Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Lồng ghép công cụ phân tích đánh đổi phục vụ phân bổ nguồn lực đất đai trong quy hoạch vùng

03/10/2023

Tóm tắt:

    Phân tích đánh đổi là công cụ phân tích chính sách phổ biến, được áp dụng trong nhiều trường hợp khác nhau nhằm tính toán, lựa chọn mục tiêu, quy trình hay phương án trên quan điểm xã hội của một dự án, chương trình, chính sách nhằm cung cấp thông tin cho người ra quyết định xem xét, đánh giá và quyết định lựa chọn sử dụng nguồn lực tối ưu nhất. Luật Quy hoạch 2017 đã ghi nhận hoạch vùng là một cấp trong hệ thống quy hoạch quốc gia và phải xem xét đến “phương hướng phát triển ngành có lợi thế của vùng; phương án phát triển, sắp xếp, lựa chọn và phân bố nguồn lực phát triển trên lãnh thổ vùng”. Như vậy, quá trình xây dựng quy hoạch vùng cần phải lồng ghép công cụ phân tích đánh đổi nhằm tính toán, xây dựng các phương hướng phát triển các ngành có lợi thế, cân bằng giữa lợi ích của kinh tế và môi trường cũng như đảm bảo được tính liên ngành, liên vùng, từ đó lựa chọn được những phương án phát triển phù hợp. Bài báo trình bày về lồng ghép công cụ phân tích đánh đổi trong xây dựng quy hoạch vùng nhằm tính toán, xây dựng các phương hướng phát triển các ngành có lợi thế, cân bằng giữa lợi ích của kinh tế và môi trường cũng như đảm bảo được tính liên ngành, liên vùng, từ đó lựa chọn được những phương án phát triển phù hợp.

Từ khóa: Phân tích đánh đổi, quy hoạch vùng, đất đai.

Ngày nhận bài: 29/5/2023; Ngày sửa chữa: 2/6/2023; Ngày duyệt đăng: 28/7/2023.

 

Integrating trade-off analysis tools for land resource allocation in regional planning

Abstract:

    Trade-off analysis is a popular policy analysis tool, applied in many different cases to calculate and select goals, processes, or options from the social perspective of a project, or program, Policy aims to provide information for decision-makers to consider, evaluate and decide on the most optimal use of resources. The 2017 Planning Law recognizes regional planning as a level in the national planning system and must consider "advantageous industry development directions of the region; Development plans, arrangement, selection, and distribution of development resources in the regional territory. Thus, the process of developing regional planning needs to integrate trade-off analysis tools to calculate and develop directions for developing advantageous industries, balancing the benefits of the economy and the environment as well as the environment. ensuring inter-sectoral and inter-regional nature, thereby selecting appropriate development options. The article presents the integration of trade-off analysis tools in regional planning in order to calculate and develop directions for the development of advantageous sectors, balance between economic and environmental benefits as well as ensure ensure the interdisciplinary and inter-regional nature, from which appropriate development options can be selected.

Keywords: Trade-off analysis, regional planning, land.

JEL Classifications: C23, R12, R52

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

    Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước với những chính sách nhằm đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ đã làm suy giảm các nguồn vốn tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, sức khỏe và đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, chất lượng công tác quy hoạch ở tất cả các khâu từ nghiên cứu, lập, thẩm định, tổ chức thực hiện nhìn chung còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thực tế cuộc sống và phục vụ chỉ đạo, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung Ương khóa XIII ngày 16 tháng 6 năm 2022 đã khẳng định quan điểm: “Nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Nhằm giải quyết được mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội với các mục tiêu tổng hợp về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi phải có được phương pháp luận, công cụ giúp hỗ trợ phân tích, đánh giá sự đánh đổi giữa các mục tiêu đó với nhau trong quá trình xây dựng, thẩm định các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả các cấp, các ngành nhằm đưa ra thông tin, chỉ số có tính dự báo hỗ trợ cho các quyết định bền vững.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

    Phương pháp nghiên cứu: Thu thập dữ liệu trong và ngoài nước, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các tài liệu hướng dẫn, có liên quan đến công cụ phân tích đánh đổi và quy hoạch vùng.

     Đối tượng nghiên cứu: Các công cụ hỗ trợ phân tích đánh đổi phục vụ phân bổ nguồn lực đất đai trong quy hoạch vùng.

3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

3.1. Lý luận về phân tích đánh đổi xây dựng quy hoạch vùng

    Phân tích đánh đổi phát triển từ phân tích lợi ích chi phí (CBA) lần đầu tiên được áp dụng cho nông nghiệp trong Cách mạng xanh vào những năm 1970 để đánh giá tác động kinh tế của các công nghệ nông nghiệp mới nổi (Alaston, Norton, and Parkway, 1995). Những cách tiếp cận này tập trung vào tối đa hóa lợi nhuận tài chính trong nông nghiệp. Khi các nhà nghiên cứu bắt đầu mở rộng sự tập trung vào các vấn đề bền vững trong những năm 1980 và 1990, thì mô hình CBA không đủ để giải quyết nhiều mục tiêu bền vững về tiền tệ và phi tiền tệ. Các ứng dụng đầu tiên của phân tích đánh đổi trong đánh giá bền vững nông nghiệp đã kết hợp các mô hình và dữ liệu sinh học với các mô hình kinh tế để tạo ra một cách tiếp cận toàn diện, đánh giá tính bền vững của nông nghiệp (Antle và Capalbo, 2001; Pingali và Rosegrant, 1995; Crissman, Antle and Capalbo, 1998). Những nghiên cứu ban đầu đã đánh giá sự đánh đổi về kinh tế, môi trường và sức khỏe của việc sử dụng thuốc trừ sâu. Kể từ đó, việc sử dụng phân tích đánh đổi để đánh giá tính bền vững của trong sử dụng đất nông nghiệp ngày càng phổ biến và được coi như một lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu. Sau này, nhiều nghiên cứu khác đã mở rộng phạm vi đánh giá tổng hợp các yếu tố về hiệu quả kinh tế và nông nghiệp từ 1 thửa đất, tranh trại lên đến quy mô cấp vùng, lãnh thổ quốc gia (Chen và cộng sự, 2008). Phân tích đánh đổi được các nhà nghiên cứu đề cập đến như một công cụ chính sách nhằm giải quyết vấn đề nguồn lực tài nguyên ngày càng trở nên cạn kiệt trong khi nhu cầu sử dụng của con người có xu hướng gia tăng do áp lực từ dân số và tăng quy mô nền kinh tế.

    Đối với lĩnh vực quản lý tài nguyên, BVMT, trước những thách thức trong quá trình phát triển, cơ quan có trách nhiệm ra quyết định cần phải nhận thấy việc tránh một quyết định gây tổn hại (đến môi trường – xã hội) là chiến lược tối ưu. Để thực hiện được điều này, cần phải đưa ra các quyết định cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ các nguồn tài nguyên môi trường quan trọng, đồng thời nhận được sự hỗ trợ từ các bên liên quan khác nhau. Theo đó, “Phân tích đánh đổi là một công cụ hỗ trợ quyết định có thể được sử dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc ra quyết định trong trường hợp có nhiều mục tiêu và không chắc chắn về tác động của các chiến lược quản lý khác nhau” (Brown và cộng sự . 2004). Bằng cách kết hợp phân tích lợi ích giữa các bên, đánh giá xung đột và phân tích đa tiêu chí, các quyết định có thể được đưa ra một cách rõ ràng, minh bạch và có tính tổng quát hơn. Trong bối cảnh thế giới hiện nay, những hoạt động sản xuất, canh tác và sử dụng đất ảnh hưởng trực tiếp đến các hệ sinh thái tự nhiên. Điều này đã và đang đặt ra những thách thức đối với năng lực của các hệ sinh thái toàn cầu trong việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ trong hệ sinh thái trong hoạt động sản xuất, sinh tồn của con người. Nhiều hệ sinh thái đang bị suy thoái, dẫn đến những hậu quả có thể gây nguy hiểm cho các phương án sử dụng đất trong tương lai. Một trong những ví dụ rõ nét nhất về phân tích đánh đổi là khi áp dụng trong nghiên cứu phân bổ nguồn nước cho các hồ chứa: i) lượng nước sẽ được phân bổ cho hoạt động thủy điện hay được giữ lại nhằm kiểm soát lũ lụt; ii) Một khối lượng nước mặt sẽ được sử dụng cho việc khai thác (tưới tiêu, cấp nước) hay phục vụ cho giao thông thủy lợi, môi trường sống. Nếu ưu tiên một mục tiêu với một lượng nhất định thì mục tiêu còn lại sẽ phải hy sinh một lượng tương tự và ngược lại. Hầu hết tất cả tình huống quản lý trong thực tế đều có nhiều phương án, nhiều giả thuyết tương ứng với nững mục đích khác nhau và việc lựa chọn luôn gắn với phân tích đánh đổi.

    Như vậy, mục tiêu chính của phân tích đánh đổi sẽ là i) định lượng các chi phí, lợi ích phát sinh (tiền tệ hoặc phi tiền tệ) khi thực hiện dự án/ban hành chính sách/thực hiện quy hoạch; ii) phân tích đánh đổi để giúp quá trình ra quyết định có thêm cơ sở lựa chọn và cải thiện hiệu quả của phương án. Ngày nay, phân tích đánh đổi được sử dụng phổ biến không chỉ trong kinh tế học, mà còn trong khoa học kiến trúc và khoa học môi trường. Trong khuôn khổ của bài báo này, nhóm nghiên cứu sẽ tập trung vào khía cạnh về phân tích đánh đổi phục vụ phân bổ nguồn lực đất đai trong xây dựng quy hoạch.

3.2. Sự cần thiết phân tích đánh đổi phục vụ phân bổ nguồn lực đất đai quy hoạch vùng

    Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 đã quy định việc lập, phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia, bao gồm loại hình quy hoạch chính: cấp quốc gia, cấp vùng,cấp  tỉnh, quy hoạch theo đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và quy hoạch đô thị, nông thôn (Điều 5, Luật Quy hoạch). Theo Điều 7 Luật Quy hoạch, "Quy hoạch vùng là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia ở cấp vùng về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, xây dựng vùng liên tỉnh, kết cấu hạ tầng, nguồn nước lưu vực sông, sử dụng tài nguyên và BVMT trên cơ sở kết nối các tỉnh". Quy hoạch cấp vùng tuy không phải là cấp quản lý hành chính trong hệ thống tổ chức hành chính của Việt Nam, nhưng đóng vai trò chuyển tiếp các định hướng từ cấp quốc gia xuống cấp tỉnh cũng như định hình không gian phát triển của các tỉnh trong vùng. Trong quá trình xây dựng quy hoạch cấp vùng, cơ quan có trách nhiệm xây dựng cần phải xem xét đến “phương hướng phát triển ngành có lợi thế của vùng; phương án phát triển, sắp xếp, lựa chọn và phân bố nguồn lực phát triển trên lãnh thổ vùng”, ưu tiên phát triển các tiềm năng nổi trội của mỗi vùng để đưa ra các định hướng phát triển trọng điểm.

    Đối với quy hoạch vùng, nhu cầu đặt ra đối với phương án phân bổ nguồn lực đất đai đòi hỏi phải mang tính tổng hợp, trong đó đề cập tới nhiều ngành và phạm vi lãnh thổ khá rộng, ngoài ra tính chính sách thể hiện rất cao. Do đó, để đạt được mục tiêu đó thì quy hoạch vùng phải có được các thông tin phản ánh về hiện trạng khai thác, sử dụng, phân bổ tài nguyên thiên nhiên; thông tin về hiệu quả sử dụng, tình trạng của nguồn lực tài nguyên thiên nhiên để đưa ra các giải pháp cân đối, bố trí nguồn lực một hợp lý nhất. Điều này đã đặt ra yêu cầu từng phương án quy hoạch được xây dựng với yêu cầu số lượng lớn các tư liệu và thông tin. Quá trình thu thập, xử lý rất phức tạp (bao gồm từ khâu thu thập tư liệu, đánh giá hiện trạng sử dụng đất, phân tích tính thích nghi của đất, đánh giá tiềm năng đất đai, đề xuất chiến lược sử dụng đất, dự báo các yêu cầu sử dụng đất, phân khu sử dụng đất, thiết kế và tổng hợp phương án quy hoạch...).

    Để quy hoạch vừa phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế trong tương lai, vừa có tính khả thi, khi lập quy hoạch cần phải bảo đảm tính tổng hợp trên vùng lãnh thổ, so sánh và thống nhất với định hướng chủ đạo của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; công cụ phân tích đánh đổi sẽ kết hợp giữa phương pháp truyền thống với kỹ thuật hiện đại (như ảnh hàng không, viễn thám...); kết hợp với phương pháp định tính, định lượng; áp dụng cơ chế phản hồi nhằm tăng tính khoa học, tính thực tiễn của quy hoạch….Phân tích đánh đổi không chỉ dừng lại ở việc định lượng các dịch vụ trong từng bối cảnh mà còn mang tính chất dự báo những tác động tích cực và tiêu cực của từng phương án chính sách đối với các đối tượng chịu tác động của chính sách, đồng thời dự báo và so sánh lợi ích, chi phí của các phương án chính sách nhằm cung cấp cơ sở để lựa chọn phương án chính sách tối ưu. Trong quá trình lập quy hoạch, nhằm đánh giá tác động của chính sách tài nguyên môi trường, các nhà phân tích có thể sử dụng phương pháp đánh giá định lượng hoặc định tính hoặc kết hợp cả hai phương pháp này. Tuy nhiên, việc sử dụng nhóm phương pháp hoặc phương pháp cụ thể nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: mục tiêu, phạm vi tác động của các chính sách; tính chất thông tin thu được; khả năng thu thập dữ liệu,… phục vụ cho đánh giá.

    Như vậy, kết quả của phân tích đánh đổi sẽ giải quyết bài toán giữa 3 trụ cột của sự phát triển, bao gồm: phát triển kinh tế (nhất là tăng trưởng kinh tế bao hàm cả chất lượng tăng trưởng), phát triển xã hội (nhất là phát triển cả thể chất và tinh thần của con người thông qua cung cấp dịch vụ y tế và giáo dục để đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội; xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm) và BVMT (nhất là ứng phó biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học thông qua  xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; phòng chống cháy và chặt phá rừng; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên). Bên cạnh đó, khi tiến hành lập quy hoạch theo hướng tích hợp, để lựa chọn kịch bản/phương án phát triển phù hợp, phân tích đánh đổi sẽ kết hợp cùng các công cụ đánh giá khác (Đánh giá môi trường chiến lược, phân tích chi phí lợi ích, phân tích chi phí hiệu quả….) làm cơ sở để lựa chọn phương án/kịch bản quy hoạch phù hợp. Do đó, việc áp dụng phân tích đánh đổi vào quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và theo dõi quy hoạch vùng là rất cần thiết, phù hợp với cách tiếp cận theo hướng tích hợp của Luật Quy hoạch, vừa bảo đảm tính liên vùng, liên lãnh thổ của quy hoạch vùng.

3.3. Lồng ghép công cụ phân tích đánh đổi phục vụ phân bổ nguồn lực đất đai trong lập, xây dựng quy hoạch vùng

    Trên cơ sở nghiên cứu khoa học và thực tiễn, kế thừa quy định hiện hành, quy trình lập, xây dựng quy hoạch, kế hoạch cho một vùng/lãnh thổ thông thường bao gồm 6 bước như sau:

Bước 1: Xác định vấn đề/cơ hội cụ thể

Bước 2: Thống kê, đánh giá thực trạng

Bước 3: Xây dựng phương án quy hoạch

Bước 4: Đánh giá tác động của các phương án quy hoạch

Bước 5: Thẩm định, so sánh giữa các phương án quy hoạch

Bước 6: Quyết định phê duyệt phương án quy hoạch

Hình 1. Lồng ghép công cụ phân tích đánh đổi phục vụ phân bổ nguồn lực đất đai trong quy hoạch vùng

Nguồn: Charles Yoe (2002)

    Trong số các bước nói trên, việc xác định các tiềm năng của vùng/lãnh thổ sẽ được thực hiện trong bước 1 và được định lượng dưới dạng vật lý hoặc quy ra đơn vị tiền tệ trong bước 2 (song song với thống kê thực trạng các loại tài nguyên khác). Sau khi xây dựng các phương án quy hoạch, phương pháp phân tích đánh đổi sẽ được áp dụng trong tính toán, đánh giá tác động của các phương án quy hoạch dựa trên kết quả định lượng (Hình 1). Từ kết quả đó, các phương án quy hoạch sẽ được so sánh, đánh giá với nhiều tiêu chí khác nhau nhằm đưa ra quyết định cuối cùng.

    Quy hoạch thực hiện đồng thời hai chức năng: điều chỉnh các mối quan hệ đất đai và tổ chức sử dụng đất như tư liệu sản xuất đặc biệt với mục đích nâng cao hiệu quả sản xuất của xã hội kết hợp bảo vệ đất, bảo vệ môi trường (Nguyễn Đắc Nhẫn, 2021). Mỗi phương án quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ tác động đến đất đai theo hai xu hướng chính: thay đổi giá trị về mặt kinh tế của đất và thay đổi giá trị về mặt sinh thái của đất hay có thể được hiểu là thay đổi chức năng của hệ sinh thái trên đất. Như vậy, phân tích đánh đổi trong phân bổ nguồn lực đất đai phục vụ quy hoạch sẽ quan tâm chủ yếu đến sự tăng/giảm, khả năng hai khía cạnh nói trên. (Hình 2):

Hình 2. Nội dung phân tích đánh đổi trong phân bổ nguồn lực đất đai trong quy hoạch vùng

- Xét trên khía cạnh về giá trị kinh tế của đất, khi tiến hành lập quy hoạch, căn cứ vào đặc điểm tự nhiên, phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của mỗi vùng lãnh thổ, quy hoạch sẽ được tiến hành nhằm định hướng cho các cấp, các ngành trên địa bàn phân bổ hợp lý nguồn lực đất đai với mục tiêu xác lập sự ổn định về mặt pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về đất đai, làm cơ sở để giao đất và đầu tư để phát triển sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ các nhu cầu dân sinh, nhu cầu văn hóa xã hội. Thực chất của việc thành lập một đơn vị sử dụng đất với mục đích nhất định chính là việc lấy một khoảnh đất nào đó từ đất dự trữ quốc gia (đất công, đất chưa sử dụng), hoặc lấy chuyển từ một đơn vị với mục đích khác để bố trí. Do đó, quy hoạch sẽ tác động không nhỏ đến giá trị kinh tế của đất và giá đất (Giá trị đất khi biểu hiện dưới dạng tiền tệ tại thời điểm nhất định) tại thời điểm được ban hành hoặc thậm chí có thể trước đó. Lúc này, quá trình đánh giá tác động đối với từng phương án cần phải tính đến hiệu quả sử dụng đất, trong đó tăng/giảm giá trị của đất luôn được coi là chỉ tiêu quan trọng nhất. Việc xác định sự tăng/giảm giá trị của một diện tích đất phải hy sinh hoặc bị bỏ qua do phương án quy hoạch yêu cầu phải chuyển sang một mục đích khác chính là đánh đổi trong giá trị kinh tế của đất (hay còn được gọi là chi phí cơ hội trong quy hoạch).

- Xét trên khía cạnh đất đai là một phần trong tổng thể hệ sinh thái, theo lý thuyết về vốn tự nhiên, đất đai là một phần quan trọng và là nền tảng của các hoạt động sống trên trái đất. Bên cạnh giá trị về mặt kinh tế, đất đai được con người khai thác, sử dụng cho mục đích không gian sinh sống, nơi làm việc, du lịch và vui chơi giải trí, với những tính chất đó có thể gọi đất đai là “tài nguyên không gian” và là tư liệu sản xuất quan trọng của con người”. Đề cập đến giá trị của một thửa đất không chỉ xét trên tiêu chí có thể đem lại bao nhiêu tiền mà cần phải quan tâm đến các hoạt động trên đất có thực sự hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường sống của chính con người. Ngày nay, vấn đề cấp thiết đối với xã hội chính là song song với khai thác tự nhiên, con người cần phải nhận thức đúng và đầy đủ về việc bảo tồn, bảo vệ và phục hồi giới tự nhiên, BVMT tự nhiên. Vì mục tiêu lợi nhuận, nhiều quốc gia, công ty hay cá nhân đã bất chấp quy luật tự nhiên và có nhiều hành động phá vỡ và hủy diệt sự phát triển bình thường của giới tự nhiên theo những cách thức ngày càng tinh vi hơn. Do vậy, với mục tiêu BVMT, con người cần giải quyết được mâu thuẫn trong quá trình phát triển, là mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế với BVMT tự nhiên. Nói cách khác, để giải quyết được mâu thuẫn này, con người cần phải thực hiện sự kết hợp hài hòa tăng trưởng kinh tế với BVMT trong tất cả các khâu, các giai đoạn của sự phát triển kinh tế - xã hội vì mục tiêu phát triển bền vững.

4. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ GIẢI PHÁP

    Trong bối cảnh hiện nay, khi những tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường tác động tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bài toán đặt ra đối với mỗi một quốc gia là cần có những quyết định phù hợp, bảo đảm yêu cầu về phát triển bền vững. Nhằm giải quyết được mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội với các mục tiêu tổng hợp về quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi phải có được phương pháp luận, công cụ giúp hỗ trợ phân tích, đánh giá sự đánh đổi giữa các mục tiêu đó với nhau trong quá trình xây dựng, thẩm định các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả các cấp, các ngành nhằm đưa ra thông tin, chỉ số có tính dự báo hỗ trợ cho các quyết định bền vững. Với vị trị là một trong 5 cấp quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng có vai trò cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia ở cấp vùng về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, xây dựng vùng liên tỉnh, kết cấu hạ tầng, nguồn nước lưu vực sông, sử dụng tài nguyên và BVMT trên cơ sở kết nối các tỉnh. Việc lồng ghép công cụ phân tích đánh đổi trong quy hoạch vùng sẽ góp phần định hướng phân bổ nguồn lực trên lãnh thổ vùng phù hợp với phương án phát triển không gian vùng, phù hợp với quan điểm “Nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhấtcủa Nghị quyết 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung Ương khóa XIII ngày 16 tháng 6 năm 2022.

Tô Ngọc Vũ

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt 2/2023)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nghị quyết 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung Ương khóa XIII ngày 16 tháng 6 năm 2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

2. Quốc hội (2017). Luật Quy hoạch, số 21/2017/QH14, ngày 24/11/2017.

3. Nguyễn Đắc Nhẫn, 2021 – Đề tài Khoa học cấp Nhà nước: "Nghiên cứu cơ sở khoa học, đề xuất đổi mới phương pháp luận và ứng dụng công nghệ trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm góp phần quản lý, sử dụng tài nguyên đất hiệu quả, bền vững".

4. Alaston, Norton, and Parkway., (1995). Science under 720 scarcity: principles and practice for agricultural research evaluation and priority setting 721 (No. A50 226). ISNAR, The Hague (Países Bajos).

5. Brown, K. (2004) Trade-off Analysis for Integrated Conservation and Development. In: Mc Shane, T., and Wells, M.P., eds. Getting Biodiversity Projects to Work. Columbia University Press, New York.

6. Crissman, C.C., J.M. Antle, S.M. Capalbo., eds. (1998). Economic, Environmental and Health Trade-offs in Agriculture: Pesticides and the Sustainability of Andean Potato Production. Dordrecht/Boston/London: Kluwer Academic Publishers. 281 pp.

7. Charles Yoe, Ph.D, (2002) Trade-Off Analysis Planning and Procedures Guidebook, Decision Methodologies Division, U.S. Army Institute for Water Resources.

8. Chen, D., Li, Y., Grace, P. and Mosier, A.R., 2008. N2O emissions from agricultural lands: a synthesis of simulation approaches. Plant and Soil, 309(1-2), pp.169-189.

9. Pingali, P. L., Rosegrant, M. W., (1995). Agricultural commercialization and diversification:  processes and policies. Food policy, 20(3), 171-185.

Ý kiến của bạn