Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Đánh giá sự tuân thủ các thủ tục hành chính liên quan đến bảo vệ môi trường của chi nhánh Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam tại Thành phố Hà Nội

19/10/2021

    Tóm tắt:

    Nghiên cứu thực hiện nhằm tìm hiểu và đánh giá mức độ tuân thủ việc thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) về BVMT đúng theo quy định pháp luật của chi nhánh Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam tại TP. Hà Nội. Qua quá trình nghiên cứu, điều tra, khảo sát cho thấy, cả ba TTHC (Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại (CTNH); Báo cáo giám sát môi trường (GSMT) định kỳ) được chi nhánh Công ty thực hiện tương đối đầy đủ, nghiêm túc, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một vài thiếu sót, tuân thủ chưa triệt để.

    Từ khóa: Coca-Cola, TTHC, BVMT, pháp luật, Báo cáo ĐTM, Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH, Báo cáo GSMT.

    Nhận bài: 29/7/2021; Sửa chữa: 5/9/2021; Duyệt đăng: 8/9/2021.

    1. Mở đầu

    Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường hội nhập quốc tế kéo theo sự phát triển mạnh của các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ... Hàng loạt nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp trong và ngoài nước thi nhau ra đời. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thì hoạt động của các cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp này đã làm cho nhiều vấn đề về môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng và khó kiểm soát. Trong khi công tác quản lý môi trường tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập thì việc vừa đáp ứng nhu cầu xã hội về tăng trưởng kinh tế, vừa BVMT, đảm bảo sự phát triển bền vững đòi hỏi các công ty, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất phải thực hiện việc tuân thủ các TTHC liên quan đến BVMT một cách tốt nhất.

    Coca-Cola hiện là thương hiệu nước giải khát có ga đứng đầu thế giới được rất nhiều người biết đến và ưa chuộng. Năm 1960, thương hiệu này lần đầu tiên được giới thiệu và trở lại Việt Nam vào tháng 2/1994, bắt đầu quá trình kinh doanh lâu dài của mình. Cho tới nay, các nhà máy sản xuất nước giải khát thương hiệu Coca-Cola đã có mặt tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Trong suốt chặng đường phát triển, các sản phẩm mang thương hiệu Coca-Cola ngày càng khẳng định được uy tín cũng như vị thế trên thị trường tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

    Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển về kinh tế thì các hoạt động sản xuất của nhà máy cũng dẫn đến khả năng gây suy giảm về chất lượng môi trường tại địa phương. Vì vậy, BVMT thông qua việc thực hiện đúng và đầy đủ các thủ tục về môi trường để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng, sự cố đến môi trường đang là vấn đề được quan tâm. Thực tế cho thấy, hiện nay không phải doanh nghiệp nào cũng tuân thủ việc thực hiện các TTHC về BVMT đúng theo quy định của pháp luật, vẫn còn tồn tại rất nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện hoặc đã thực hiện nhưng thực hiện chưa đúng với những thủ tục đã cam kết.

    2. Đánh giá thực trạng tuân thủ TTHC liên quan đến BVMT tại chi nhánh Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam, TP. Hà Nội

    2.1. Giới thiệu chung về chi nhánh Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam tại TP. Hà Nội:

    Chi nhánh Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam có vị trí tại Km 17, Quốc lộ 1A, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, cách Quốc lộ 1A cũ khoảng 50 m, cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 16 km về phía Nam, với tổng diện tích là 35.971 m2.

    Phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ của thị trường, thông thường đội ngũ công nhân viên làm việc 1 ca/ngày, thời gian cao điểm là 3 ca/ngày, mỗi ca làm 8 tiếng. Số ngày làm việc trong năm là 300 ngày.

    Chi nhánh Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam tại Hà Nội đã xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh như giao thông, thông tin liên lạc, cấp điện, cấp nước, thoát nước thải, thoát nước mưa... nhằm phục vụ cho hoạt động của nhà máy.

    2.2. Hiện trạng thực hiện các TTHC liên quan đến BVMT của chi nhánh Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam tại TP. Hà Nội

    ​Bảng 1. Danh mục các thủ tục môi trường chi nhánh Công ty đã tuân thủ

STT

Thủ tục môi trường

Quyết định/ cấp phê duyệt

1

Lần 1: Báo cáo ĐTM: Dự án “Nhà máy Coca-Cola Ngọc Hồi”

UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt theo Quyết định số 01/CN-TCMT ngày 27/8/1994

2

Lần 2:  Báo cáo ĐTM: Dự án “Đầu tư dây chuyền sản xuất CSD PET mới công suất 30.000 chai/giờ”

UBND TP. Hà Nội phê duyệt theo Quyết định số 5749/QĐ-UBND ngày 2/12/2011

3

Lần 3: Báo cáo ĐTM: Dự án “Đầu tư mới dây chuyền chiết nóng, công suất 24.000 lít/giờ và dây chuyền chiết túi, công suất 2.400 lít/giờ”

Bộ TN&MT phê duyệt theo Quyết định số 1208/QĐ-BTNMT ngày 2/7/2014

4

Lần 4:  Báo cáo ĐTM: Dự án “Đầu tư mới dây chuyền chiết nước ngọt có ga đóng chai nhựa, công suất 54.000 lít/giờ”

Bộ TN&MT phê duyệt theo Quyết định số 981/QĐ-BTNMT ngày 4/5/2016

5

Lần 5: Báo cáo ĐTM Dự án “Nâng công suất nhà máy sản xuất nước giải khát Coca-Cola từ 511 triệu lít/năm lên 711 triệu lít/năm”

Bộ TN&MT phê duyệt theo Quyết định số 1179/QĐ-BTNMT ngày 13/5/2019

6

Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT

Tổng cục Môi trường - Bộ TN&MT xác nhận tại Giấy xác nhận số 48/GXN-TCMT ngày 8/5/2017

7

Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất

Bộ TN&MT cấp Giấy phép số 1569/GP-BTNMT ngày 24/7/2014

8

Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước

UBND TP. Hà Nội cấp Giấy phép số 520/GP-UBND ngày 29/11/2016

9

Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH

Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH mã số QLCTNH:01.000235.T được Sở TN&MT Hà Nội xác nhận ngày 11/6/2013

10

Báo cáo GSMT định kỳ

- Phối hợp với Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 (Quatest 1) thực hiện định kỳ 6 tháng/lần

11

Hợp đồng thu gom vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt

Ký kết hợp đồng với Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Toàn Cầu ngày 28/11/2007

12

Hợp đồng thu gom vận chuyển và xử lý CTNH

Ký kết hợp đồng với Công ty CP Đầu tư phát triển Công nghiệp và Môi trường Việt Nam ngày 1/1/2018

    Như vậy, chi nhánh Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam tại Hà Nội đã thực hiện toàn bộ các TTHC liên quan đến lĩnh vực BVMT dựa trên căn cứ pháp lý. Ngoài ra, chi nhánh Công ty còn thực hiện các thủ tục môi trường khác như: Hợp đồng cấp nước; Hợp đồng thu gom chất thải rắn (CTR) có thể tái chế; Giấy phép tiến hành công việc bức xạ; Hợp đồng mua bán hơi nước bão hòa…

    2.3. Đánh giá sự tuân thủ các TTHC liên quan đến BVMT của chi nhánh Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam tại Hà Nội

    2.3.1 Đánh giá sự tuân thủ thủ tục Báo cáo ĐTM

    Các công trình, biện pháp BVMT theo Báo cáo ĐTM đã được phê duyệt đều được tuân thủ gần nhưa triệt để bao gồm:

    - Công trình thu gom và xử lý bụi, khí thải: Xử lý bụi từ các phương tiện giao thông, khí thải lò hơi, khí thải máy phát điện, mùi hôi từ hệ thống thoát nước, trạm XLNT, mùi từ điểm tập trung CTR đảm bảo tuân thủ: QĐ 3733:2002/QĐ-BYT; QCVN 06:2009/BTNMT; QCVN 05:2013/BTNMT; QCTĐHN 01:2014/BTNMT: Tuân thủ hoàn toàn.

     - Công trình thu gom và xử lý nước thải đối với: Nước mưa chảy tràn, nước thải sản xuất, nước thải sinh hoạt. Nước thải được thu gom, xử lý đạt quy định tại Thông tư số 76/2017/TT-BTNMT; QCVN 40:2011/BTNMT; QCTĐHN 02:2014/BTNMT; QCVN 08-MT:2015/BTNMT; QCVN 09-MT:2015/BTNMT: Tuân thủ hoàn toàn.

     - Công trình thu gom và xử lý CTR đối với: CTR sản xuất không nguy hại, CTR sinh hoạt, bùn phát sinh từ trạm XLNT tập trung, CTNH.

     CTR thông thường được thu gom, xử lý theo Nghị định số 59/2007/NĐ-CP; Nghị định 38/2015/NĐ-CP: Tuân thủ một phần.

     Bùn phát sinh từ trạm XLNT tập trung được thu gom, xử lý đạt QCVN 50:2013/BTNMT: Tuân thủ hoàn toàn.

     CTNH được thu gom, lưu trữ, vận chuyển theo Nghị định số 38/2015/NĐ-CP; Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT: Tuân thủ hoàn toàn.

     - Công trình giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn, độ rung tuân thủ theo QCVN 26:2010/BTNMT; QCVN 27:2010/BTNMT: Tuân thủ một phần.

     - Rủi ro, sự cố: Phòng chống cháy nổ ứng phó với sự cố hóa chất, hệ thống chống sét cho các hạng mục công trình: Tuân thủ hoàn toàn.

    2.3.2. Đánh giá sự tuân thủ thủ tục Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH

     Các thủ tục Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH theo căn cứ pháp lý đều được thực hiện bao gồm:

     - Quy định về lập hồ sơ, đăng ký, cấp phép xử lý CTNH: Theo Điều 90, Chương IX, Luật BVMT số 55/2014/QH13.

     - Quy định về phân loại, thu gom, lưu trữ trước khi xử lý CTNH: Theo Điều 91, Chương IX, Luật BVMT số 55/2014/QH13.

     - Lập Báo cáo quản lý CTNH định kỳ 1 năm/lần và nộp Sở TN&MT: Theo Điều 7 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT.

    - Đăng ký với Sở TN&MT nơi có cơ sở phát sinh CTNH theo quy định; Có biện pháp giảm thiểu phát sinh CTNH; Tự chịu trách nhiệm về việc phân định, phân loại, xác định số lượng CTNH phải báo cáo và quản lý; Có khu vực lưu giữ tạm thời CTNH, lưu giữ CTNH trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định; Ký hợp đồng để chuyển giao CTNH với tổ chức, cá nhân có giấy phép phù hợp; Lập, sử dụng, lưu trữ, quản lý chứng từ CTNH, báo cáo quản lý CTNH (định kỳ, đột xuất) và các hồ sơ, tài liệu, nhật ký liên quan đến công tác quản lý CTNH theo quy định: Theo Điều 7, Nghị định 38/2015/NĐ-CP

    Thủ  tục Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH được tuân thủ hoàn toàn với nội dung: CTNH được phân loại theo mã CTNH; Đăng ký với Sở TN&MT nơi có phát sinh CTNH theo quy định; Có kho lưu chứa tạm thời CTNH, lưu trữ CTNH trong bao bì hoặc các thiết bị yêu cầu kỹ thuật và quản lý theo quy định; Ký hợp đồng để chuyển giao CTNH cho tổ chức, cá nhân có giấy phép phù hợp; Định kỳ 1 năm/lần nộp báo cáo quản lý CTNH với cơ quan có thẩm quyền; Lập, sử dụng, lưu trữ, quản lý chứng từ CTNH, báo cáo quản lý CTNH (định kỳ, đột xuất) và các hồ sơ, tài liệu, nhật ký liên quan đến công tác quản lý CTNH theo quy định.

    Tuy nhiên, mới chỉ tuân thủ một phần với các yêu cầu về việc CTNH được phân loại từ thời điểm đưa vào lưu giữ hoặc chuyển đi xử lý và có biện pháp giảm thiểu phát sinh CTNH; Tự chịu trách nhiệm về việc phân định, phân loại, xác định số lượng CTNH phải báo cáo và quản lý.

    2.3.3. Đánh giá sự tuân thủ thủ tục Báo cáo GSMT định kỳ

    Các thủ tục Báo cáo GSMT định kỳ theo căn cứ pháp lý đã được thực hiện bao gồm:

    - Chương trình quan trắc môi trường (QTMT) định kỳ, gồm quan trắc phát thải và quan trắc các thành phần môi trường: Theo Khoản 3, Điều 123, Chương XII, Luật BVMT số 55/2014/QH13;

    - Thực hiện chương trình quan trắc phát thải và các thành phần môi trường, báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về BVMT theo quy định của pháp luật: Theo Khoản 3, Điều 125, Chương XII, Luật BVMT số 55/2014/QH13;

    - Tổ chức có đủ kỹ thuật viên về chuyên ngành QTMT và trang bị kỹ thuật cần thiết: Theo Khoản 1, Điều 126, Chương XII, Luật BVMT số 55/2014/QH13;

    - Quản lý số liệu QTMT và công bố kết quả QTMT theo quy định của pháp luật: Theo Khoản 3, Điều 127, Chương XII, Luật BVMT số 55/2014/QH13;

    - Hoạt động xả nước thải được quan trắc định kỳ theo Báo cáo ĐTM đã được phê duyệt: Theo Khoản 1, Điều 39, Chương V của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP.

    Trong đó, các nội dung về lập báo cáo gửi lên cơ quan có thẩm quyền; Đơn vị tiến hành QTMT, lưu giữ các số liệu QTMT theo quy định đã được tuân thủ hoàn toàn. Yêu cầu về các chỉ tiêu, vị trí quan trắc trong chương trình QTMT của chi nhánh mới được tuân thủ một phần. 

    3. Hạn chế và biện pháp khắc phục

    3.1. Thủ tục Báo cáo ĐTM

    Bảng 2. Hạn chế và biện pháp khắc phục tuân thủ Báo cáo ĐTM

STT

Hạn chế

Biện pháp khắc phục

1

Rác thải không nguy hại tại khu vực chứa rác tập trung chưa được thu gom triệt để, bị phát tán 1 phần nhỏ ra môi trường xung quanh.

Khu vực chứa rác tập trung trong quá trình chờ phân loại, xử lý cần vệ sinh sạch sẽ, thu gom triệt để.

2

Thùng chứa CTR sinh hoạt tại khu vực công cộng chưa đầy đủ.

Bố trí nhiều thùng rác chuyên dụng hơn tại các khu vực công cộng.

3

Trang bị bảo hộ lao động cho công nhân còn sơ xài, chưa được đầu tư đúng mức.

Đầu tư thêm về trang thiết bị bảo hộ.

    3.2. Thủ tục Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH

    Bảng 3. Hạn chế và biện pháp khắc phục tuân thủ Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH

STT

Hạn chế

Biện pháp khắc phục

1

Chi nhánh Công ty đã thực hiện phân loại CTNH trước khi lưu trữ và xử lý, tuy nhiên chưa triệt để.

Tiến hành tập huấn, yêu cầu công nhân thực hiện nghiêm túc, triệt để việc phân loại chất thải thông thường và CTNH.

2

Thùng chứa chất thải chuyên dụng còn thiếu và xuống cấp.

Bố trí thêm các thùng chứa chuyên dụng đối với CTNH tại khu vực sản xuất, thay thế thùng chứa cũ, hỏng.

 

    3.3. Thủ tục Báo cáo GSMT định kỳ

    Công ty chưa tiến hành quan trắc đối với vị trí giếng khoan số 2 tại nhà máy và chưa tiến hành quan trắc cho 7 vị trí sử dụng nguồn phóng xạ, tia X, do đó, cần hoàn tất việc quan trắc định kỳ để hoàn thiện thủ tục này.

    4. Kết luận

    Chi nhánh Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam tại Hà Nội đã hoàn thiện đầy đủ các TTHC liên quan đến lĩnh vực BVMT trong suốt quá trình 11 năm hoạt động, sản xuất. Qua nghiên cứu, điều tra, khảo sát cho thấy, cả ba TTHC (Báo cáo ĐTM; Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH; Báo cáo GSMT định kỳ) được chi nhánh Công ty thực hiện tương đối đầy đủ, nghiêm túc, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một vài thiếu sót dẫn tới việc tuân thủ chưa được triệt để.

    Theo quy định mới tại Điều 37, Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT ngày 31/12/2019 của Bộ TN&MT, chủ dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện Báo cáo công tác BVMT (lồng ghép báo cáo về hoạt động công trình, biện pháp BVMT, báo cáo QTMT, báo cáo quản lý CTR, CTNH, tình hình quản lý phế liệu nhập khẩu). Chế độ báo cáo định kỳ 1 năm/lần (tính từ ngày 1/1 đến hết ngày 31/12), gửi tới các cơ quan quản lý trước ngày 31/1 của năm tiếp theo.

    Như vậy, chi nhánh Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam tại Hà Nội nên cập nhật, tiến hành lập Báo cáo công tác BVMT định kỳ 1 lần/ năm gửi về Sở TN&MT thay vì lập Báo cáo quản lý CTNH, Báo cáo GSMT định kỳ như hiện nay.

Nguyễn Mai Lan*, Lê Ngọc Bích

Khoa Môi trường, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt III/2021)

    Tài liệu tham khảo

    1. Bộ TN&MT (2015), Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT quy định về quản lý CTNH.

    2. Bộ TN&MT (2019), Thông tư 25/2019/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật BVMT và quy định quản lý hoạt động dịch vụ QTMT.

    3. Chính phủ (2015), Nghị định 38/2015/NĐ-CP quy định về quản lý chất thải và phế liệu.

    4. Chính phủ (2019), Nghị định sooa 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT.

    5. Chi nhánh Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (2019), Báo cáo ĐTM Dự án Nâng công suất nhà máy sản xuất nước giải khát Coca-Cola từ 511 triệu lít/năm lên 711 triệu lít/năm.

    6. Chi nhánh Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (2013), Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH (cấp lần 2).

    7. Chi nhánh Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (2019), Báo cáo GSMT định kỳ.

    8. Quốc hội (2014), Luật BVMT số 55/2014/QH13 được quốc hội thông qua và ban hành ngày 23/6/2014.

Compliance assessment with administrative procedures related to environmental protection of the branch of Coca-Cola Vietnam beverage company limited in Hanoi City

Nguyen Mai Lan*, Le Ngọc Bich

Department of Environment, HUNRE

    Abstract:

    The study was conducted to assess the compliance with the implementation of administrative procedures on environmental protection in accordance with the law of the branch of Coca-Cola Vietnam Beverage Co., Ltd. in Hanoi. All three administrative procedures (Environmental impact assessment report, Register of hazardous waste source owners, Periodic environmental monitoring report) are performed relatively fully and seriously, but there are still some shortcomings and incomplete compliance.

    Keywords: Coca-Cola, administrative procedures, environmental protection, law, environmental impact assessment report, hazardous waste source owner register, environmental monitoring report.

 

Ý kiến của bạn