Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Hiệu quả xử lý nước mặt ô nhiễm hữu cơ bằng phương pháp keo tụ kết hợp than hoạt tính và màng lọc

13/09/2017

   TÓM TẮT

Nguồn nước mặt bị ô nhiễm hữu cơ là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho quá trình xử lý nước cấp. Các công nghệ truyền thống như keo tụ, lắng, lọc, khử trùng không đáp ứng tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt nếu hàm lượng chất hữu cơ trong nước đầu vào cao. Công nghệ màng lọc kết hợp than hoạt tính được xem là giải pháp hiệu quả cho xử lý nước mặt ô nhiễm hữu cơ nồng độ cao.

Thí nghiệm Jartest trên 3 loại phèn sắt, nhôm và PACl chỉ ra rằng phèn PACl có hiệu quả keo tụ tốt nhất.Kết quả nghiên cứu trên mô hình kết hợp màng lọc và PAC cho thấy hiệu quả xử lý các chất ô nhiễm đạt được cao nhất khi nồng độ than hoạt tính sử dụng là 20 mg/L. Hiệu suất loại bỏ COD, độ đục và UV254 lần lượt là 86,07%; 79,9% và 52,19%.

Từ khóa: Màng lọc, bột than hoạt tính, nước mặt, chất hữu cơ.

     1. Đặt vấn đề

     Quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước bên cạnh việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển cũng mang lại những hệ lụy về môi trường. Ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm nguồn nước nói riêng đang có chiều hướng gia tăng mạnh mẽ. Nguồn nước mặt vừa đóng vai trò quan trọng trong cấp nước vừa là nơi tiếp nhận nước thải, chất thải từ các đô thị, khu công nghiệp, nông thôn…

     Sự gia tăng thành phần hữu cơ trong nước đặc biệt là các chất hữu cơ bền vững, khó xử lý là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự hình thành hợp chất trihalometan (THMs) và các sản phẩm phụ trong quá trình xử lý nước uống. Với công nghệ xử lý hiện nay tại các nhà máy nước trên toàn quốc, chất hữu cơ hầu như không được loại bỏ; trong khi đó, công nghệ khử trùng thường sử dụng Clo và hợp chất Clo, dẫn đến khả năng tạo thành THMs gây hại cho sức khỏe con người[1].

     Trên thế giới, xử lý ô nhiễm hữu cơ trong nguồn nước đã được nghiên cứu và phương pháp sử dụng than hoạt tính để hấp phụ là một trong số các giải pháp được đề xuất [1; 2; 3]. Than hoạt tính có diện tích bề mặt riêng lớn, cơ chế quá trình bao gồm cả hấp phụ vật lý và hóa học gây ra bởi lực Van de Waals, lực liên kết cộng hóa trị, lực liên kết ion... Nghiên cứu sử dụng than hoạt tính kết hợp quá trình sinh học chỉ ra rằng trên 80% lượng carbon hữu cơ được loại bỏ [4; 5]. Bên cạnh đó, công nghệ màng lọc cũng được sử dụng rộng rãi để xử lý nước thải và nước cấp. Màng lọc có khả năng giữ lại cặn lơ lửng, hạt keo, ion, vi khuẩn... Nguyên lý lọc màng dựa trên sự phân tách các phân tử trong nước qua lớp vách ngăn nhờ lực tác dụng. Như vậy, với hiệu quả xử lý cao, năng lượng tiêu thụ thấp, nhỏ gọn, công nghệ màng được xem là một trong những quá trình xử lý hứa hẹn nhất [6].

     Ngoài ra, hiện nay có nhiều nghiên cứu được thực hiện để nâng cao hiệu quả loại bỏ các hợp chất hữu cơ tự nhiên trong nguồn nước. Một trong các hướng đó là sử dụng than hoạt tính bổ sung vào hệ thống màng lọc UF/MF [7]. Than hoạt tính có khả năng hấp phụ các chất hữu cơ, giảm thiểu sự tắc nghẽn trong màng do đó làm tăng khả năng xử lý của hệ thống [8]. Tuy nhiên, tại Việt Nam việc ứng dụng công nghệ màng lọc và than hoạt tính để xử lý nước cấp còn khá mới mẻ. Trong nghiên cứu này, màng MF kết hợp với bột than hoạt tính (PAC) được sử dụng để xử lý nước sông làm nguồn cấp nước cho sinh hoạt của người dân.

     2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

     2.1. Đối tượng nghiên cứu

     Nước mặt đầu vào mô hình keo tụ được lấy tại trạm bơm Hòa Phú của Nhà máy nước Tân Hiệp.Thành phần và tính chất nước mặt được trình bày trong Bảng 1.

 

Bảng 1. Thành phần và tính chất nước mặt sử dụng trong nghiên cứu

Stt

Thông số

Giá trị

  1.  

pH

6,5 – 7,2

  1.  

Độ đục (NTU)

74 – 76

  1.  

COD (mg/L)

13,1 – 13,5

  1.  

UV254 (abs/m)

0,42 – 0,45 

 

     2.2. Mô hình nghiên cứu

     Mô hình keo tụ

     Mô hình gồm các beaker dung tích 1.000 mL được đặt trong hệ thống khuấy từ như hình 1. Ba loại phèn được sử dụng trong quá trình keo tụ gồm phèn nhôm, phèn sắt và phèn PACl. Đối với mỗi loại phèn tiến hành xác định các thông số tối ưu gồm: pH và liều lượng hóa chất. Mô hình nghiên cứu và điều kiện thí nghiệm được trình bày ở Hình 1 và Bảng 2.

 

Bảng 2. Điều kiện nghiên cứu thí nghiệm keo tụ

Thí nghiệm

Phèn sắt

Phèn nhôm

Phèn PACl

pH tối ưu

4; 5; 5,5; 6; 6,5; 7; 7,5; 8

5; 5,5; 6; 6,5; 7; 7,5

4; 5; 5,5; 6; 6,5; 7; 7,5; 8

Liều lượng tối ưu (mg/L)

2; 5; 10; 20; 30; 40; 50

2; 5; 10; 20; 30; 40; 50

2; 5; 10; 20; 30

 

Hình 1. Mô hình Jartest

 

     Nước mặt đầu vào và đầu ra của quá trình keo tụ được phân tích các thông số như pH, độ đục, COD và UV254.

     Mô hình hấp phụ than hoạt tính

     Thí nghiệm được thực hiện trên các beaker dung tích 1.000 mL.Bột than hoạt tính có thể tích lỗ rỗng 0,56 – 1,2 cm3/g và diện tích bề mặt 500 – 1500 m2/g.

     Nước mặt sau khi keo tụ được cho vào beaker để hấp phụ chất ô nhiễm.Các thông số tối ưu được xác định gồm pH, thời gian hấp phụ và liều lượng than. Sự thay đổi giá trị của các thông số trên được liệt kê sau đây:

     • pH thay đổi từ 3; 4; 5; 6; 6,5; 7; 7,5 và 8.

     • Liều lượng than thay đổi 5; 10; 20; 30; 40 và 50 mg/L. Sau các khoảng thời gian hấp phụ: 15; 30; 45; 60 và 90 phút lấy mẫu nước đầu ra, phân tích các thông số độ đục, COD, UV254.

     Mô hình màng lọc

    Thí nghiệm thực hiện trên hệ thống màng gồm bơm cao áp, màng lọc sợi rỗng, hệ thống van, dây dẫn, kẹp. Màng lọc sợi rỗng được chế tạo từ poly vinylidene fluoride (PVDF) có khả năng chịu áp lực cao, tổng diện tích lọc là 46,5 cm2, kích thước lỗ màng là 0,1µm, bao gồm 15 sợi. Dòng chảy đi bên ngoài ống thấm vào trong (outside-in).

 

Hình 2. Mô hình màng lọc

 

     Nước sau hấp phụ than hoạt tính được đưa qua hệ thống lọc nhờ bơm nhu động. Tại đây, nước từ bên ngoài thấm vào bên trong các sợi rỗng, dòng thấm với các cấu tử có kích thước lớn hơn 0,1 µm được giữ lại, các cấu tử nhỏ hơn 0,1 µm được thấm qua màng và thu ra ở phần trên của màng lọc.

     Xác định thông lượng tối ưu

     Nghiên cứu với thông lượng thay đổi 200, 300, 400, 500 và 600 L/m2. Lấy mẫu nước sau lọc tương ứng của mỗi thông lượng, xác định các chỉ tiêu độ đục, COD và UV254.

     Xác định ảnh hưởng của PAC lên màng

• Mô hình MF: Cho nước sau keo tụ qua màng lọc MF.

• Mô hình MF/PAC: Cho nước sau keo tụ qua lọc than hoạt tính, nước đầu ra được đưa qua màng lọc MF.

     Than hoạt tính được sử dụng với pH, liều lượng và thời gian hấp phụ tối ưu xác định từ thí nghiệm hấp phụ. Màng lọcđược vận hành với các thông số tối ưu đã khảo sát. Đánh giá hiệu quả xử lý của các chỉ tiêu ô nhiễm như COD, độ đục, UV254 sau khi qua 2 hệ thống MF và MF/PAC.

     2.3. Phương pháp phân tích

     Các phương pháp phân tích thực hiện theo Standard Methods for the Examination of Water and Wastewater 21st, APHA/AWWA/WEF, 2005 và Tiêu chuẩn Việt Nam.

     3. Kết quả nghiên cứu

     3.1. Mô hình keo tụ

 

Hình 3.Biến thiên hiệu quả xử lý COD và UV254theo pH và liều lượng phèn sắt

 

     Phèn sắt

     pH keo tụ tối ưu của phèn sắt là 5,5. Hiệu quả xử lý COD và UV254 cao nhất lần lượt là 29,77% và 30,24%.Hàm lượng phèn ảnh hưởng đến quá trình keo tụ các chất ô nhiễm trong nước mặt. Khi hàm lượng phèn nhỏ thì lượng này không đủ để phản ứng tạo bông hiệu quả. Ngược lại, nếu hàm lượng phèn quá cao thì các bông cặn trở về trạng thái ban đầu (lơ lửng) do hiện tượng tái ổn định hạt keo. Hiệu quả keo tụ cao nhất đạt được khi lượng phèn FeCl3 sử dụng là 30 mg/L.

     Phèn nhôm

     Hiệu suất loại bỏ COD và UV254 tại pHopt = 6 lần lượt là 28,24% và 32,14%. Khi pH < 5,5, Al(OH)3 có tác dụng như là một chất kiềm, hàm lượng ion Al3+ trong nước tăng nhiều, bông cặn hình thành ít, chất hữu cơ và cặn lơ lửng không lắng được. Khi pH > 7,5 thì Al(OH)3đóng vai trò như một axit, làm cho hiệu quả keo tụ bị hạn chế. Đồ thị Hình 4 cho thấy, liều lượng phèn nhôm tối ưu là 40 mg/L. Tương tự như phèn sắt, khi hàm lượng phèn cho vào bể phản ứng quá thấp hoặc quá cao thì hiệu quả keo tụ không cao

Hình 4. Biến thiên hiệu quả xử lý COD và UV254theo pH và liều lượng phèn nhôm

 

     Phèn PACl

     pH ảnh hưởng đến quá trình thủy phân của PACl để tạo ra Al(OH)3 là nhân tố quyết định hiệu quả quá trình. Do đó, khi pH quá cao hoặc quá thấp thì hiệu quả keo tụ giảm dần. Liều lượng phèn PACl tối ưu là 10 mg/L, hiệu quả xử lý COD, độ đục và UV254 đạt được lớn nhất lần lượt là 50%; 98,42% và 49,76%

Hình 5. Biến thiên hiệu quả xử lý COD và UV254theo pH và liều lượng phèn PACl

 

     Kết quả khảo sát trên 3 loại phèn Al2(SO4)3, FeCl3, PACl thì PACl là phù hợp nhất. Bên cạnh đó, quá trình thí nghiệm cho thấy phèn PACl có nhiều ưu điểm so với 2 loại phèn kia như bông cặn hình thành lớn, chắc, lắng nhanh, ít tạo cặn nổi trên mặt nước.

     3.2. Mô hình hấp phụ

    Hình 6 cho thấy, hiệu quả hấp phụ các chất ô nhiễm đạt được cao nhất ở pH = 7, khi đó hiệu suất khử độ đục, COD, UV254 lần lượt là 53,33%; 46,97% và 40,91%. Trong khoảng pH >7,5sự oxi hóa Fe2+ thành Fe3+diễn ra dẫn đến hiệu suất hấp phụ giảm. Khi ở pH < 6 hiệu suất thấp là do sự hấp phụ cạnh tranh của ion H+ xuất hiện trong nước.

 

Hình 6. Hiệu quả hấp phụ chất ô nhiễm theo pH

 

     Khảo sát hiệu quả hấp phụ của than hoạt tính với liều lượng thay đổi 5; 10; 20; 30;40 và 50 mg/L tại thời gian hấp phụ 15; 30; 45; 60 và 90 phút. Kết quả thí nghiệm cho thấy, liều lượng than 20 mg/L và thời gian hấp phụ 30 phút thì hiệu quả khử các chất ô nhiễm cao nhất; độ đục, COD và UV254 được loại bỏ lần lượt là 58,83%; 51,52% và 43,18%.

     3.3. Mô hình màng lọc

     Xác định thông lượng tối ưu

     Thí nghiệm xác định thông lượng tối ưu chỉ ra rằngthông lượng 200 L/m2.h cho hiệu quả khử các chất ô nhiễm tốt nhất. Thông lượng càng tăng thì hiệu suất xử lý càng giảm. Khi thông lượng lớn hơn 400 L/m2.h thì sự loại bỏ các chất ô nhiễm giảm, đặc biệt là đối với thông số COD.

Hình 7. Biến thiên nồng độ và hiệu quả xử lý các chất ô nhiễm theo thông lượng

 

     Xác định ảnh hưởng của PAC đối với quá trình màng lọc

     Hiệu quả xử lý các chất ô nhiễm trên 2 mô hình MF và MF/PAC được trình bày trong Hình 8.

 

Hình 8. So sánh hiệu quả xử lý chất ô nhiễm của mô hình MF và MF/PAC

 

     Hiệu quả xử lý độ đục

     Độ đục đầu vào có giá trị dao động từ 1,2 - 1,6 NTU, đầu ra mô hình MF và MF/PAC lần lượt là 0,438 ± 0,032 NTU và 0,186 ± 0,011 NTU; hiệu quả xử lý đạt 68,57 ± 2,02% và 86,07 ± 1,008%. Than hoạt tính đóng vai trò như bộ lọc trước khi vào hệ thống màng, do đó các chất lơ lửng, cặn hữu cơ gây nên độ đục được giữ lại ởbể hấp phụ [6, 7], dẫn đến hiệu quả xử lý của mô hình MF/PAC cao hơn khoảng 20% so với mô hình MF.

     Hiệu quả xử lý COD

     Nồng độ COD đầu vào dao động từ 6,4 - 6,8 mg/L, đầu ra mô hình MF và MF/PAC lần lượt là 3,3 ± 0,245 mg/L và 1,32 ± 0,13 mg/L. Hiệu quả xử lý tương ứng là 50,18 ± 2,97% và 79,9 ± 1,67%. Hệ thống màng vi lọc kết hợp than hoạt tính có khả năng kiểm soát được hàm lượng chất hữu cơ trong nước. Hiệu quả xử lý của hệ thống kết hợp tăng do những yếu tố sau: sự hấp phụ vật lý - hóa học của hợp chất hữu cơ tốt hơn bởi PAC, hiệu quả loại bỏ sinh học tốt hơn do thời gian tiếp xúc lâu dài giữa vi sinh vật và cơ chất (Tian và cộng sự, 2008) [7]. Do đó, mô hình MF/PAC có hiệu quả xử lý COD cao hơn khoảng 30% so với mô hình MF.

     Hiệu quả xử lý UV254

     Nồng độ UV254 đầu vào là 0,21 – 0,25 abs/m; sau khi qua 2 mô hình MF và MF/PAC thì còn lại 0,167 ± 0,008 abs/m và 0,109 ± 0,012 abs/m. Hiệu quả xử lý của 2 mô hình lần lượt là27,27 ± 3,18% và52,19 ± 4,2%. Kết quả nghiên cứu khá tương đồng với nghiên cứu của Omer và cộng sự (2008) [6], Tian và cộng sự (2008) [7].

     Hiệu suất loại bỏ UV254 của thí nghiệm sử dụng than hoạt tính cao gấp hai lần so với thí nghiệm không sử dụng than hoạt tính. Điều này cho thấy có thể giả định rằng các hợp chất hữu cơ tự nhiên được loại bỏ phần lớn ở vùng hấp phụ; chất hữu cơ kỵ nước và khối lượng phân tử thấp được loại bỏ do sự hấp phụ của than hoạt tính; các chất có khối lượng phân tử lớn hơn được xử lý ở màng lọc MF (Oh và cộng sự, 2007) [5].

     Kết quả nghiên cứu xử lý nước mặt ô nhiễm hữu cơ bằng quá trình keo tụ, màng lọc và hấp phụ kết hợp màng lọc được trình bày ở Bảng 3. Nước mặt sau khi qua keo tụ tiếp tục được xử lý bằng MF và MF/PAC.Kết quả cho thấy quá trình MF/PAC cho hiệu quả khử độ đục, COD tăng từ 20% - 30% so với quá trình MF. Các chất hữu cơ được loại bỏ phần lớn ở quá trình hấp phụ, sau đó được xử lý bổ sung ở màng lọc MF. Quá trình hấp phụ cũng giúp kiểm soát sự tắc nghẽn ở màng lọc.

  

Bảng 3. So sánh hiệu quả xử lý các chất ô nhiễm

Mô hình

Chất ô nhiễm

Hiệu quả xử lý (%)

PACl

MF

MF/PAC

Độ đục

98,42

68,57

86,07

COD

50,0

50,18

79,90

UV254

49,76

27,27

52,19

 

     4. Kết luận

     Kết quả nghiên cứu cho thấy, ứng dụng màng lọc MF kết hợp than hoạt tính có khả năng xử lý chất hữu cơ ô nhiễm trong nguồn nước. Hiệu suất xử lý các chất ô nhiễm phụ thuộc vào hàm lượng than hoạt tính sử dụng. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng so với quá trình màng lọc thông thường thì quá trình MF/PAC có thể cải thiện đáng kể việc loại bỏ các chất hữu cơ, đặc biệt là UV254 và COD.

     Lời cảm ơn: Nghiên cứu được tài trợ bởi Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Đề tài mã số C2015-24-03/HĐ-KHCN.

     TÀI LIỆU THAM KHẢO

    .   Cheng W., A.D.Seyed, and T.Karanfil, 2005, Adsorption of dissolved natural organic matter by modified activated carbons, Water Research, vol. 39, 2281–2290.

   .    Jacangelo J.G., J. DeMarco, D.M. Owen, and S.J. Randtke, 1995, Selected processes for removing NOM: an overview, J.-Am. Water Works Assoc., vol 87 (1), 64–77.

   .    Dastgheib S.A., T.Karanfil, and W.Cheng, 2004, Tailoringactivated carbons for enhanced removal of natural organicmatter from natural waters, Carbon, vol.42, 547–557.

   .   Kim H-S., S.Takizawa, and S.Ohgaki, 2007, Application of microfiltration systems coupled with powdered activated carbon to river water treatment, Desalination, vol. 202 (1-3), 271-277.

  .   Oh H.K., S. Takizawa, S. Ohgaki, H. Katayama, K. Oguma, and M. Yu, 2007, Removal of organics and viruses using hybrid ceramic MF system without draining PAC, Desalination, vol.202(1-3), 191-198.

  .    Omer S., S.Yaxi, H.Ailing, and G.Ping, 2008, Effect of PAC addition on MBR process for drinking water treatment, Separation and Purification Technology, vol. 58, 320–327.

 .   Tian J-Y, H. Liang, Y-L. Yang, S. Tian, and G-B Li, 2008, Membrane adsorption bioreactor (MABR) for treating slightly polluted surface water supplies: As compared to membrane bioreactor (MBR), Journal of Membrane Science, vol. 325, 262–270.

 .    Yali S., B. Dong, N.Gao and X. Ma, 2015, Powder Activated Carbon Pretreatment of a Microfiltration Membrane for the Treatment of Surface Water, Int. J. Environ. Res. Public Health, vol. 12, 11269 – 11277..

 

The efficiency of the polluted surface water treatment using the combination of coagulation, activated carbon and membrane

     Nguyễn Thị Thanh Phượng, Nguyễn Hoàng Lan Thanh

     Nguyễn Thị Quỳnh Sa, Nguyễn Bảo Trân, Hồ Thị Thiên Kim

     Institute for Environment and Resources (IER)

     Vietnam National University – Hochiminh City (VNU-HCM)

     ABSTRACT

   Surface water contaminated organic matter is one of the causes of problems for drinking water treatment processes. The traditional technologies such as flocculation, sedimentation, filtration, disinfection do not meet the standards for drinking water if organic matter content is high in the initial water. Membrane filtration technology combines withpowdered activated carbon (PAC) is regarded as one of the most effective solution for high organic matter treatment.

    Jartest experiments on 3 types of coagulant include ferric chloride, aluminum sulfate, and poly aluminium chloride (PACl) indicate that PACl has a maximum efficiency. Research results in MF-PAC system show that the highest removal efficiency of pollutants reached when the concentration of powdered activated carbon used is 20 mg/L. The removal efficiencies of COD, turbidity, and UV254are 86.07%; 79.9%; and 52.19%, respectively.

     Key words: Membrane, powdered activated carbon, surface water, organic matter.

 

Nguyễn Thị Thanh Phượng, Nguyễn Hoàng Lan Thanh,
Nguyễn Thị Quỳnh Sa, Nguyễn Bảo Trân, Hồ Thị Thiên Kim

Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP.HCM1

 

                                                                                                                                                                                  (Tạp chí Môi trường số chuyên đề II năm 2017)  
Ý kiến của bạn