Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Phân tích kinh tế phương thức quản lý cầu nước sinh hoạt tại đô thị Hà Nội

26/04/2021

Tóm tắt

     Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, việc chuyển hướng từ quản lý cung cấp nước (Water Supply Management - WSM) sang quản lý cầu về nước (Water Demand Management - WDM) giữ một vai trò quan trọng trong chiến lược quản lý nguồn nước ngọt đang ngày càng khan hiếm. Phương thức quản lý cầu về nước sinh hoạt đô thị đã được chứng minh là một phương thức quản lý rất hiệu quả trong bối cảnh nhiều khó khăn trong hoạt động cấp nước sinh hoạt cho đô thị. Bài báo đã đề xuất cách tiếp cận phân tích kinh tế đối với phương thức quản lý cầu nước sinh hoạt đô thị gồm 6 bước phù hợp với điều kiện Việt Nam. Sau khi phân tích thực hiện nghiên cứu ứng dụng quy trình phân tích kinh tế đối với phương thức quản lý cầu nước sinh hoạt đô thị trên địa bàn đô thị Hà Nội. Bài báo này đã phân tích, tổng hợp được các kịch bản nghiên cứu với kịch bản WDM và kịch bản cơ sở, trong đó giải pháp ​​của kịch bản WDM bao gồm: tăng giá nước; thúc đẩy các chương trình chống rò rỉ thất thoát nước. Bài báo đã phân tích tổng hợp được các lợi ích và chi phí của việc thực hiện phương thức WDM  so với việc không thực hiện phương thức quản lý này tại đô thị Hà Nội trong giai đoạn 2010-2025. Các loại lợi ích và chi phí được đánh giá bao gồm (1) tiết kiệm chi phí vận hành cung cấp nước; (2) lợi ích sử dụng trực tiếp từ nước; (3) giảm chi phí điện năng để cung cấp nước và xử lý nước thải, (4) chi phí xử lý nước thải, (5) tăng các giá trị sử dụng gián tiếp thông qua việc giảm lượng nước được lấy từ hệ sinh thái; (6) giảm lượng phát thải khí nhà kính, (7) chi phí cho chương trình tăng giá nước, (8) chi phí quản lý chống thất thoát nước. Tổng hợp tất cả các lợi ích và chi phí trong giai đoạn 2010-2025, nghiên cứu  tính toán được giá trị hiện tại ròng (Net Present Value – NPV) của việc thực hiện giải pháp WDM ở các quận nội thành Hà Nội là 1.613.096 triệuVNĐ. Dựa vào phân tích đó, một số giải pháp có tính định hướng WDM được đề xuất tại đô thị Hà Nội.

Từ khóa: Quản lý cầu nước, nước sinh hoạt đô thị, phân tích kinh tế

1. Giới thiệu

    Quản lý cầu nước (WDM) nhằm tác động đến nhu cầu nước để đạt được mức tiêu thụ công bằng, hiệu quả và bền vững (Duane D. Baumann, 1997). WDM sử dụng các kỹ thuật, các chính sách, giải pháp khác nhau về quy định, công nghệ, kinh tế, giáo dục truyền thông hướng đến sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và bền vững như: chính sách giá khối tăng dần; chương trình tăng giá nước; chương trình phát hiện rò rỉ thất thoát nước, dịch vụ tư vấn khách hàng, sử dụng các biện pháp khuyến khích để lắp đặt trang bị các thiết bị tiết kiệm nước, tái sử dụng nước, sử dụng nước mưa, hay các chương trình giáo dục tiết kiệm nước cho cộng đồng... Sự khan hiếm nước ngọt ngày càng gia tăng trên phạm vi toàn cầu đang gây ra nhiều áp lực cho công tác quản lý tài nguyên nước nói chung và nước sạch đô thị nói riêng. Nhằm đối phó với thực trạng này, việc chuyển hướng từ quản lý cung truyền thống sang quản lý cầu ở nhiều quốc gia đã giúp giảm bớt đáng kể nhiều áp lực lên các nguồn nước ngọt hữu hạn, góp phần sử dụng bền vững tài nguyên nước.

    Hà Nội là thủ đô của Việt Nam và là thành phố lớn thứ hai của đất nước. Dân số năm 2019 là 8 triệu người. Sự mở rộng địa giới hành chính của Hà Nội cùng với quá trình di dân tự do làm cho tốc độ gia tăng dân số 2,22% mỗi năm. Việc thoả mãn nhu cầu tiêu dùng nước sạch của người dân Hà Nội đang là một vấn đề nan giải, bởi nhiều lí do: thứ nhất, quá trình đô thị hóa và thách thức về sự gia tăng dân số đô thị Hà Nội làm tăng nhu cầu về sử dụng nước sạch; thứ hai, nhu cầu về chất lượng nước sạch ngày càng cao trong khi chất lượng nguồn cung suy giảm; thứ ba, hiện nay nước sạch đang bị lãng phí và thất thoát rất lớn lên tới 18% (HAWACO, 2020). Các nguyên nhân trên tác động rất lớn đến nhu cầu nước sạch trong tương lai, đòi hỏi Hà Nội phải thực  hiện các biện pháp quản lý nhằm đảm bảo sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn nước sạch hiện có.

     Với mong muốn cung cấp những dẫn liệu khoa học cho cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước tham khảo trong việc hoạch định các chính sách nhằm vừa bảo đảm quản lý, sử dụng nước bền vững, vừa có hiệu quả về kinh tế, chủ đề được lựa chọn nghiên cứu: “Phân tích kinh tế đối với quản lý cầu nước sinh hoạt: nghiên cứu trên địa bàn Hà Nội".

2. Phương pháp nghiên cứu

     Nghiên cứu sử dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu truyền thống bao gồm Phương pháp thu thập và tổng hợp tài liệu thứ cấp; Phương pháp dự báo nhu cầu sử dụng nước; Phương pháp điều tra bảng hỏi kết hợp với khảo sát thực tế; Phương pháp chuyên gia, và phương pháp nghiên cứu hiện đại bao gồm Phương pháp chuyển giao giá trị, Phương pháp phân tích chi phí - lợi ích (CBA) trên nguyên tắc đảm bảo tính tổng hợp, tính hệ thống, tính hiện đại và sự phù hợp. Trong đó phương pháp sử dụng chính là phương pháp CBA.

Phương pháp phân tích chi phí -  lợi ích (Cost Benefit Analysis - CBA)

     Phương pháp phân tích chi phí - lợi ích (CBA) là một phương pháp được sử dụng trong việc xác định, đánh giá và so sánh các chi phí và lợi ích kinh tế của việc thực hiện dự án, chương trình, chính sách (gọi tắt là dự án), nhằm cung cấp thông tin phục vụ quá trình ra quyết định.

     Phân tích chi phí - lợi ích đối với WDM, bên cạnh các chi phí - lợi ích trực tiếp khi thực hiện WDM (có giá thị trường) thì người phân tích còn quan tâm đến các chi phí - lợi ích gián tiếp (không có giá thị trường) như tác động môi trường, xã hội.

     Hiện nay chưa có một quy trình phân tích kinh tế tổng quát nào được xây dựng để đánh giá WDM, thay vào đó các nhà kinh tế đã dựa trên quy trình phân tích CBA chung rồi phát triển quy trình phân tích chi phí - lợi ích đối với WDM. Để phù hợp với thực tiễn của đô thị Việt Nam, quy trình phân tích chi phí -lợi ích đối với phương thức quản lý cầu về nước sinh hoạt đô thị được đề xuất gồm 6 bước chính như sau:

  1. Xây dựng các kịch bản quản lý nước cấp đô thị (kịch bản WDM, và kịch bản cơ sở - BAU)

  2. Xác định chi phí lợi ích của kịch bản WDM

  3. Đánh giá (ước tính) giá trị chi phí, lợi ích

  4. Tính chỉ tiêu đánh giá giá trị hiện tại ròng NPV

  5. Kiểm tra tác động của những thay đổi trong giả định và dữ liệu (phân tích độ nhạy)

  6. Đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả

3. Kết quả

3.1. Kịch bản quản lý cầu về nước sinh hoạt đô thị Hà Nội

     Trong báo cáo này, các lợi ích và chi phí thực hiện WDM ở đô thị Hà Nội được đánh giá bằng cách so sánh kịch bản WDM với Kịch bản không thực hiện WDM (BAU hay WDM0). Hai kịch bản được gọi là "kịch bản WDM” và “kịch bản cơ sở”.

Kịch bản WDM: Kịch bản WDM được xem xét trên cơ sở hai nhóm giải pháp là (1) Quản lý Chống thất thoát  và (2) Tăng giá nước sạch.

♦ Chương trình thực hiện giải pháp Quản lý Chống thất thoát nước sạch đã được công ty nước sạch HAWACO và người dân thực hiện từ năm 2010. Với tài liệu thứ cấp thu thập từ công ty HAWACO, giải pháp quản lý đối với hộ tiêu thụ nước đã và đang thực hiện đó là thường xuyên kiểm tra chất lượng của đồng hồ đo nước; thay thế, sửa chữa các đồng hồ bị hỏng, kiểm định đồng hồ của các hộ gia đình đảm bảo 100% đồng hồ hoạt động với mức độ chính xác cao; các hộ gia đình đã được đề nghị thay thế dần các thiết bị dùng nước cũ hỏng, gây rò rỉ nước bằng các thiết bị tiết kiệm nước.

♦ Chương trình thực hiện giải pháp Tăng giá nước sạch. Uỷ Ban Nhân Dân Thành phố Hà Nội chỉ đạo việc nghiên cứu và đề xuất ra các thay đổi trong chính sách giá bán nước sạch của Công ty nước sạch Hà Nội. Giá nước sạch tính theo giá lũy tiến áp dụng cho khối tư nhân (sinh hoạt). Giá nước được điều chỉnh từ năm 2013 đến năm 2015, đơn giá nước trung bình hiện nay tính theo giá bình quân vào khoảng 8.000 đồng/m3.

Kịch bản so sánh (còn gọi là "kịch bản cơ sở” hay BAU) là một phân tích giả thuyết những tác động sẽ xảy ra nếu Hà Nội không chọn thực hiện WDM, thay vào đó đi theo một cách thức quản lý truyền thống đơn giản là mở rộng kết cấu hạ tầng cấp nước để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Khung thời gian và điều kiện giả định của các kịch bản

    Cả hai kịch bản WDM1 và kịch bản cơ sở được phân tích trong giai đoạn bắt đầu năm 2010 và kết thúc năm 2025. Năm tài chính 2013 được chọn là điểm quy đổi giá trị tiền tệ cho việc phân tích trên cơ sở rằng đây là khoảng thời gian mà Hà Nội đưa vào giải pháp Tăng giá nước sạch trong thực hiện chương trình WDM.

     Để phân tích, so sánh lợi ích chi phí giữa các kịch bản nghiên cứu lập ra các giả thiết liên quan như sau:

Thứ nhất, các giả định để ước tính năng lực cấp nước sinh hoạt theo các kịch bản

    Đối với kịch bản cơ sở, để ước tính tổng lượng nước cấp trong giai đoạn 2010 đến 2013 các số liệu cung cấp nước dựa trên dữ liệu cung cấp nước thực tế lấy của công ty HAWACO. Trong thời gian nghiên cứu còn lại, từ 2013 đến 2025 ước tính cần dựa trên giả định lượng nước bình quân đầu người tiếp tục tăng với tốc độ của thời kỳ 2010 - 2013 là 0,7%/năm, và tốc độ gia tăng dân số là 1,6%/năm.

    Đối với kịch bản WDM, các số liệu cung cấp nước trong giai đoạn 2013 - 2015 dựa trên dữ liệu cung cấp nước thực tế lấy của công ty HAWACO. Trong những năm nghiên cứu còn lại, từ 2010 đến 2013, tính toán dựa trên giả định lượng nước bình quân trên đầu người tăng với tốc độ thời kỳ 2013 - 2015 là 0,7%; và giai đoạn từ năm 2016 đến 2025, khi có WDM thì lượng nước bình quân đầu người có tốc độ tăng chậm hơn so khi không có WDM, do đó tính toán dựa trên giả định lượng nước bình quân trên đầu người tăng với tốc độ của thời kỳ 2013 - 2015 là 0,35% cho suốt giai đoạn 2016- 2025, và tốc độ gia tăng dân số là 1,6%/năm.

     Đối với kịch bản WDM2 với giải pháp truyền thông, lượng nước bình quân đầu người giảm với tốc độ 0,15%/năm (Bill de Blasio, 2010).

Thứ hai, các giả định ước tính lượng nước thải theo các kịch bản

    Đối với kịch bản cơ sở và kịch bản WDM, ước tính lượng nước thải phát sinh căn cứ vào số liệu lượng nước cấp theo các kịch bản, theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 lượng nước thải phát sinh bằng 90% lượng nước đầu vào. Căn cứ vào số liệu về công suất của các nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn Hà Nội, các năm giai đoạn 2010 đến 2015 lượng nước thải được xử lý chỉ đạt 15% so với lượng phát sinh, năm 2015 lượng nước thải được xử lý đạt 35% tổng lượng nước thải phát sinh do nhà máy xử lý nước thải Yên Sở đi vào hoạt động. Trong những năm nghiên cứu kế tiếp, giả định rằng lượng nước thải được xử lý tăng 1% mỗi năm.

Ước tính lượng nước cấp cho sinh hoạt và lượng nước thải được xử lý theo các kịch bản 

    Lượng nước cấp cho sinh hoạt mỗi năm tại đô thị Hà Nội được giả định theo từng kịch bản tương ứng là một yếu tố quan trọng trong việc xác định kết quả lượng giá. Theo như các giả định nghiên cứu đã ước tính tổng lượng nước sinh hoạt cung cấp của các kịch bản thu được kết quả biểu thị trực quan bởi hình 1:

Hình 1. Biểu đồ về lượng nước cấp theo kịch bản WDM và kịch bản cơ sở (WDM0) 2010 - 2025

    Dựa theo biểu đồ hình 1 nhận thấy khoảng cách giữa hai đường WDM0 và WDM ngày càng lớn hơn theo thời gian, và khoảng cách này biểu thị lượng nước tiết kiệm được nhờ thực hiện chương trình WDM. Căn cứ vào bảng số liệu tính toán được lượng nước tiết kiệm được khi thực hiện WDM giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2025 là 153,87 triệu m3. So sánh lượng nước tiết kiệm được với kết quả dự báo nhu cầu nước sinh hoạt đến năm 2025 là 1.247,33 triệu m3, như vậy khi không đầu tư mở rộng thêm kết cấu hạ tầng cung cấp nước mà áp dụng WDM có thể giải quyết được 12,33% yêu cầu cấp nước. Trong bối cảnh khan hiếm tài nguyên nước ngọt thì kết quả ước tính trên là một minh chứng rõ ràng cho các nhà hoạch định chính sách lựa chọn phương thức quản lý nước hiệu quả.

    Đồng thời với lượng nước cấp đầu vào tiết kiệm được thì lượng nước thải đầu ra cũng sẽ tạo ra ít hơn. Lượng nước thải được xử lý theo các kịch bản được ước tính căn cứ vào giả thiết trên. Kết quả được thể hiện trong Hình 2.

Hình 2. Lượng nước thải được xử lý theo các kịch bản, giai đoạn 2010 - 2025

3.2. Xác định và ước tính chi phí, lợi ích liên quan đến các kịch bản quản lý

    Trên cơ sở tham khảo các nghiên cứu của các học giả  và tổ chức trên thế giới về WDM như Brandes M.O., Ferguson K. (2004), Beacon Pathway (2010), IUCN (2008), kết hợp với tham vấn chuyên gia và thực hiện điều tra khảo sát, nhằm xác định danh mục chi phí và lợi ích phù hợp đối với WDM tại Hà Nội. Các chi phí và lợi ích chính của WDM và phương pháp ước tính được mô tả trong Bảng 1.

Bảng 1. Lợi ích và chi phí của thực hiện phương thức quản lý cầu nước sinh hoạt ở đô thị Hà Nội

Lợi ích/ chi phí chính

Giải thích

Phương pháp ước tính/ Nguồn số liệu

Tiết kiệm chi phí cho việc cung cấp nước

B1

Khi áp dụng WDM nước ở Hà Nội sẽ đem lại lợi ích tiết kiệm chi phí tài chính của công ty cấp nước liên quan đến hoạt động cung cấp nước như giảm chi phí vận hành như tiền mua các chất làm sạch nước, chi phí bảo dưỡng bảo trì...

  • Ước tính căn cứ theo mối quan hệ tuyến tính giữa chi phí vận hành và tổng khối lượng nước cấp

  • Số liệu thống kê về chi phí vận hành từ công ty HAWACO, các năm từ năm 2010 đến 2013 cho kịch bản cơ sở, giai đoạn 2014 đến 2016 cho kịch bản WDM

  • Số liệu ước tính về lượng nước cấp cho sinh hoạt tại đô thị Hà Nội từ 2010 đến 2025 theo từng kịch bản.

Tiết kiệm chi phí năng lượng cần thiết cho việc cung cấp nước

B2

Việc cung cấp nước thường đòi hỏi việc sử dụng năng lượng điện để các trạm bơm hoạt động. Khi thực hiện WDM sẽ sử dụng năng lượng ít hơn cho việc cung cấp nước, do sản xuất các đơn vị nước ít hơn

  • Ước tính căn cứ theo mối quan hệ tuyến tính giữa chi phí điện năng và tổng khối lượng nước cấp.

  • Số liệu thống kê thu thập được về chi phí điện năng từ công ty HAWACO, các năm từ năm 2010 đến 2013 cho kịch bản cơ sở, giai đoạn 2014 đến 2016 cho kịch bản WDM.

  • Số liệu ước tính về lượng nước cấp cho sinh hoạt tại đô thị Hà Nội từ 2010 đến 2025 theo từng kịch bản.

Tiết kiệm chi phí xử lý nước thải

B3

Tiết kiệm lượng nước tiêu thụ thường tác động tới lượng nước thải, chi phí xử lý nước thải sẽ giảm. Khi thực hiện WDM sẽ có chi phí ít hơn cho việc xử lý nước thải do giảm nước sử dụng

 

t đại diện cho mỗi năm nghiên cứu (t:  1…n); QwtBAU và QwtWDM là lượng nước thải được xử lý theo kịch bản BAU và kịch bản WDM (triệu m3); Pw:  Giá xử lý 1m3 nước thải sinh hoạt (VNĐ/m3)

Tiết kiệm chi phí năng lượng trong xử lý nước thải

B4

Khi thực hiện WDM sẽ sử dụng năng lượng ít hơn cho việc xử lý nước thải do lượng nước thải tạo ra ít hơn.

  • Ước tính căn cứ theo mối quan hệ tuyến tính giữa chi phí điện năng và tổng khối lượng nước thải được xử lý.

  • Số liệu thống kê thu thập được về chi phí điện năng từ nhà máy xử lý nước thải Kim Liên, Trúc Bạch, các năm từ năm 2010 đến 2013 cho kịch bản cơ sở, giai đoạn 2014 đến 2016 cho kịch bản WDM.

  • Số liệu ước tính về lượng nước thải được xử lý tại đô thị Hà Nội từ 2010 đến 2025 theo từng kịch bản.

Giảm phát thải khí nhà kính

B5

Khi thực hiện WDM, sẽ tiết kiệm lượng điện năng cho hoạt động cung cấp nước và xử lý nước thải. Lượng phát thải khí nhà kính phát sinh trong quá trình tạo ra điện, do đó những thay đổi trong sử dụng năng lượng trong quá trình cấp nước và xử lý nước thải sẽ 'gián tiếp' giảm mức độ phát thải khí nhà kính.

 

Trong đó:

etWDM và  etBAU là cho số năng lượng cần thiết (kWh) cho việc cung cấp nước và xử lý nước thải trong năm t của kịch bản WDM và kịch bản cơ sở; SCC chi phí xã hội của carbon; s là tốc độ gia tăng thiệt hại từ carbon; ef  là lượng khí thải trung bình phát thải từ điện (tấn CO2-e/ kWh)

  • Nguồn số liệu:

SCC =4,35 $/tấn CO2-e = 90.601,8 VNĐ/ tấn CO2-e (Đàm Thị Tuyết, 2015)

s = 0,02 (IPCC, 2011)

ef = 0,5657 tấn CO2-e/MWh (IPCC, 2014)

Giá trị tiện ích trực tiếp từ sử dụng  nước

B6

Những giá trị sử dụng trực tiếp của nước bao gồm một loạt các mục đích sử dụng khác nhau như tắm rửa, ăn uống, nấu ăn…Giá trị  doanh thu của công ty có được sử dụng đánh giá giá trị sử dụng trực tiếp từ việc cung cấp nước

 

Trong đó:

t đại diện cho mỗi năm trong nghiên cứu (t:  1…10); QtBAU và QtWDM  là lượng nước cung cấp cho năm t theo các kịch bản cơ sở và kịch bản WDM (triệu m3); P giá 1m3 nước sạch sinh hoạt ở đô thị Hà Nội (VNĐ/m3)

  • Số liệu ước tính về lượng nước cấp cho sinh hoạt tại đô thị Hà Nội từ 2010 đến 2025 theo từng kịch bản.

Giá trị sử dụng gián tiếp của nước

 

B7

Giá trị sử dụng gián tiếp của nước, đó là vai trò của nước trong dòng chảy góp phần vào hoạt động của các hệ sinh thái. Ví dụ, nước có một vai trò quan trọng trong các dịch vụ hệ sinh thái xử lý và đồng hoá chất thải. Ngoài ra, nước có vai trò quan trọng trong việc cung cấp môi trường sống và hỗ trợ sự sống cho các sinh vật, cung cấp chu kỳ dinh dưỡng và xử lý chất dinh dưỡng, đồng thời  có vai trò quan trọng trong điều hoà khí hậu

 

Trong đó:

QtBAU và QtWDM là lượng nước cấp vào hệ thống theo kịch bản cơ sở và kịch bản WDM (triệu m3) theo các năm; Veco là giá trị sử dụng gián tiếp do nước trong dòng cung cấp ($/lít).

  • Nguồn số liệu:

Giá bóng sinh thái của nước mặt là 0,16 $//m3 (Patterson (2002), Mỹ)

Veco = Vđc x GDPDdc/GDPGđ = 0,16 x (1,535/1,615) = 0,15 ($//m3) = 0,15 x 20.828 = 3.167,4 (VNĐ/m3) (World Bank, 2013).

Chi phí đầu tư cho chương trình tăng giá nước

C1

Kịch bản WDM là biểu giá nước tăng lên, thì các chi phí bao chi phí bao gồm:

  • (C1a): Chi phí nghiên cứu và đề xuất chính sách tăng giá nước

  • (C1b): Chi phí hành chính liên quan đến triển khai chương trình tăng giá nước từ UBND thành phố tới từng quận, phường, xã

  • (C1d): Chi phí vận hành, kiểm soát và đánh giá

  • (C1e): Chi phí truyền thông cho chương trình tăng giá nước

  • Giá tham khảo/ Ý kiến chuyên gia & tham khảo các chương trình đã triển khai.

  • Căn cứ vào số liệu thống kê từ công ty HAWACO, kết hợp với tham khảo ý kiến công ty tư vấn về thay đổi chinh sách giá nước (Công ty cổ phần nước và môi trường Việt Nam, số 5 đường Thành, Hà Nội), chi phí đầu tư cho chương trình tăng giá nước sinh hoạt ở đô thị là trung bình 500.000.000 (VNĐ), chi phí cho chương trình truyền thông về tăng giá nước trước 3 tháng là 200.000.000 (VNĐ).

Chi phí đầu tư chương trình chống thất thoát nước

C2

  • Chi phí quản lý/giám sát của công ty thực hiện chương trình chống thất thoát; chi phí giám sát chống đục phá đường ống; chi phí lắp đặt/ lắp đặt bổ sung công tơ nước; chi phí đào tạo và nâng cao năng lực của công nhân trong phát hiện và tự sửa chữa rò rỉ. Ngoài ra thêm các chi phí hoạt động do các yêu cầu quản lý (xây dựng các loại quy định, giấy tờ, thủ tục, sổ sách)

  • Ước tính căn cứ theo mối quan hệ tuyến tính giữa chi phí quản lý chống thất thoát và tổng khối lượng nước cấp

  • Số liệu thống kê về chi phí quản lý chống thất thoát từ công ty nước sạch Hà Nội, các năm từ năm 2010 đến 2013 cho kịch bản cơ sở, giai đoạn 2014 đến 2016 cho kịch bản WDM

  • Số liệu ước tính về lượng nước cấp cho sinh hoạt tại đô thị Hà Nội từ 2010 đến 2025 theo từng kịch bản.

 Nguồn: Đề xuất của tác giả

 

Ước tính các giá trị lợi ích của việc thực hiện WDM

     Kết quả tính toán lợi ích có được nhờ việc thực hiện WDM trong giai đoạn 2010 đến năm 2025 của nghiên cứu này được thể hiện tóm tắt trên Hình 3.

Hình 3: Tổng giá trị của những lợi ích nhờ thực hiện WDM, 2010-2025

     Nhận thấy rằng, thực hiện WDM đã đem lại lợi ích rất lớn. Trong các lợi ích “hữu hình”, giá trị lợi ích tiết kiệm chi phí vận hành cung cấp nước là 654,79 triệu VNĐ, và lợi ích sử dụng trực tiếp từ nước có giá trị rất lớn xấp xỉ 1.285.579 triệu VNĐ, lợi ích giảm chi phí điện năng để cung cấp nước và xử lý nước thải có giá trị 1.122.054 triệu VNĐ và lợi ích giảm chi phí xử lý nước thải có giá trị 462.992 triệu VNĐ. Bên cạnh đó, các lợi ích không “hữu hình” cũng có giá trị rất lớn như giá trị sử dụng gián tiếp do giảm lượng nước được lấy đi từ hệ sinh thái ước tính được là 1.466.482 triệu VNĐ.  Nhìn chung, kết quả ước tính các giá trị lợi ích đã minh chứng rõ ràng cho sự thành công của việc thực hiện phương thức WDM tại đô thị Hà Nội.

Ước tính các chi phí của việc thực hiện WDM

Chi phí cho chương trình tăng giá nước sinh hoạt (C1)

     Căn cứ vào số liệu thống kê từ công ty HAWACO, kết hợp với tham khảo ý kiến công ty tư vấn về thay đổi chính sách giá nước (Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam, số 5 Đường Thành, Hà Nội), chi phí đầu tư cho chương trình tăng giá nước sinh hoạt ở đô thị Hà Nội là trung bình 500 (triệu VNĐ), chi phí cho chương trình truyền thông trước 3 tháng về tăng giá nước là 200 (triệu VNĐ).

Chi phí cho chương trình quản lý chống thất thoát (C2)

     Trên cơ sở số liệu các năm 2010 đến 2015 về lượng nước cung cấp và chi phí chống thất thoát thu thập từ công ty cấp nước HAWACO, nghiên cứu đã xây dựng mối quan hệ tuyến tính giữa chi phí chống thất thoát (VND/m3) và tổng khối lượng nước cấp (m3), thu được kết quả trong Hình 4:

Hình 4. Đồ thị tuyến tính mối quan hệ giữa chi phí chống thất thoát và tổng lượng nước cấp cho hai kịch bản

     Phương trình tuyến tính được thiết lập:

YBAU = 1852,8 x - 214360

YWDM = 861,38 x - 80286

   Trong đó:

 x: là lượng nước cấp theo từng năm (triệu m3/năm)

 y: là chi phí quản lý chống thất thoát (triệuVNĐ)

     Trên cơ sở đã ước tính được lượng nước cấp theo các năm của hai kịch bản, kết quả ước tính chi phí quản lý thất thoát nước được thể hiện ở Bảng 2.

Bảng 2: Kết quả ước tính chi phí quản lý chống thất thoát nước theo chương trình WDM

Năm

Chi phí quản lý chống thất thoát nước

(C2, triệu VND)

Năm

Chi phí quản lý chống thất thoát nước

(C2, triệu VND)

2010

-16.008,91

2018

18.934,38

2011

-9.435,02

2019

23.712,34

2012

-8.138,89

2020

28.616,18

2013

-3.459,43

2021

33.649,00

2014

1.593,65

2022

38.813,98

2015

5.040,76

2023

44.114,36

2016

9.744,06

2024

49.553,48

2017

14.279,27

2025

55.134,75

Tổng số: 286.143,97

 

Nguồn: Tính toán của tác giả

Đánh giá hiệu quả của chương trình WDM ở đô thị Hà Nội

     NPV là tiêu chí được sử dụng để đánh giá hiệu quả của chương trình WDM, đó là tổng giá trị hiện tại của tất cả các chi phí và lợi ích được tính bằng tiền của chương trình WDM, và tính theo công thức dưới đây:

Trong đó:

r -  tỷ lệ chiết khấu

t - thời điểm xác định các chi phí – lợi ích (năm thứ  t)

T -  Số năm dự kiến của dự án/ chương trình

Bt - Tổng lợi ích ở năm thứ t (triệu VNĐ)

Ct - Tổng chi phí ở năm thứ t (triệu VNĐ)

     Nghiên cứu này sử dụng tỷ lệ chiết khấu r là 0,065 (căn cứ xác định dựa theo lãi suất trái phiếu Chính phủ năm 2016);

    Kết quả tính toán được:              NPV= 1.613.096 (triệuVNĐ)

    Kết quả trên đây thu được lợi ích ròng của kịch bản WDM là dương, có nghĩa là các kết quả thu được nhờ thực hiện WDM ​​sẽ được lợi hơn so với những kết quả khi không thực hiện WDM (nghĩa là theo kịch bản cơ sở).

Phân tích độ nhạy theo các yếu tố tác động đến lợi ích – chi phí

     Thực hiện phân tích độ nhạy của tính toán khi tiến hành xem xét sự thay đổi của NPV trong khi có sự thay đổi của các yếu tố không chắc chắn:

    Thay đổi tỷ lệ chiết khấu r: Xét r tăng dần với các giá trị 0,03; 0,06; 0,1; 0,12 theo hướng dẫn trong một số báo cáo của WorldBank về sử dụng hệ số r ở các nước đang phát triển (bảng 3).

Bảng 3. Kết quả tính toán lợi ích ròng với các tỷ lệ chiết khấu khác nhau

NPV (r =0,08)

NPV (r = 0,03)

NPV (r = 0,06)

NPV (r = 0,1)

NPV (r = 0,12)

1.613.096

2.849.040

2.018.714

1.385.691

1.042.627

 

Nguồn: Tính toán của tác giả

     Thay đổi giá điện: theo Quyết định số 69/2013/QĐ – TTg ngày 19 tháng 11 năm 2013 quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá điện bình quân thì giá điện tăng bình quân 10% mỗi năm.

     Thực hiện ước tính giá trị NPV = 1.658.657 triệu VNĐ

     Nhận thấy, với những tỷ lệ chiết khấu khác nhau và thay đổi giá điện thì giá trị NPV vẫn lớn hơn 0. Kết quả này là bằng chứng rõ ràng nhất khẳng định WDM là cách tiếp cận tốt nhất để quản lý nước tốt hơn, khi điều kiện thành phố đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc giảm chi phí và quản lý các nguồn tài nguyên nước. Thời gian tới chính quyền thành phố và công ty HAWACO cần có các chính sách và giải pháp hoàn chỉnh để vận dụng phương thức WDM đem lại hiệu quả to lớn ở đô thị Hà Nội.

4. Kết luận và Khuyến nghị

     Phương thức quản lý cầu về nước sinh hoạt đô thị đã được chứng minh là một phương thức quản lý rất hiệu quả trong bối cảnh nhiều khó khăn trong hoạt động cấp nước sinh hoạt cho đô thị. Nghiên cứu này đã phân tích, tổng hợp được các kịch bản nghiên cứu với kịch bản WDM và kịch bản cơ sở. Từ các kịch bản thiết lập trên, nghiên cứu thực hiện đánh giá, kết hợp giữa định tính và định lượng về các lợi ích và chi phí phát sinh từ thực hiện các giải pháp của phương thức WDM tại nội thành Hà Nội. Những giải pháp ​​của kịch bản WDM bao gồm: tăng giá nước; thúc đẩy các chương trình chống rò rỉ thất thoát nước. Nhìn chung, các kết quả định lượng của nghiên cứu này cung cấp bằng chứng rất rõ ràng cho giả thuyết rằng có những lợi ích tiềm năng rất lớn có thể đạt được thông qua việc áp dụng phương thức WDM, và đã thực hiện đánh giá một số lợi ích và chi phí của việc thực hiện quản lý cầu nước sinh hoạt đô thị theo giá trị tiền tệ. Các loại lợi ích và chi phí được đánh giá bao gồm giá trị lợi ích tiết kiệm chi phí vận hành cung cấp nước là 654,79 triệu VNĐ, và lợi ích sử dụng trực tiếp từ nước có giá trị rất lớn xấp xỉ 1.285.579 triệu VNĐ, lợi ích giảm chi phí điện năng để cung cấp nước và xử lý nước thải có giá trị 1.122.054 triệu VNĐ và lợi ích giảm chi phí xử lý nước thải có giá trị 462.992 triệu VNĐ; giá trị sử dụng gián tiếp do giảm lượng nước được lấy đi từ hệ sinh thái ước tính được là 1.466.482 triệu VNĐ. Tổng hợp tất cả các lợi ích và chi phí trong giai đoạn 2010-2025, nghiên cứu  tính toán được giá trị hiện tại ròng NPV của việc thực hiện giải pháp WDM ở các quận nội thành Hà Nội là NPV= 1.613.096 (triệuVNĐ). Các kết quả định lượng của nghiên cứu này cung cấp bằng chứng rất rõ ràng cho giả thuyết rằng có những lợi ích tiềm năng rất lớn có thể đạt được thông qua việc áp dụng phương thức WDM.

     Sử dụng khung phân tích chi phí lợi ích, nghiên cứu đã cố gắng xác định và ước lượng các chi phí lợi ích đối với phương thức WDM tại Hà Nội.  Mặc dù vẫn có những giá trị không ước tính được chẳng hạn như chi phí sức khỏe, lợi ích cảnh quan giải trí, các lợi ích xã hội khác, kết quả tính NPV cho thấy tín hiệu tích cực giúp các nhà quản lý thúc đẩy thực hiện WDM.

    Trong thời gian tới, Hà Nội cần từng bước thực hiện các chính sách mới và giải pháp toàn diện để thúc đẩy việc áp dụng WDM.Theo kinh nghiệm của các quốc gia khác, chúng tôi đề xuất áp dụng mức giá nước hợp lý và khung giá nước thích hợp bao gồm:

  • Tính đúng, tính đủ để duy trì nguồn thu và lấy lại đủ các chi phí cho công ty cấp nước bằng cách đưa chi phí môi trường và xã hội vào trong giá nước nhằm giảm thiểu các ngoại ứng tiêu cực;

  • Tiếp tục áp dụng mức giá lũy tiến để tăng cường tiết kiệm, sử dụng hiệu quả nước sạch đô thị;

  • Tăng giá nước hợp lý có lộ trình và có sự đồng thuận của người tiêu dùng;

  • Áp dụng phí nước thải và phí dịch vụ môi trường rừng để thực hiện tính đúng tính đủ;

  • Đưa các yếu tố ngoại ứng tiêu cực vào trong giá nước.

    Bên cạnh đó nghiên cứu khuyến nghị thêm một số giải pháp giáo dục nâng cao nhận thức sẽ hỗ trợ để thực thi tốt hơn phương thức WDM. Kinh nghiệm từ khuôn khổ quản lý cầu nước sinh hoạt đô thị của trung tâm POLIS, CANADA, chúng tôi đề xuất các giải pháp cụ thể với đô thị Hà Nội như sau:

  • Lồng ghép chương trình giáo dục về tiết kiệm nước trong các trường học: Các cơ quan thực hiện các hoạt động này bao gồm: trường học, cơ sở giáo dục và đào tạo, nhà cung cấp nước, phòng tài nguyên và môi trường. Các chương trình này nên bao gồm các chuyên gia và giáo viên làm người cung cấp kiến ​​thức và kỹ năng về tiết kiệm nước và sử dụng có hiệu quả.

  • Các chiến dịch tuyên truyền và vận động xã hội về tiết kiệm nước: Các chương trình này nên là các hoạt động cho phát sóng và các tổ chức xã hội (ví dụ: hội phụ nữ, đoàn thanh niên,...). Bên cạnh việc cung cấp thông tin về tầm quan trọng của nước sạch thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, nên có những hoạt động sáng tạo như các cuộc thi về ý tưởng tiết kiệm nước ...

  • Áp dụng "nhãn tiết kiệm nước" cho các thiết bị gia dụng (máy giặt, thiết bị vệ sinh, vòi sen ...) để cung cấp cho người sử dụng thông tin hỗ trợ cho sự lựa chọn của họ.

TS. Hoàng Thị Huê

Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số Chuyên đề Tiếng Việt I/2021)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đàm Thị Tuyết (2015), Đánh giá chi phí xã hội của Carbon. Ứng dụng thử nghiệm cho dự án CDM thu hồi khí đồng hành tại mỏ dầu Rạng Đông, Tạp chí khoa học ĐHQGHN, số 4, T 21-29

  2. Bill de Blasio, Mayor, Emily Lioyd (2010). Water Demand Management plan. NYC Environmental Protection.

  3. Beacon Pathway Limited (2010), A Framework for Valuing Water Demand Management: Conceptual Framework

  4. Brandes M.O., Ferguson K. (2004), The Future in Every Drop: The Benefits, Barriers and Practice of Urban Water Management in Canada, University of Victoria, Victoria BC

  5. Duane D. Baumann, John J. Boland, W. Michael Hanemann (1997), Urban Water Demand Management and Planning, A division of The McGraw- Hill Companies.

  6. IUCN (2008), Water Demand Management in Context , Unit 1,2,3,4

  7. POLIS Project on Ecological Governance, University of Victoria (2005 – 2009), Water Sustainability, University of Victoria, Victoria BC.

  8. World Bank. (2013). GDP deflator (base year varies by country).Retrieved 2/2/2013, from http://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.DEFL.ZS/countries?display=default

  9. http://www.ipcc.ch/publications_and_data/ar4/wg2/en/ch20s20-es.html%7Caccessdate

 

STUDY ON ECONOMIC ANALYSIS METHODS OF DOMESTIC WATER DEMAND MANAGEMENT IN URBAN HANOI

Hoang Thi Hue

Hanoi University of Natural Resources and Environment

Abstract

     For many countries in the world, the shift from water supply management (WSM) to water demand management (WDM) plays an important role in management of water resources which was already increasingly scarce. Fresh water is increasingly scarce. Urban water demand management has proven to be a very effective management measure in the context of many urban water supply problems. The paper proposes an economic analysis approach to the urban water supply management in six steps adapted to Vietnamese conditions. After analyzing the application of the economic analysis process to urban water demand management in Hanoi urban area. This paper analyzes and synthesizes research scenarios with WDM scenarios and baseline scenarios in which WDM scenario solutions include: increasing water prices; Promote anti-leakage leaks. The paper analyzes the benefits and costs of WDM implementation compared to the failure to implement this method of management in urban Hanoi for the period 2010 - 2025. The types of benefits and costs assessed include (1) savings in operating costs of water supply; (2) direct use of water; (3) reduce electricity costs for water supply and wastewater treatment, (4) waste water treatment costs, (5) increase indirect use values ​​by reducing the amount of water taken from the biomass Thai; (6) reduction of greenhouse gas emissions, (7) cost of water price increase program, (8) management cost of water loss. Incorporating all benefits and costs in the period 2010 - 2025, the study calculated the net present value of the WDM solution implemented in the inner districts of Hanoi is 205,943.45. Based on that analysis, a number of WDM oriented solutions are proposed in urban Hanoi.

Key words: Water demand management, urban, Hanoi, economic analysis

Ý kiến của bạn