Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bắc Ninh nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu

02/04/2018

 

TS. Lê Trần Chấn

Trung tâm Đa dạng và An toàn sinh học

PGS. TS. Trần Yêm

Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học và Tự nhiên, ĐHQGHN

 

     Tỉnh Bắc Ninh có các hệ sinh thái (HST) nông nghiệp, thủy vực (HST thủy vực nước chảy và thủy vực nước đứng (đất ngập nước), HST cây bụi, trảng cỏ, HST khu dân cư (HST khu dân cư nông thôn và khu dân cư đô thị, thị tứ, khu công nghiệp). Hệ thực vật có 624 loài thuộc 379 chi, 120 họ của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch là cỏ tháp bút, thông đất, dương xỉ, hạt trần và hạt kín. Hệ động vật có 43 loài thú, 178 loài chim, 47 loài bò sát và 24 loài lưỡng cư. Thủy sinh vật gồm 126 loài thực vật nổi, 57 loài động vật nổi và 85 loài động vật đáy. Về cá có 90 loài và 411 loài côn trùng. Các khu bảo tồn đa dạng sinh học sau đây được quy hoạch: (1) Khu bảo tồn Loài sinh cảnh vườn chim Đông Xuyên, (2) HST Đất ngập nước Nam sông Đuống, (3) Rừng trồng, (4) Vườn cây thuốc Nam. Các nguồn gen cần được bảo vệ là gà Hồ, sưa, lát hoa, lim, hoàng đàn.

1. Đặt vấn đề

     Biến đổi khí hậu (BĐKH) và suy thoái đa dạng sinh học (ĐDSH) là những vấn đề môi trường lớn có ảnh hưởng lâu dài tới sự phát triển của mỗi quốc gia. Việt Nam là một trong những nước được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH nên nhiệm vụ bảo tồn ĐDSH cần được đặc biệt quan tâm.

     Theo các nhà khoa học, tác động của BĐKH đến ĐDSH ở Việt Nam sẽ thể hiện ở các khía cạnh sau: Một số loài có thể bị biến mất, nhất là các loài rất nguy cấp và nguy cấp chỉ còn sống sót ở một số địa điểm nhất định. BĐKH với các hệ quả như lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, xói mòn và sụt lở đất sẽ thúc đẩy sự suy thoái ĐDSH nhanh hơn, trầm trọng hơn, nhất là ở những nơi hệ sinh thái (HST) rừng nhiệt đới không còn nguyên vẹn và các loài đang nguy cấp với số lượng cá thể ít sẽ tăng nguy cơ tuyệt chủng, mất các nguồn gen quý hiếm, tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, phát sinh dịch bệnh mới...

     Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã chỉ rõ, quy hoạch bảo tồn ĐDSH là xác định các thành phần của ĐDSH, các tiến trình có thể làm nguy hại hay cản trở việc bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH, cuối cùng là đưa ra các chỉ tiêu để xác định những thành phần nào của tính ĐDSH (HST, các loài có nguy cơ tuyệt chủng và nguồn gen quý hiếm) cần có các biện pháp bảo vệ trong điều kiện BĐKH.

2. Khái quát điều kiện tự nhiên - kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh

     Tỉnh Bắc Ninh có tọa độ địa lý: từ 21016'  - 21058' vĩ độ Bắc và từ 105053' - 106o18' kinh độ Đông, phía Bắc giáp tỉnh Bắc Ninh, phía Nam giáp tỉnh Hưng Yên và một phần Hà Nội, phía Đông và Đông Nam giáp tỉnh Hải Dương, phía Tây giáp TP. Hà Nội. Tổng diện tích tự nhiên: 82.271 ha.

     Địa hình có thể phân thành 3 vùng: vùng đồng bằng độ cao phổ biến từ 3 - 7m, được bồi đắp chủ yếu bởi phù sa của ba sông lớn là sông Đuống, sông Cầu và sông Thái Bình. Vùng trung du gồm một số đồi, độ cao phổ biến từ 300 - 400m, diện tích nhỏ (chiếm 0,53% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh), phân bố chủ yếu ở hai huyện Quế Võ và Tiên Du. Ngoài ra, còn có một số khu vực thấp trũng ven đê thuộc các huyện Gia Bình, Lương Tài, Quế Võ, Yên Phong.

       Tỉnh Bắc Ninh có 6 nhóm đất chính, trong đó nhóm đất phù sa chiếm diện tích lớn nhất (37.992ha), tiếp đến là nhóm đất glây (6.998ha), đất xám (2.757ha), đất loang lổ (1.296ha) đất tầng mỏng (121ha) và đất cát (103ha).

      Chịu tác động của nền khí hậu nhiệt đới gió mùa, Bắc Ninh có nhiệt độ trung bình năm khoảng 23 - 240C, lượng mưa trung bình năm khoảng 1300 - 1800mm, phân phối không đều, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 chiếm 80% lượng mưa cả năm.

       Bắc Ninh có mạng lưới sông ngòi dày đặc (trung bình từ 1 - 1,2km/km2) với 3 sông lớn là sông Đuống (sông ào) nối sông Hồng với sông Thái Bình, có hàm lượng phù sa khá cao, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành đồng bằng màu mỡ ven sông thuộc các huyện Tiên Du, Quế Võ, Gia Bình, Lương Tài và Thuận Thành. Sông Cầu bắt nguồn từ dãy núi Tam Đảo, đoạn chảy qua Bắc Ninh dài 69km, lưu lượng nước hàng năm khoảng 5tỷ m3. Sông Thái Bình do sông Lục Nam, sông Thương, sông Cầu và sông Đuống hợp thành, hàm lượng phù sa lớn, lòng sông rộng, ít dốc, đáy nông nên là con sông bị bồi lấp nhiều nhất ở miền Bắc.

     Bắc Ninh còn có hệ thống sông nội địa như sông Ngũ Huyện Khê, sông Cà Lồ, sông Dâu, sông Đông Côi, sông Bội, ngòi Tào Khê, sông Đồng Khởi, sông Quảng Bình... cùng mạng lưới kênh của hai hệ thống thủy nông Nam và Bắc Đuống, có vai trò quan trọng trong hệ thống tiêu nước của tỉnh.

     Bắc Ninh nằm gọn trong châu thổ sông Hồng, diện tích nhỏ (82.271,1ha) thuộc vùng kinh tế trọng điểm: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có mức tăng trưởng kinh tế cao. Từ vùng sản xuất thuần nông, những năm gần đây, Bắc Ninh có quá trình phát triển đô thị và công nghiệp khá nhanh.

     Với đặc điểm địa hình ít phân hóa, diện tích đất dành cho nông nghiệp giảm cùng với diễn biến phức tạp của các hiện tượng thời tiết cực đoan đã và sẽ có tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và công tác bảo tồn ĐDSH của tỉnh. Vì vậy, việc thực hiện nhiệm vụ " Lập Quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Bắc Ninh" được xem là cấp thiết nhằm góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực đến ĐDSH.

3.  Hiện trạng ĐDSH tỉnh Bắc Ninh được xác định qua 3 hợp phần (HST, thành phần loài và nguồn gen)

3.1. Hệ sinh thái

     Tỉnh Bắc Ninh có các HST: nông nghiệp, thủy vực (nước đứng và nước chảy), trảng cây bụi, khu dân cư (bao gồm khu dân cư nông thôn, đô thị, thị tứ và khu công nghiệp) và rừng trồng. Ba HST đặc trưng ở tỉnh Bắc Ninh được xác định là HST (nông nghiệp, thủy vực nước đứng và rừng trồng).

3.2.Thành phần loài

     a. Thành phần loài thực vật bậc cao có mạch: Hệ thực vật tỉnh Bắc Ninh có 624 loài thuộc 379 chi, 120 họ của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch, đó là thông đất, cỏ tháp bút, dương xỉ, hạt trần và hạt kín.

     b.  Thành phần loài động vật có xương sống trên cạn

- Thành phần loài thú: Đã ghi nhận được 43 loài thú, thuộc 16 họ và 6 bộ, chủ yếu là thú nhỏ như chuột, sóc, chồn, dơi... Bộ Dơi với 18 loài (41,9% tổng số loài ghi nhận được); tiếp đến là bộ Gặm nhấm với 15 loài (34,9%), bộ Ăn thịt có 6 loài (14%), các bộ còn lại số loài ghi nhận được chỉ từ một đến hai loài như bộ Ăn sâu bọ (2loài), bộ Nhiều răng và bộ Guốc chẵn đều chỉ có 1 loài.

- Thành phần loài chim: Đã thống kê được 178 loài chim thuộc 49 họ, 17 bộ. Bộ Sẻ chiếm 48,31% tổng số họ (24họ) và 50,7% tổng số loài (89 loài). Có 35,2% là chim định cư

- Thành phần loài bò sát, ếch nhái: Đã thống kê được 71 loài thuộc 48 giống, 18 họ, 3 bộ trong đó có 24 loài lưỡng cư thuộc 16 giống, 7họ 1bộ và 47 loài bò sát thuộc 32 giống, 11họ, 2 bộ

     c. Thành phần thủy sinh vật

- Thành phần thực vật nổi: Đã thống kê được 126 loài thực vật nổi thuộc 34 họ, 10 bộ của 6 ngành: Tảo Mắt, Tảo Lục, Tảo Silic, Tảo Giáp và Tảo Vàng Anh.

- Thành phần động vật nổi: Có 57 loài động vật nổi thuộc 24 họ, 7 bộ thuộc các nhóm Trùng bánh xe, Râu ngành, Chân Chèo.

- Thành phần động vật đáy: Thống kê được 85 loài động vật đáy thuộc 23 họ của các nhóm Oligo - dinea, Gastropoda, Bivalvia. Nhóm Gastropoda đa dạng nhất với 29 loài (chiếm 34,2%) thuộc 9 họ. Tiếp đến là nhóm Oligochaeta vói 26 loài (chiếm 30,6%) thuộc 3 họ, nhóm Decapoda với 14 loài chiếm (16,5%), nhóm Bivalvia có 13 loài (chiếm 15,3%). Nhóm Hirudinea chỉ có 3 loài (chiếm 3,5%)

- Thành phần cá: Tại sông Cầu thống kê được 59 loài thuộc 52 giống, 25 họ và 8 bộ, sông Đuống có 54 loài thuộc 17 họ, 7 bộ, sông Thái Bình có 77 loài thuộc 23 họ, 10 bộ. Ngoài ra, còn có 23 loài các thuộc 8 họ, 5 bộ trong các ao, hồ, đầm.

d. Thành phần côn trùng: Thống kê được 411 loài côn trùng, đa dạng nhất về thành phần loài là bộ Cánh đều - Homoptera với 281 loài  (chiếm 68,4%) thuộc 51 họ (chiếm 58,6%), tiếp đến là bộ Cánh thẳng - Orthoptera với 49 loài (11,9%) thuộc 8 họ (9,2%) và bộ Cánh vảy - Lepidoptera với 45 loài (10,9%) thuộc 12 họ (13,8), bộ Cánh màng (Hymenoptera với 27 loài (6,6%) thuộc 10 họ (11,5%). Bộ Chuồn Chuồn - Odonata và bộ Đốt tre - Phasmida với 1 chi, 1 loài thuộc 1 họ là 2 bộ có số loài ít ghi nhận được.

3.3. Nguồn gen

     Hệ động, thực vật tỉnh Bắc Ninh có 37 loài được ghi vào Sách đỏ Việt Nam (2007) và Nghị định 32/2006/NĐ-CP, trong đó có 10 loài vừa có trong Sách đỏ Việt Nam vừa có trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP.

     Nhóm Bò sát có số loài nguy cấp, quý hiếm nhiều nhất với 16 loài; Nhóm cá và nhóm chim đều có 6 loài; Nhóm thú có 3 loài, thực vật bậc cao có 4 loài và 1 chi (tuế). Một số địa phương của tỉnh Bắc Ninh đang lưu giữ nguồn gen quý hiếm như gà Hồ, gà Đông Tảo, gà Ri. Đây là những giống gà quý của miền Bắc.

   Ngoài vật nuôi quý hiếm, ở Bắc Ninh có còn một số nguồn gen cây trồng quý hiếm điển hình là cây sưa (Dalbergia tonkinensis), hoàng đàn (Cupressustorulosa), lim (Erythrophleum fordii), lát hoa (Chukrasia tabularis)

4.  Quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Bắc Ninh nhằm ứng phó với BĐKH

4.1. Luận giải về các nội dung Quy hoạch góp phần thích ứng với BĐKH

     a. Phân vùng sinh thái: Một trong những kết quả của Quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Bắc Ninh có thể giúp thích ứng tốt với BĐKH, chính là phân vùng sinh thái. Phân vùng sinh thái là sự phân chia hay sắp xếp những khu vực không gian tương đối đồng nhất về một số yếu tố sinh thái vào một đơn vị với tên gọi xuất phát từ một trong những đặc trưng cơ bản nhất của đơn vị đó hoặc theo địa danh.

     Với tiêu chí chủ đạo là địa hình, tỉnh Bắc Ninh có 3 vùng sinh thái, đó là vùng gò đồi có độ cao so với mực nước biển từ 100 - 400m. Thứ hai, là vùng đồng bằng có độ cao so với mực nước biển từ 5 - 100m và thứ ba, là vùng sinh thái đất ngập nước có độ cao dưới 5m so với mực nước biển.

     Bằng việc phân chia ra 3 vùng sinh thái, quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Bắc Ninh đã định hướng được đối tượng cần bảo tồn trong điều kiện BĐKH.

4.2. Hành lang ĐDSH

     Kinh nghiệm Quy hoạch bảo tồn ĐDSH ở nhiều nước đã khẳng định, hành lang ĐDSH có vai trò quan trọng trong Chiến lược Bảo tồn ĐDSH với tầm nhìn lâu dài, nhất là trong điều kiện BĐKH. Các hành lang là nhân tố cảnh quan đóng vai trò quan trọng trong kết nối các sinh cảnh, các HST, cho phép các loài động, thực vật di chuyển, phát tán để thích ứng với điều kiện sống do tác động của BĐKH.

     Có 3 yếu tố liên quan đến cấu trúc hành lang ĐDSH, đó là diện tích (chiều dài, chiều rộng), tính kết nối và chất lượng sinh cảnh. Ba yếu tố này quyết định hiệu quả bảo tồn ĐDSH nói chung, trong điều kiện thích ứng với BĐKH nói riêng. Đối với tỉnh Bắc Ninh, hành lang ĐDSH đặc biệt có ý nghĩa đối với HST thủy vực nước đứng.

4.3. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nhằm thích ứng với BĐKH

     Để giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra do BĐKH đối với sản xuất nông nghiệp, cụ thể là với cây trồng, vật nuôi, nhiệm vụ của quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Bắc Ninh là phải đề xuất được các giải pháp hữu hiệu góp phần hạn chế thiệt hại trong sản xuất, bảo tồn được các giống, loài vật nuôi, cây trồng quý hiếm.

     Trên cơ sở dữ liệu về hiện trạng ĐDSH tỉnh Bắc Ninh, có 2 phương án Quy hoạch sau:

  1. Phương án I: Quy hoạch bảo tồn loài  - sinh cảnh vườn chim Đông Xuyên

     Vườn chim Đông Xuyên nằm trong xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, là khu vực có 3 loại đất ngập nước điển hình gồm: Ao hồ; Kênh mương và ruộng lúa; Sông. Ao hồ có diện tích đa dạng, có hồ rộng tới 3ha, cũng có ao chỉ rộng vài trăm m2. Vườn chim Đông Xuyên hiện có 71 loài thuộc 30 họ, trong đó họ Diệc (Ardeidae) có số loài nhiều nhất - 9 loài, chiếm 12,6% tổng số loài của vườn. Bốn loài có số cá thể lớn là cò bợ (Ardeola bacchus), cò ruồi (Bubulcus ibis), cò trắng (Egrzetta) và vạc (Nycticorax nycticorax). Kết quả khảo sát cho thấy, số lượng cò, vạc có nhiều biến đổi theo thời gian. Vào năm 2008, lượng cò, vạc ở vườn Đông Xuyên lên tới 3 vạn con. Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi số lượng cò vạc có thể do nạn săn bắn, bẫy trộm, cũng có thể do môi trường sống ngày càng bị thu hẹp. Việc Quy hoạch bảo tồn loài - sinh cảnh vườn chim Đông Xuyên sẽ góp phần bảo vệ và phát triển các loài chim nước, bảo tồn ĐDSH, gắn với phát triển du lịch sinh thái, từng bước nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân xã Đông Tiến.

     Quy hoạch bảo tồn loài - sinh cảnh vườn chim Đông Xuyên gồm ba phân khu chức năng: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt - 5,718ha (chiếm 40,9% diện tích quy hoạch khu bảo tồn); Phân khu phục hồi sinh thái - 7,321ha (52,3%) và phân khu hành chính dịch vụ - 0,958% (6,8%).

     Ngoài Quy hoạch bảo tồn loài - sinh cảnh vườn chim Đông Xuyên còn có 3 Quy hoạch: Bảo vệ và phát triển HST rừng trồng, HST đất ngập nước Nam sông Đuống; Các cơ sở bảo tồn chuyển chỗ - vườn sưu tầm cây thuốc Nam; Cơ sở bảo tồn tại chỗ - Bảo tồn nguồn gen động vật nuôi quý hiếm (gà Hồ). Tỉnh Bắc Ninh có một số động vật nuôi quý, hiếm cần được quy hoạch tại chỗ như gà Hồ, gà Đông Tảo và gà Ri ở thôn Lạc Thổ Bắc, thị trấn Hồ (huyện Thuận Thành). Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có giống gà Hồ là bản địa. Hiện nay, giống gà Hồ đã được Nhà nước cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho hợp tác xã chăn nuôi gà Hồ và được Nhà nước đưa vào bảo tàng nguồn gen quý hiếm cần được bảo vệ. Trong phương án quy hoạch cơ sở bảo tồn tại chỗ - Bảo tồn nguồn gen vật nuôi quý hiếm (gà Hồ) được đề xuất với các tiêu chí sau:

  • Vị trí: Thôn Lạc Thổ, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh;
  • Quy mô phát triển: Kết nạp thêm Hội viên nuôi gà Hồ vào câu lạc bộ gà Hồ và hợp tác xã chăn nuôi gà Hồ quy mô khoang 50 hộ;
  • Mở rộng diện tích chuồng trại, phân khu tập trung nuôi thuần chủng gà Hồ tại thôn Lạc Thổ rộng 1,5ha.
  • Mục tiêu: Phát triển nhanh chóng đàn gà Hồ để xứng tầm với thương hiệu gà Hồ.

     b. Phương án II: Đề xuất thêm loại hình bảo tồn vùng nước nội địa.

Tỉnh Bắc Ninh có 3 con sông lớn chảy qua, đó là sông Đuống, sông Cầu, và sông Thái Bình. Cả 3 sông này đều có một số loài cá được ghi vào Sách đỏ Việt Nam (2007) như cá mòi chấm, cá lăng, cá chiên, cá chuối hoa, cá măng. Như vậy, nếu chỉ xét về việc cần bảo tồn các loài cá quý hiếm thì cả 3 thủy vực nước chảy: Sông Cầu, sông Đuống, và sông Thái Bình đều có thể đề xuất đưa vào loại hình bảo tồn vùng nước nội địa cấp tỉnh. Tuy nhiên, do sông Cầu và sông Thái Bình đều thuộc quyền quản lý của 2, thậm chí là 3 tỉnh, do vậy lựa chọn phương án I là khả thi.

5. Kết luận

     Quy hoạch bảo tồn ĐDSH là vấn đề phức tạp. Quy hoạch như thế nào để thích ứng với BĐKH quả không dễ dàng. Có một điều chắc chắn, Quy hoạch bảo tồn ĐDSH sẽ mang lại hiệu quả mong muốn trong công tác bảo tồn ĐDSH ngay cả khi có BĐKH (sự thay đổi của mưa: Lượng mưa, thời gian mưa... giông tố, nắng nóng, độ ẩm...) các biện pháp thủy lợi (Tưới tiêu), phòng chống cháy, dịch bệnh, tạo nguồn thức ăn thay thế, dự trữ, xây dựng chuồng trại thoáng mát... cũng được đề xuất trong quy hoạch bảo tồn các HST và các nguồn gen quý hiếm.

     TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ TN&MT, 2013. Báo cáo Thuyết minh tổng hợp "Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030"

2. Cục bảo tồn  ĐDSH, 2012. Nghiên cứu cơ sở  lý luận và thực tiễn của việc thành lập hành lang ĐDSH nhằm thích ứng và giảm nhẹ với BĐKH, đề xuất các hành lang ĐDSH trên đất liền tiềm năng của Việt Nam nhằm bảo tồn ĐDSH thích ứng và giảm nhẹ với BĐKH

3. Cục Bảo tồn ĐDSH, 2013. Báo cáo tổng kết nhiệm vụ "Xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

4. Phạm Bình Quyền, Lê Thanh Bình, 2013. Cơ sở Khoa học và phương pháp luận xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo quốc gia

5. UBND tỉnh Bắc Ninh, 2016. Đề án điều tra, đánh giá hiện trạng ĐDSH tỉnh Bắc Ninh.

6. UBND tỉnh Điện Biên, 2012. Quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Điện Biên đến năm 2020 định hướng đến 2030.

7. UBND TP. Hà Nội, 2014. Quy hoạch bảo tồn ĐDSH thành phố Hà Nội đến năm 2020 định hướng đến năm 2030.

8. Cheryl – Lesley, B.C ..,St. Clair and Boyce, 2006. Corridor for Consivation: Integrating Patterns and Process. Annual Review of Ecology, Evolution and Systemtics 37: 317 -342

9. Rosenber, D.K, B.R.Noon and E.C. Meslon, 1997. Biological Corridor: Form, Funtion and Efficacy. Bio Scien 47: 677-687

10. Smith, D.E. and P.C Hellmund, 1993. Ecology of Greenway: Design and Funtion for Lenear Consevation Areas University of Minnesota Press, Minneapolks, MN, USA.

(Tạp chí môi trường, số Chuyên đề I năm 2018)

 

Ý kiến của bạn