Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Sinh vật ngoại lai xâm hại ở Hà Giang - Hiện trạng và giải pháp phòng trừ

07/02/2020

     Các loài sinh vật ngoại lai xâm hại là mối đe dọa đứng hàng thứ hai (sau sự phá hủy nơi ở của sinh vật) đối với các hệ sinh thái (HST) tự nhiên và đa dạng sinh học (ĐDSH) bản địa.Sinh vật ngoại lai xâm hại gây ra những hậu quả nghiêm trọng, lâu dài cho các HST, phá vỡ cân bằng sinh thái dẫn đến làm suy yếu các chức năng của HST, là nguyên nhân gây ra sự tuyệt chủng của một số loài bản địa… Theo Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN,2004: Guideline for the Preventiton of  Biadiversity Loss Caused by Alien Invasive Species),hàng năm, trên thế giới những chi phí kinh tế liên quan đến các loài ngoại lai xâm hại ước tính trị giá khoảng 400 tỉ USD.

     Ở Việt Nam, trước đây, vấn đề sinh vật ngoại lai và tác hại của nó chưa được quan tâm. Chỉ từ khi ốc bươu vàng phát triển thành dịch vào thập niên 1990 gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp thì vấn đề sinh vật ngoại lai xâm hại mới được các cơ quan chức năng vào cuộc. Tuy nhiên, những nghiên cứu về sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam còn rất ít và tản mạn. Đây là khó khăn trong quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại ở nước ta nói chung, ở một số địa phương đặc thù có đường biên giới chung với quốc gia láng giềng nói riêng như tỉnh Hà Giang.

  1. Hiện trạng sinh vật ngoại lai xâm hại ở Hà Giang

     Hà Giang là tỉnh miền núi cực Bắc của Tổ quốc, được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều dạng sinh học ra đời. Phía Bắc và Tây Bắc của Hà Giang giáp với tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) với đường biên giới dài 277,52km Hà Giang có dòng chính sông Lô bắt nguồn từ địa phận Trung Quốc. Sông Nho Quế là phụ lưu của sông Gâm bắt nguồn từ vùng núi Nghiễm Sơn (Vân Nam, Trung Quốc). Dòng chính sông Nho Quế có chiều dài 192km, trong đó phần thuộc lãnh thổ Việt Nam dài 46km, phần thuộc địa phận tỉnh Hà Giang là 43km. Vì vậy, rất có thể đây là những con đường thuận lợi để sinh vật ngoại lai xâm hại du nhập vào Hà Giang. Tuy nhiên, việc xác định nguồn gốc các loài ngoại lai xâm hại du nhập vào Hà Giang là không hề đơn giản vì chúng có thể du nhập theo con đường phát tán tự nhiên chủ yếu nhờ các yếu tố sau đây: dòng nước, gió bão, sinh vật tự dịch chuyển, di cư… Ví dụ, chim có thể tự bay hoặc bị thổi theo gió bão đến nơi ở mới. Một số loài thực vật có thể di chuyển nhờ gió do cấu trúc thích nghi đặc biệt của hoa, quả hoặc trôi theo dòng nước. Sự phát tán tự nhiên đóng vai trò quan trọng trong sự lan truyền của sinh vật ngoại lai vào một vùng lãnh thổ, một quốc gia trong đó có Hà Giang. Có trường hợp do du nhập có chủ đích (được phép) vì lợi ích phát triển kinh tế, môi trường và nhu cầu xã hội. Tuy nhiên cũng có trường hợp du nhập có chủ đích không được phép. Đây là trường hợp nhập lậu động vật, thực vật… Ngược lại, có nhiều trường hợp du nhập không chủ đích hay còn gọi là du nhập ngẫu nhiên, ví dụ các loài sinh vật ngoại lai đi theo hàng hóa nhập khẩu hay phương tiện vận chuyển như tàu thuyền, máy bay…

     Hiện nay ở Hà Giang đã có mặt 17 loài trong số 19 loài ngoại lai xâm hại theo Thông tư 35/2018/TT - BTNMT. Đáng chú ý là trong số 195 xã, phường thuộc 11 huyện, thành phố của tỉnh Hà Giang, có 13 xã, phường thuộc 5 huyện/thành phố chưa phát hiện được loài ngoại lai xâm hại.Số lượng loài ngoại lai xâm hại xuất hiện ở các xã, phường cũng khác nhau, một số xã chỉ có 1 loài, nhưng cũng có đến 2 xã và một thị trấn, mỗi địa phương đều có đến 12 loài sinh vật ngoại lai xâm hại.

     Có một số loài ngoại lai xâm hại chỉ tập trung ở một số vùng ví dụ nấm gây bệnh thối rễ, chủ yếu tập trung ở một số xã trồng cây ăn quả có múi (cam, quýt) thuộc các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang và Quang Bình. Ngược lại, có những loài phân bố tương đối rộng, ví dụvi rút gây bệnh chùn ngọn chuối.Đặc biệt là ốc bươu vàng, một trong những loài ngoại lai xâm hại được đánh giá là nguy hiểm nhất. Tại Hà Giang, ốc bươu vàng có mặt ở hầu hết các ruộng lúa nước. Ốc bươu vàng có thời gian ngủ nghỉ qua đông kéo dài tới 6 tháng.Vào thời kỳ ruộng không có nước, ốc bươu vàng sống tiềm sinh, đợi khi ruộng có nước, ngay lập tức hoạt động trở lại.

     Danh sách 17 loài sinh vật ngoại lai xâm hại đã phát hiện được ở Hà Giang

STT

TÊN SINH VẬT NGOẠI LAI XÂM HẠI

TÊN KHOA HỌC

1

Nấm gây bện thối rễ

Phytophthora     connamoni

2

Vi rút gây bệnh chùn ngọn chuối

Banana  bunchy top virus  - BBTV

3

Vi rút gây bệnh cúm gia cầm

Avian  influenza virus

4

Bọ cánh cứng hại lá dừa

Brontispa longissima

5

Ốc bươi vàng

Pomacea canaliculata

6

Ốc sên châu Phi

Lissachatima   flulica

7

Tôm càng đỏ

Cherax  qua dricarinatus

8

Cá ăn muỗi

Gambusia  affinis

9

Cá tỳ bà bé

Hypostomus  punctatus

10

Cá tỳ bà lớn

Pterygoplichthys  pardalis

11

Rùa tai đỏ

Trachemys  scripta subsp. Elegans

12

Bèo tây

Eichhornia   crassipes

13

Cây ngũ sắc

Lantana  camara

14

Cỏ lào

Chromolaena   odorata

15

Cúc liên chi

Parthenium  hysterophorus

16

Trinh nữ móc

Mimosa dipltricha

17

Trinh nữ thân gỗ

Mimosa pigra

Nguồn: Trung tâm Địa Môi trường và Tổ chức lãnh thổ

     2. Giải pháp phòng trừ

     Đối với mỗi loài sinh vật ngoại lai xâm hại, cần có biện pháp cụ thể để diệt trừ khác nhau. Nguyên tắc chung trong quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại là “Phòng hơn chống”, đặc biệt đối với Hà Giang thì công tác phòng ngừa và phát hiện sớm các loài sinh vật ngoại lai xâm hại ở từng địa phương, từng vùng, cụ thể là biện pháp quan trọng nhất và cần có sự liên kết giữa các địa phương, các vùng với nhau. Khi thực hiện chương trình hành động chống sinh vật ngoại lai xâm hại ở Hà Giang, một cách tổng quát, có thể sử dụng các biện pháp chính sau:

     2.1. Tiêu diệt

     Là biện pháp loại bỏ toàn bộ loài ngoại lai xâm hại hoặc hạn chế sự gia tăng của loài ngay cả khi loài xâm hại đang ở dạng tiềm ẩn trong khu vực quản lý, Biện pháp này có thể sử dụng tất cả các  phương pháp để tiêu diệt tùy thuộc vào đặc điểm sinh học của loài. Có thể sử dụng một số biện pháp sau:

     - Biện pháp cơ giới: Sử dụng máy hoặc bằng phương tiện thủ công để tiêu diệt cây trinh nữ thân gỗ, trinh nữ móc, cỏ lào, ốc bươu vàng...

     - Biện pháp hóa học để tiêu diệt nấm gây bệnh thối rễ, vi rút gây bệnh chùn ngọn chuối, vi rút gây bệnh cúm gia cầm…

     - Quản lý, kiểm soát nơi sống của các loài sinh vật ngoại lai xâm hại .

     2.2. Ngăn chặn

     Ngăn chặn khi loài ngoại lai xâm hại đang ở giai đoạn tiềm ẩn là biện pháp hiệu quả. Mục đích chính của biện pháp này là hạn chế sự lây lan của sinh vật ngoại lai xâm hại và kìm hãm sự gia tăng số lượng các thể của loài trong vùng quản lý. Biện pháp này sẽ có hiệu quả cao nếu huy động được sự tham gia của cộng đồng tại nơi loài ngoại lai xâm hại đang tiềm ẩn.

     2.2. Kiểm soát cá thể

     Mục đích của biện pháp này là giảm mật độ của loài ngoại lai xâm hại dưới ngưỡng có thể chấp nhận được đối với các thiệt hại về đa dạng sinh học cũng như kinh tế.Biện pháp này đòi hỏi sự cam kết lâu dài, có thể cần có tài trợ.

     2.3. Giảm nhẹ

     Nếu các biện pháp tiêu diệt, ngăn chặn và kiểm soát có thể gặp thất bại trong việc quản lý một loài ngoại lai xâm hại trong số 17 loài đã nêu thì phương pháp cuối cùng được lựa chọn là “Sống chung với loài xâm hại”, cách tốt nhất để giảm thiểu những tác động tiêu cực về đa dạng sinh học. Giảm nhẹ được sử dụng trong bối cảnh này khác với ngăn chặn và kiểm soát bởi nó thực hiện các hoạt động không ảnh hưởng trực tiếp đến loài xâm hại mà tập trung vào các đối tượng chịu tác động tiêu cực.

     Làm tốt công tác kiểm dịch tại các cửa khẩu; Hạn chế sự xâm nhập qua đường không chính thức các loài sinh vật không rõ nguồn gốc.

     2.4. Xây dựng cơ sở dữ liệu về sinh vật ngoại lai của tỉnh gồm các thông tin: tên loài, tên tiếng Việt khác, nguồn gốc, phân bố, đặc điểm sinh thái, tác hại, công dụng, thể hiện sự phân bố của các loài sinh vật ngoại lai xâm hại theo hệ sinh thái trên bản đồ.

     3. Kết luận

     Loại bỏ toàn bộ loài ngoại lai xâm hại hoặc hạn chế sự gia tăng của loài ngay cả khi loài ngoại lai đang ở dạng tiềm ẩn trong khu vực quản lý bằng các biện pháp: cơ giới, hóa học, kiểm soát nơi sống của các loài ngoại lai xâm hại.

     Ngăn chặn khi loài ngoại lai xâm hại đang ở giai đoạn tiềm ẩn; Giảm mật độ loài xâm hại dưới ngưỡng có thể chấp nhận được; Làm tốt công tác kiểm dịch tại các cửa khẩu của tỉnh Hà Giang.

     Trong số 17 loài sinh vật ngoại lai xâm hại theo Thông tư 35/2018/TT - BTNMT đã phát hiện ở Hà Giang có 3 loài sau được đánh giá là nguy hiểm nhất: Nấm gây bệnh thối rễ, ốc bươu vàng, vi rút gây bệnh chùn ngọn chuối. Cả ba loài này đều là tác nhân gây hại cho sản xuất nông nghiệp. Do đó, để tăng cường năng lực quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại, Hà Giang cần xây dựng cơ sở dữ liệu về sinh vật ngoại lai của tỉnh gồm các thông tin: tên loài, tên tiếng Việt khác, nguồn gốc, phân bố, đặc điểm sinh thái, tác hại, côngdụng, thể hiện sự phân bố của các loài sinh vật ngoại lai xâm hại theo hệ sinh thái trên bản đồ.

 

TS. Lê Trần Chấn

ThS. Vũ Thị Cúc

Trung tâm Đa dạng và An toàn Sinh học

KS. Đinh Văn Hùng, ThS. Vũ Hồng Minh, KS. Tạ Thùy Dương

Trung tâm Địa Môi trường và Tổ chức lãnh thổ

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt 3/2019)

 


Ý kiến của bạn