Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Sapa hướng tới phát triển bền vững

13/02/2020

     Phát triển du lịch ở Sapa đã có nhiều khởi sắc và trong những năm tới sẽ còn  thay đổi theo hướng tích cực. Tuy nhiên, để phát triển du lịch bền vững, Sapa còn nhiều việc cần làm.

     Đánh giá tính bền vững trong phát triển du lịch ở Sapa

     Về kinh tế

     Thực tế cho thấy, du lịch đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Sapa, góp phần đa dạng hóa các hoạt động tạo thu nhập mang tính bền vững cho cộng đồng dân cư địa phương. Tổng doanh thu từ du lịch năm 2016 đạt 1690 tỷ đồng, năm 2017 đạt hơn 2.275 tỷ đồng, tỷ lệ gia tăng ngành Du lịch chiếm 33% tổng giá trị gia tăng của huyện Sapa.

     Thông qua thu nhập từ du lịch trực tiếp hay gián tiếp, nhiều gia đình ngày càng có một cuộc sống tốt đẹp hơn cả về mặt vật chất và tinh thần. Du lịch cũng mang lại nguồn thu cho huyện Sapa qua việc thu thuế, phí tham quan và một số nguồn thu khác; đồng thời mang lại cơ hội để tăng nguồn thu nhập bền vững thông qua việc cung cấp các sản phẩm hoặc dịch vụ cho du khách, tạo việc làm và thu nhập cho cộng đồng dân cư.

     Hiện ở Sapa có khoảng 154 cơ sở homestay, giá thuê phòng thường từ 70.000 - 100.000đ/người/đêm, tập trung ở các xã Tả Van, Lao Chải, Bản Hồ, Tả Phìn… Phần lớn các cơ sở homestay được đầu tư bài bản, quản lý tốt, biết cách kết nối với các công ty lữ hành và quảng bá trên website trong cũng như ngoài nước đều do người Kinh ở ngoài Sapa hoặc dưới xuôi lên làm chủ hoặc do người nước ngoài ở lại thuê nhà của đồng bào làm kinh doanh homestay trực tiếp. Các cơ sở homestay do người bản địa làm chủ chỉ thu được những khách lẻ, thời gian lưu trú không nhiều và phụ thuộc nhiều vào hướng dẫn viên, công ty lữ hành tại Sapa và Hà Nội.

     Về xã hội

     Du lịch phát triển đã giải quyết được vấn đề lớn về việc làm tại Sapa. Cụ thể năm 2016 có khoảng 5.200 lao động làm trong lĩnh vực du lịch và mang lại thu nhập bình quân khoảng 5,2 triệu đồng/người/tháng, năm 2017 là 5.800 người tham gia làm du lịch và thu nhập bình quân là 5,7 triệu đồng/người/tháng, trong đó số lượng người đồng bào tham gia vào du lịch là khoảng hơn 2.000 người.

     Du lịch đã góp phần đánh thức và bảo tồn các ngành nghề thủ công mỹ nghệ cổ truyền mang đậm bản sắc dân tộc. Du lịch không chỉ quảng cáo hàng truyền thống của địa phương ra nước ngoài thông qua du khách mà còn quảng bá, mang hình ảnh đất nước, con người, truyền thống và văn hóa Lào Cai đến với các tỉnh thành khác trên lãnh thổ đất nước Việt Nam và bạn bè quốc tế.

     Việc xây dựng và tái tạo các lễ hội, phong tục truyền thống của nhiều dân tộc như Tết Nhảy của người Dao Đỏ, Lễ hội xuống đồng của người Giáy... đã làm cho các hoạt động văn hóa trở nên năng động và linh hoạt hơn trong cơ chế thị trường. Các hoạt động du lịch trên địa bàn huyện đã góp phần khơi dậy các tiềm năng văn hóa giàu có và phong phú đang còn ẩn chứa; nâng cao nhận thức và thúc đẩy tích cực cho việc bảo tồn di sản thiên nhiên văn hóa.

     Tuy nhiên, trong những năm gần đây do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây và miền xuôi, văn hóa bản địa đã bị thay đổi nhiều, các lễ hội ko còn được giữ nguyên bản và thu hút đồng bào tham gia như trước. Chính quyền huyện phải hỗ trợ kinh phí và khuyến khích các xã liên kết tổ chức mới thành công.

     Về môi trường

     Phát triển du lịch theo hướng bền vững đã thay đổi được thói quen sử dụng nhiên liệu của người dân địa phương. Thay vì chặt cây, phá hủy môi trường sinh thái làm củi thì hiện nay trong các nhà hàng khách sạn phần lớn đã chuyển sang dùng ga hoặcđiện để đun nấu và sưởi ấm.

     Tuy nhiên, bên cạnh đó khách du lịch đến thăm Sapa hàng năm đã tạo nên áp lực cho các hệ thống xử lý rác thải. Du khách đang tạo nên một khối lượng lớn rác không phân huỷ sinh học. Chỉ một số ít trong chúng được tái chế, còn chất thải rắn phần lớn được xả ra phố rồi được thu gom, sau đó và cuối cùng xả xuống đầu dòng suối nằm sát phía Đông Nam thị trấn.

     Nhằm khắc phục dần các vấn đề về này, huyện Sapa đã có đề án chuyển rác ra Cốc San (nhà máy xử lý rác vô cơ cách thị trấn 8km) và đã được UBND tỉnh chấp thuận.Ở thị trấnbước đầu tiến hành phân loại rác nhưng chưa bài bản; rác vô cơ sẽ được chôn lấp tại Sapa (bản Khoang). Và hiện nay huyện cũng đang trình UBND tỉnh thông qua kế hoạch mua lò đốt rác trị giá gần 20 tỷ đồng để triển khai xử lý rác thải tại thị trấn và các xã, điển hình là các xã làm du lịch. Nếu kế hoạch này được thông qua thì việc nghiên cứu về tác hại và tác động của khói thải cũng là một vấn đề lần nữa được đặt ra.

 

Ruộng bậc thang ở Sapa 

 

     Ô nhiễm nguồn nước cũng là một vấn đề nổi cộm ở đây. Sapa chưa có công trình xử lý nước thải sinh hoạt,chất thải bể phốt từ các hộ gia đình thẩm thấu xuống các mạch nước hoặc xả trực tiếp ra các suối ngòi nhỏ trong khu vực. Ở khu vực nông thôn cũng chưa có hệ thống tiếp nhận nước thải. Về mùa khô, phần lớn lượng nước nước thải ngấm xuống đất. Mùa mưa, nước thải hòa cùng nước mưa chảy vào hệ kênh mương nông nghiệp và sông suối. Tỷ lệ hộ gia đình dùng nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn còn thấp. Nhiều hộ gia đình chưa thu gom nguồn phân thải từ chăn nuôi dẫn đến tình trạng ô nhiễm cục bộ khi có mưa lớn.

     Để phát triển du lịch bền vững

     Theo quy hoạch tổng thế phát triển du lịch quốc gia Sapa đến năm 2030, Sapa sẽ trở thành nơi nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia, quốc tế, thu hút khoảng 5,2 triệu lượt du khách. Khi đó, địa giới hành chính của Sapa cũng sẽ tăng lên gấp đôi đến 5.525ha, trong đó bao gồm toàn bộ thị trấn Sapa, một phần xã Lao Chải, Sa Pả, San Sả Hồ, nâng Sapa lên đô thị loại 3 vào cuối 2020. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu của quy hoạch, Sapa còn phải quyết tâm và tập trung cao độ hy vọng mới đạt được phần nào của mục tiêu đó, bởi vì hiện nay Sapa còn nhiều bất cập trong công tác quản lý và khai thác du lịch. Nguyên nhân chủ yếu là do kinh phí đầu tư cho việc phát triển du lịch còn hạn chế, đặc biệt là trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng,hệ thống xử lý chất thải có lợi cho môi trường và bảo tồn văn hóa truyền thống…

     Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, cần thực hiện đồng bộ những giải pháp như sau:

     Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch bền vững

     Tuyên truyền các chủ trương, chính sách phát triển du lịch cộng đồng của Đảng, Nhà nước trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các hoạt động cổ động trực quan, lưu động tới mọi địa bàn để nhân dân trong huyện, tỉnh được biết và đồng lòng nhất trí làm theo. Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, vận động nhân dân tự giác và tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan tự nhiên, an ninh trật tự và thực hiện ứng xử văn minh trong du lịch.

     Giải pháp về quản lý nhà nước và phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao

     Cần cụ thể hóa các tiêu chí phát triển du lịch bền vững, có các nhóm chuyên gia của Trung ương về tận địa phương tư vấn cách làm du lịch hiệu quả và đặc biệt xin cơ chế chính sách đặc thù cho phát triển khu du lịch quốc gia Sapa.

     Xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch, thực hiện gắn văn minh đô thị và văn minh du lịch. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý du lịch; gắn việc xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch cộng đồng.

     Chú trọng công tác đào tạo hướng dẫn viên, thuyết minh đạt chuẩn có trình độ nhận thức, hiểu biết rộng, chu đáo, thân thiện. Phát huy vai trò của Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch, Hiệp hội Du lịch trong công tác quản lý, điều tiết tour, tuyếnđặc biệt là kết nối với các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh.

     Xây dựng các cơ chế, chính sách, thu hút đầu tư, quản lý nhà nước

     Trong đó, xây dựng các cam kết về quản lý liên ngành trong vấn đề cấp phép đầu tư xây dựng các công trình thủy điện, cáp treo, cấp phép xây dựng các công trình công cộng, công trình cá nhân tại các khu di tích, danh thắng có giá trị về văn hóa, lịch sử... nhằm phát triển cộng đồng du lịch đảm bảo tính bền vững.

    Xây dựng chính sách khuyến khích thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch cộng đồng, kêu gọi các nhà đầu tư lớn, có đủ uy tín, đủ năng lực, đảm bảo hiệu quả xã hội, trong đó người dân địa phương tham gia hoạt động du lịch phải được hưởng lợi nhiều nhất (gắn với vấn đề tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo..).

     Xây dựng đề án thành lập các ban quản lý du lịch cộng đồng tại các khu, điểm du lịch phát triển dưới sự quản lý của chính quyền địa phương và có sự tham gia giám sát của người dân.

     Chủ động hội nhập và tăng cường liên kết, hợp tác phát triển

     Chủ động hợp tác phát triển du lịch với các tổ chức quốc tế: vùng Aquitain (Cộng hòa Pháp), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và các tổ chức như KOICA, JICA, liên kết với các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, tham gia hội chợ du lịch quốc tế để tăng cường quảng bá du lịch Sapa đặc biệt là các mô hình du lịch cộng đồng.

     Đẩy mạnh liên kết phát triển vùng và tiểu vùng cho phát triển du lịch. Đây được coi là một trong những vấn đề cốt lõi để giải quyết vấn đề đói nghèo, tăng trưởng kinh tế. Sapa tuy có nhiều tiềm năng và lợi thế để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù nhưng cũng rất cần phải được bảo tồn và gìn giữ. Trong quá trình đầu tư phát triển, cần coi trọng các giá trị làm nên tính đặc thù này để có định hướng phát triển phù hợp.

     Xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của Sapa

     Sản phẩm du lịch là vấn đề sống còn đối với mỗi doanh nghiệp và điểm đến. Với những thuận lợi riêng có của về tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn, Sapa cần tập trung xây dựng hệ thống các sản phẩm đặc thù, riêng biệt, cần phải có quy hoạch cụ thể du lịch đối với từng vùng phù hợp, ví dụ cần phải quy định cụ thể số hộ gia đình được phép làm homestay, hộ nào được bán hàng lưu niệm, hộ nào được sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ..., điều đó khiến việc chuyên môn hóa trong từng khâu phục vụ được tốt hơn, tránh trường hợp hộ nào cũng có thể làm đủ các dịch vụ dẫn tới chất lượng phục vụ du khách không được tốt.

     Tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương đối với phát triển du lịch

     Cộng đồng cần phải được đào tạo để nâng cao nhận thức về giá trị tài nguyên và giá trị của chúng trong kinh doanh du lịch tại địa phương; được tham gia vào quá trình xây dựng quy hoạch và giám sát quá trình thực hiện quy hoạch đó…

     Cần xây dựng một số mô hình cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng được vay vốn với lãi suất ưu đãi, được hỗ trợ đào tạo kỹ năng, phương pháp làm du lịch nhằm dần dần thay đổi sinh kế, nâng cao mức sống cho người dân; tích cực thúc đẩy quá trình tái đầu tư lợi tức thu được từ du lịch“quay lại” hỗ trợ cho cộng đồng, cho công tác bảo tồn, từ đó sẽ hạn chế những tác động tiêu cực của cộng đồng đến tài nguyên du lịch và bảo vệ môi trường.

 

ThS. Lã Thị Bích Quang

Đại học Kinh tế Quốc dân 

Nhâm Hiền

Tổng cục Du lịch

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt 4/2019)

 

     TÀI LIỆU THAM KHẢO

Đỗ Cẩm Thơ (2015), Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng miền núi Tây Bắc, Trang web http://www.itdr.org.vn/vi/nghiencuu-traodoi/1101-phat-trien-san-pham-du-lich-dac-thu-vung-mien-nui-phia-bac.html

Đỗ Trọng Dũng (2011), Phát triển du lịch sinh thái bền vững ở Tây Bắc Việt Nam trên phương diện đánh giá điều kiện tự nhiên, Nhà xuất bản Trường ĐH Thái Nguyên,...

 

Ý kiến của bạn