Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 16/07/2024

Nghiên cứu quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu nấm lớn phục vụ công tác bảo tồn nấm lớn tại Vườn quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc

29/05/2019

TÓM TẮT

    Bài báo này tóm tắt kết quả nghiên cứu một cách tương đối toàn diện những vấn đề cơ bản có liên quan đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu như: Hệ thống thông tin địa lý, cơ sở dữ liệu nền, cơ sở dữ liệu lớp chuyên đề nấm lớn tại Vườn quốc gia (VQG) Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Đồng thời, thiết lập được cơ sở khoa học và cung cấp phương pháp, quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu nấm lớn theo đúng mục tiêu đã đề ra, áp dụng thử nghiệm thành công mô hình cấu trúc dữ liệu nền địa lý và cơ sở dữ liệu lớp chuyên đề nấm từ bản đồ tỷ lệ 1/25.000 của VQG Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.Việc xây dựng và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu này sẽ phục vụ cho công tác quản lý, bảo tồn nấm và các vấn đề khác có liên quan.

Từ khóa: Nấm lớn, cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin địa lý, bảo tồn, VQG Tam Đảo.

1. Đặt vấn đề

    Nghiên cứu về các loài nấm lớn tại Việt Nam nói riêng và trên Thế giới nói chung nhằm mục đích bảo tồn cần có một hệ thống số liệu lớn, có tính kế thừa, được tổng hợp từ các kết quả nghiên cứu đã được công nhận. Từ đó, ta nhận thấy cơ sở dữ liệu hay việc chia sẻ dữ liệu về nấm lớn được xây dựng có ý nghĩa quan trọng trong công tác phối hợp giữa các cơ quan đơn vị để thực hiện các mục tiêu như nâng cao chất lượng quản lý, thực hiện hiệu quả các công tác bảo tồn, nhân giống hay theo dõi sự phát triển của các loài nấm lớn.

    VQG Tam Đảo có hệ động thực vật khá phong phú và đa dạng, đã có rất nhiều nghiên cứu liên quan đến đa dạng sinh học (ĐDSH) cũng như bảo tồn ĐDSH tại VQG này. Tuy nhiên, các nghiên cứu về nấm lớn hay xây dựng cơ sở dữ liệu về nấm lớn thì chưa có hoặc còn rất hạn chế. Vì vậy, bài báo cung cấp cơ sở khoa học và phương pháp, quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu nấm lớn, áp dụng thử nghiệm mô hình cấu trúc dữ liệu nền địa lý và cơ sở dữ liệu lớp chuyên đề nấm từ bản đồ tỷ lệ 1/25.000 của VQG này.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

2.1. Đối tượng nghiên cứu

    Cơ sở dữ liệu nấm lớn tại VQG Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp thu thập số liệu

    Thu thập tài liệu, kế thừa kết quả nghiên cứu về các loài nấm lớn tại VQG Tam Đảo đã hoàn thành và được công nhận trước đây bao gồm: Xác định thành phần loài của chi nấm Polyporus tại VQG Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc [1]; Khảo sát tính đa dạng sinh học, sự phân bố của họ nấm Linh chi (Ganoderma ataceae) [3].

- Phương pháp tổng quan tài liệu

    Tìm hiểu và tổng hợp, đánh giá chung về tình hình nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu về nấm lớn tại Việt Nam và trên thếgiới. Các tài liệu liên quan đến vị trí địa lý, đặc điểm địa hình, hiện trạng công tác bảo tồn ĐDSH nói chung và bảo tồn nấm lớn nói riêng của VQG Tam Đảo.

- Phương pháp phân tích hệ thống

    Xử lý và hệ thống hóa các thông tin về khu vực nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu phục vụ cho quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu. Cụ thể, phân nhóm lớp các thông tin thu thập được như: thông tin thuộc tính của nấm (hình dáng, màu sắc, kích thước, điều kiện sống, các kiểu gây mục của nấm (nâu, trắng, hỗn hợp, mục màng, mục rễ, mục thối, mục tạo nên những khoang trống nhỏ xốp...); hình dạng, cấu trúc của bào tử nấm; tọa độ, vị trí phân bố.

- Phương pháp đánh giá tổng hợp

    Trên cơ sở thu thập, tìm hiểu những công trình nghiên cứu, đề tài, dự án liên quan đến nội dung đề tài, tiến hành tổng hợp, đánh giá các kỹ thuật và lý luận. Thuật ngữ "cơ sở dữ liệu" đã chứa đựng hàm ý về một tập hợp các bảng dữ liệu có quan hệ với nhau. Cơ sở dữ liệu về nấm lớn được xây dựng dựa trên phần mềm ArcGIS, sẽ sử dụng để lưu trữ và quản lý các loại dữ liệu khác nhau về thông tin thuộc tính, các dữ liệu không gian của các loài, chi, họ và đặc điểm sinh lý của nấm như cấu trúc hình thái hoặc các điều kiện tăng trưởng. Ngoài ra, nó cũng được thiết kế để lưu trữ một nhóm thông tin khác là dữ liệu thực nghiệm về hiện trạng quản lý các loài nấm lớn tại khu vực nghiên cứu. 

- Phương pháp điều tra xã hội học

    Xây dựng phiếu điều tra về hiện trạng bảo tồn ĐDSH nấm lớn đối với 2 đối tượng chính (quản lý và người dân):

+ Quản lý VQG: 10 phiếu. Nội dung phiếu: Thông tin chung (Họ tên, tuổi, trình độ chuyên môn, chức vụ, đơn vị công tác...); hiện trạng quản lý ĐDSH nấm lớn (cơ cấu tổ chức, số lượng cán bộ quản lý, hình thức quản lý, các biện pháp bảo tồn đang được áp dụng...); tính hiệu quả của các phương pháp đang áp dụng;...

+ Cộng đồng dân sư sinh sống xung quanh: 120 phiếu. Nội dung phiếu: Thông tin chung (Họ tên, tuổi, trình độ chuyên môn, chức vụ, đơn vị công tác,...); hiểu biết về nấm và tầm quan trọng của việc bảo tồn nấm; các mô hình sinh kế tại khu vực nghiên cứu có liên quan đến nấm lớn hay không (nuôi trồng nấm để kinh doanh hoặc khai thác nấm tự nhiên...

- Phương pháp xây dựng cơ sở dữ liệu sử dụng phần mềm ArcGIS

    ArcGIS là một bộ các sản phầm phần mềm của hãng ESRI bao gồm các gói sản phẩm độc lập, là ArcView, ArcEditor và ArcInfo. Trên thực tế ArcGIS là một khái niệm chung và khi cài đặt người dùng phải xác định và lựa chọn một trong các gói sản phẩm trên.

    Theo những kết quả từ thực tiễn thì công nghệ phần mềm ArcGIS là một hệ thống phần mềm GIS khá hoàn chỉnh từ việc thiết kế mô hình dữ liệu, lưu trữ, phân tích dữ liệu, hiển thị trình bày dữ liệu, đặc biệt là cho phép phân phối trao đổi dữ liệu (có thể xuất, nhập các định dạng dữ liệu khác nhau, đặc biệt là định dạng UML). Các chuẩn dữ liệu của ArcGIS cũng phù hợp với các tiểu chuẩn quốc tế về thông tin địa lý [4]. Vì vậy, việc lựa chọn công nghệ ArcGIS với gói sản phẩm ArcInfo là đúng đắn và thích hợp.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu nấm lớn

    Dựa trên Quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường được quy định trong Thông tư số 26/2014/TT-BTNMT ngày 28 tháng 5 năm 2014 về việc ban hành quy trình và định mức kinh tế - kỹ thuật xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường, căn cứ những dữ liệu đầu vào về thông tin thuộc tính, dữ liệu về không gian đã thu thập được, đồng thời, tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, ĐDSH và xây dựng cơ sở dữ liệu, chúng tôi đã thiết kế quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu nấm lớn tại VQG Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc như sau:

3.2. Mô tả về cơ sở dữ liệu nấm lớn tại VQG Tam Đảo

    Cơ sở dữ liệu nấm lớn được xây dựng là tổng hợp thông tin thuộc tính và các dữ liệu không gian của Chi nấm Polyporus (12 loài) và Ganoderma (10 loài) và một số loài nấm lớn khác tại  VQG Tam Đảo (06 loài). Với tổng số điểm vị trí phân bố trên bản đồ là 45 vị trí.

    Sau khi tích hợp khung cơ sở dữ liệu nấm lớn đã xây dựng vào bản đồ nền địa lý VQG Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, vị trí phân bố sẽ được hiển thị trên bản đồ (Hình 1).

 

Hình 1. Vị trí phân bố của nấm khi hiển thị trên bản đồ

 

    Khi thực hiện lệnh truy vấn thông tin thuộc tính của nấm, nhấn biểu tượng trên thanh công cụ và chọn loài nấm cần truy vấn (Hình). Khi đó, các trường thông tin đã nhập về thông tin thuộc tính sẽ được hiển thị bao gồm: các thông tin về hình thái bên ngoài (kích thước, hình dạng, màu sắc  của mũ nấm, cuống nấm, lỗ nấm...) và các thông tin về hình thái hiển vi (kích thước, hình dạng, màu sắc của bào tử, thông tin về hệ sợi...).

 

Hình 2. Bảng thông tin thuộc tính của loài nấm khi thực hiện lệnh truy vấn

 

    Từ các thông tin thuộc tính cùng với cơ sở dữ liệu, vị trí phân bố của nấm trên giao diện của ArcMap chúng tôi đã đưa ra được bản đồ vị trí phân bố nấm lớn tại VQG Tam Đảo (Hình 3). Trên cơ sở bản đồ vị trí phân bố nấm lớn này, chúng ta có thể thấy được sự xuất hiện của nấm trên bản đồ. Từ đó, khoanh vùng được các khu vực xuất hiện nhiều nấm, vị trí phân bố của các loài nấm quý/hiếm. Đây là một công cụ kỹ thuật rất hiệu quả phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý và bảo tồn ĐDSH nấm lớn.

 

Hình 3. Bản đồ vị trí phân bố nấm lớn tại VQG Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc (đề xuất khu vực ưu tiên bảo tồn)

 

4. Kết luận

     Cơ sở dữ liệu nấm lớn trên cơ sở liên kết giữa dữ liệu thuộc tính và dữ liệu không gian cho phép người dùng có thể truy cập các dữ liệu một cách thuận tiện thông qua việc ứng dụng tối đa giao diện của Arcview GIS và cũng hoàn toàn phù hợp với yêu cầu và xu thế phát triển hiện nay đó là ứng dụng công nghệ GIS trong việc phân tích, đánh giá dữ liệu phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và các vấn đề khác liên quan đến ĐDSH.

    Chức năng chính của cơ sở dữ liệu được thực hiện trong quá trình xây dựng bao gồm: lưu trữ, truy xuất, tìm kiếm dữ liệu dưới dạng bảng biểu, bản đồ phân bố,... dưới định dạng file khác nhau phục vụ cho mục tiêu bảo tồn, theo dõi, nghiên cứu về nấm lớn.

    Việc xây dựng và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu này sẽ phục vụ cho công tác quản lý, bảo tồn nấm và các vấn đề khác có liên quan.

    Một số tồn tại cần khắc phục: Dữ liệu còn thiếu nhiều, rời rạc, không thống nhất; chủ yếu dưới dạng văn bản; đồng thời, độ tin cậy của đề tài chỉ mang tính tương đối do nguồn dữ liệu đầu vào có thể bị thay đổi theo thời gian, không gian, cần được cập nhật và điều chỉnh thường xuyên theo điều kiện thực tế.

 

Dương Thị Thu Trang1, Lê Thanh Huyền2

1Trung tâm Thông tin và Dữ liệu môi trường, Tổng cục Môi trường

2Khoa Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt I năm 2019)

TÀI KIỆU THAM KHẢO

  1. Hoàng Thị Ngọc Ánh (2018), Xác định thành phần loài của chi nấm Polyporus tại VQG Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, Đại học TN&MT Hà Nội.

  2. Trịnh Tam Bảo, Trịnh Tam Kiệt (2011), Đa dạng nấm lớn Việt Nam và giá trị tài nguyên của chúng, Báo cáo Khoa học Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất hệ thống Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam.

  3. Nguyễn Thành Long, Nguyễn Công Sơn, Nguyễn Mỹ Linh, Trần Thu Hiền, Lê Văn Mạnh (2018), Khảo sát tính đa dạng sinh học, sự phân bố của họ nấm Linh chi (Ganoderma ataceae), Trường Đại học TN&MT Hà Nội;

  4. Nguyễn Thị Hữu Phương (2011), Xây dựng cơ sở dữ liệu GIS phục vụ công tác quản lý lớp phủ rừng tỉnh Quảng Ninh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

  5. Nguyễn Văn Tuyên, Sinh thái và môi trường, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2000.

  6. Vang Quy Le, Hyun-Sook Lee, Hyeon-Su Ro, MushBase: A Mushroom Information Database Application, http://ncbi. nlm.nih.gov

  7. Trung tâm dữ liệu thực vật Việt Nam (2009), Đa dạng sinh học VQG Tam Đảo, http://www.botanyvn.com/cnt.asp?param=news&newsid=634

  8. Tổng quan về huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, https://tamdao.vinhphuc.gov.vn


 

STUDYING THE PROCESS OF BUILDING A DATABASEOF MUSHROOM TO SERVE WORK FOR CONSERVATION AT TAM DAO NATIONAL PARK,

VINH PHUC PROVINCE

Duong Thi Thu Trang

Center for Environmental Information and Data, General Department of Environment

Le Thanh Huyen

Faculty of Environment, Hanoi University of Natural Resources and Environment

ABSTRACT
    This paper summarizes the results of the study in a relatively comprehensive way on the basic issues related to the construction of databases such as: Geographic information system, database base, database of large fungi in Tam Dao National Park, Vinh Phuc province. At the same time, we have established a scientific basis and providing methods, procedures for building a database of mushroom according to the set objectives, successfully applying the geographic data structure model and database of fungus classes from 1/25,000 scale map of Tam Dao National Park, Vinh Phuc province. The construction and exploitation and use of this database will serve for management, Mushroom conservation and other related issues.
Keywords: Large mushrooms, databases, conservation and geographic information system, Tam Dao National Park.
Ý kiến của bạn