Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá sức khỏe hệ sinh thái biển Việt Nam

07/01/2022

TÓM TẮT

    Hiện nay, kinh tế biển đóng vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Theo Chiến lược Phát triển bền vững (PTBV) kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ban hành năm 2018 đã đề ra mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về PTBV kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái (HST) biển quan trọng. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế biển và ven biển gần đây đã làm gia tăng các sự cố gây ô nhiễm môi trường biển, tức là làm suy giảm trạng thái sức khỏe tự nhiên của biển và các HST biển. Phát triển kinh tế biển bền vững, gắn với BVMT, bảo vệ các HST là nhiệm vụ quan trọng của công tác quản lý nhà nước thống nhất biển và hải đảo. Vì vậy, để đo lường đánh giá trạng thái sức khỏe HST biển Việt Nam và các tỉnh ven biển, đồng thời giúp công tác quản lý tổng hợp và thống nhất về tài nguyên môi trường biển Việt Nam, cần thiết phải xây dựng được bộ chỉ số sức khỏe HST biển theo 5 nhóm tiêu chí thành phần, phục vụ đánh giá định lượng điểm số sức khỏe HST biển quốc gia và các tỉnh, thành ven biển, giúp định hướng điều phối phát triển các ngành kinh tế và hội nhập quốc tế trong PTBV biển.

Từ khóa: Bộ tiêu chí, HST biển, sức khỏe biển, sức khỏe HST, chiến lược biển, PTBV.

Nhận bài: 23/12/2021; Sửa chữa: 26/12/2021; Duyệt đăng: 28/12/2021

1. MỞ ĐẦU

    Thế kỷ XXI được coi là “thế kỷ của đại dương”, bởi cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và dân số hiện nay, nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên không tái tạo được trên đất liền, sẽ bị cạn kiệt sau vài ba thập kỷ tới. Biển và đại dương còn là những kho tài nguyên, thực phẩm vô cùng quý giá, cùng với nhiều HST biển, ven biển, hải đảo đa dạng và phong phú. Các HST biển và đại dương đặc biệt quan trọng như HST san hô, HST cỏ biển, HST rừng ngập mặn… Hiện nay, hầu hết các quốc gia có biển đều xây dựng chiến lược biển quốc gia, tăng cường tiềm lực mọi mặt, để khai thác phát triển kinh tế, khống chế biển và vươn mạnh ra tới các vùng biển sâu và biển xa. Các hoạt động gia tăng của con người trên biển đã gây ra nhiều sự cố tràn dầu, hóa chất trên biển, cùng với việc đánh bắt hải sản quá mức, tận diệt, đã gây ra tác động tiêu cực đến sức khỏe HST biển [2].

    Vùng biển Việt Nam đã phát hiện được 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu HST biển điển hình như HST san hô, HST cỏ biển, HST rừng ngập mặn [9]. Trong tổng số loài được phát hiện, khoảng 6.000 loài động vật đáy, 2.038 loài cá, với trên 100 loài cá kinh tế, 653 loài rong biển, 657 loài động vật phù du, 537 loài thực vật phù du, 94 loài sinh vật ngập mặn, 225 loài tôm biển, 14 loài cỏ biển, 15 loài rắn biển, 12 loài thú biển, 5 loài rùa biển và 43 loài chim nước. Việt Nam còn có một nguồn lợi thủy hải sản rất lớn: có 15 bãi cá lớn, 370.000 ha mặt nước, với trữ lượng hải sản 5 triệu tấn [1], [2], [3].

    Từ năm 2012, chỉ số sức khỏe HST biển (OHI) đã được thực hiện đánh giá hàng năm. Theo đánh giá chung thì các quốc gia phát triển có xu hướng xếp hạng cao hơn vì có nhiều nguồn lực hơn để bảo tồn biển và nhập khẩu hải sản. Trái lại, các quốc gia đang phát triển có nguồn lực ít hơn lại thường xuyên phải chứng kiến nguồn tài nguyên biển bị khai thác để xuất khẩu sang các quốc gia phát triển.

    Theo số liệu điểm số OHI năm 2020 cho 220 quốc gia và vùng lãnh thổ tính hết vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) thì phân bố điểm dao động của các khu vực (quốc gia và vùng lãnh thổ) từ 44 đến 95, trong đó có tốp cao là 24 quốc gia có điểm số trên 80 điểm, chủ yếu tại các quốc gia hải đảo như Đức với 86 điểm đứng thứ 4 sau Quần đảo Heard và Mcdonald (95 điểm), Đảo Howland và Haker (93 điểm) và Đảo Kerguelen (90). Tổng số có 10 quốc gia đạt 50 điểm và thấp hơn, 7 quốc gia châu Phi, 1 quốc gia Trung Mỹ, 2 quốc gia Trung cận Đông.

    Việt Nam năm 2020 đạt 56 điểm, đứng thứ 199 trong tổng 221 quốc gia và lãnh thổ có biển, thấp hơn mức trung bình của toàn đại dương thế giới là 71 điểm và có dấu hiệu suy giảm số lượng các sản vật tự nhiên khác ngoài cá từ biển. Điểm số OHI trong 5 năm gần đây của nước ta hầu như không thay đổi (56 điểm) và được dự báo có xu hướng giảm nhẹ trong thời gian tới.

    Để đánh giá sự suy giảm HST và đo lường trạng thái sức khỏe của HST biển do tác động của con người, cần có một phương pháp tiếp cận mới, đó là xây dựng bộ chỉ số sức khỏe HST biển để nghiên cứu, tính toán, xác định sức khỏe HST biển, giúp định hướng cho công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn, phát triển HST biển bền vững với các nội dung: (i) Phương pháp nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số sức khỏe HST biển trên thế giới; (ii) Đề xuất phương pháp nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí sức khỏe HST biển Việt Nam; và (iii) Đề xuất xây dựng bộ tiêu chí sức khỏe HST cho vùng biển Việt Nam.

2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG BỘ CHỈ SỐ SỨC KHỎE HST BIỂN TRÊN THẾ GIỚI

    Trên thế giới từ năm 2003, đã có một số nghiên cứu đánh giá sức khỏe HST biển tính thông qua điểm số sức khỏe HST biển thành phần (0 là thấp nhất và 100 là cao nhất) và thang phân loại sức khỏe HST biển của Trung Quốc, Mỹ, Brazil, Fiji, Israel [4,5,8,10,11,12].

    Trung Quốc, năm 2003, Xu và cs. (2004) đã đưa ra đánh giá sức khỏe HST ven biển của khu vực Hồng Công cũng theo thang điểm 100, thông qua loạt tiêu chí thành phần và các trọng số mục tiêu, với thang điểm phân loại làm 5 mức: (0-20: rất kém; 20-40: kém; 40-60: trung bình; 60-80: tốt; 80-100: rất tốt) và thực hiện theo 5 bước (cùng với 15 nhóm tiêu chí): (i) Tổng quan các hoạt động con người (4 nhóm tiêu chí: khai thác sử dụng tài nguyên, đô thị hóa, công nghiệp hóa, sản xuất nông nghiệp); (ii) Nhận dạng các áp lực tới HST (2 nhóm tiêu chí: biến đổi thủy động lực, ô nhiễm hóa học phát sinh); (iii) Tác động tới HST (5 nhóm tiêu chí: vật lý, sinh học, hóa học, hệ thống, dịch vụ HST); (iv) Chỉ thị sức khỏe HST (2 nhóm tiêu chí: chỉ thị áp lực lên HST, chỉ thị tác động của HST); (v) Đánh giá sức khỏe HST (2 nhóm tiêu chí: theo thời gian, theo không gian).

    Năm 2012, nghiên cứu của Halper và cs. (2014) [6], thuộc Trung tâm Phân tích Sinh thái (NCEAS), Đại học Tổng hợp California (Mỹ) đã có đề xuất phương pháp đánh giá sức khỏe HST biển theo 10 bộ tiêu chí và thiết lập thang điểm phân loại thang chỉ số sức khỏe HST biển: 0-25: rất kém; 25-50: kém; 50-75: trung bình; 75-90: tốt; 90-100: rất tốt. Các tác giả cũng đã tính toán thử nghiệm cho các khu vực biển phía Tây nước Mỹ và chỉ ra sức khỏe HST biển tại đây đạt mức trung bình.

    Brazil, năm 2013, đã xây dựng chỉ số sức khỏe HST biển [3], dựa theo 10 tiêu chí: Cung cấp thực phẩm; Cơ hội đánh bắt cho ngư dân; Sản vật tự nhiên; Lưu trữ cacbon; Bảo vệ bờ biển; Sinh kế; Du lịch và nghỉ dưỡng; Giá trị cảnh quan; Giá trị nước sạch; Giá trị ĐDSH. Phạm vi không gian khu vực xác định từng tỉnh trên bờ là 1 km và ra đến 3 hải lý. Sức khỏe HST biển của Brazil bằng 60 điểm trên 100 điểm. Sự thay đổi về điểm số về sức khỏe HST biển giữa các tỉnh, thành ven biển của Brazil phụ thuộc vào các mục tiêu, chính sách liên quan đến công tác bảo tồn biển, du lịch biển và các ngành khác. Rio de Janeiro có số điểm cao nhất, đạt 71/100 điểm, ngược lại, Piaui có chỉ số sức khỏe biển thấp nhất và chỉ đạt 47/100 điểm.

    Fiji, một quốc gia quần đảo, năm 2014 xây dựng chỉ số sức khỏe HST biển [10] theo chỉ số 13 tiêu chí thành phần và xếp lần lượt theo các trọng số: Giải trí; Du lịch; Đánh bắt hải sản; Nơi cư trú; Nước sạch; Loài nhạy cảm; Loài nổi bật; Đa dạng loài; Kinh tế; Sinh kế; Bảo vệ bờ biển; Lưu trữ cacbon; Các sản vật tự nhiên.

    Israel, năm 2015, xây dựng các tiêu chí sức khỏe HST biển [11] theo 8 nhóm tiêu chí: Thực phẩm; Câu cá giải trí; Kinh tế; Du lịch; Cảnh quan; Nước sạch; Đa dạng sinh học; Bảo vệ bờ biển.

    Năm 2015, tại Trung Quốc có nghiên cứu đánh giá sức khỏe HST biển [8], lựa chọn 8 tiêu chí khi đánh giá sức khỏe HST biển cho khu vực biển Hạ Môn và xếp thứ tự theo trọng số: Nuôi trồng hải sản; Lưu trữ cacbon; Bảo vệ bờ biển; Tính đặc thù; Đa dạng sinh học; Du lịch, nghỉ dưỡng; Sinh kế và kinh tế ven biển: Môi trường nước.

    Hiện nay, các hướng nghiên cứu tính toán xác định sức khỏe HST biển giúp định hướng cho công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát triển HST biển bền vững chủ yếu: Phương pháp điều tra thực địa, quan trắc, khảo sát định kỳ và đánh giá; Phương pháp lượng giá kinh tế; và  Phương pháp xác định chỉ số sức khỏe.

    Phương pháp xác định chỉ số sức khỏe là phương pháp nghiên cứu mới dựa trên phương thức tính điểm cho các tiêu chí, với thang dao động từ 0 đến 100. Chỉ số sức khỏe HST biển tổng hợp được tính thông qua các chỉ số thành phần, do chúng ta tự xây dựng và thiết lập, dựa theo cơ sở khoa học khách quan, các quan điểm và mục tiêu quản lý. Bộ tiêu chí thành phần gồm các thành phần như ĐDSH, nơi cư trú, diện tích biển... Phương pháp xác định chỉ số sức khỏe HST biển là phương pháp có tính hội nhập và chuẩn mực quốc tế, cho phép so sánh được sức khỏe HST các khu vực biển, các quốc gia khác nhau hơn so với các phương pháp khác, phương pháp điều tra thực địa trực tiếp phụ thuộc vào trình độ nguồn nhân lực và thiết bị, phương pháp gián tiếp lượng giá kinh tế phụ thuộc vào giá trị tiền tệ riêng biệt, mức sống của từng quốc gia.

    Điểm của bộ chỉ số sức khỏe HST biển bằng tổng số điểm của các chỉ số tiêu chí thành phần nhân với trọng số tương ứng của chỉ số thành phần đó, được xác định theo công thức sau:

SKHST = ∑wi * Di

    Trong đó: Di - Điểm của chỉ số tiêu chí thành phần i (i = 1 đến n), mỗi chỉ số có điểm tối đa là 100 điểm; wi - Trọng số của chỉ số thành phần thứ i, tổng các trọng số wi bằng 1.

    Dựa theo thang phân loại điểm số sức khỏe HST biển: kém (0-25), trung bình (25-50), tốt (50-75), rất tốt (75-80), các nhà quản lý, hoạch định chính sách có thể đưa ra những giải pháp quản lý, bảo vệ, bảo tồn thích hợp. Có thể áp dụng giải pháp thiết lập các khu bảo tồn biển như là những biện pháp bảo vệ HST biển tốt nhất.

3. XÂY DỰNG BỘ TIÊU CHÍ SỨC KHỎE HST BIỂN VIỆT NAM

    Dựa trên các vấn đề về HST, nhóm nghiên cứu thực hiện xây dựng bộ chỉ số bằng phương pháp rà soát, đánh giá các tiêu chí, PTBV, BVMT sinh thái biển sẵn có trong hệ thống thống kê quốc gia và một số nghiên cứu trong nước... Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng tham khảo các tiêu chí đã và đang áp dụng tại một số quốc gia khác trên thế giới như Mỹ, Braxin, Trung Quốc, Fiji...

    Trên cơ sở tổng hợp đó, nhóm nghiên cứu đề xuất 5 nhóm tiêu chí chính là: Tài nguyên sinh vật và đa dạng sinh học; Tài nguyên phi sinh vật; BVMT; Tác động BĐKH; Khai thác sử dụng. Trong đó, nhóm tiêu chí tài nguyên sinh vật và đa dạng sinh học mô tả hiện trạng các tài nguyên sinh vật và các HST. Nhóm tiêu chí tài nguyên phi sinh vật là các dạng tài nguyên nước, tài nguyên đáy biển, tài nguyên khoáng sản và tài nguyên năng lượng. Nhóm tiêu chí BVMT là nhóm áp lực, các nguồn thải của các hoạt động kinh doanh, sản xuất của các ngành kinh tế và con người lên môi trường, HST khu vực biển, mô tả các nguy cơ ô nhiễm từ các nguồn thải và các tác động phản hồi sinh thái. Nhóm tiêu chí tác động BĐKH là nhóm các tác động của BĐKH - một quá trình ấm lên toàn cầu lên môi trường, HST khu vực biển, mô tả các tác động phản hồi sinh thái do BĐKH gây ra. Nhóm tiêu chí khai thác sử dụng là nhóm khai thác các dịch vụ của HST của một khu vực biển phục vụ lợi ích cho con người như hải sản, nuôi biển, du lịch, giao thông thủy.

Hình 1. Mối quan hệ giữa các tiêu chí sức khỏe HST biển

    Dựa trên sơ đồ cho thấy, các nhóm tiêu chí của sức khỏe HST biển được đề xuất trên mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại với nhau, tạo lập thành một chu kỳ lặp lại liên tục. Mỗi nhóm tiêu chí được đề xuất thành lập trên đều dựa theo các tiêu chí thành phần đặc trưng cho các nhóm tiêu chí.

    Có thể kể đến một vài tiêu chí thành phần được đề xuất cho các nhóm tiêu chí như:

- Nhóm tài nguyên sinh vật và đa dạng sinh học

+ Vị trí và tài nguyên vị thế khu vực biển: Đánh giá địa lý khu vực biển nghiên cứu và xác định giá trị các tài nguyên thiên nhiên nổi bật.

+ Địa lý tự nhiên: Đánh giá về các đặc điểm tự nhiên khu vực biển nghiên cứu như địa hình, địa mạo, độ sâu đáy biển...

+ Khí tượng thủy văn: Xem xét hiện trạng thời tiết, chế độ dòng chảy, sóng, thủy triều của khu vực biển nghiên cứu để cho điểm từng yếu tố.

+ Môi trường: Xem xét từng yếu tố trong môi trường nước của khu vực biển nghiên cứu để đánh giá môi trường sống của các loài sinh vật thủy sinh.

- Nhóm tài nguyên phi sinh vật

+ Tài nguyên nước;

+ Tài nguyên đáy biển (đất, đá, trầm tích);

+ Tài nguyên khoáng sản;

+ Tài nguyên năng lượng.

- Nhóm BVMT

+ Áp lực, nguy cơ môi trường từ hoạt động kinh tế - xã hội: Xác định lượng chất thải từ hoạt động kinh tế - xã hội đổ ra biển có vượt quá mức cho phép tại khu vực biển nghiên cứu hay không.

+ Phản hồi HST: Đánh giá các phản ứng vật lý, hóa học, sinh học tác động đối với HST biển khu vực nghiên cứu như thế nào.

- Nhóm tác động BĐKH

+ Áp lực thiên nhiên: Đánh giá sự gia tăng lượng khí thải CO2, nhiệt độ, lượng mưa... của khu vực biển nghiên cứu là nhiều hay ít sau đó dựa vào đó cho điểm số thích hợp.

+ Phản hồi HST: Tiêu chí này sẽ đánh giá các các tác động, ảnh hưởng của BĐKH tới HST như sự suy giảm đa dạng sinh học, axit hóa đại dương...

- Nhóm khai thác sử dụng

+ Đánh bắt hải sản: Đánh giá hiện trạng tổng quan về khai thác thủy hải sản, các ngư trường khai thác... của khu vực biển nghiên cứu là nhiều hay ít, tác động như thế nào đến HST.

+ Nuôi trồng, phục hồi: Xác định số lượng các khu nuôi trồng thủy hải sản, sản lượng nuôi trồng... của khu vực biển nghiên cứu nhiều hay ít, có tác động như thế nào đến HST.

+ Du lịch biển đảo: Đánh giá đến hiện trạng du lịch của khu vực biển nghiên cứu dựa trên doanh thu, số lượng khách du lịch, nhà nghỉ..., từ đó xác định có ảnh hưởng hay không đến HST biển.

+ Giao thông vận tải: Xác định các hoạt động vận tải trên biển nhiều hay ít, tác động, ảnh hưởng như thế nào đến HST.

+ Diêm nghiệp (làm muối): Xem xét đến việc sản xuất muối ở các khu vực ven biển, tác động của nó đến HST biển.

+ Các ngành kinh tế biển xanh: Tiêu chí về phát triển năng lượng sạch tái tạo như gió, sóng, bức xạ mặt trời, thủy triều, điện hải lưu, sử dụng gradient nhiệt, gradient muối.

4. KẾT LUẬN

    Việt Nam cần có bộ tiêu chí về chỉ số sức khỏe HST biển, để đánh giá sự suy giảm HST và đo lường trạng thái sức khỏe của HST biển trên một đơn vị địa lý, giúp định hướng quản lý môi trường và HST bền vững hơn với một khu vực biển, đảo, hay với khu vực biển cấp huyện, cấp tỉnh.

    Bộ chỉ số sức khỏe HST đều dùng thang điểm 0 đến 100, thông qua 5 nhóm thành phần, với các tiêu chí thành phần khác nhau (nhóm tài nguyên sinh vật và ĐDSH, nhóm tài nguyên phi sinh vật, nhóm BVMT, nhóm tác động BĐKH, nhóm khai thác sử dụng), sẽ giúp định lượng sự khác biệt của các khu vực biển với sự đa dạng HST biển.

    Bộ tiêu chí sức khỏe HST biển (sau khi thử nghiệm, hiệu chỉnh) có thể giúp thiết lập bảng đánh giá xếp hạng sức khỏe HST biển hàng năm cho các tỉnh, thành ven biển, các huyện, các hải đảo và có thể với từng loại ngành kinh tế biển dựa vào dịch vụ HST, như du lịch, đánh bắt cá, sinh kế ven biển..., giúp các ngành định hướng PTBV, quản lý hiệu quả hơn các khu vực biển, ven biển, hải đảo Việt Nam.

    Định lượng đánh giá sức khỏe HST biển quốc gia, cũng giúp cho các nhà quản lý, chính sách biển Việt Nam xem vị trí của biển Việt Nam đứng thứ hạng bao nhiêu, để từ đó định hướng phát triển, điều phối lại các ngành nghề kinh tế biển, công tác BVMT và các HST theo chuẩn mực quốc tế, thực hiện hành động phát triển có trách nhiệm theo các cam kết của quốc gia thành viên tôn trọng hệ thống pháp luật quốc tế, khu vực.

LỜI CẢM ƠN

    Bài viết này là một phần kết quả nghiên cứu của đề tài: Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng tiêu chí đánh giá sức khỏe HST biển Việt Nam. Áp dụng nghiên cứu thí điểm cho khu vực Quần đảo Cát Bà. Mã số TNMT.2017.06.11.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), 2021. Báo cáo hiện trạng môi trường biển. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Hà Nội: 140 tr.

  2. Dư Văn Toán, 2020. Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng tiêu chí đánh giá sức khỏe HST biển Việt Nam. Áp dụng nghiên cứu thí điểm cho khu vực Quần đảo Cát Bà. Báo cáo tổng kết đề tài khoa học – công nghệ cấp Bộ. Bộ TN&MT, Hà Nội.

  3. Dư Văn Toán, 2013. Nghiên cứu luận cứ khoa học và thực tiễn xác định các vùng biển nhậy cảm đặc biệt (PSSA) ở vùng biển Việt Nam. Áp dụng điển hình cho vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng. Báo cáo tổng kết đề tài khoa học – công nghệ cấp Bộ. Bộ TN&MT, Hà Nội.

  4. Elfes C.T., C. Longo, B.S. Halpern, D. Hardy, C. Scarborough, B.D. Best et al., 2014. A Regional-Scale Ocean Health Index for Brazil. PLoS ONE 9(4): e92589. https://doi.org/ 10.1371/journal.pone.0092589.

  5. Halpern B.S. et al., 2012. An Index to Assess the Health and Benefits of the Global Ocean. Nature 488: p. 615-620.

  6. Halpern B.S., C. Longo, C. Scarborough, D. Hardy, B.D. Best, S.C. Doney et al., 2014. Assessing the Health of the U.S. West Coast with a Regional-Scale Application of the Ocean Health Index. PLoS ONE 9(6): e98995. https://doi.org/10.1371/journal.pone. 0098995.

  7. Trần Đình Lân, 2015. Lượng giá kinh tế các HST biển–đảo tiêu biểu phục vụ PTBV một số đảo tiền tiêu ở vùng biển ven bờ Việt Nam. Mã số KC 09-08/11-15. Báo cáo tổng kết đề tài cấp Nhà nước. NXB Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Hà Nội,

  8. Ma D., Q. Fang and S. Liao, 2016. Applying the Ocean Health Index Framework to the City Level: A Case Study of Xiamen, China. Ecological Indicators 66: p. 281-290.

  9. Ngân hàng Thế giới, 2011. Báo cáo phát triển Việt Nam. Quản lý tài nguyên thiên nhiên biển. 168 tr. http://documents.worldbank.org/curated/en/748901468125680083/Bao-cao-phat-trien-Viet-Nam-2011-quanly-tainguyen-thien-nhien

  10. Selig E.R et al., 2015. Measuring Indicators of Ocean Health for an Island Nation: The Ocean Health Index for Fiji. ELSERVIE. Ecosystem Services 16: p. 403-412.

  11. Tsemel A. et al., 2015. Ocean Health Index+ Assessment for Israel’s Mediterranean Coast. http://www.hamaarag.org.il/en/ocean-health-index.

  12. Xu F.L., K.C. Lamb, Z.Y. Zhao, W. Zhan, Y. David Chen and S. Tao, 2004. Marine Coastal Ecosystem Health Assessment: A Case Study of the Tolo Harbour, Hong Kong, China. Ecological Modelling 173: p. 355-370.

  13. Ocean health assessment, 2020. https://oceanhealthindex.org/

Dư Văn Toán

Viện Nghiên cứu biển và hải đảo

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số Chuyên đề Tiếng Việt IV/2021)

 

RESEARCH OF CRITERIA FOR EVALUATING ECOLOGICAL HEALTH INDEX FOR VIETNAMESE MARINE ENVIRONMENT

Du Van Toan

Vietnam Institute of Seas and Islands

    At present, the marine economy plays a very important role in the economic development of Vietnam. According to the National Marine Economic Sustainable Development Strategy to 2030/2045 with the goal of developing Vietnam into an one  seapower. However, the development of the marine economy also means an increase in the effects of polluting the marine environment, i.e. the deterioration of the natural health of the sea and of the marine ecosystems. Sustainable development of the sea economy, associated with environmental protection, ecology is an important task of the unified management of the sea and islands. Therefore, in order to assess the health status of marine ecosystems in Vietnam and coastal provinces, and to help manage integrated and integrated marine environmental resources in Vietnam, research is needed, establish a scientific basis to define the set of criteria and health indicators of the marine ecosystem for the assessment of marine ecosystem health and sustainable marine economy in Vietnam.

Key words: Marine ecosystem, Marine economy, ocean health index, ecosystem health index, marine strategy, sustainable development.

Ý kiến của bạn