Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Ô nhiễm biển do phú dưỡng có nguồn gốc từ đất liền: Luật pháp quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam

07/01/2021

    Ô nhiễm biển do hiện tượng phú dưỡng có nguồn gốc từ đất liền là vấn đề toàn cầu và đe dọa môi trường, hệ sinh thái biển và đại dương. Giải quyết vấn đề này, các quốc gia và tổ chức quốc tế thông qua các cam kết quốc tế. Ở Việt Nam, vấn đề này cũng được quy định trong các chính sách và pháp luật. Bài viết này nghiên cứu các quy định của pháp luật quốc tế, thực tiễn ở Việt Nam và đề xuất một số giải pháp về ô nhiễm biển do phú dưỡng có nguồn gốc từ đất liền.

1. Đặt vấn đề

   Phú dưỡng là một dạng biểu hiện của môi trường nước bị ô nhiễm do dư thừa các chất dinh dưỡng, thông thường khi hàm lượng nitơ (N) lớn hơn 500 µg/l và photpho (P) lớn hơn 20 µg/l. Sự dư thừa N và P trong môi trường nước làm thay đổi sự cân bằng tự nhiên giữa các chất dinh dưỡng này, cho phép tảo có hại phát triển, đe dọa đến nghề cá và sức khỏe con người. Ô nhiễm môi trường biển do phú dưỡng đã và đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu là do hiệu quả sử dụng các chất N và P trong sản xuất nông nghiệp thấp, cụ thể trung bình ở trên thế giới hơn 80% N và 25-75% P bị thất thoát vào môi trường không khí và môi trường nước.

    Ở Việt Nam, phú dưỡng chủ yếu phát sinh do việc quản lý chất thải chăn nuôi và sử dụng phân bón không hiệu quả. Mỗi năm, nguồn thải từ chăn nuôi lên trên 80 triệu tấn, tuy nhiên, chỉ có khoảng 40-50% được xử lý, số còn lại thải trực tiếp thẳng ra ao, hồ, kênh, rạch. Ngoài ra, hiệu suất sử dụng phân bón ở nước ta chỉ đạt trung bình 45-50% với phân đạm, 25-35% với lân, 60% với kali, phần còn lại thất thoát vào môi trường.  

    Để giải quyết vấn đề ô nhiễm biển do phú dưỡng có nguồn gốc từ đất liền (NGTĐL), Việt Nam cùng các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế đã thông qua các điều ước quốc tế và các cam kết quốc tế khác để phòng ngừa, hạn chế và kiểm soát nguy cơ ô nhiễm biển do phú dưỡng. Bài viết này tập trung vào nghiên cứu pháp luật quốc tế về vấn đề ô nhiễm biển do phú dưỡng có NGTĐL, thực tiễn ở Việt Nam và một số đề xuất cho Việt Nam.

2. Pháp luật quốc tế về ô nhiễm biển do phú dưỡng có NGTĐL

    Vấn đề ô nhiễm biển do phú dưỡng có NGTĐL trong những năm gần đây được xem như là một trong ba vấn đề ưu tiên toàn cầu, bên cạnh vấn đề rác thải biển và nước thải có NGTĐL. Tuy nhiên, đến nay chưa có điều ước quốc tế quy định cụ thể về vấn đề này, mà chỉ được quy định chung trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và chủ yếu trong các văn kiện quốc tế khác không bắt buộc về mặt pháp lý.

    UNCLOS không có quy định cụ thể về nghĩa vụ và trách nhiệm của các thành viên trong BVMT biển do phú dưỡng có NGTĐL nhưng có quy định liên quan. Điều 194 Khoản 1 của UNCLOS quy định “Các quốc gia, tùy theo tình hình, thi hành riêng rẽ hay phối hợp với nhau, tất cả các biện pháp phù hợp với Công ước, cần thiết để ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm môi trường biển, sử dụng các phương tin thích hợp nhất mà mình có và cố gắng điều hòa các chính sách của mình về mt này” và tại khoản 3 Điều này quy định “Các bin pháp được sử dụng để thi hành phần này cần phải nhằm vào tất cả các nguồn gây ra ô nhiễm môi trường biển”. Quy định này không nêu rõ cụ thể công việc mà quốc gia thành viên phải thực hiện mà chủ yếu nhấn mạnh đến kết quả là phải BVMT biển, còn các biện pháp thì các quốc gia phải linh hoạt theo yêu cầu và điều kiện của quốc gia mình.

    Điều 207 UNCLOS có quy định riêng về ô nhiễm biển có NGTĐL, nội dung điều này làm rõ trách nhiệm của các quốc gia trong việc thông qua các luật và quy định để ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm môi trường có NGTĐL, có lưu ý đến các quy tắc, quy phạm cũng như các tập quán và thủ tục được kiến nghị, chấp nhận trên phạm vi quốc tế. Ngoài ra, UNCLOS quy định một số trách nhiệm khác của các quốc gia thành viên trong BVMT biển như hợp tác ở phạm vi khu vực để xây dựng các quy định BVMT biển; xây dựng kế hoạch khẩn cấp chống ô nhiễm ở khu vực để xử lý các trường hợp có nguy cơ ô nhiễm xuyên biên giới; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học và khuyến khích việc trao đổi thông tin và dữ kiện về ô nhiễm môi trường biển…

    Hướng dẫn Montreal về BVMT biển có NGTĐL năm 1985 là văn kiện “luật mềm” đầu tiên có nội dung cụ thể về BVMT biển có NGTĐL. Mặc dù không có nội dung quy định riêng về trách nhiệm của các quốc gia trong BVMT biển do phú dưỡng, nhưng Hướng dẫn có nội dung chung về trách nhiệm của các quốc gia trong việc BVMT biển có NGTĐL và chủ yếu quy định rõ hơn các nghĩa vụ đã được quy định trong UNCLOS. Ngoài ra, Hướng dẫn này đã khuyến nghị các quốc gia phải xây dựng, thông qua và thực hiện các chiến lược kiểm soát phù hợp hoặc được tích hợp trong chiến lược chung để bảo vệ, bảo tồn và nâng cao chất lượng môi trường.

    Vấn đề ô nhiễm biển do phú dưỡng lần đầu tiên được quy định trong khi Chương trình Nghị sự 21 (thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh trái đất về “Môi trường và Phát triển” năm 1992) và đã được quy định cụ thể từ mục tiêu đến các hoạt động, biện pháp để các quốc gia giải quyết vấn đề này trong Chương trình hành động toàn cầu để BVMT biển do các hoạt động từ đất liền năm 1995 (GPA), đồng thời Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững năm 2015 tiếp tục quy định mang tính định hướng về vấn đề ô nhiễm biển do phú dưỡng có NGTĐL.

   Chương trình Nghị sự 21 quy định các quốc gia phải xem xét hành động ưu tiên để thúc đẩy kiểm soát các yếu tố đầu vào do con người để tránh N và P xâm nhập vào vùng nước ven biển gây ra hiện tượng phú dưỡng đe dọa môi trường biển; thúc đẩy việc sử dụng phân bón ít gây hại cho môi trường và xem xét việc cấm những thứ được coi là không có lợi cho môi trường. Chương trình Nghị sự 2030 xác định mục tiêu đến năm 2025, các quốc gia phải ngăn chặn và giảm thiểu đáng kể ô nhiễm môi trường biển do phú dưỡng có NGTĐL.

    GPA đề xuất mục tiêu để BVMT biển do phù dưỡng có NGTĐL là xác định các khu vực biển nơi đầu vào chất dinh dưỡng đang gây ra hoặc có khả năng gây ô nhiễm, trực tiếp hoặc gián tiếp; giảm đầu vào chất dinh dưỡng vào các khu vực đã xác định; giảm thiểu số lượng các vùng biển có biểu hiện phú dưỡng; bảo vệ và ở những khu vực phù hợp thì khôi phục các khu vực khử nitơ tự nhiên. Để đạt các mục tiêu này, GPA quy định các quốc gia phải thực hiện các hành động, chính sách và biện pháp trong khả năng của mình, bao gồm xác định các khu vực mà các chất dinh dưỡng đầu vào có khả năng gây ô nhiễm, trực tiếp hoặc gián tiếp; xác định các nguồn điểm và nguồn diện phát sinh chất dinh dưỡng đầu vào các khu vực này; xác định các khu vực có những thay đổi về đầu vào chất dinh dưỡng do con người gây ra hoặc có khả năng gây ô nhiễm trực tiếp hoặc gián tiếp và ưu tiên các khu vực này để hành động. GPA cũng quy định các quốc gia phải chú trọng đến các biện pháp quản lý, công cụ kinh tế và các thỏa thuận tự nguyện nhằm kiểm soát các nguồn dinh dưỡng do con người gây ra. Các biện pháp khác cũng được GPA quy định như tăng cường năng lực của chính quyền địa phương, thiết lập hoặc cải thiện việc giám sát hiện tượng phú dưỡng, thúc đẩy nghiên cứu khoa học...

3. Thực tiễn chính sách, pháp luật về BVMT biển do phú dưỡng có NGTĐL ở Việt Nam

    Ở Việt Nam, phú dưỡng phát sinh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển chủ yếu do thất thoát từ phân bón cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, chất thải rắn từ hoạt động chăn nuôi không được thu gom và xử lý. Bên cạnh quy định chung trong Luật BVMT và văn bản hướng dẫn thi hành thì luật chuyên ngành như Luật Chăn nuôi năm 2018, Luật Trồng trọt năm 2018, một số văn bản khác cũng có những biện pháp để kiểm soát ô nhiễm biển do phú dưỡng. Các quy định này không nhiều và không cụ thể, các quy định để phòng ngừa và ngăn chặn chất dinh dưỡng phát sinh từ sản xuất nông nghiệp còn mờ nhạt.

    Luật BVMT năm 2014 quy định quản lý chất thải trong chăn nuôi, khu chăn nuôi tập trung phải có phương án BVMT và đáp ứng các yêu cầu như bảo đảm vệ sinh môi trường đối với khu dân cư; thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn theo quy định về quản lý chất thải; chuồng, trại phải được vệ sinh định kỳ. Luật BVMT năm 2020 không còn quy định cụ thể đối với nội dung này nhưng vẫn giữ nội dung tương tự trong quy định về BVMT nông thôn và trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, Luật Chăn nuôi quy định về chất thải trong hoạt động chăn nuôi chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu bị nghiêm cấm xả thải vào nơi tiếp nhận chất thải. Luật cũng quy định một trong những điều kiện của chăn nuôi trang trại phải đảm bảo việc xử lý chất thải chăn nuôi và chăn nuôi hộ gia đình phải có các biện pháp phù hợp để vệ sinh phòng dịch; thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi. Chủ chăn nuôi nông hộ phải có biện pháp xử lý phân, nước thải, khí thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và không gây ảnh hưởng đến người xung quanh. Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi sử dụng cho cây trồng hoặc làm thức ăn cho thủy sản.

    Đối với việc sử dụng phân bón, Luật BVMT năm 2014 quy định khá chung chung về quản lý đối với phân bón, cụ thể phân bón đã hết hạn sử dụng phải được xử lý theo quy định về quản lý chất thải. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chủ trì tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về BVMT trong hoạt động sản xuất, nhập khẩu phân bón, chất thải trong nông nghiệp. Các quy định này đến nay không có quy định cụ thể và vẫn được quy định trong Luật BVMT năm 2020.

    Ngoài ra, để sử dụng hiệu quả, tránh thất thoát phân bón gây ô nhiễm môi trường, Luật Trồng trọt năm 2018 đã quy định về việc khảo nghiệm phân bón. Khảo nghiệm phân bón là hoạt động theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu nhằm xác định phương thức sử dụng, tác động đến môi trường, hiệu quả nông học, hiệu quả kinh tế của phân bón. Phân bón phải được khảo nghiệm trước khi được công nhận lưu hành, trừ các loại phân bón theo quy định. Luật cũng quy định điều kiện của tổ chức khảo nghiệm phân bón và việc khảo nghiệm phân bón thực hiện theo tiêu chuẩn quốc gia do tổ chức được công nhận đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm. Theo đó, hai Tiêu chuẩn quốc gia là TCVN 12719:2019 và TCVN 12720:2019 về khảo nghiệm phân bón cho cây trồng hàng năm và lâu năm đã được ban hành.

    Bên cạnh các văn bản quy phạm pháp luật, một số văn kiện khác cũng góp phần BVMT biển do phù dưỡng như Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn, Chiến lược BVMT, tuy nhiên, các văn bản này cũng chỉ chú ý đến chất thải trong chăn nuôi, các vấn đề hiệu quả sử dụng phân bón chưa được quan tâm.

    Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đã đưa ra mục tiêu là đến năm 2025 là 80% chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi, gia súc, gia cầm phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế làm phân compost, biogas và xử lý đáp ứng yêu cầu BVMT. Các biện pháp thực hiện để đạt được mục tiêu này chủ yếu tập trung vào công tác quản lý chất thải rắn nói chung, không có biện pháp cụ thể cho loại chất thải này. Chiến lược BVMT cũng đã đưa ra một số biện pháp để phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm do chất thải chăn nuôi và phân bón trong sản xuất nông nghiệp như thúc đẩy phát triển các mô hình trang trại chăn nuôi thân thiện với môi trường; khẩn trương quy hoạch, xử lý tình trạng bức xúc về rác thải ở khu vực nông thôn hiện nay; có giải pháp tích cực khắc phục ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi ở nông thôn gây ra; khuyến khích áp dụng các biện pháp canh tác, sử dụng đất bền vững trong nông nghiệp, hạn chế sử dụng hóa chất, phân bón vô cơ trong sản xuất nông nghiệp, chống xói mòn, rửa trôi, suy thoái đất.

4. Đề xuất một số giải pháp ở Việt Nam

    Để BVMT biển do chất dinh dưỡng có NGTĐL, đồng thời thực hiện nghĩa vụ thành viên của các thỏa thuận quốc tế, Việt Nam cần cải thiện về quy định pháp luật và các biện pháp khác cho phù hợp.

    Thứ nhất, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý các chất dinh dưỡng phát sinh cần được hoàn thiện. Các quy định đảm bảo quản lý hiệu quả việc sử dụng phân bón, chất thải trong chăn nuôi cần được hoàn thiện trong Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt và Luật BVMT để đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn, đặc biệt đối với các đối tượng là hộ gia đình và cá nhân. Các quy định về quản lý các nguồn diện như từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, thoát mặt đô thị phát sinh nguồn gây phú dưỡng cũng cần phải được hoàn thiện. Các quy định về kỹ thuật đối với từng loại đất, từng loại giống cây trồng và các phương pháp kỹ thuật để đảm bảo việc hấp thụ phân bón được hiệu quả cần được xây dựng và ban hành.

    Thứ hai, công tác điều tra, đánh giá về hiện tượng phú dưỡng ở môi trường biển cần được chú trọng. Hiện nay, hiện tượng ô nhiễm do chất dinh dưỡng đã và đang diễn ra ở các vùng biển ven bờ, tuy nhiên, việc đánh giá về hiện tượng phú dưỡng để xác định các nguồn gây ô nhiễm này chưa được thực hiện. Do vậy, để có cơ sở phòng ngừa, ngăn chặn và kiểm soát hiện tượng phú dưỡng, việc điều tra, xác định các nguồn gây phú dưỡng cho môi trường biển là thực sự cần thiết để cung cấp cơ sở cho các giải pháp phù hợp. Trường hợp cần thiết phải xây dựng các kế hoạch riêng hoặc trong kế hoạch hành động quốc gia để BVMT biển do LBS.

    Thứ ba, tăng cường nguồn lực để thực hiện hiệu quả các quy định hiện hành về chất thải chăn nuôi, sử dụng phân bón và các nguồn diện khác phát sinh chất dinh dưỡng có nguy cơ gây phú dưỡng cho môi trường biển. Mặc dù, pháp luật có quy định liên quan đến BVMT do các chất thải từ hoạt động chăn nuôi và sử dụng phân bón, tuy nhiến việc đầu tư nguồn lực thực hiện còn hạn chế. Hầu hết, các hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi đều xả thẳng nước thải vào nguồn nước cùng với nước thải sinh hoạt, trong khi ở các khu vực nông thôn không có việc thu gom và xử lý nước thải phát sinh hoạt. Do đó, chính quyền các cấp cần đầu tư nguồn lực để từng bước thực hiện việc thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt bao gồm cả nước thải từ hoạt động chăn nuôi.

    Thứ tư, thúc đẩy nghiên cứu khoa học để có biện pháp phù hợp với điều kiện và đặc thù ở nước ta, quản lý hiệu quả chất thải phát sinh từ các hoạt động chăn nuôi. Nghiên cứu khoa học phát triển sẽ đưa ra các biện pháp kỹ thuật hỗ trợ để trang trại chăn nuôi và người dân đa dạng các phương pháp xử lý chất thải; giảm chi phí đầu tư cho các khu vực nông thôn có hoạt động chăn nuôi với các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi phù hợp.

    Thứ năm, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về hiện trạng phú dưỡng là cần thiết để tăng cường sự tham gia của các thành phần trong xã hội. Các vấn đề phú dưỡng chưa được ý thức bởi hầu hết người dân về tác động tiêu cực của chúng đối với môi trường. Do đó, việc tuyên truyền để các bên có liên quan hiểu biết về vấn đề phú dưỡng sẽ tăng cường ý thức trong việc thực hiện các biện pháp phù hợp để BVMT biển do phú dưỡng; đào tạo tập huấn cho người dân bón phân đúng lượng và đúng cách nhằm tăng hiệu xuất sử dụng các loại phân bón.

Kết luận    

    Vấn đề ô nhiễm biển do hiện tượng phú dưỡng có NGTĐL đang là vấn đề không chỉ ở toàn cầu mà còn là vấn đề môi trường của Việt Nam. Các thỏa thuận quốc tế đã được xây dựng làm cơ sở để hợp tác ở mức độ toàn cầu và khu vực và quy định nghĩa vụ, trách nhiệm và các khuyến khích để các quốc gia tự mình thực hiện việc BVMT biển của mình. Việt Nam đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác để phòng ngừa, ngăn chặn và kiểm soát nguy cơ gây ô nhiểm biển do phú dưỡng, tuy nhiên, các quy định và việc thực thi đều còn nhiều hạn chế. Việt Nam cần cải thiện chính sách, pháp luật, tăng cường nguồn lực để BVMT biển do phú dưỡng, góp phần cùng cộng đồng quốc tế BVMT biển và đại dương.

Phạm Thị Gấm

Vụ Chính sách và Pháp chế - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số Chuyên đề Tiếng Việt IV/2020)

Tài liệu tham khảo

1.

Bộ TNMT (2017) Báo cáo môi trường quốc gia: Chuyên đề Quản lý chất thải.

2.

Bộ TNMT (2015), Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015

3.

Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững năm 2015

4.

Chương trình Nghị sự 21, "Chương trình nghị sự phát triển bền vững" cho thế kỷ 21

5.

Phạm Minh Nguyệt (2015), Tiểu luận: “Hiện tượng phú dưỡng”, Viện Khoa học, Công nghệ và Môit trường, ĐH Bách Khoa Hà Nội.

6.

Sutton M.A, (2013), Our Nutrient World: The challenge to produce more food and energy with less pollution

Ý kiến của bạn