Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Phát triển du lịch bền vững - Nhìn từ khía cạnh bình đẳng giới

12/04/2022

    Một trong những nguyên tắc của phát triển du lịch bền vững (DLBV) đó là thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương, sự tư vấn của các nhóm quyền lợi và cộng đồng. Trong đó, vấn đề bình đẳng giới và cơ hội công việc bình đẳng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển du lịch và hỗ trợ cuộc sống cho cộng đồng địa phương.

1. Nhận diện tình trạng bất bình đẳng trong ngành dịch vụ du lịch

Định kiến giới (Gender Stereotyping)

    Luật Bình đẳng giới của nước CHXHCN Việt Nam đã nêu rõ, định kiến giới là nhận thức, thái độ và cách đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ. Chính vì vậy, định kiến giới gây áp lực cho cả nam lẫn nữ, đặc biệt là phụ nữ. Cho dù định kiến giới có thể hiện diện bằng nhiều gương mặt, đường nét, sắc màu nhưng hệ lụy chung của nó vẫn là sự phân biệt nam nữ và theo đó là sự bất bình đẳng mà sự thua thiệt vẫn nghiêng về những người phụ nữ. Trên thực tế, quan niệm gắn vai trò và giá trị mặc định cho phụ nữ là người chăm sóc gia đình và nam giới là trụ cột kinh tế trong gia đình và xã hội, đang tạo ra rào cản trong việc tiếp cận cơ hội việc làm và kinh tế cho cả phụ nữ cũng như nam giới.

    Trong ngành công nghiệp du lịch, đặc thù lao động thường gắn với các đặc điểm như: 1) Tất cả các bộ phận trong hoạt động kinh doanh khách sạn, nhà hàng, lữ hành đều có quan hệ mật thiết với nhau; 2) Thời gian làm việc của ngành Du lịch phụ thuộc vào thời gian, đặc điểm tiêu dùng của khách, vì vậy người lao động thường làm việc vào cuối tuần, vào ngày lễ, tết và có thể làm đêm; 3) Tỷ lệ lao động trẻ, lao động nữ, lao động thời vụ trong ngành Du lịch cao hơn các ngành khác; 4) Cường độ lao động ở một số bộ phận có thể không cao nhưng thường phải chịu áp lực tâm lý lớn do thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều loại đối tượng có tuổi tác, giới tính, trình độ, nghề nghiệp, quốc tịch, thói quen tiêu dùng khác nhau, bất đồng về ngôn ngữ; 5) Lao động trong ngành Du lịch, kinh doanh du lịch cần nhiều lao động có kỹ năng cao về các nghiệp vụ khác nhau, yêu cầu người lao động phải liên tục nâng cao trình độ và hoàn thiện kỹ năng nghiệp vụ.

    Theo đó, trong xã hội, nghề du lịch với các vị trí khác nhau như hướng dẫn viên du lịch, lễ tân, nhân viên nhà hàng, nhân viên buồng, nhân viên massage… luôn chịu nhiều áp lực bởi những định kiến xã hội như: đây là những công việc quá nhạy cảm (thậm chí là không đứng đắn); nghề du lịch quá nặng nhọc, chỉ dành cho nam giới; phụ nữ chỉ nên làm việc gia đình, làm nghề dịch vụ sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc, hôn nhân gia đình; nghề yêu cầu quá nhiều về thời gian và sức lực của người lao động; phụ nữ chỉ làm được nghề này khi còn trẻ, chưa có gia đình…

    Ngoài ra, với đặc thù là áp lực công việc nặng nề, “làm dâu trăm họ”, lại thường hay phải đi sớm về muộn, có nhiều mối quan hệ rộng, điều này không tránh khỏi những nghi kị về công việc của người làm việc trong lĩnh vực du lịch. Với nhiều người lớn tuổi, hoặc thậm chí với nhiều vùng miền còn coi đây là nghề “phục vụ”, lẽ ra với tấm bằng đại học thì không nên làm nghề “phục vụ” mà phải làm những nghề có vị trí xã hội cao hơn, được người khác “phục vụ”, cung phụng…

Tình trạng phân cấp trong phụ nữ (The Hierarchical Status of Women)

    Với nhiều doanh nghiệp, việc lựa chọn lao động nam hay nữ vẫn còn khoảng cách khá lớn. Theo khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam trên một số cổng thông tin việc làm lớn nhất Việt Nam thì có tới 20% các quảng cáo tuyển dụng yêu cầu hoặc ưu tiên giới tính nhất định. Trong đó, 70% các quảng cáo chỉ tuyển dụng nam, 30% doanh nghiệp chỉ muốn người lao động là nữ giới bởi hàng trăm lí do khác nhau mà mặc nhiên qua đó người phụ nữ gặp nhiều khó khăn trong quá trình nộp đơn tuyển dụng…

    Trong quá trình làm việc tại các doanh nghiệp du lịch, việc phân cấp vai trò của phụ nữ được thể hiện một cách khá rõ ràng. Tình trạng này diễn ra giữa những người phụ nữ có nhan sắc và những người không có nhan sắc hoặc ngoại hình khiêm tốn. Bên cạnh đó là sự phân biệt giữa những người có trình độ học vấn cao, có khả năng ngoại ngữ tốt với những người còn hạn chế về bằng cấp và không có ngoại ngữ. Nhiều công ty xác định chỉ cân nhắc một tỷ lệ nhỏ phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo, quản lý, còn lại đa số vào các vị trí như: nhân viên kinh doanh, hướng dẫn viên các đoàn nhiều khách nam, nhân viên hỗ trợ bộ phận sales và marketing trong việc kí kết hợp đồng, điều hành du lịch, telesales… (tại các công ty du lịch); phục vụ buồng, massage, phục vụ nhà hàng, nhân viên bán hàng, phụ bếp… (tại các khách sạn); lễ tân, chuyên viên văn phòng… (tại các công sở, văn phòng du lịch).

Quấy rối tình dục (Sexual Harassment)

    Khi một hướng dẫn viên du lịch, một lễ tân, một nhân viên buồng/bàn/bar, một tiếp viên hàng không xuất hiện, cô ấy trông thật xinh đẹp trong bộ đồng phục, giày cao gót và lớp trang điểm phù hợp. Tuy nhiên, có nhiều ảo tưởng khó xóa bỏ trong quan niệm thông thường về ngành công nghiệp này, bên cạnh vẻ hào nhoáng đó, nghề du lịch không phải con đường trải hoa hồng, những người trong ngành phải đối mặt với nhiều điều tiêu cực, trong đó có nạn quấy rối tình dục (QRTD)…

Việc làm không chính thức (Informal Employment)

    Cùng với sự tăng trưởng của ngành công nghiệp du lịch, các doanh nghiệp trong nhóm ngành dịch vụ, bao gồm: lữ hành, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống đang ráo riết tuyển dụng nguồn nhân lực trẻ và chất lượng. Nhiều vị trí việc làm với tên gọi hấp dẫn đã xuất hiện như một phương thức kêu gọi sự tham gia của lực lượng lao động này. Tuy nhiên, thực tế trong quá trình làm việc, sự bất bình đẳng trong phân công lao động lại thường xuyên diễn ra, thậm chí nhiều người được phân công những vị trí việc làm không giống như mô tả vị trí công việc hoặc việc làm không chính thức. Chẳng hạn, nhiều lễ tân sẽ đảm nhiệm thêm nhiệm vụ phụ trách các khoản thu, chi, mua sắm, hỗ trợ nhà bàn, dọn dẹp buồng khi cần thiết; hướng dẫn viên du lịch (đặc biệt là hướng dẫn viên nữ) ngoài công tác thuyết minh, hướng dẫn, tổ chức chuyến đi còn đảm nhiệm nhiều công việc khác như chăm sóc khách hàng, tiếp khách…

Khiêu dâm hóa lao động (Eroticization of Labour)

    Với nhiều doanh nghiệp du lịch, việc “khiêu dâm hóa lao động” khi yêu cầu nhân viên, đặc biệt nhân viên nữ phải mặc trang phục nhạy cảm, hở hang, phản cảm trong quá trình làm việc đang diễn ra khá phổ biến…

2. Hướng tới thực hiện bình đẳng giới trong ngành dịch vụ du lịch

    Bình đẳng giới ở Việt Nam đã dần trở thành nội dung xuyên suốt trong triển khai hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, với nhiều thành tựu nổi bật được quốc tế đánh giá và ghi nhận, trong đó có ngành Du lịch. Phát triển bền vững gắn với giá trị bình đẳng đóng vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy và đảm bảo các giá trị bình đẳng và công bằng, cuối cùng sẽ đạt được mục tiêu về hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp và sự phát triển, thịnh vượng của nền kinh tế. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu bình đẳng giới trong phát triển bền vững, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn, hiệu quả hơn của cả hệ thống chính trị. Để hướng tới mục tiêu bình đẳng giới trong ngành Du lịch, một số giải pháp cần được cân nhắc như sau:

Nâng cao nhận thức của cộng đồng về giới và bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến về giới trong ngành dịch vụ du lịch

    Những cái nhìn thiên kiến, lệch lạc về vai trò của phụ nữ và quá trình phụ nữ làm các vị trí nghề nghiệp khác nhau trong lĩnh vực du lịch cần được thay đổi trong xã hội ngày nay. Các nghiên cứu và thực tiễn đã chứng minh, giữa phụ nữ và nam giới chỉ có sự khác biệt về mặt sinh học chứ không có sự khác biệt về mặt xã hội. Mặc dù vậy nhưng khẳng định này chưa phải đã hoàn toàn được chấp nhận trong xã hội. Giáo dục về giới và bình đẳng giới chưa được lồng ghép rõ nét trong chương trình giáo dục chính thống của  hệ thống giáo dục quốc dân, cũng chưa được thực hiện một cách thường xuyên, phủ khắp trong cộng đồng. Nhận thức về giới và bình đẳng giới chủ yếu thông qua các kênh dự án tài trợ dưới hình thức tập huấn, hội thảo, các chiến dịch tuyên truyền ngắn do đó hiệu quả không cao, đối tượng tiếp cận bị thu hẹp, nhận thức vấn đề còn sơ lược nếu như không nói là nông cạn…

    Để khắc phục những hạn chế này, cần phải thay đổi, cải tiến hình thức tuyên truyền giáo dục về giới và bình đẳng giới. Nhất thiết phải có sự phối hợp đồng bộ giữa ba môi trường giáo dục, nhà trường, gia đình và xã hội, những nơi mà định kiến giới đang tồn tại. Định kiến giới tác động đến mọi đối tượng, không phân biệt tuổi tác, giới tính, hoàn cảnh sống. Theo đó, muốn xóa bỏ định kiến giới phải xem giáo dục bình đẳng giới là một trong những nội dung giáo dục chính và được lồng ghép trong chương trình của các cấp học, từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học. Trường học là nơi thuận lợi và có điều kiện để xây dựng một  môi trường bình đẳng nói chung và bình đẳng giới nói riêng tốt nhất và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, việc giáo dục bình đẳng giới trong nhà trường sẽ không thành công nếu thiếu sự tương tác tích cực của giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

    Ngoài ra, bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch cũng cần có thêm một nội dung liên quan đến nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng về hình ảnh người phụ nữ làm việc trong lĩnh vực du lịch để xã hội, du khách thêm tin tưởng, tin yêu và bảo vệ phụ nữ làm nghề du lịch.

Cải thiện kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ nhằm tăng quyền, nâng cao vị thế cho phụ nữ

    Ở Việt Nam và ở rất nhiều quốc gia khác trên thế giới, phụ nữ ít được tiếp cận với các quyền và cơ hội hơn nam giới. Để thay đổi sự bất cân bằng đó và để nỗ lực hướng tới bình đẳng giới, phụ nữ cần được nâng cao vị thế. Theo đó, nâng cao vị thế cho phụ nữ là kết quả tổng hợp của những thay đổi ở ba khía cạnh: kiến thức, kỹ năng và năng lực của phụ nữ (cá nhân), ví dụ thông qua nâng cao nhận thức hoặc tạo dựng sự tự tin; các chuẩn mực xã hội, phong tục tập quán, thể chế, và chính sách (cấu trúc), ví dụ đưa ra các luật mới để thúc đẩy bình đẳng giới; mối quan hệ quyền lực giữa các cá nhân (mối quan hệ), ví dụ qua sự thay đổi trong việc kiểm soát các nguồn lực hộ gia đình giữa các thành viên trong gia đình.

    Mỗi khía cạnh này đều phụ thuộc lẫn nhau, cùng tác động lên khả năng tiếp cận tới quyền và cơ hội bình đẳng của phụ nữ. Việc nâng cao vị thế cho phụ nữ có thể được hỗ trợ bởi những can thiệp đóng góp vào sự thay đổi trong từng khía cạnh của ba khía cạnh này.

    Việc nâng cao vị thế cần được xuất phát từ nội lực, phụ nữ cần tự nâng cao vị thế cho bản thân mình. Tuy nhiên, điều không kém quan trọng là nam giới và trẻ em trai cũng phải đóng vai trò tích cực trong việc nâng cao vị thế của phụ nữ và phối hợp với phụ nữ để thay đổi cơ cấu và quan hệ quyền lực hướng tới bình đẳng giới, nếu không thì các nỗ lực sẽ không bền vững được. 

Xây dựng khung điều luật lao động đặc thù nhằm đảm bảo quyền lợi của phụ nữ trong quá trình làm nghề du lịch

    Nhân viên du lịch cũng là những người lao động như bất kỳ lĩnh vực ngành nghề nào khác. Trong khi đó, pháp luật là ý chí của nhân dân, pháp luật lao động phải mang tiếng nói của người lao động, trong đó có người lao động làm việc trong ngành Du lịch. Để đảm bảo thực hiện bình đẳng giới, chống xâm hại, quấy rối tình dục hoặc khiêu dâm hóa hình ảnh người phụ nữ làm việc trong ngành Du lịch, đã đến lúc Luật Lao động, Luật Du lịch có thêm những điều khoản riêng nhằm đảm bảo quyền lợi của người phụ nữ trong quá trình làm nghề.

    Với các doanh nghiệp du lịch (công ty lữ hành, khách sạn, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ bổ sung…), đạo đức kinh doanh là một tập hợp những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực đạo đức hoặc luật lệ có tác dụng chỉ dẫn, điều chỉnh và kiểm soát hành vi nhằm bảo đảm chuẩn mực và sự trung thực trong hoạt động của chủ thể kinh doanh. Với tư cách là một dạng đạo đức nghề nghiệp mang tính đặc thù cao vì gắn liền với các lợi ích kinh tế, đạo đức kinh doanh chính là phạm trù đạo đức được vận dụng vào hoạt động kinh doanh nhưng nó không tách rời nền tảng của nó là đạo đức xã hội chung và phải chịu sự chi phối bởi một hệ giá trị và chuẩn mực đạo đức xã hội. Nguyên tắc tôn trọng con người đòi hỏi chủ thể kinh doanh phải tôn trọng phẩm giá, quyền lợi chính đáng (lương, bảo hiểm, hưu trí, các chế độ chính sách); bảo đảm an toàn lao động (đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm du lịch, môi trường làm việc thân thiện an toàn); tạo điều kiện phát triển về thể lực và trí tuệ của đội ngũ nhân viên trong doanh nghiệp ở các cấp khác nhau; mở rộng dân chủ và khuyến khích phát huy sáng kiến, cải tiến công nghệ; tôn trọng nhu cầu, sở thích và tâm lý khách hàng; cạnh tranh lành mạnh và công bằng với đối thủ cạnh tranh, thúc đẩy không khí vừa hợp tác vừa cạnh tranh lành mạnh; gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của khách hàng và xã hội, coi trọng hiệu quả kinh doanh gắn với trách nhiệm xã hội…

PGS.TS. Phạm Hồng Long1

ThS. Nguyễn Việt Hoàng2

1Trường Đại học KHXH và NV Hà Nội

2Trường Đại học Hồng Đức

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số Chuyên đề Tiếng Việt I/2022)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ngô Liên Hương. (2018, Jan 27). Định kiến giới - 'Rào cản' cần xóa bỏ trong tiến trình thực hiện Bình Đẳng giới. Retrieved Feb 25, 2019, from Phunudanang.gov.vn: http://phunudanang.org.vn/vn/1734-dinh-kien-gioi-rao-can-can-xoa-bo-trong-tien-trinh-thuc-hien-binh-dang-gioi.html

2. Trần Thị Kim Xuyến. (2011). Tài liệu giảng dạy "Giới và các vấn đề xã hội". Hà Nội.

3. Trần Thị Minh Đức. (2009, Apr 28). Định kiến và áp lực xã hội đối với nữ tri thức. Retrieved Feb 25, 2019, from http://hcmussh.edu.vn: http://hcmussh.edu.vn/?ArticleId=2964c414-69f7-4bae-95c9-97f9a7b203e4...

Ý kiến của bạn