Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 20/09/2024

Nghiên cứu đề xuất khung đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư đến di sản thiên nhiên tại Việt Nam

21/06/2023

    Tóm tắt:

    Trong nghiên cứu này, chúng tôi tham khảo các tài liệu của các quốc gia, các tổ chức quốc tế có uy tín và của Việt Nam về đánh giá tác động môi trường đến di sản thiên nhiên, cảnh quan và đa dạng sinh học để tổng hợp, phân tích, sàng lọc và lựa chọn ra các thông tin, dữ liệu, phương pháp cần thiết cho việc đề xuất Khung đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư đến di sản thiên nhiên tại Việt Nam. Kết quả của nghiên cứu này là cơ sở để xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật đánh giá tác động môi trường chi tiết của dự án đầu tư đến di sản thiên nhiên.

    Từ khóa: Di sản thiên nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan, đánh giá tác động môi trường.

    Ngày nhận bài: 25/1/2023. Ngày sửa chữa: 6/2/2023. Ngày duyệt đăng: 17/2/2023.

Study to propose a framework for the environmental impact Assessment of investment projects on natural heritage in Vietnam

    Abstract:

    In this study, we refer to the documents of countries, reputable international organizations and Vietnam on environmental impact assessment on natural heritage, landscape and biodiversity to synthesize, analyze, screen and select necessary information, data and methods for the proposal of an environmental impact assessment framework of investment projects on natural heritage in Vietnam. The results of this study are the basis for developing detailed technical guidance on environmental impact assessment of investment projects on natural heritage.

    Keywords: Natural heritage, biodiversity, landscape, environmental impact assessment.

    JEL Classifications: N55, Q56, Q57.

    Đặt vấn đề

    Với vị trí và điều kiện tự nhiên đặc thù, Việt Nam có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, độc đáo và được biết đến là một trung tâm đa dạng sinh học (ĐDSH) của thế giới với các hệ sinh thái (HST) tự nhiên phong phú và đa dạng; nhiều loài hoang dã, đặc hữu quý hiếm; nhiều nguồn gen có giá trị. Việt Nam tự hào vì được Tổ chức UNESCO thế giới công nhận 22 Di sản thế giới, trong đó có nhiều Di sản thiên nhiên (DSTN). Tuy nhiên, những năm gần đây, các hệ sinh thái tự nhiên và ĐDSH của Việt Nam đang bị suy giảm với tốc độ rất nhanh. Trước bối cảnh này, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó tại Điều 20, khái niệm, phân loại và các tiêu chí của DSTN được quy định. Đồng thời, Luật bảo vệ môi trường cũng yêu cầu các chủ dự án đầu tư phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đến DSTN.

    ĐTM - một giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả, được áp dụng tại Việt Nam từ khi Luật Bảo vệ môi trường đầu tiên được ban hành vào năm 1993. Sau gần 30 năm áp dụng, công cụ ĐTM ngày càng được hoàn thiện, tuy nhiên, hiệu quả trong bảo vệ tài nguyên ĐDSH và cảnh quan thiên nhiên còn hạn chế bởi vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chính là thiếu các quy định, hướng dẫn kỹ thuật về ĐTM của dự án đầu tư đến sinh thái và cảnh quan thiên nhiên. Do đó, việc nghiên cứu và sớm đề xuất khung ĐTM của dự án đầu tư đến DSTN trở thành một nhiệm vụ cấp bách hiện nay tại Việt Nam.

    2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

    2.1. Đối tượng nghiên cứu

    Đối tượng nghiên cứu là di sản thiên nhiên, các quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật về ĐTM đến sinh thái, ĐDSH, di sản thế giới, DSTN, cảnh quan của các quốc gia, tổ chức quốc tế trên thế giới.

    2.2. Phương pháp thực hiện

    Phương pháp tổng hợp, phân tích tài liệu tham khảo: Nhóm tác giả tiến hành:

    - Thu thập một cách đầy đủ, toàn diện các tài liệu sẵn có, bao gồm các quy định pháp lý về ĐTM, các hướng dẫn kỹ thuật về ĐTM đến di sản thế giới, DSTN, sinh thái, ĐDSH, cảnh quan được công bố chính thức, bảo đảm độ tin cậy, chính xác của các quốc gia, các tổ chức quốc tế có uy tín trên thế giới; các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam và các hướng dẫn kỹ thuật về ĐTM của các loại hình dự án đầu tư đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

    - Tổng hợp các thông tin, dữ liệu thu thập được để phân loại, phân tích, đánh giá, sàng lọc, lựa chọn cho phù hợp với các yêu cầu nhằm đề xuất Khung ĐTM của dự án đầu tư đến DSTN của Việt Nam.

    Phương pháp chuyên gia: DSTN là một đối tượng đặc biệt với các đặc điểm đa dạng về địa hình, địa mạo, cảnh quan, ĐDSH và các thành phần tự nhiên khác. Do vậy, sự tham gia của các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau (địa chất, môi trường, thủy văn, toán học, sinh thái, cảnh quan, thẩm mỹ, xã hội học, biến đổi khí hậu, ...) là cần thiết để đề xuất các phương pháp mô tả DSTN, phương pháp tiếp cận và phương pháp ĐTM đến DSTN.

    3. Kết quả nghiên cứu

    3. 1. Tổng hợp về các đối tượng di sản thiên nhiên của Việt Nam:

    Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 [1], các DSTN tại Việt Nam được chia thành 03 nhóm, bao gồm: (i) DSTN là các Vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan được xác lập theo quy định của pháp luật về ĐDSH, lâm nghiệp và thủy sản; danh lam thắng cảnh được công nhận là di sản văn hóa được xác lập theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Đến nay, có khoảng 176 khu, chiếm 2.512.530,78 ha trên cạn, vùng nước nội địa và trên biển thuộc các hệ thống các khu rừng đặc dụng, các khu bảo tồn biển và các khu bảo tồn đất ngập nước [6]; (ii) DSTN được tổ chức quốc tế công nhận, bao gồm: 03 DSTN thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoas Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận; 09 khu dự trữ sinh quyển và 03 công viên địa chất toàn cầu nằm rài rác khắp mọi miền của đất nước; (iii) Các DSTN khác đáp ứng tiêu chí quy định tại Khoản 2 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường, bao gồm các đối tượng như vùng đất ngập nước quan trọng [4]; hành lang ĐDSH, khu vực có ĐDSH, cảnh quan sinh thái quan trọng, cảnh quan thiên nhiên quan trọng [1, 3, 5]. Tuy nhiên, số lượng DSTN của nhóm này hiện có là không nhiều.

    Như vậy, DSTN của Việt Nam rất đa dạng, phong phú. Trong đó, nhóm các khu bảo tồn thiên nhiên tại các hệ sinh thái rừng đặc dụng, biển và đất ngập nước nơi có ĐDSH cao và các cảnh quan thiên nhiên đẹp, độc đáo đang chiếm đa số cũng như có tổng diện tích bao phủ lớn nhất và hiện đang cung cấp đa dạng các dịch vụ hệ sinh thái. Do đó, hướng dẫn kỹ thuật ĐTM này sẽ tập trung vào các đặc điểm sinh thái, giá trị của ĐDSH và cảnh quan thiên nhiên.

    3. 2. Tổng hợp các thông tin chính về cảnh quan cần biết trong ĐTM

    Cảnh quan là một khái niệm còn mới mẻ ở Việt Nam. Trên thế giới có nhiều trường phái học thuật về cảnh quan. Tuy nhiên, khía niệm về cảnh quan theo Công ước Cảnh quan Châu Âu [10] ngày càng được sử dụng phổ biến: “Cảnh quan” là một khu vực, theo cảm nhận của con người, có các thành phần và đặc điểm trực quan là kết quả của tác động và tương tác của các yếu tố tự nhiên và/hoặc con người. Các thành phần của cảnh quan bao gồm: (i) Các thành phần có thể nhìn thấy, vật lý, khách quan, hữu hình, địa hình, tòa nhà, ...; (ii) Lớp phủ đất, bao gồm các loại thảm thực vật khác nhau; (iii) Ảnh hưởng của hoạt động con người; và (iv) Chúng có thể bao gồm các thành phần không nhìn thấy được, ví dụ: sự yên tĩnh, xa xôi, hoang dã, âm thanh và liên tưởng văn hóa; và các thành phần vô hình như quy mô, hoa văn, màu sắc, v.v. Các bước chính trong quy hoạch cảnh quan bao gồm: (i) Hiểu bản chất của cảnh quan; (ii) Xác định dữ liệu, cơ hội và khó khăn; (iii) Sửa đổi vị trí, bố cục, thiết kế, v.v. của tất cả các tùy chọn để đạt được sự phù hợp nhất với môi trường; (iv) Chuẩn bị các giải pháp để tránh các tác động và tận dụng các cơ hội; (v) So sánh các phương án, chọn phương án ít gây hại nhất; (vi) Xây dựng quy hoạch tổng thể cảnh quan; (vii) Chuẩn bị đánh giá tác động cảnh quan và thị giác; (viii) Quy trình ra quyết định; (ix) Thiết kế chi tiết và đặc điểm kỹ thuật; (x) Thực hiện; (xi) Chăm sóc sau bảo dưỡng; (xii) Giám sát.

    Như vậy, cảnh quan là một khái niệm mới, được quan tâm đặc biệt từ khi có Luật bảo vệ môi trường 2020 được ban hành. Các kiến thức nêu trên về cảnh quan là cơ sở cho ĐTM của dự án đầu tư đến cảnh quan của DSTN.

    3.3. Đề xuất Khung ĐTM của dự án đầu tư đến DSTN

    Để bảo đảm tính thống nhất với lý thuyết và thực hành ĐTM trên thế giới, quy trình ĐTM chuẩn [11] được áp dụng cho quá trình ĐTM của dự án đầu tư đến DSTN. Điểm mới ở đây là nội dung sinh thái, ĐDSH và quá trình đánh giá, thiết kế, quy hoạch cảnh quan được cấu trúc ở tất cả các giai đoạn thiết kế và thực hiện dự án đầu tư. Dưới đây là các bước chính của quy trình ĐTM của dự án đầu tư đến DSTN có ĐDSH cao, cảnh quan thiên nhiên độc đáo.

    Bước 1. Sàng lọc: Mục đích của sàng lọc là để xác định dự án đề xuất có phải thực hiện ĐTM hay không và nếu có thì xác định mức độ đánh giá cần thiết. Chủ dự án cần căn cứ vào các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường [1, 3], bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH [2] và cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường (về bảo vệ các di sản thế giới, bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH) để tiến hành sàng lọc theo các yếu tố như quy mô, đặc điểm, tính chất, vị trí của dự án đầu tư cũng như các đặc điểm của các tác động tiềm ẩn của dự án. Đối với các đối tượng nhạy cảm như DSTN thì các vấn đề về tác động môi trường của dự án đến DSTN cần được xem xét từ rất sớm – từ giai đoạn thiết kế ban đầu của dự án.

    Sàng lọc sẽ xác định mức độ thích hợp của việc ĐTM đến DSTN. Từ đó, có thể đưa ra một trong các quyết định sau đây: (i) Dự án được đánh giá là không phù hợp với pháp luật và/ hoặc các cam kết quốc tế của Việt Nam, do vậy, không nên triển khai dự án; (ii) Dự án phải thực hiện ĐTM sơ bộ; (iii) Dự án phải thực hiện ĐTM chi tiết; (iv) Dự án không đòi hỏi phải thực hiện ĐTM.

    Bước 2. Xác định phạm vi: Mục đích của xác định phạm vi là xác định các vấn đề quan trọng cần giải quyết đối với khu DSTN, đưa ra các phương pháp, nguồn lực sẽ được sử dụng và thiết lập các giới hạn về không gian, thời gian cho các cuộc khảo sát và đánh giá. Kết quả của quá trình xác định phạm vi cần được trình bày thành báo cáo và bao gồm các nội dung sau: (i) Mô tả về (các) khu vực ảnh hưởng của dự án; (ii) Xác định các tác động môi trường chính (đến môi trường vật lý, cảnh quan thiên nhiên, ĐDSH/ sinh thái và dịch vụ hệ sinh thái) có thể được giải quyết thông qua các thay đổi trong thiết kế dự án, bao gồm cả việc xem xét các lựa chọn thay thế; (iii) Danh sách các đặc điểm điều kiện tự nhiên (bao gồm cảnh quan thiên nhiên), sinh thái và dịch vụ hệ sinh thái cần được xem xét chi tiết trong ĐTM và, trong một số trường hợp, các tác động cụ thể sẽ được xem xét liên quan đến từng giá trị, đặc điểm của Di sản thiên nhiên theo tiêu chí thành lập; (iv) Mô tả các cuộc khảo sát sẽ được thực hiện nhằm cung cấp dữ liệu cần thiết việc đánh giá, bao gồm các phương pháp và thời gian; (v) Danh sách các đặc điểm điều kiện tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên, sinh thái và dịch vụ hệ sinh thái liên quan sẽ không được xem xét chi tiết trong ĐTM và biện minh cho việc loại trừ chúng.

    Bước 3. Mô tả hiện trạng nền: Mục đích của bước này là mô tả các điều kiện tự nhiên, môi trường và  kinh tế - xã hội khu vực thực hiện dự án khi không có dự án như đã được xác định trong bước xác định phạm vi. Các nguyên tắc đặc thù khi mô tả hiện trạng khu DSTN là cần phải mô tả khu DSTN: (i) Ở mọi quy mô, bao gồm cảnh quan thiên nhiên; cảnh quan sinh thái, quần xã thực vật, loài và (nếu có thể) di truyền. Thông tin để mô tả được thu thập từ các nguồn chính thống và càng chi tiết càng tốt; (ii) Đầy đủ các điều kiện tự nhiên, các thành phần của khu DSTN và các đặc điểm, chức năng kèm theo vị trí, ranh giới của chúng và các tiêu chí đề xuất được áp dụng để đánh giá mức độ quan trọng của chúng nếu nằm ngoài các các tiêu chí thành lập; (iii) Việc điều tra các giá trị, đặc điểm chính hiện có của Khu DSTN nên mở rộng ra các khu vực lân cận, tuy nhiên, chỉ ở mức tối thiểu, đủ đế đánh giá; và (iv) Trong quá trình mô tả, cần phân tích mối quan hệ giữa các thông tin về các điều kiện tự nhiên và sinh thái/ ĐDSH để cung cấp một cái nhìn tổng quan về hệ sinh thái hiện có trong khu DSTN và xung quanh vì nó liên quan đến hệ sinh thái địa phương và khu vực rộng hơn. Các nội dung thực hiện chính của bước này bao gồm: (i) Thu thập dữ liệu về các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường khu vực dự án, tập trung vào Khu DSTN và các khu vực xung quanh có liên quan; (ii) Mô tả các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường khu vực dự án, tập trung vào Khu DSTN và các khu vực xung quanh có liên quan; (iii) Đánh giá tầm quan trọng của khu DSTN: (i) Đánh giá tầm quan trọng của các điều kiện tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên; (ii) Đánh giá tầm quan trọng của ĐDSH, bao gồm cả đánh giá môi trường sống; (iii) Đánh giá tầm quan trọng của các dịch vụ hệ sinh thái.

    Bước 4. Đánh giá tác động: Mục đích của đánh giá tác động là: (i) Nâng cao sự hiểu biết về những tác động tiềm năng được xác định trong quá trình sàng lọc, xác định phạm vi và được mô tả trong điều khoản tham chiếu; (ii) Xem xét và thiết kế lại các phương án thực hiện; đánh giá tác động; cân nhắc các biện pháp giảm nhẹ và tăng cường, cũng như bồi thường các tác động tồn dư; lập kế hoạch quản lý tác động; so sánh các phương án thực hiện.

    Đánh giá các tác động sinh thái và cảnh quan là những nội dung đặc thù của ĐTM đến DSTN. Nội dung của đánh giá tác động sinh thái bao gồm: (i) Xác định và mô tả các tác động và ảnh hưởng của chúng đến các đặc điểm chính của DSTN bao gồm mất môi trường sống, thay đổi môi trường sống, các tác động biên và tác động đến các loài hoặc cộng đồng nhạy cảm; ảnh hưởng đến sự kết nối, sự phân mảnh và cô lập của môi trường sống; (ii) Kết hợp với việc đề xuất, phân tích các biện pháp tránh hoặc giảm thiểu các tác động và ảnh hưởng tiêu cực; (iii) Đánh giá tầm quan trọng, mức độ đáng kể của bất kỳ tác động còn lại nào sau khi giảm thiểu để đề xuất phương án bồi hoàn; (iv) Xác định các biện pháp đền bù/ bồi hoàn thích hợp để bù đắp các tác động còn lại đáng kể; và (v) Xác định các cơ hội để tăng cường, làm giàu sinh thái, ĐDSH. Các phương pháp đánh giá tác động sinh thái và cảnh quan [9] được sử dụng bao gồm: (i) Phân tích sơ đồ và mạng lưới có thể được sử dụng để xác định chuỗi các tác động và do đó rất hữu ích cho việc xác định hiệu ứng dây chuyền từ những tác động trực tiếp và xác định các tác động gián tiếp thứ cấp; (ii) Mô hình dự đoán định lượng có thể cung cấp dự báo chi tiết về các tác động giả định. Tuy nhiên, giới hạn về nguồn lực và thời gian thực hiện ĐTM thường làm hạn chế việc sử dụng mô hình; (iii) Hệ thống thông tin địa lý (GIS) kết hợp với công nghệ viễn thám rất hữu ích khi xây dựng mô hình các mối quan hệ không gian, ví dụ như bản đồ sinh thái; đánh giá sự phân mảnh và biến động của cảnh quan, môi trường sống; (iv) Hồi cứu thông tin từ các dự án trước đó có thể có giá trị, đặc biệt là nếu các tác động đã được định lượng và giám sát trong thời gian dài; (v) Ý kiến chuyên gia luôn luôn là cần thiết cho việc giải thích các dữ liệu. Trường hợp không đủ số liệu định lượng, dự báo tác động phải dựa trên kiến thức hiểu biết về tác động tiềm năng và các yếu tố sinh thái. Lý tưởng nhất, dự báo dựa trên ý kiến chuyên gia nên được thực hiện bằng việc tham vấn các chuyên gia có liên quan; (vi) Mô tả và ngoại suy mối tương quan quan sát được giữa phân bố và sự phong phú của các loài và các yếu tố vật lý như chế độ nước, tiếng ồn,… được sử dụng để dự báo các thành phần ĐDSH có thể tồn tại tại địa điểm mà các điều kiện vật lý trong tương lai có thể được xác định; (vii) Lấy mẫu hiện trường và nghiên cứu phòng thí nghiệm có thể được sử dụng để định lượng và đánh giá khả năng phản ứng của hệ sinh thái, tuy nhiên việc thực hiện có thể tốn kém và khó khăn và sẽ không luôn luôn mang lại kết quả hữu ích trong khuôn khổ thời gian ĐTM. (viii) Đánh giá đặc điểm cảnh quan là một phương pháp tiêu chuẩn được sử dụng để xác định, mô tả, phân loại và lập bản đồ những điểm khác biệt về cảnh quan. Cần  lưu ý rằng các phương pháp dự báo tác động có thể là chủ quan (ví dụ như dựa trên phán đoán chuyên gia) hoặc khách quan (ví dụ như dựa trên mô hình khoa học). Trong nhiều trường hợp khi không có đủ dữ liệu để sử dụng các phương pháp khách quan thì phương pháp chủ quan được sử dụng. Tuy nhiên, pháp chủ quan, không được khuyến khích sử dụng trong đánh giá tác động sinh thái.

    Việc đánh giá tác động môi trường nên được tiến hành đồng thời với các hoạt động được nêu tại Bước 5 dưới đây.

    Bước 5. Các biện pháp giảm thiểu, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường: Cần áp dụng một quy trình tuần tự để tránh, giảm thiểu và bồi hoàn các tác động, các hiệu ứng sinh thái tiêu cực. Đồng thời, nếu có thể thì tăng cường, làm giàu thêm ĐDSH. Điều này thường được gọi là “Hệ thống phân cấp giảm thiểu”. Hệ thống giảm thiểu bao gồm các hoạt động chính sau đây: (i) Việc tránh và / hoặc giảm thiểu các tác động tiêu cực đạt được tốt nhất thông qua việc xem xét các tác động tiềm ẩn của một dự án từ giai đoạn đầu của thiết kế, quy hoạch chi tiết xây dựng dự án và trong suốt quá trình phát triển của nó. Nhiều tác động có thể tránh hoặc giảm bớt bằng cách xem xét các lựa chọn thay thế. Các biện pháp giảm thiểu được đưa vào chương trình thiết kế thường được mô tả là “giảm thiểu theo thiết kế”. Điều này có thể bao gồm việc thiết kế lại bố cục, sơ đồ bố trí, quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc điều chỉnh vị trí của các hoạt động nhất định. Giảm thiểu bằng cách điều chỉnh thiết kế đặc biệt có lợi vì có sự chắc chắn hơn rằng nó sẽ đạt được kết quả tích cực; (ii) Bồi hoàn là việc mô tả các biện pháp được thực hiện để bù đắp các tác động tồn dư dẫn đến mất mát hoặc vĩnh viễn thiệt hại đối với các đặc điểm sinh thái/ ĐDSH mặc dù đã được giảm thiểu. Việc bồi hoàn có thể ở dạng môi trường sống thay thế hoặc cải thiện môi trường sống hiện có. Bồi hoàn có thể được cung cấp trong hoặc ngoài địa điểm dự án. Bồi hoàn phải luôn được coi là phương sách cuối cùng, khi tất cả các phương án giảm thiểu khác đã hết. Về nguyên tắc, việc bồi hoàn phải được tập trung vào loại đặc điểm sinh thái bị ảnh hưởng và với mức độ tương đương. Việc bồi hoàn phải được cung cấp càng gần vị trí xảy ra các tác động càng tốt và mang lại lợi ích cho các môi trường sống và các loài giống như những loài bị ảnh hưởng, có thể đo lường được với mục đích đạt được “không có lỗ ròng”. Tỷ lệ thay thế của môi trường sống bù trừ thường phải lớn hơn 1:1 là thích hợp vì về tính không chắc chắn vốn của việc bồi hoàn, đặc biệt trong những trường hợp cần phục hồi sinh thái, tạo môi trường sống hoặc chuyển vị trí của các loài hoặc môi trường sống; (iii) Tăng cường, làm giàu ĐDSH là cải thiện việc thực hiện quản lý các đặc điểm sinh thái đang hiện hữu hoặc cung cấp các đặc điểm sinh thái mới, dẫn đến lợi ích ròng cho ĐDSH, điều này không liên quan đến tác động tiêu cực cần phải giảm thiểu. Các biện pháp này phải được đưa vào chương trình thiết kế, được đánh giá trong Báo cáo ĐTM và được đảm bảo thông qua các nghĩa vụ pháp lý; (iv) Việc thiết kế các biện pháp giảm thiểu và bồi hoàn là một quá trình lặp đi lặp lại. Các biện pháp cần được chủ dự án cam kết khi hồ sơ quy hoạch xây dựng chi tiết  được trình cấp có thẩm quyền. Các biện pháp giảm nhẹ và bồi hoàn cần phải giải quyết các tác động, ảnh hưởng cụ thể, đạt được kết quả lâu dài, có các tiêu chí xác định để bảo đảm sự thành công và cho phép đo lường thành công hay thất bại thông qua giám sát. Trong một số trường hợp, các biện pháp bồi hoàn thường sẽ cần phải được thực hiện và "hoạt động" trước khi tác hại xảy ra. Điều này đặc biệt có thể xảy ra khi dự án có ảnh hưởng đến các khu được bảo tồn hoặc các loài được bảo vệ hợp pháp. Đồng thời, việc thiết kế các biện pháp giảm thiểu và bồi hoàn cần được xem xét lại bởi các thành viên khác của nhóm thiết kế vì có thể có các yếu tố hạn chế hoặc tác động trực tiếp cần được xem xét bởi các chuyên gia. Lý tưởng nhất là các chi tiết về các biện pháp giảm thiểu, bồi thường và tăng cường sẽ được đưa vào một Kế hoạch Quản lý Môi trường (EMP). Kế hoạch phải nêu chi tiết các khoảng thời gian để triển khai và các tiêu chí chính để đánh giá sự thành công.

    Bước 6. Giám sát là việc thiết lập Kế hoạch/ Chương trình giám sát môi trường, trong đó có giám sát sinh thái. Mục đích của giám sát sinh thái là để xác định: (i) liệu các biện pháp đã được thực hiện như đã thỏa thuận hay chưa; (ii) thành công / hiệu quả của các biện pháp; (iii) cảnh báo sớm các biện pháp được đề xuất không tỏ ra hiệu quả; và (iv) làm thế nào để khắc phục tình hình nếu bất kỳ biện pháp nào đã thực hiện không thành công, ví dụ: do thiếu ban quản lý. Để thực hiện giám sát, chủ dự án/ đơn vị tư vấn cần xác định nơi cần giám sát, đo đếm giảm thiểu, bồi hoàn và tăng cường. Nó phải đưa ra các phương pháp được sử dụng, các tiêu chí để xác định thành công / thất bại, thời gian phù hợp, cơ chế thực hiện, tần suất và thời gian giám sát (bao gồm giám sát ngắn hạn và dài hạn), và tần suất báo cáo.

    7. Tham vấn cộng đồng và các Bên có liên quan trong ĐTM là quá trình tham gia của cộng đồng, các Bên có liên quan trong việc lập, thẩm định báo cáo ĐTM và trao đổi thông tin giữa chủ dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình thẩm định báo cáo ĐTM của dự án đó với các bên có liên quan đến dự án. Các nguyên tắc thực hành tốt của tham vấn cộng đồng bao gồm: (i) Tham vấn phải chân thành và cởi mở. Việc tận dụng tối đa tham vấn để thu thập thông tin, trong khi miễn cung cấp thông tin của dự án sẽ bị phản ứng; (ii) Thời gian tham vấn nên được lên kế hoạch cẩn thận để ngăn chặn việc công bố sớm vì điều này có thể khiến các chủ dự án dễ bị tổn thương về mặt thương mại; (iii) Các yêu cầu tham gia của các bên liên quan và công chúng phải kịp thời. Việc tham vấn sẽ không có ý nghĩa nếu các ý kiến, đề xuất sửa đổi thiết kế dự án là quá muộn; (iv) Phải có đủ thời gian để những người được tham vấn có thể xem xét và hành động khi được cung cấp thông tin; (v) Các mục tiêu của tham vấn cần được nêu rõ ràng. Thông tin được trình bày cho công chúng, các tổ chức, người đại diện phải phù hợp về nội dung và mức độ chi tiết, xác định rõ những vấn đề đang được đưa ra bình luận.

    Tham vấn nên được thực hiện càng sớm càng tốt, nên bắt đầu tham vấn từ bước sàng lọc, thiết kế ban đầu của dự án. Sau đó, tham vấn tiếp tục triển khai ở các bước tiếp theo từ xác định phạm vi cho đến hoàn thành dự thảo báo cáo ĐTM để chuẩn bị trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định. Pháp luật hiện hành [1, 3, 5] đã có các quy định rất cụ thể, chi tiết về: (i) các đối tượng cần tham vấn; (ii) nội dung và hình thức tham vấn; (iii) thời điểm và thời giant ham vấn; (iv) trách nhiệm tham vấn của chủ dự án; (v) trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư phải trả lời đề nghị tham vấn của chủ dự án.

    Sau khi hoàn thành 06 bước trên và các nội dung tham vấn cộng đồng, các bên có liên quan, chủ dự án/ tổ chức tư vấn tiến hành lập báo cáo ĐTM và chủ dự án trình hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền để thẩm định báo cáo ĐTM theo quy định của pháp luật.

    Kết luận: Di sản thiên nhiên của Việt Nam rất đa dạng và là nguồn vốn tự nhiên quý giá, cung cấp nhiều dịch vụ hệ sinh thái có giá trị cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như đời sống của cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, nguồn vốn tự nhiên này đang bị suy giảm do tác động của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Trước bối cảnh đó, Khung ĐTM của dự án đầu tư đến DSTN được đề xuất với những nội dung, phương pháp mới về đánh giá tác động đến sinh thái và cảnh quan – những đặc trưng rất quan trọng của DSTN sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống các hướng dẫn kỹ thuật về ĐTM hiện có của Việt Nam, là cơ sở để xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật đánh giá tác động môi trường chi tiết của dự án đầu tư đến di sản thiên nhiên trong bước tiếp theo nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay của các nhà đầu tư, các cơ quan quản lý, các nhà tài trợ cũng như các tổ chức, cá nhân tư vấn và học thuật.

    Lời cảm ơn: Bài báo được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài Khoa học và Công nghệ của Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư đến di sản thiên nhiên và đề xuất các quy định quản lý”. Mã số TNMT.2021.01.19.

TS. Phạm Anh Cường1

Viện Phát triển Tài nguyên và Môi trường

Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam

Ths. Ngô Xuân Quý2, TS. Phạm Hạnh Nguyên3

Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2023)

    Tài liệu tham khảo

  1.   Luật Bảo vệ môi trường 2020
  2. Luật Đa dạng sinh học 2008; Luật Lâm nghiệp 2017; Luật Thủy sản 2017;
  3. Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ Quy định chi tiết một số Điều của Luật Bảo vệ môi trường.
  4. Nghị định số 66/2019/NĐ-CP của Chính phủ về Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước
  5. Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định chi tiết một số Điều của Luật Bảo vệ môi trường.
  6. Tổng cục Môi trường, 2021, Báo cáo tóm tắt tổng kết việc thực hiện Chiến lược quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
  7. Tổng cục Môi trường, 2022, Báo cáo Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2012-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ
  8.   CBD, 2006: Voluntary Guidelines on Biodiversity-Inclusive Impact Assessment (COP8 Decision VIII/28, 31 March 2006)
  9. CIEEM (2018) Guidelines for Ecological Impact Assessment in the UK and Ireland: Terrestrial, Freshwater, Coastal and Marine version 1.1. Chartered Institute of Ecology and Environmental Management, Winchester.
  10. Institute of Environmental Assessment/The Landscape Institute, Guidelines for Landscape and Visual Impact Assessment, 2013, Third Edition, Routledge.
  11. World Bank Environmental Asessment Sourcebook. World Bank, Washington, 1998. 
Ý kiến của bạn