05/05/2025
TÓM TẮT
Chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) là vấn đề môi trường cấp thiết tại các đô thị lớn hiện nay. Nghiên cứu đánh giá mức độ hiệu quả của chính sách, mức độ đồng thuận của người dân trong việc triển khai thu phí vận chuyển CTRSH giai đoạn 2022 - 2024 tại Quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh (HCM) bằng các phương pháp: khảo sát xã hội học, phân tích thống kê và phân tích SWOT. Kết quả cho thấy, 97% người dân đã tiếp cận thông tin, nhưng 25% chưa đồng tình với việc thu phí. Nguyên nhân chủ yếu là do hình thức thu phí chưa đồng bộ và một bộ phận người dân chưa hiểu rõ mục đích, ý nghĩa cũng như sự khác biệt giữa phí thu gom và phí vận chuyển. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đề xuất giải pháp tăng cường các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, triển khai hình thức thu phí qua ứng dụng điện tử.
Từ khóa: CTRSH, phí vận chuyển rác, Gò Vấp, TP. HCM.
Ngày nhận bài: 9/2/2025; Ngày sửa chữa: 19/3/2025; Ngày duyệt đăng: 25/3/2025.
STUDY ON TRANSPORTATION COST OF DOMESTIC SOLID WASTE
IN GO VAP DISTRICT, HO CHI MINH CITY
ABSTRACT
Domestic solid waste is a pressing environmental issue in major urban areas such as Ho Chi Minh City (HCMC). This study evaluates the implementation of domestic solid waste transportation cost in Go Vap District, HCMC during the 2022–2024 period. The research methods include sociological surveys, statistical analysis, and SWOT analysis (Strengths, Weaknesses, Opportunities, and Threats) to assess household awareness and behavior. According to the study's findings, 97% of individuals are aware of this information, however 25% disagree that this kind of tax should be collected. The main reason is the lack of consistency in fee collection methods among different wards, and a portion of the population does not fully understand the purpose, significance, or the distinction between collection and transportation fees. On the basis, the study proposed solutions include enhancing public awareness through communication campaigns and promoting digital technologies by implementing electronic payment systems.
Keywords: Domestic solid waste, transportation cost, Go Vap, HO CHI MINH city.
JEL Classifications: P18, Q52, Q53.
1. GIỚI THIỆU
Tính đến năm 2024, tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn TP. HCM phát sinh trung bình vào khoảng 13.000 tấn/ngày [1], số liệu này cho thấy xu hướng gia tăng nhanh chóng của lượng rác thải đô thị do tốc độ đô thị hóa, gia tăng dân số và thay đổi trong thói quen tiêu dùng của người dân thành phố. Trước thực trạng đó, Ủy ban nhân dân (UBND) TP. HCM đã giao nhiệm vụ cho Sở TN&MT nghiên cứu và hoàn thiện phương án tính giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH nhằm hướng đến quản lý hiệu quả và đồng bộ hơn trong thời gian tới. Quận Gò Vấp là một trong ba quận có dân số đông nhất, năm 2024 có tổng số dân là 676.899 người [2], dẫn tới áp lực ngày càng lớn lên hệ thống quản lý chất thải.
Hình 1. Bản đồ hành chính Quận Gò Vấp, TP. HCM [3]
Sự gia tăng nhanh chóng dân số tại Quận Gò Vấp đã kéo theo khối lượng CTRSH phát sinh ngày càng lớn, gây áp lực đáng kể lên hệ thống quản lý chất thải của địa phương. Nếu không được thu gom và xử lý kịp thời, lượng CTRSH này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường đô thị. Trên cơ sở đó, một loạt văn bản pháp quy đã được ban hành nhằm hướng dẫn cụ thể việc tổ chức, triển khai công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH. Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 [4] quy định chất thải phải được quản lý xuyên suốt từ phát sinh, phân loại đến vận chuyển và xử lý; thu phí CTRSH theo khối lượng phải được triển khai chậm nhất trước ngày 31/12/2024, nhằm bảo đảm nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” (Luật BVMT, 2020). Ban hành kèm theo Luật BVMT là các quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT (Nghị định số 08/2022/NĐ-CP) [5] và hướng dẫn cụ thể về giá dịch vụ trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH (Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT) [6]. Những văn bản này đóng vai trò quan trọng trong việc cụ thể hóa chính sách, tạo hành lang pháp lý cho các địa phương như Gò Vấp triển khai hiệu quả mô hình quản lý CTRSH theo hướng hiện đại, đồng bộ và bền vững.
Thực hiện theo các quy định của Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn của TP. HCM, UBND Quận Gò Vấp đã ban hành quy định cụ thể về giá dịch vụ thu gom tại nguồn và giá dịch vụ vận chuyển CTRSH trên địa bàn quận hành (Quyết định số 4753/QĐ-UBND) [7]. Theo Quyết định này, mức phí thu gom và vận chuyển CTRSH được áp dụng đối với các hộ gia đình và các đối tượng phát sinh chất thải khác được chia theo từng giai đoạn, được thể hiện trong Bảng 1.
Bảng 1. Giá dịch vụ thu gom tại nguồn và giá dịch vụ vận chuyển CTRSH ở Gò Vấp [7]
TT |
Hộ gia đình (đồng/hộ/tháng) |
Ngoài hộ gia đình |
||
CTR phát sinh <250 kg/tháng (đồng/tháng) |
CTR phát sinh từ 250 - 420 kg/tháng (đồng/tháng) |
CTR phát sinh >420 kg/tháng (đồng/tháng) |
||
2022 |
70.000 |
127.000 |
170.500 |
Khối lượng thực tế x 509 |
2023 |
77.500 |
141.000 |
188.500 |
Khối lượng thực tế x 563 |
2024 |
85.000 |
154.000 |
207.000 |
Khối lượng thực tế x 617 |
2025 |
92.500 |
168.000 |
225.000 |
Khối lượng thực tế x 672 |
Năm 2024, việc thu phí được triển khai theo hình thức: Phí thu gom rác được thu theo tháng, do đơn vị thu gom rác thực hiện; phí vận chuyển rác được thu theo quý, do đơn vị thu gom rác thực hiện và nộp về UBND phường. Mức phí áp dụng cho hộ gia đình trong năm 2024 là 85.000 đồng/hộ/tháng, bao gồm 55.000 đồng cho dịch vụ thu gom và 30.000 đồng cho dịch vụ vận chuyển [7].
Mặc dù công tác thu phí vận chuyển CTRSH đã được triển khai tại Gò Vấp từ năm 2022 theo Quyết định số 4753/QĐ-UBND nhưng vẫn chưa có nghiên cứu toàn diện nào đánh giá hiệu quả, mức độ đồng thuận xã hội cũng như những khó khăn thực tế. Vì vậy, nghiên cứu đã phân tích cụ thể một quận điển hình trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, đồng thời tiếp cận từ góc nhìn người dân - đối tượng trực tiếp chi trả - để đánh giá nhận thức và hành vi. Nội dung nghiên cứu sẽ tập trung làm rõ thực trạng triển khai thu phí vận chuyển CTRSH tại Quận Gò Vấp trong giai đoạn 2022 - 2024, thông qua dữ liệu thực tế, khảo sát xã hội học và phân tích SWOT, nhằm chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong quá trình thực hiện. Mục tiêu nghiên cứu là đánh giá mức độ hiệu quả của chính sách, mức độ đồng thuận của người dân và từ đó đề xuất các giải pháp cải thiện như tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong thu phí để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý CTRSH trên địa bàn quận Gò Vấp.
2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Phương pháp điều tra khảo sát và xử lý số liệu
Để khảo sát ý kiến của người dân về vấn đề thu phí vận chuyển rác, các mẫu khảo sát được thực hiện ngẫu nhiên có phân lớp trên địa bàn 16 phường tại Quận Gò Vấp, TP. HCM. Số lượng mẫu khảo sát được tính theo công thức Solvin (1960) như sau:
Trong đó, N là số lượng tổng thể, e là sai số tiêu chuẩn được chọn tại giá trị 8%. Như vậy số mẫu khảo sát cần thực hiện là 160 phiếu, số phiếu này được phân bố theo tỷ lệ 10 phiếu/phường trên tổng số 16 phường thuộc Quận Gò Vấp.
Trong nghiên cứu, để khảo sát về mức độ đồng tình của người dân, câu hỏi đã được thiết kế bằng cách sử dụng thang đo Likert 5 mức độ. Thang đo Likert 5 điểm cung cấp năm tùy chọn khác nhau theo mức độ tăng dần trong các sự lựa chọn. Các thông tin, số liệu thu thập được tổng hợp và xử lý trên phần mềm MS Excel.
2.2. Phương pháp SWOT
Nghiên cứu sử dụng phương pháp SWOT để tiến hành phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong công tác thu phí vận chuyển rác trên địa bàn Quận Gò Vấp. Trên cơ sở đó, đề tài đề xuất một số giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác thu phí vận chuyển CTRSH trên địa bàn quận Gò Vấp, TP HCM. Phương pháp này có các ưu điểm là đơn giản, dễ áp dụng, linh hoạt, toàn diện, cải thiện quá trình ra quyết định và thúc đẩy tư duy chiến lược.
3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1. Khảo sát ý kiến của người dân
3.1.1. Thông tin các đối tượng được khảo sát
Nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 160 phiếu đối với cư dân trên địa bàn Quận Gò Vấp nhằm thu thập thông tin, ý kiến và đánh giá của người dân về công tác thu phí vận chuyển CTRSH. Các thông tin cơ bản về người tham gia khảo sát được thể hiện ở Hình 2.
Hình 2. Thông tin các đối tượng được khảo sát
Kết quả khảo sát cho thấy, các đối tượng tham gia được lựa chọn với sự phân bố đa dạng nhằm đảm bảo tính đại diện và khách quan cho nghiên cứu. Về giới tính, nữ chiếm 62% và nam chiếm 38%, cho thấy sự tham gia tích cực của phụ nữ trong các vấn đề liên quan đến môi trường và quản lý chất thải. Về trình độ học vấn, có 51% người được khảo sát có trình độ dưới lớp 12, 34% hoàn thành chương trình lớp 12, và 15% có trình độ trên lớp 12, phản ánh mức độ tiếp cận thông tin và nhận thức môi trường ở các nhóm dân cư khác nhau. Về độ tuổi, 73% người tham gia khảo sát thuộc độ tuổi lao động, trong khi 27% còn lại là những người ngoài độ tuổi lao động. Sự phân bố này giúp nghiên cứu thu thập được góc nhìn toàn diện từ nhiều đối tượng trong cộng đồng, từ đó đưa ra những đánh giá và đề xuất chính sách phù hợp với thực tiễn.
3.1.2. Khảo sát về nguồn tiếp nhận thông tin
Trong thời đại công nghệ 4.0, việc lựa chọn kênh truyền thông phù hợp là yếu tố quan trọng trong tuyên truyền chính sách quản lý chất thải.
Hình 3. Nguồn tiếp nhận thông tin về quản lý chất thải rắn
Kết quả khảo sát tại Quận Gò Vấp cho thấy có 60% người dân tiếp cận thông tin qua truyền thông đại chúng, 70% nhận thông tin từ cuộc họp và Zalo tổ dân phố, trong khi chỉ 18% từ thông báo trực tiếp của các cơ quan chức năng. Điều này cho thấy truyền thông điện tử và ứng dụng mạng xã hội đang là kênh thông tin hiệu quả nhất hiện nay. Do đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền qua các nền tảng số là giải pháp phù hợp với xu thế chuyển đổi số và chủ trương hiện đại hóa quản lý đô thị của Nhà nước.
3.1.3. Khảo sát về sự đồng tình và nhận thức của người dân
Kết quả khảo sát cho thấy 97% người dân đã được tuyên truyền về việc thu thêm một loại phí đối với CTRSH. Tuy nhiên, vẫn còn 25% chưa nắm rõ hoặc chưa đồng tình với chính sách này. Điều này cho thấy, công tác tuyên truyền tuy đã được triển khai rộng rãi nhưng chưa thực sự hiệu quả, cần tiếp tục được quan tâm để đảm bảo việc thu phí diễn ra minh bạch, đồng thuận và hiệu quả hơn trong thực tiễn.
Hình 4. Độ nhận thức thông tin về thu phí vận chuyển CTRSH
Bên cạnh khoản phí hàng tháng trả cho lực lượng thu gom rác, việc đóng thêm phí vận chuyển rác đã khiến một bộ phận không nhỏ người dân – chiếm tới 25% – chưa đồng tình, xuất phát từ nhiều lý do khác nhau như chưa hiểu rõ sự khác biệt giữa hai loại phí, lo ngại bị thu phí chồng chéo, hoặc chưa thấy rõ hiệu quả của dịch vụ sau khi thu thêm phí. Đây là vấn đề cần được xem xét và giải quyết thấu đáo nhằm nâng cao tính minh bạch và sự đồng thuận trong cộng đồng.
Bảng 2. Kết quả khảo sát sự đồng thuận của người dân về việc thu phí vận chuyển rác
TT |
Ý kiến của người dân |
Tỷ lệ phần trăm (%) |
Lý do |
Ý kiến đề xuất của người dân |
1 |
Đồng ý |
12 |
Nhận thức đúng và đủ về trách nhiệm đóng phí vận chuyển rác nhằm BVMT sống |
Tiếp tục thực hiện nhưng cần cải tiến cách thức thu gom hiệu quả hơn |
2 |
Cần cải tiến |
63 |
Đơn giá thu có thay đổi, không nắm rõ cách tính Hình thức thu phí thay đổi liên tục gây khó khăn: - Đã từng thay đổi khi thu theo năm, theo quý, theo tháng… - Đã từng thay đổi khi đơn vị thu phí, khi thì do tổ dân phố và phường thu cùng thu, khi thì do đơn vị thu gom rác dân lập thu… - Có thu tiền mặt, có chuyển khoản, sau đó công bố danh sách đã thu có nhầm lẫn, thiếu xót các hộ đã đóng…nên người dân phải rà soát nhiều lần |
Cần khắc phục tất cả các ý kiến đã nêu để thuận lợi cho người dân, tiết kiệm thời gian Tăng cường độ tin cậy vào các đơn vị được phép đi thu phí vận chuyển rác/người đi thu để tránh hoang mang, sợ gặp lừa đảo khi đóng tiền … |
3 |
Không đồng ý |
25 |
Đã thu phí rác (không phân biệt được phí thu gom và phí vận chuyển) nên không đồng ý đóng thêm một lần, cho rằng đối với rác sinh hoạt thì chỉ thu một lần phí là đã hợp lý Giá thu cao, cách tính phức tạp, khó hiểu, hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, nhà trọ,..khó áp dụng |
Không thu thêm phí đối với rác sinh hoạt |
Tổng cộng |
100 |
|
|
Kết quả khảo sát cho thấy có 25% người dân chưa đồng ý với việc thu thêm phí vận chuyển CTRSH. Đây là nhóm đối tượng cần được tăng cường tuyên truyền, nhằm giúp họ hiểu đúng ý nghĩa, mục đích của chính sách và thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Trong khi đó, 75% người dân đồng thuận với chủ trương này, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến phản ánh các khó khăn trong quá trình thực hiện (như trình bày tại Bảng 2), cho thấy cần có giải pháp khắc phục kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả thu phí.Tình trạng này không chỉ xảy ra tại Gò Vấp mà còn phổ biến ở nhiều quận, huyện khác trên địa bàn TP. HCM. Nguyên nhân chính là do trong giai đoạn 2022–2024, khi chưa có quy định cụ thể thống nhất, TP. HCM mới chỉ ban hành hướng dẫn phương pháp xây dựng và tính giá dịch vụ CTRSH, đồng thời quy định mức giá trần, còn lại các quận, huyện tự quyết định mức giá cụ thể theo điều kiện thực tế. Điều này dẫn đến sự khác biệt giữa các địa phương, khiến người dân khó hiểu về lý do có sự chênh lệch và ảnh hưởng đến sự đồng thuận chung.
Từ năm 2025, việc thu phí vận chuyển CTRSH sẽ được cải thiện đáng kể khi các quy định về giá được thực hiện thống nhất theo pháp luật. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 35/2024/TT-BTNMT ngày 19/12/2024 quy định về quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH [8], và Thông tư số 36/2024/TT-BTNMT ngày 20/12/2024 ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở tính giá dịch vụ [9]. Hai văn bản này sẽ giúp các địa phương thống nhất cách tính phí, đảm bảo tính minh bạch, công bằng và tăng hiệu quả quản lý CTRSH trên toàn địa bàn TP. HCM.
3.2. Đánh giá điểm mạnh, yếu, cơ hội và thách thức trong thu phí vận chuyển rác
Hình 5. Kết quả phân tích SWOT đối với việc thu phí vận chuyển rác tại quận Gò Vấp
Điểm mạnh:
Hệ thống chính sách và pháp luật được quy định rõ ràng: Công tác thu phí vận chuyển CTRSH được hỗ trợ bởi hệ thống chính sách và pháp luật đầy đủ, rõ ràng thông qua Luật BVMT năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT, Quyết định số 4753/QĐ-UBND, Thông tư số 35/2024/TT-BTNMT về quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH, Thông tư số 36/2024/TT-BTNMT ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH để làm căn cứ tính giá.
Chính quyền địa phương chủ động triển khai tuyên truyền: UBND Quận Gò Vấp đã thể hiện sự chủ động trong việc triển khai kịp thời các hoạt động tuyên truyền về chính sách thu phí đến người dân và các chủ nguồn thải trên địa bàn quận.
Hình thức thu phí được áp dụng linh hoạt và thuận tiện: Việc thu phí được thực hiện thông qua nhiều hình thức linh hoạt, bao gồm thu phí thu gom bằng tiền mặt và thu phí vận chuyển thông qua chuyển khoản hoặc do UBND phường trực tiếp thu theo năm.
Tỷ lệ thu phí đạt hiệu quả cao: Trong năm 2023, công tác thu phí vận chuyển CTRSH tại Quận Gò Vấp đạt hiệu quả cao với tổng số tiền thu được hơn 36,3 tỷ đồng từ hơn 108.000 hộ gia đình và hơn 26.000 chủ nguồn thải khác [10].
Điểm yếu:
Thông tin về các loại phí chưa rõ ràng: Nhiều người dân vẫn còn bức xúc do chưa được giải thích cụ thể về sự khác biệt giữa phí thu gom và phí vận chuyển CTRSH, dẫn đến cảm giác bị thu phí chồng chéo vì thiếu minh bạch trong truyền thông.
Thiếu sự thống nhất trong triển khai thu phí: Hình thức thu phí và đơn vị thực hiện thu phí chưa được thống nhất giữa các địa phương, gây ra sự không đồng bộ trong thực hiện và khiến người dân hoang mang.
Công tác tuyên truyền chưa hiệu quả: Các hoạt động truyền thông về chính sách thu phí chưa tiếp cận được đầy đủ đến mọi nhóm đối tượng trong cộng đồng, đặc biệt là các nhóm yếu thế như người già, người lao động tự do hoặc người không sử dụng công nghệ.
Công nghệ thu phí chưa phù hợp với thực tiễn: Việc triển khai thu phí qua ứng dụng điện tử tuy hiện đại nhưng chưa phù hợp với điều kiện tiếp cận công nghệ của một số đơn vị thu gom dân lập và người dân, từ đó có thể gây khó khăn trong quá trình vận hành và ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên liên quan.
Cơ hội:
Chuyển đổi số tạo điều kiện cho thu phí điện tử: TP. HCM đang tích cực đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các ứng dụng điện tử nhằm phục vụ công tác thu phí vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Công nghệ thông tin hỗ trợ minh bạch hóa quy trình thu phí: Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đặc biệt là hệ thống thông tin địa lý (GIS) và các phương thức thanh toán điện tử, đang góp phần nâng cao hiệu quả giám sát và tăng cường tính minh bạch trong quy trình thu phí [11, 12].
Ý thức BVMT của người dân được nâng cao: Người dân ngày càng có nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của việc BVMT và tích cực tham gia vào hoạt động phân loại rác tại nguồn.
Ứng dụng công nghệ giúp tối ưu hóa chi phí và lộ trình: Việc ứng dụng các giải pháp công nghệ thông minh vào công tác thu gom và vận chuyển CTRSH không chỉ giúp tối ưu hóa lộ trình thu gom mà còn góp phần giảm thiểu chi phí vận hành một cách hiệu quả.
Thách thức:
Việc triển khai thu phí chưa đồng bộ giữa các địa phương: Hiện nay, việc triển khai thu phí vận chuyển CTRSH trên địa bàn TP. HCM vẫn còn thiếu đồng bộ giữa các quận, huyện, khiến người dân thắc mắc về cách tính khối lượng rác và mức phí áp dụng cho từng hộ gia đình.
Khả năng tiếp cận công nghệ còn hạn chế ở một bộ phận dân cư: Việc thay đổi thói quen và nâng cao nhận thức trong quản lý rác thải theo hướng thông minh đòi hỏi thời gian và sự nỗ lực, nhưng khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ vẫn còn hạn chế, nhất là ở các khu vực có nhiều lao động tự do hoặc phổ thông, làm giảm hiệu quả tuyên truyền và mức độ đồng thuận trong cộng đồng.
Người dân nghi ngờ về chất lượng dịch vụ khi tăng phí: Một vấn đề đáng quan tâm là nhiều người dân lo ngại rằng việc thu thêm phí nhưng không cải thiện chất lượng dịch vụ thu gom, vận chuyển rác sẽ gây bất bình; đây là một yêu cầu chính đáng cần được cơ quan chức năng giải trình minh bạch và thuyết phục.
Đơn vị thu gom dân lập gặp khó khăn với hình thức thu phí mới: Nhiều đơn vị thu gom rác dân lập cho rằng việc áp dụng hình thức thu phí qua ứng dụng công nghệ chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động, có thể phát sinh bất cập và ảnh hưởng đến quyền lợi của lực lượng thu gom nếu không có chính sách hỗ trợ kinh tế phù hợp và cân bằng lợi ích. Để đảm bảo hoạt động ổn định và hiệu quả của các đơn vị này, cần xây dựng chính sách kinh tế phù hợp, hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp và lợi ích xã hội [13].
3.3. Một số giải pháp
Để việc thu phí vận chuyển CTRSH đạt hiệu quả, chính quyền địa phương cần giữ vai trò chủ đạo trong tổ chức và giám sát thực hiện, đồng thời cần có sự đồng thuận và hợp tác tích cực từ người dân trên địa bàn. Sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên sẽ là yếu tố then chốt góp phần nâng cao hiệu quả quản lý chất thải và bảo vệ môi trường bền vững. Dựa trên phân tích SWOT chi tiết ở trên, sau đây là đề xuất giải pháp chiến lược cụ thể:
3.3.1. Chiến lược SO (Phát huy điểm mạnh để tận dụng cơ hội)
Chính quyền địa phương cần tận dụng nền tảng pháp lý rõ ràng để tích hợp quy định thu phí vào các nền tảng số, nhằm đảm bảo tính pháp lý và minh bạch trong quy trình thu phí điện tử.
UBND Quận Gò Vấp nên phát huy vai trò chủ động trong công tác truyền thông, kết hợp với các công cụ công nghệ thông tin để lan tỏa thông tin qua các kênh hiện đại như ứng dụng di động, mạng xã hội và website.
Chính quyền Quận cần kết hợp hình thức thu phí linh hoạt hiện tại với các kênh thanh toán điện tử, như ví điện tử và ngân hàng số, nhằm mở rộng lựa chọn thanh toán thuận tiện cho người dân.
UBND Quận Gò Vấp có thể triển khai mô hình thu phí thông minh tại một số phường có tỷ lệ thu phí cao, từ đó làm cơ sở để nhân rộng mô hình ra toàn quận và thành phố.
3.3.2. Chiến lược WO (Khắc phục điểm yếu để tận dụng cơ hội)
Các cơ quan truyền thông và chính quyền phường/xã cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đa kênh, nhằm giúp người dân hiểu rõ sự khác biệt giữa phí thu gom và phí vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Các đơn vị truyền thông và đoàn thể địa phương cần xây dựng tài liệu truyền thông số hóa như video, infographic, để truyền tải thông tin hiệu quả tới nhóm người dân yếu thế và không rành công nghệ.
Chính quyền thành phố cần ban hành và công khai một bộ quy trình và biểu phí thống nhất, được tích hợp trên hệ thống điện tử để đảm bảo sự đồng bộ trong công tác thu phí giữa các địa phương.
Chính quyền địa phương nên thiết lập cơ chế đánh giá hiệu quả truyền thông định kỳ, nhằm rút kinh nghiệm, điều chỉnh nội dung phù hợp với xu hướng công nghệ 4.0 và nâng cao mức độ tiếp cận.
3.3.3. Chiến lược ST (Phát huy điểm mạnh để đối phó thách thức)
Chính quyền địa phương nên áp dụng nhiều hình thức thu phí khác nhau, phù hợp với từng nhóm dân cư, ví dụ như thu tiền mặt với người cao tuổi và thu qua ứng dụng với người trẻ.
UBND Quận Gò Vấp cần chủ động chia sẻ kinh nghiệm triển khai chính sách hiệu quả với các quận huyện khác, nhằm góp phần đồng bộ hóa công tác thu phí trên toàn thành phố.
Các đơn vị thu gom và cơ quan quản lý đô thị cần xây dựng kênh tiếp nhận phản ánh từ người dân, để kịp thời xử lý bất cập, nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo niềm tin khi tăng phí.
Chính quyền cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan pháp luật và truyền thông để đảm bảo người dân được giải thích rõ ràng về quyền lợi, nghĩa vụ và tránh hiểu lầm trong quá trình điều chỉnh chính sách.
3.3.4. Chiến lược WT (Giảm điểm yếu để tránh rủi ro)
Chính quyền thành phố và quận huyện cần ban hành các chính sách hỗ trợ kỹ thuật và tài chính dành cho các đơn vị thu gom dân lập, nhằm giúp họ thích nghi với hình thức thu phí bằng công nghệ.
Chính quyền cơ sở và Phòng Tài nguyên Môi trường cần tổ chức các buổi tập huấn kỹ năng số và tài chính cho tổ dân phố và các tổ thu gom, nhằm nâng cao năng lực triển khai công nghệ.
Chính quyền địa phương nên công khai rõ ràng các mức phí và thay đổi giá thu qua ứng dụng hoặc bảng thông báo, để người dân dễ theo dõi và tránh hiểu lầm về việc tăng phí không rõ lý do.
UBND Quận huyện cần thành lập tổ công tác liên ngành gồm các bên liên quan, nhằm phối hợp giải quyết các vướng mắc phát sinh trong giai đoạn đầu thực hiện chuyển đổi thu phí.
Hình 6. "Ngày Thứ Bảy Tái chế” (Quận Gò Vấp, 27/07/2024)
Hình 7. Hoạt động tuyên truyền về hướng dẫn phân loại rác chất thải sinh hoạt tại nguồn (Quận Gò Vấp, 27/7/2024)
4. Kết luận
Nghiên cứu đã phân tích thực trạng thu phí vận chuyển CTRSH tại Quận Gò Vấp giai đoạn 2022–2024, kết quả cho thấy 75% người dân đồng tình với chính sách, trong khi 25% còn băn khoăn do chưa hiểu rõ nội dung và hình thức thu phí. Phân tích SWOT cho thấy hệ thống pháp lý đầy đủ, chính quyền chủ động và tỷ lệ thu đạt cao là các điểm mạnh; tuy nhiên, vẫn tồn tại hạn chế về minh bạch thông tin, thiếu đồng bộ giữa các địa phương và khó khăn trong tiếp cận công nghệ. Trong bối cảnh chuyển đổi số và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, nghiên cứu đề xuất các giải pháp trọng tâm gồm: đẩy mạnh truyền thông, triển khai ứng dụng thu phí điện tử, đồng bộ dữ liệu quản lý và hỗ trợ các đơn vị thu gom dân lập. Những giải pháp này phù hợp với xu thế phát triển đô thị thông minh và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý CTRSH. Tuy nhiên, nghiên cứu còn hạn chế khi chưa phân tích sâu sự khác biệt giữa các nhóm dân cư và chưa mở rộng khảo sát sang các địa phương khác. Trong thời gian tới, cần có nghiên cứu mở rộng quy mô và phạm vi, từ đó hỗ trợ các nhà quản lý xây dựng chính sách linh hoạt, hợp lý và bền vững, góp phần xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp.
Trần Thị Ngọc Mai1, Trương Thị Diệu Hiền1
1Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2025)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.UBND TP. HCM, “Báo cáo tổng kết kết quả thực hiện đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn TP. HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050”, 2024.
2. Cổng thông tin điện tử quận Gò Vấp, “Tổng điều tra dân số 2024 trên địa bàn quận Gò Vấp”, 2024.
3. UBND Quận Gò Vấp, Bản đồ hành chính Quận Gò Vấp, 2024.
4. Luật Bảo vệ Môi trường số 72/2020/QH14, ngày 17/11/2020.
5. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT, ngày 10/01/2022.
6. Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT, ngày 10/01/2022.
7. Quyết định số 4753/QĐ-UBND Về việc ban hành giá dịch vụ thu gom tại nguồn và giá dịch vụ vận chuyển CTRSH trên địa bàn quận Gò Vấp, ngày 31/12/2021.
8. Thông tư số 35/2024/TT-BTNMT về quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, ngày 19/12/2024.
9. Thông tư số 36/2024/TT-BTNMT ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt để làm căn cứ tính giá, ngày 20/12/2024.
10. Quyết định số 2614/QĐ-UBND Về việc phân giao chỉ tiêu thu giá vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quận Gò Vấp năm 2023, ngày 27/7/2023.
11. Mukesh Singh, Dr. Anirudh Gupta (2002), “Optimizing and Analyzing the Cost of Collection and Transportation of Solid Waste Using GIS”, International Journal for Research in Applied Science & Engineering Technology, Vol 10, Issue IX.
12. Jiří Gregor, Radovan Šomplák, Martin Pavlas (2017), “Transportation Cost as an Integral Part of Supply Chain Optimisation in the Field of Waste Management”, Chemical engineering transactions, Vol 56, Pages 1927-1932.
13. P.A. Koushki, U. Al-Duaij, W. Al-Ghimlas (2004), “Collection and transportation cost of household solid waste in Kuwait”, Waste Management, Vol 24, Issue 9, Pages 957-964.