Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 16/07/2024

Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng mô hình kinh tế xanh cho xã đảo ven bờ Việt Nam

05/08/2021

TÓM TẮT

    Các xã đảo ven biển Việt Nam đang đối mặt với các nguy cơ cạn kiệt tài nguyên như nguồn lợi hải sản suy giảm mạnh, hệ sinh thái trên đảo và ven biển suy thoái trước sức ép kinh tế, đảo chịu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Vì vậy, cần xây dựng một mô hình kinh tế theo định hướng xanh để thay thế các mô hình kinh tế truyền thống. Cở sở lý luận nhấn mạnh mô hình kinh tế xanh sẽ giúp duy trì vốn tự nhiên, giảm nghèo, tạo việc làm, công bằng xã hội và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Các kết quả thực tiễn về mô hình kinh tế xanh ở ba xã đảo (Việt Hải, Nhơn Châu và Nam Du) đã để lại những bài học thực tiễn hiệu quả khi chuyển đổi mô hình kinh tế truyền thống sang kinh tế xanh trong sử dụng và khai thác hiệu quả hệ sinh thái biển đảo và nâng cao đời sống của người dân tại ba xã một cách rõ rệt. Kết quả nghiên cứu đã xây dựng mô hình kinh tế xanh cụ thể cho xã đảo ven bờ với 7 yếu tố đầu vào để xác định nội dung, mục tiêu xây dựng các mô hình kinh tế cụ thể nhằm đảm bảo 12 yếu tố đầu ra của mô hình, giúp phát triển kinh tế xã đảo bền vững, thích ứng với BĐKH, thu hút người dân bám đảo không di cư vào đất liền. Mô hình kinh tế xanh sẽ góp phần giúp cho các xã đảo thành các điểm phát triển kinh tế của quốc gia, trở thành hành lang bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Từ khóa: Mô hình kinh tế xanh, kinh tế xanh, xã đảo Việt Hải, xã đảo Nhơn Châu, xã đảo Nam Du.

Nhận bài: 26/5/2021; Sửa chữa: 11/6/2021; Duyệt đăng: 15/6/2021.

I. Mở đầu

    Phát triển kinh tế xã đảo là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết bởi người dân nơi đây đang phải đối mặt với tình trạng khai thác cạn kiệt tài nguyên như nguồn lợi hải sản suy giảm mạnh, hệ sinh thái trên đảo và ven biển suy thoái trước sức ép kinh kế, đảo chịu tác động của BĐKH (bão, triều cường và gió lớn…). Vì vậy, cần xây dựng một mô hình kinh tế theo định hướng xanh để thay thế các mô hình kinh tế truyền thống hiện tại.

    Mô hình kinh tế xanh tại các đảo ven bờ là một trong những hướng nghiên cứu đã đạt nhiều thành tựu trên thế giới vì kinh tế xanh là nền kinh tế ít phát thải các-bon, tiết kiệm tài nguyên và tạo ra công bằng xã hội. Kinh tế xanh không thay thế phát triển bền vững mà là chiến lược kinh tế để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, là mô hình có sự tiếp cận liên ngành và hệ thống, là sự kết hợp giữa ba thành tố: Kinh tế - Xã hội - Môi trường. Phát triển kinh tế xanh để đạt được tăng trưởng xanh đã trở thành xu hướng tất yếu của kinh tế thế giới hiện đại. Tại Việt Nam, các chiến lược phát triển kinh tế xanh cũng được nghiên cứu và đưa vào áp dụng trong các văn bản hoạch định chính sách phát triển quốc gia… Hơn nữa, các xã đảo tại Việt Nam còn có vai trò quan trọng trong an ninh quốc phòng, đồng thời chịu tác động lớn từ hiện tượng BĐKH toàn cầu so với phần còn lại của đất nước.

    Vì vậy, làm rõ cơ sở lý luận và căn cứ thực tiễn để xây dựng mô hình kinh tế xanh áp dụng phù hợp cho các xã đảo là kết quả nghiên cứu chính của bài viết này.

Hình 1. Sơ đồ vị trí nghiên cứu tại ba xã đảo

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu: Mô hình kinh tế xanh tại các xã đảo, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường của xã đảo.

- Phạm vi nghiên cứu: Việc nghiên cứu đánh giá thực tiễn, mức độ đáp ứng các tiêu chí kinh tế xanh cho xã đảo ven bờ được thực hiện tại ba xã đảo đại diện cho ba miền đất nước: Xã đảo Việt Hải, xã đảo Nhơn Châu và xã đảo Nam Du.

2.2. Tài liệu nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu

    Nguồn tài liệu và số liệu được sử dụng từ nguồn đề tài KC.08.09/16-20 về mô hình kinh tế xanh cho các xã đảo tiêu biểu ven bờ Việt Nam [1]. Nguồn tài liệu nghiên cứu tập trung vào ba mô hình kinh tế tại ba xã đảo, trong đó xã đảo Việt Hải (TP. Hải Phòng), xã đảo Nhơn Châu (tỉnh Bình Định) và xã đảo Nam Du (tỉnh Kiên Giang).

    Các phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong bài viết là phương pháp phân tích, đánh giá các nguồn tài liệu để xác định được cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm xây dựng mô hình kinh tế xanh cho xã đảo phù hợp.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Cơ sở lý luận để định hướng xây dựng mô hình kinh tế xã đảo xanh

    Xét về bản chất có thể hiểu mô hình kinh tế xanh là một mô hình kinh tế hiện đại và là công cụ để định hướng chính sách hướng tới phát triển bền vững trước bối cảnh tác động của BĐKH toàn cầu. UNEP (2011) đã khẳng định, mô hình kinh tế xanh là một trong những công cụ quan trọng để các quốc gia định hướng mục tiêu chính sách, dự báo ảnh hưởng của chính sách đến sự phát triển kinh tế xanh ở tầm quốc gia hoặc các khu vực cụ thể như xã đảo cũng được áp dụng [2]. Mục tiêu chính sách được hiểu là các mục tiêu hướng tới nền kinh tế xanh thành công, hay nền kinh tế có 5 đặc trưng (nội hàm) chính gồm: (i) Kinh tế xanh nhấn mạnh giá trị, vai trò của việc đầu tư duy trì và phục hồi vốn tự nhiên; (ii) Kinh tế xanh là trụ cột để giảm nghèo; (iii) Kinh tế xanh tạo ra việc làm và cải thiện công bằng xã hội; (iv) Kinh tế xanh sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ các-bon thấp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch; (v) Kinh tế xanh hướng tới lối sống bền vững và giao thông các-bon thấp [3].

    Như vậy, mô hình kinh tế xanh xã đảo cần được xây dựng trên hai phương diện chính là vốn tự nhiên của xã đảo và các chính sách sử dụng vốn tự nhiên có mục tiêu định hướng phát triển kinh tế xanh tại xã đảo. Trong mô hình kinh tế xã đảo tập trung vào những trụ cột là nguồn vốn tự nhiên, sử dụng nguồn năng lượng và có các biện pháp, giải pháp kỹ thuật phù hợp để phát triển. Có thể thấy, vốn tự nhiên là một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc phát triển kinh tế xanh. Theo Điều 147, Luật BVMT (2020) [4], vốn tự nhiên là các nguồn tài sản thiên nhiên gồm đất, nước, rừng, nguồn lợi thủy sản, khoáng sản, nhiên liệu hóa thạch, các nguồn năng lượng tự nhiên và các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên. Hàng hóa và dịch vụ được cung cấp từ vốn tự nhiên có giá trị quan trọng cho đời sống và sự phát triển của con người, như lương thực, nước, không khí, các dịch vụ văn hóa, tinh thần và hỗ trợ điều tiết chu trình sinh địa hóa. Vốn tự nhiên và các dịch vụ hệ sinh thái cung cấp các lợi ích kinh tế đáng kể. Do đó, vốn tự nhiên luôn là nền tảng cho các quốc gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh sinh thái nhằm đạt được mục tiêu phát triển xanh của xã đảo. Dựa theo phân tích nêu trên có thể hiểu khái niệm về mô hình kinh tế xanh xã đảo là: “mô hình kinh tế thể hiện mối quan hệ giữa các mục tiêu chính sách sử dụng vốn tự nhiên của xã đảo và các khía cạnh kinh tế, môi trường, xã hội đặc trưng của xã đảo nhằm lựa chọn, đánh giá ảnh hưởng của chính sách đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh tại xã đảo ven bờ”.

3.2. Cơ sở thực tiễn để thực hiện xây dựng mô hình kinh tế xã đảo xanh tại Việt Nam

    Nghiên cứu và xây dựng một số mô hình kinh tế xanh cụ thể tại ba xã đảo dựa vào nguồn vốn tự nhiên và nguồn nhân lực để nâng cao thu nhập của người dân tại ba xã đảo Việt Hải (Hải Phòng), xã đảo Nhơn Châu (Bình Định) và xã đảo Nam Du (Kiên Giang). Dưới đây là một số kết quả đạt được do mô hình kinh tế đảo đã định hướng theo kinh tế xanh.

a) Xã đảo Việt Hải (Cát Hải, Hải Phòng)

    Nghiên cứu của Lê Xuân Sinh và nnk (2021) cho thấy, định hướng chuyển đổi mô hình kinh tế xanh ở Việt Hải là rất cần thiết vì mô hình kinh tế hiện tại phụ thuộc nhiều vào khai thác tài nguyên (nghề đi rừng, đi bãi), thu nhập thấp (3,8 triệu đồng/người/tháng). Nghiên cứu đã định hướng chuyển đổi sang hai mô hình là du lịch cộng đồng định hướng xanh và nông nghiệp hữu cơ.

    Mô hình du lịch cộng đồng tại đảo Việt Hải đã thực hiện theo định hướng kinh tế xanh là dựa vào vốn tự nhiên của đảo để tạo ra các sản phẩm du lịch sinh thái đặc trưng. Các sản phẩm du lịch sinh thái dựa vào tự nhiên: không khí trong lành, cảnh quan đẹp của làng quê Bắc bộ nằm trong thung lũng, hệ sinh thái trên cạn phong phú như cá suối Garra Rufa, hệ sinh thái san hô, nguồn lợi hải sản phong phú. Các sản phẩm du lịch gắn với thiên nhiên tạo nên tính cạnh tranh với các khu vực khác tại đảo Cát Bà như tour đạp xe không gây khói bụi, mô hình cá rỉa chân tạo thu nhập cho người dân và bảo vệ đàn cá, tour ngắm san hô bằng thuyền đáy kính thu hút khách du lịch trải nghiệm và bảo tồn san hô trong vịnh Lan Hạ.

    Vào thời điểm tháng 12/2017, tỷ lệ các hộ làm du lịch - dịch vụ chiếm 5,7% (kết quả điều tra, phỏng vấn các cấp chính quyền và người dân). Tỷ lệ này đã tăng gấp 5 lần, lên 34,1% vào thời điểm tháng 6/2020. Bên cạnh đó, các ngành nghề hướng khai thác tự nhiên giảm từ 45,5% còn 34,1%; các ngành nghề nông nghiệp chăn nuôi giảm vì xu hướng chuyển đổi ngành nghề sang làm du lịch. Thu nhập bình quân của các hộ làm du lịch là 10 - 12 triệu/người, cao hơn thu nhập trung bình của người dân trong xã là 5 triệu/người (số liệu tháng 6/2020). Số lượng khách cũng tăng lên 2,5 lần so với trước năm 2017, tạo nên nguồn khách và nguồn thu nhập ổn định cho Việt Hải.

Hình 2. Tỷ lệ cơ cấu ngành nghề của các hộ dân thay đổi từ năm 2017-2020

    Mô hình nông nghiệp hữu cơ đã lựa chọn loại cây trồng thích hợp để phát triển du lịch và khuyến khích các hộ làm nông nghiệp hữu cơ. Việt Hải là một thung lũng có diện tích ruộng đất đến 65 ha, bị bỏ hoang vì cấy lúa không mang lại hiệu quả kinh tế. Cây hồng hoa Hibiscus sabdariffa L. là một giải pháp quan trọng trong phát triển mô hình nông nghiệp và du lịch tại Việt Hải. Loài cây trồng này vừa tạo cảnh quan cho Việt Hải, vừa đem lại thu nhập cho người trồng vì có giá trị kinh tế khoảng 10.000 đ/kg hoa tươi và lá cây được sử dụng như một loại rau.

    Nguồn năng lượng được sử dụng trong mô hình định hướng là chuyển đổi dần dần từ năng lượng hóa thạch sang nguồn năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời). Thử nghiệm với 24 cột đèn lắp trên đảo cho thấy hiệu quả rõ rệt vì dễ thi công, mang lại hiệu quả kinh tế, làm sáng đảo trong đêm. Đối với 3 hệ thống bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời đã đầu tư cho 2 hộ du lịch có hiệu quả rõ rệt, giúp họ tiết kiệm chi phí tiền điện khoảng 200-300 nghìn đồng/tháng.

    Môi trường của đảo Việt Hải đã trở thành một điểm sáng về công tác quản lý và BVMT. Nguồn rác thải rắn được xử lý bằng nhiều giải pháp hiệu quả như quản lý tại nguồn, phân loại triệt để, thu gom hiệu quả và xử lý bằng biện pháp kỹ thuật phù hợp như tách rác hữu cơ và xử lý tại các hố ủ của hộ gia đình, phân loại rác tái chế chuyển đất liền, thu gom pin thải để xử lý đúng quy định, chôn lấp rác tại bãi hợp vệ sinh theo quy trình.

Hình 3. Các hoạt động thu gom và xử lý rác sinh hoạt tại Việt Hải

b) Xã đảo Nhơn Châu (Bình Định)

    Mô hình kinh tế Nhơn Châu là mô hình truyền thống với cơ cấu kinh tế chủ yếu là khai thác thủy sản ven bờ, nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái, du lịch biển. Số lượng lao động tham gia mô hình chủ yếu là nam giới vì các ngành nghề đều yêu cầu yếu tố sức khỏe, di chuyển trên biển. Sau 3 năm triển khai mô hình kinh tế xanh, đến tháng 6/2020, số liệu khảo sát cho thấy, mô hình du lịch đã thay đổi, tăng từ 5 hộ lên 15 hộ (chiếm 2,8%), nuôi thủy sản có sự thay đổi lớn từ 54 hộ tăng lên 87 hộ (chiếm 16,1%), mô hình khai thác hải sản giảm xuống còn 300 hộ (chiếm 55,6%). Nghề khai thác vẫn chiếm chủ đạo ở mô hình kinh tế đảo Nhơn Châu, tuy nhiên do chính sách định hướng phát triển của đảo nên mô hình kinh tế xanh của xã tập trung hướng đến hai lĩnh vực du lịch và nuôi tôm hùm. Các yếu tố môi trường và xã hội được đề xuất cùng các giải pháp để có một mô hình kinh tế xanh phù hợp.

    Tuy nhiên mô hình kinh tế xanh ở Nhơn Châu sẽ phải bổ sung các yếu tố là chống chịu được với các tai biến môi trường (vì đây là khu vực chịu ảnh hưởng mạnh bởi bão gió, sóng lớn). Bên cạnh đó, do đảo là pháo đài khu vực biển Đông nên mô hình kinh tế xanh phải tính đến yếu tố an ninh, quốc phòng - đảo sẽ không đón khách du lịch nước ngoài thăm đảo.

c) Xã đảo Nam Du (Kiên Giang)

    Đảo Nam Du thuộc huyện Kiên Hải (Kiên Giang), cách TP. Rạch Giá khoảng 120 km. Đảo Nam Du có diện tích 190 ha, bao gồm 10 hòn đảo, trong đó chỉ có 2 hòn với 3 ấp có dân sinh sống. Hòn Ngang có diện tích 59,5 ha, bao gồm 2 ấp là An Phú và An Bình. Hòn Mấu có diện tích 58,5 ha, có một ấp là Hòn Mấu. Dân số của đảo Nam Du tập trung chủ yếu tại Hòn Ngang [5]. Mô hình kinh tế xanh tại Nam Du định hướng về nuôi trồng thủy sản thân thiện môi trường với các sản phẩm thân thiện như lưới chống bám bẩn, lồng bè bằng vật liệu HDPE. Các giải pháp BVMT như xác định điểm thu gom, chôn lấp và quản lý chất thải rắn sinh hoạt là giải pháp quan trọng nhất được đề xuất trong mô hình kinh tế xanh tại Nam Du. Các mô hình triển khai du lịch giúp phát triển định hướng dựa vào vốn tự nhiên như hệ sinh thái biển, bãi cát, nguồn nước biển trong nhằm khai thác hiệu quả dịch vụ của các hệ sinh thái.

3.3. Đề xuất mô hình chung và nhận xét
a) Cơ sở và nguyên tắc xây dựng mô hình

    Trong kinh tế học, mô hình kinh tế có chức năng chính là đơn giản hóa, bởi sự phức tạp khổng lồ của các quá trình kinh tế. Sự phức tạp này có thể được quy cho sự đa dạng của các yếu tố quyết định hoạt động kinh tế. Do đó, các nhà kinh tế phải đưa ra lựa chọn hợp lý, cách phân tích, trình bày thông tin cần thông qua mục tiêu của mô hình, đảm bảo mô hình đề xuất có thể áp dụng cho hầu hết các xã đảo ven bờ Việt Nam. Một số nguyên tắc của mô hình nhằm định hướng chính sách đầu vào và xác định yêu cầu đầu ra gồm:

    Mô hình chỉ lựa chọn những mục tiêu chính sách nhằm hướng tới những nội hàm chính của kinh tế xanh, các yếu tố đầu ra của mô hình cũng được xác định trên cơ sở các tiêu chí chính đã đề xuất, từ đó phân tích để xác định các chính sách đầu vào của mô hình;

    Quan hệ giữa các biến số đầu vào và đầu ra ưu tiên mục tiêu chính thể hiện đặc điểm của nền kinh tế xanh, đồng thời chú trọng những đặc trưng cần kết nối của xã đảo với đất liền (thông tin, phương tiện, điện, nước);

    Mô hình gắn với nhóm tiêu chí đánh giá để đảm bảo các trọng tâm mô hình là sử dụng nguồn vốn tự nhiên, nguồn nhân lực và biện pháp BVMT;

    Yêu cầu đầu ra của mô hình được xác định dựa trên phương pháp luận và luận cứ đánh giá thực tiễn mức độ phát triển mô hình kinh tế xanh tại ba xã đảo lựa chọn nghiên cứu đã triển khai một số mô hình sinh kế và hoạt động định hướng kinh tế xanh.

    Trên cơ sở đánh giá kinh tế xanh tại ba xã đảo nghiên cứu dựa vào 12 chỉ tiêu đề xuất cho thấy, việc hướng tới đạt được các chỉ tiêu là mục đích của các chính sách, hành động xây dựng mô hình lý thuyết và phát triển mô hình kinh tế xanh ngoài thực tiễn. Do đó, đầu ra của mô hình được xác định 12 chỉ tiêu đó nhằm hướng mô hình tới đúng mục đích là công cụ hữu hiệu giúp phát triển kinh tế xanh tại các xã đảo.

b) Cấu trúc của mô hình kinh tế xanh cho xã đảo ven bờ

    Từ cơ sở lý thuyết và thực tiễn chứng minh, mô hình kinh tế xanh của xã đảo được xây dựng trên các yếu tố đầu vào như xác định hiện trạng mô hình kinh tế truyền thống để chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh. Mô hình kinh tế xanh dựa vào định hướng phát triển chính sách của xã đã được các cấp cao hơn phê duyệt. Mô hình kinh tế xanh tại các xã đảo ven bờ được đề xuất với 7 yếu tố đầu vào hướng tới 5 mục tiêu nội dung nhằm đạt được 12 yêu cầu đầu ra của mô hình.

Hình 4. Sơ đồ mô hình kinh tế xanh cho xã đảo

Đánh  giá  xác  định  các  yếu  tố  đầu  vào  để  xây dựng mô hình kinh tế xanh cho xã đảo ven bờ

   Các yếu tố đầu vào của mô hình được xác định bao gồm: (1) Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên; (2) Hệ thống cơ sở hạ tầng trên đảo và nguồn năng lượng tại đảo, tính liên kết đảo - đất liền; (3) Vốn tự nhiên; (4) Hiện trạng môi trường; (5) Hiện trạng xã hội; (6) Hiện trạng mô hình kinh tế; (7) Hệ thống chính sách.

    Các biến ngoại sinh được sử dụng như là đầu vào của mô hình và biến nội sinh được xem xét như các chỉ số đầu ra của mô hình. Trong 7 yếu tố đầu vào thì hệ thống chính sách được xác định là biến ngoại sinh trong mô hình và có vai trò quyết định lớn đến đầu ra của mô hình.

Xác định nội dung, mục tiêu của mô hình kinh tế xanh cho xã đảo ven bờ

    Trong mô hình, mục tiêu chính sách được coi là biến trung gian và là biến bất định. Khi thay đổi biến ngoại sinh là các chính sách đầu vào thì sẽ tác động làm thay đổi biến nội sinh là đầu ra của mô hình. Từ nội hàm khái niệm kinh tế xanh xã đảo, mục tiêu chính sách được xác định bao gồm:

    Duy trì và phục hồi vốn tự nhiên của xã đảo: Ưu tiên các dịch vụ hệ sinh thái đặc trưng của xã đảo, đặc biệt là các hệ sinh thái rừng trên đảo, hệ sinh thái biển đặc trưng như rừng ngập mặn, rạn san hô, nguồn lợi hải sản;

    Giảm nghèo và hướng tới xã đảo thịnh vượng: Ưu tiên nhóm yếu thế thường xuyên trực tiếp tạo sinh kế từ vốn tự nhiên của xã đảo;

    Tạo ra nhiều việc làm xanh và công bằng xã hội: Ưu tiên công bằng giữa người dân xã đảo so với mức trung bình của cả nước về khía cạnh giáo dục, y tế, kết nối với đất liền về giao thông và thông tin truyền thông, đặc biệt là internet; công bằng về dịch vụ cung cấp nước sạch và nguồn điện.

    Tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ các-bon thấp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch: Ưu tiên các hộ gia đình trên đảo sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ các-bon thấp;

    BVMT và phát triển phương tiện giao thông các-bon thấp: Ưu tiên vấn đề xử lý và tái chế chất thải trên xã đảo; phương tiện công cộng, phương tiện sử dụng cho sản xuất - kinh doanh sử dụng trên xã đảo phát thải các-bon thấp.

Yêu cầu đầu ra của mô hình kinh tế xanh cho xã đảo hướng tới các yếu tố sau:

  • Người dân và cấp chính quyền được tiếp cận với các giải pháp bảo vệ đa dạng sinh học, các hệ sinh thái xã đảo.

  • Đầu tư phục hồi/bảo tồn hệ sinh thái, nguồn lợi tự nhiên trên đảo và biển ven đảo.

  • Các mô hình sinh kế sử dụng bền vững nguồn vốn tự nhiên, gắn với các giải pháp BVMT, bảo vệ các hệ sinh thái xã đảo.

  • Thu nhập bình quân đầu người trên xã đảo.

  • Người dân tiếp cận với giáo dục, nâng cao trình độ, học chứng chỉ hành nghề.

  • Liên kết giữa đảo – đất liền bằng phương tiện giao thông, hệ thống thông tin.

  • Hệ thống đường giao thông trên đảo, âu tàu – bến cảng.

  • Tiếp cận nguồn nước sạch tại xã đảo.

  • Nguồn điện lưới quốc gia trên xã đảo.

  • Khai thác nguồn năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, sóng hay gió).

  • Áp dụng công nghệ giảm thiểu nguồn thải (chất thải rắn, nước thải) tại các xã đảo (nguồn sinh hoạt, hoạt động sản xuất, du lịch).

  • Sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

    Như vậy, sơ đồ mô hình kinh tế đảo xanh đã được xây dựng dựa trên cơ sở lý luận và các kết quả triển khai thực tiễn tại ba xã đảo (Việt Hải, Nhơn Châu và Nam Du). Kết quả nghiên cứu đã khái quát mô hình kinh tế đảo xanh với các hợp phần, giúp chuyển đổi mô hình kinh tế xã đảo từ truyền thống sang mô hình kinh tế xanh phù hợp yêu cầu thực tế từng xã đảo theo yếu tố đầu vào.

4. Kết luận

    Với cơ sở lý luận xác định mô hình kinh tế xanh nhấn mạnh đến năm nội hàm chính về đầu tư duy trì vốn tự nhiên, trụ cột giảm nghèo, tạo việc làm, công bằng xã hội và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo để hình thành nên khái niệm về mô hình kinh tế xanh là “Mô hình kinh tế thể hiện mối quan hệ giữa các mục tiêu chính sách sử dụng vốn tự nhiên của xã đảo và các khía cạnh kinh tế, môi trường và xã hội đặc trưng của xã đảo nhằm lựa chọn và đánh giá ảnh hưởng của chính sách đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh tại xã đảo ven bờ”.

    Các kết quả thực tiễn về các mô hình kinh tế xanh ở ba xã đảo (Việt Hải, Nhơn Châu và Nam Du) đã cho những bài học thực tiễn hiệu quả khi chuyển đổi kinh tế truyền thống sang mô hình kinh tế xanh trong việc sử dụng và khai thác hiệu quả hệ sinh thái biển đảo và nâng cao đời sống rõ rệt của người dân tại ba xã.

    Từ cơ sở lý luận và thực tiễn đã hình thành mô hình kinh tế xanh cụ thể cho xã đảo ven bờ với 7 yếu tố đầu vào để xác định nội dung, mục tiêu xây dựng các mô hình kinh tế cụ thể. Với các yếu tố đầu ra của mô hình giúp phát triển kinh tế xã đảo bền vững, thích ứng BĐKH, thu hút người dân bám đảo không di cư vào đất liền. Mô hình kinh tế xanh sẽ góp phần giúp cho các xã đảo thành các điểm phát triển kinh tế của quốc gia, trở thành hành lang bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Trần Văn Phương 

Học viện Khoa học và Công nghệ, VAST

Lê Xuân Sinh 

Viện Tài nguyên và Môi trường biển, VAST

Đặng Công Xưởng 

Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt II/2021)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lê Xuân Sinh, Nguyễn Văn Thảo, Đỗ Mạnh Hào, Lê Văn Nam, Phạm Thị Kha, Bùi Thị Minh Hiền, Đoàn Thị Thanh Xuân, 2021. Báo cáo tổng kết đề tài KC.08.09/16-20. Lưu trữ Cục thông tin Khoa học và Công nghệ quốc Gia.

  2. Lut  BVMT,  số:  72/2020/QH14,  ngày  17  tháng  11  năm 2020.

  3. UBND xã Nam Du, 2015. Thuyết minh Quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới xã Nam Du – Huyện Kiên Hải – Tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011 -2015, định hướng 2020.

  4. UNEP (2010a). Green economy, developing countries success stories. Nairobi: United Nations Environment Programme.

  5. UNEP (2011b). Towards a Green Economy: Pathways to Sustainable Development and Poverty Eradication – A Synthesis for Policy Market, 2011.

  6. Friedman, M. (1953). “The Methodology of Positive Economics”. Essays in Positive Economics. Chicago: University of Chicago Press.

ASSESSMENT OF THEORETICAL BASES AND REALITY TO THE DEVELOPMENT OF THE GREEN ECONOMY FOR VIETNAMESE COASTAL ISLAND COMMUNES

Tran Van Phuong

Vietnam Academy of Science and Technology, VAST

Le Xuan Sinh

Institute of Marine Environment and Resources, VAST

Dang Cong Xuong

Vietnam Maritime University

ABSTRACT

    The coastal island communes in Vietnam have threats, such as the natural resource has been exhausted and the aquatic resources have been significantly plummeted, deterioration of the island and coastal ecosystems due to economic pressure, The island has been largely affected by climate change. Therefore, it is necessary to build a green-oriented economic model to replace the traditional economic models. The theoretical basis underlines the green economic model that helps to maintain natural capital, reduce poverty, create several opportunities for jobs, establish social equity and using renewable energy. The practical results of green economic models in three island communes (Viet Hai, Nhon Chau and Nam Du) have provided effectively practical lessons when converting from the traditional economic model to a green economic model in using and exploiting the island's ecosystem effectively and improved the living standards of the people in the three communes. Since then, a specific green economic model for coastal island communes has been built with 07 input factors to determine the content and objectives of building specific economic models to ensure 12 output factors of the project, which helps develop the coastal island commune's economy sustainably, adapt to climate change and attract people who live on the island and do not migrate to the mainland. The green economic model will contribute to developing coastal island communes to become national economic development spots and become corridors to protect sovereignty over sea and island at the same time.

Key word: Green economic model, green economy, Viet Hai island commune, Nhon Chau island commune, Nam Du island commune.

Ý kiến của bạn