13/02/2020
Dệt may là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, ước tính có khoảng 7.000 doanh nghiệp (DN), trong đó phần lớn là DN gia công hàng may mặc, chiếm tỷ lệ 85%, còn lại là DN sản xuất vải, nhuộm, chế biến bông, sản xuất xơ, sợi. Đa số các DN ngành dệt may Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, nên thường chỉ chú trọng tới việc sản xuất, bán sản phẩm và phản ứng thụ động với công tác quản lý hóa chất. Khi có sự cố hay vấn đề liên quan đến sử dụng hóa chất trong sản xuất, DN mới quan tâm đến công tác này.
Hiện nay, quy định pháp luật của Việt Nam liên quan trực tiếp đến quản lý an toàn hóa chất gồm: Luật Hóa chất năm 2018, Nghị định số 113/2017/NĐ-CP quy định chi tiết và Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất năm 2007, Thông tư số 32/2017/TT-BCT quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất, Thông tư số 21/2017/TT-BCT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formandehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may, QCVN 01:2017/BCT. Trong quá trình hoạt động, sản xuất, các DN Việt Nam cần tuân thủ Danh mục hóa chất cấm, Danh mục hóa chất hạn chế trong sản xuất và kinh doanh, Danh mục hóa chất phải khai báo được quy định trong Nghị định số 113/2017/NĐ-CP. Ngày 1/8/2018, Danh mục hóa chất quốc gia Việt Nam đã được xây dựng gồm 31.745 chất trên Hệ thống Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia. Nếu hóa chất không thuộc danh mục này, doanh nghiệp phải thực hiện Đăng ký hóa chất mới theo quy định của Luật Hóa chất.
Một số quy định quốc tế về quản lý hóa chất
Quy định Đăng ký, đánh giá, chứng nhận và hạn chế các chất hóa học (REACH) là quy định pháp luật của Cộng đồng chung châu Âu - EU đang được áp dụng trong tất cả 27 nước thành viên. Ngoài ra, Iceland, Lichtenstein và Na Uy, những nước nằm trong vùng kinh tế châu Âu đang có kế hoạch coi REACH như là luật của họ. Khi áp dụng luật này thì việc xuất khẩu vào các quốc gia này cũng phải tuân thủ REACH giống như các nước thuộc EU. Mục đích của quy định REACH nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho con người và môi trường bằng cách áp dụng các phương pháp đánh giá độ nguy hại của các chất mà không ảnh hưởng đến lưu thông hóa chất trong thị trường EU. Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chủ yếu bao gồm các cam kết chung hợp tác, minh bạch hóa trong lĩnh vực hàng rào kỹ thuật (TBT); không có cam kết nào cụ thể liên quan tới các biện pháp TBT có thể ảnh hưởng tới dệt may. Hay Đạo luật Liên bang về Thuốc trừ sâu, diệt nấm và loài gặm nhấm của Hoa Kỳ (FIFRA) quy định ở cấp liên bang về phân phối, bán và sử dụng thuốc trừ sâu. Theo quy định này, tất cả thuốc trừ sâu được phân phối, hoặc bán tại Hoa Kỳ phải được đăng ký (cấp phép) bởi Cơ quan BVMT Hoa Kỳ (USEPA).
Năm 1976, Hoa Kỳ đã ban hành Đạo luật kiểm soát các chất độc hại (TSCA), đây là luật kiểm soát hóa chất quan trọng nhất. Đạo luật cho phép USEPA được quyền yêu cầu cung cấp thông tin về tất cả các hóa chất mới và đang tồn tại cũng như kiểm soát các chất có nghi ngại về sức khỏe cộng đồng hoặc cho môi trường. Hoa Kỳ cũng ban hành Luật liên bang về các chất nguy hiểm do Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC) giám sát thực thi, quy định về việc dán nhãn những sản phẩm độc hại dùng trong gia đình có thể gây thương tích hoặc bệnh tật đáng kể cho người tiêu dùng khi sử dụng chúng một cách bình thường và hợp lý. Các chất đó bao gồm: chất độc, chất ăn mòn, chất dễ cháy hoặc nổ, chất gây khó chịu cho người, hoặc chất gây nhậy cảm mạnh. Năm 2008, Đạo luật Cải thiện An toàn sản phẩm tiêu dùng của Hoa Kỳ (CPSIA) quy định các chất cụ thể trong sản phẩm dành cho trẻ em, bao gồm quần áo trẻ em và quần áo ngủ. CPSIA đặt ra giới hạn cho hàm lượng chì và phathalates trong các sản phẩm dành cho trẻ em (12 tuổi trở xuống).
DN ngành dệt may tại Việt Nam cần đáp ứng các quy định quốc tế về quản lý hóa chất và chất thải
Tại châu Á, bên cạnh Đạo luật Kiểm soát các chất gây hại trong sản phẩm gia dụng (Luật số 112) Nhật Bản được ban hành năm 1973 hạn chế hàm lượng formaldehyt trong hàng may mặc, Ấn Độ là nước đầu tiên ban hành quy chuẩn hóa chất dệt vào năm 1997. Quy chuẩn này cấm các thuốc nhuộm Azo từ các sản phẩm dệt và may mặc. Tiếp theo đó là quy chuẩn GB18401-2003 được Trung Quốc đưa ra vào năm 2005 giúp hạn chế thuốc nhuộm azo, formaldehyt, giá trị pH cộng với một số thử nghiệm độ bền màu để giải quyết sự an toàn hóa chất và thuốc nhuộm cũng như an toàn trong gia công ướt.
Bên cạnh đó, các nước như Hàn Quốc, Đài Loan và Ai Cập đã ban hành các hệ thống kiểm soát chính thức cho hàng may mặc nhập khẩu phải được các nhà bán lẻ và các nhãn hàng bán các sản phẩm ở các nước này tuân theo.
Hướng dấn quản lý hóa chất của một số chương trình, tổ chức
Tổ chức quản lý các chất hạn chế trong may mặc và giày dép quốc (AFIRM) là Tập đoàn mang sứ mệnh “giảm thiểu việc sử dụng và ảnh hưởng của các chất có hại trong chuỗi cung ứng may mặc và giày dép”. Mục đích của AFIRM là cung cấp một diễn đàn để thúc đẩy việc quản lý các chất bị hạn chế trên toàn cầu trong may mặc và giày dép, truyền đạt thông tin về quản lý hóa chất đến chuỗi cung ứng, thảo luận về các mối quan ngại, và trao đổi ý kiến để cải thiện việc quản lý hóa chất.
Hiệp hội May mặc Bền vững (SAC) là liên minh đầu tiên của ngành công nghiệp dệt may, giày dép và quần áo về sản xuất bền vững. Trọng tâm hàng đầu của Hiệp hội là phát triển Higg Index, một công cụ đo lường chuỗi cung ứng tiêu chuẩn cho tất cả các đối tượng trong ngành để hiểu các tác động của việc sản xuất và bán các sản phẩm và dịch vụ của họ đối với môi trường, xã hội và lao động. Công cụ sản phẩm Higg Index giúp người dùng hiểu tác động của hàng may mặc, giày dép và dệt may.
Hệ thống quản lý Bluesign - Tiêu chuẩn cho sản xuất bền vững là một hệ thống toàn cầu hàng đầu để quản lý các tác động môi trường của ngành sản xuất dệt may thông qua quản lý đầu vào và đầu ra. Tiêu chuẩn Bluesign là một hệ thống chứng nhận dệt may để ngăn ngừa việc sử dụng các hóa chất đang quan ngại trong nguyên liệu đầu vào của mỗi bước trong quy trình sản xuất.
Hóa chất thay thế của BizNGO là một tổ chức phi chính phủ hoạt động bởi các nhà lãnh đạo DN và môi trường để thúc đẩy các vật liệu lành mạnh và nền kinh tế hóa chất an toàn hơn. Đánh giá hóa chất thay thế là một phương pháp có tính hệ thống để xác định các lựa chọn thay thế cho một loại hóa chất đáng quan tâm, sàng lọc các lựa chọn thay thế nguy hiểm và chọn một giải pháp thay thế khả thi về mặt kỹ thuật và kinh tế, không có khả năng gây ra các tác động đáng kể đến môi trường và sức khỏe con người.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã tham gia ký kết một số hiệp định thương mại mới như Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU)… do vậy, ngoài việc tuân thủ các quy định của Việt Nam thì DN cần có các thông tin quy định quốc tế về quản lý hóa chất trong ngành dệt may. Trên thế giới, châu Âu và Mỹ đã đi đầu trong việc xây dựng và ban hành các quy chuẩn về an toàn hóa chất, an toàn cho vật liệu dệt và hàng may mặc, danh mục các chất bị hạn chế trong dệt may. Các quy chuẩn này yêu cầu các nhãn hàng và các nhà bán lẻ tìm kiếm thông tin, cẩn thận khi mở rộng thị trường ở châu Á. Nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đáp ứng các yêu cầu để hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do, DN ngành dệt may tại Việt Nam không những cần tuân thủ pháp luật trong nước mà còn phải đáp ứng các quy định quốc tế về quản lý hóa chất và chất thải.
Trần Thanh Hà, Mai Thị Thu Huệ
Viện Khoa học môi trường, Tổng cục Môi trường
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt 4/2019)