cấm này nhằm bảo vệ văn hóa bản địa, bảo vệ các lộ trình di cư của ĐVHD, tránh nguy cơ tổn thương môi trường sống của sinh vật dưới đáy biển và hệ sinh thái biển của Bắc Cực trong trường hợp xảy ra sự cố tràn dầu tại khu vực này. Canada cũng công bố một lệnh cấm khoan thăm dò tại tất cả các khu vực thuộc chủ quyền của nước này ở Bắc Băng Dương với thời hạn là 5 năm. Những hành động quyết liệt của Mỹ và Canada nhằm bảo vệ biển khỏi những rủi ro lớn về sự cố tràn dầu và nếu bị xảy ra rất khó có thể khắc phục do điều kiện khắc nghiệt. 

 

Tổng thống Mỹ Barack Obama ban hành lệnh cấm khoan dầu khí ở các vùng biển thuộc Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương

 

   10. Phát hiện nhiều loài sinh vật mới

   Trong bối cảnh số lượng các loài tuyệt chủng ngày càng tăng, thì sự phát hiện thêm những loài mới có ý nghĩa tích cực. Năm 2016, các nhà khoa học đã phát hiện hàng nghìn loài động, thực vật như 13 loài nhện, 1 loài cá voi, 1 loài cua, 3 loài vượn cáo chuột, 1 loài lan mặt quỷ… Trong đó có nhiều loài đang bị đe dọa tuyệt chủng bởi nạn săn bắt, buôn bán ĐVHD bất hợp pháp, môi trường sống bị phá hủy và bị bệnh như loài trăn bạc tại Bahamas; loài kỳ nhông tí hon trên núi Oaxaca (Mêhicô)…

 

Nhện công là một trong số những loài mới được phát hiện 

Phương Linh (Tổng hợp)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2017

 

 

Ý kiến của bạn