Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 17/07/2024

Ô nhiễm không khí - nguy cơ gây tử vong cao cho trẻ em

06/09/2017

   Theo Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí độc hại, chất lượng nước không an toàn và thiếu vệ sinh là nguyên nhân hàng đầu gây ra 1/4 số ca tử vong cho trẻ em dưới 5 tuổi.

   TS. Margaret Chan - Tổng giám đốc WHO cho biết: "Môi trường ô nhiễm là một trong những nguyên nhân gây tử vong, đặc biệt đối với trẻ nhỏ, làm chết 1,7 triệu trẻ em mỗi năm. Các bộ phận cơ thể và đường hô hấp còn nhỏ, chưa phát triển đầy đủ làm cho trẻ em dễ bị tổn thương bởi không khí và nước ô nhiễm".

   Nguy hại từ ô nhiễm không khí có thể bắt đầu ngay từ trong bụng mẹ và làm tăng nguy cơ sinh non. Sau khi sinh, ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ viêm phổi, nguyên nhân chính gây tử vong cho trẻ em dưới 5 tuổi và các bệnh phổi kéo dài như hen. Đồng thời, cũng có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim, đột quỵ và ung thư trong cuộc sống sau này.

   Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra hàng triệu ca sinh non hàng năm

   Các nhà khoa học của Viện Môi trường Stốckhôm (SEI), Đại học York (Canada) gần đây đã công bố một nghiên cứu liên quan đến ô nhiễm không khí ngoài trời, theo đó, trong năm 2010, khoảng 2,7 triệu trường hợp sinh non trên toàn cầu. 18% trong tất cả các trường hợp trẻ sinh thiếu tháng có nguyên nhân là do người mẹ phơi nhiễm không khí. Ô nhiễm có hàm lượng bụi mịn (PM2.5) cao. PM2.5 đặc biệt có hại cho sức khỏe con người, vì nó có thể thâm nhập sâu vào phổi. Việc giải quyết các nguồn phát sinh PM2.5 chính như động cơ diesel, phương tiện giao thông, đốt chất thải nông nghiệp có thể cứu sống trẻ sơ sinh và cải thiện sức khỏe cộng đồng.

Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra 2,7 triệu ca sinh non trên toàn cầu

   Khi trẻ sơ sinh chào đời thiếu tháng (dưới 37 tuần tuổi), nguy cơ tử vong và khuyết tật về thể chất, thần kinh ngày càng gia tăng. Trong năm 2010, ước tính có 14,9 triệu trường hợp sinh thiếu tháng (khoảng 4 - 5 % ở một số nước châu Âu, 15 - 18% ở một số nước châu Phi và Nam Á). Có nhiều nguyên nhân gây nguy cơ sinh non, từ độ tuổi người mẹ, bệnh tật đến nghèo đói và các yếu tố xã hội khác. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, tiếp xúc với không khí ô nhiễm cũng có thể là một nguy cơ gây bệnh.

   Một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Environmental International lần đầu tiên định lượng tác động mang tính toàn cầu, khi phân tích dữ liệu về ô nhiễm không khí ở các nước khác nhau và mức độ ảnh hưởng khác nhau của không khí ô nhiễm đều có liên quan đến tỷ lệ sinh non.

   Kết quả nghiên cứu của SEI, Đại học York cho thấy, không khí ô nhiễm có thể gây hại không chỉ cho những người hít thở không khí trực tiếp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi trong bụng mẹ. Sinh non liên quan đến phơi nhiễm này không chỉ gây tử vong ở trẻ sơ sinh, mà còn có thể để lại những ảnh hưởng sức khỏe lâu dài đối với những người sống sót.

   Tỷ lệ sinh non liên quan đến ô nhiễm PM2.5 lớn nhất là tại các nước Nam Á và Đông Á, với khoảng 75% tổng số toàn cầu. Riêng Ấn Độ chiếm khoảng 1 triệu trong tổng số 2,7 triệu ước tính toàn cầu, Trung Quốc khoảng 500.000 trường hợp. Ở châu Phi cận Sahara và khu vực Bắc Phi/Trung Đông cũng có số lượng cao, sự phơi nhiễm ở các khu vực này có phần đóng góp lớn từ bụi sa mạc. Những bà mẹ đang mang thai ở nhiều nơi khác cũng bị phơi nhiễm với mức độ ô nhiễm không khí trong nhà cao do khói từ bếp nấu ăn. Để giảm lượng PM2.5 phát sinh, cần kiểm soát nhiều nguồn khác nhau, nhưng ở nhiều nước đang phát triển, một số nguồn phát thải chiếm ưu thế, bao gồm nấu ăn bằng nhiên liệu sinh khối (liên quan đến ô nhiễm trong nhà), động cơ diesel, các phương tiện giao thông và đốt chất thải nông nghiệp trên đồng ruộng.

   Ô nhiễm không khí gây tử vong cho trẻ sơ sinh

   Các báo cáo của WHO đánh giá tổng quan về ảnh hưởng của không khí ô nhiễm cho thấy, khoảng 570.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong hàng năm do các bệnh nhiễm trùng hô hấp như viêm phổi, trong khi 361.000 trẻ em chết vì tiêu chảy do nguồn nước bị ô nhiễm và thiếu điều kiện vệ sinh an toàn. WHO ước tính, từ 11 - 14% trẻ em từ 5 tuổi trở lên được ghi nhận có các triệu chứng hen suyễn, trong đó gần 1/2 các trường hợp liên quan đến ô nhiễm không khí. Điều đó cũng cho thấy, nhiệt độ ấm hơn và nồng độ CO2 trong không khí liên quan đến biến đổi khí hậu làm cho bệnh hen suyễn trở nên tồi tệ hơn.

Học sinh đeo khẩu trang phòng tránh ô nhiễm không khí tại một trường học ở Bắc Kinh, Trung Quốc

   Tháng 10/2016, Báo cáo đánh giá về việc trẻ em tiếp xúc với không khí ô nhiễm trên toàn cầu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã ước tính, gần 90% (2 tỷ trẻ em) đang sống ở những nơi ô nhiễm không khí ngoài trời vượt quá giới hạn của WHO, trong đó 300 triệu trẻ em sống ở những khu vực bị ô nhiễm không khí cực đoan, nơi khí độc hại cao gấp 6 lần nồng độ quy định an toàn sức khỏe.

   Tháng 5/2016, WHO tuyên bố tình trạng ô nhiễm không khí trên toàn thế giới đang gia tăng với tỷ lệ đáng báo động, hầu hết các TP ở các quốc gia nghèo đều bị ô nhiễm không khí và hơn 1/2 số TP ở các nước có kinh tế phát triển cũng chịu cảnh tương tự. Nghiên cứu vào năm 2015 cho thấy, ô nhiễm không khí ngoài trời là một trong những mối đe dọa nguy hại nhất đối với sức khỏe cộng đồng, làm chết hơn 3 triệu người mỗi năm, nhiều hơn cả số người chết do sốt rét và HIV/AIDS cộng lại.

                Hoàng Dương
(Theo tài liệu của WHO)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2017

Ý kiến của bạn