Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Hiện trạng ô nhiễm mùi từ một số ngành công nghiệp điển hình và đề xuất công nghệ xử lý

19/01/2016

     Ô nhiễm mùi là dạng ô nhiễm không khí rất phức tạp do mùi được tạo ra từ sự kết hợp hàng trăm hợp chất khác nhau ở nồng độ rất thấp. Ô nhiễm mùi được đặc biệt quan tâm vì đặc trưng mùi hôi của nó, khả năng tác động đến sức khỏe con người, và khả năng phát tán trên diện rất rộng.Việc xác định nguồn gốc và thành phần chất ô nhiễm là rất quan trọng để từ đó đề xuất các công nghệ xử lý phù hợp. Dựa trên kết quả đo đạc mùi phát sinh từ các ngành công nghiệp phổ biến ở Việt Nam như thuộc da, chế biến mủ cao su và sản xuất thức ăn chăn nuôi và hoạt động chăn nuôi heo. Bài báo này trình bày kết quả đo đạc nồng độ của các chất gây mùi đặc trưng của các ngành công nghiệp nói trên. Trên cơ sở tổng quan các công nghệ xử lý và đánh giá các ưu nhược điểm, bài báo đề xuất công nghệ lọc sinh học là phù hợp nhất cho xử lý mùi hôi.

     Odor pollution is a complex type of air pollution due to its combination of hundreds of odorous compounds with very low concentrations. Odor pollution is particularly concerned because of its impact on human health and the ability to spread over a wide area.
Determination of pollution sources and odor pollutant composition is very importants in order to find out appropriate odor treatment technology.
Based on monitoring results of typical industries such as tannery, rubber latex, animal feed and livestock, this report presents analytical results of odor compounds as well as assesses the advantages and disadvantages of different odor treatment methods. Among these methods, biological technology is selected as an optimum solution to treat air pollution.

     Giới thiệu

      Ô nhiễm mùi được đặc biệt quan tâm do đặc tính mùi hôi, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và khả năng phát tán trên diện rộng của nó. Các ảnh hưởng cấp tính đến sức khỏe do ô nhiễm mùi như cay mắt, nhức đầu, dị ứng da, vấn đề về ngủ... đã được báo cáo. Mặt khác, ô nhiễm mùi có thể phát tán trên diện rộng ở mức độ địa phương hoặc khu vực.

     Ô nhiễm mùi có thể do một hợp chất bay hơi riêng lẻ hay, chiếm phần lớn, là một hỗn hợp của nhiều hợp chất. Mặc dù chất ô nhiễm mùi thông thường có nồng độ rất thấp, nhưng mũi người rất nhạy cảm, ví dụ như ngưỡng mùi đối với chất thải thông thường mà mũi người có thể xác định được là 0,00001 ppm, và có khả năng phân biệt đến hơn 5 triệu mùi khác nhau. Mặt khác, các tiêu chuẩn và hướng dẫn để đánh giá ô nhiễm mùi hiện nay còn thiếu và rất khác nhau. Do vậy việc xác định nguồn gốc phát sinh mùi và đo đạc nồng độ mùi rất khó khăn.

      Theo nghiên cứu của Joji Fukuyama nguồn phát thải mùi bắt nguồn từ hoạt động sản xuất của các loại hình công nghiệp khác nhau, phụ thuộc vào quy mô phát triển, công nghệ sản xuất và đặc tính nguồn thải. Tuy nhiên, giá trị của các thông số như thành phần mùi, nồng độ mùi, nhiệt độ, lượng khí thải… có thể thay đổi trong phạm vi rộng. Bảng 1 trình bày nồng độ mùi của một số nguồn thải tại Nhật Bản.

      Trong sản xuất công nghiệp, mùi có thể phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau bao gồm:

      Mùi từ nguyên liệu sản xuất của các ngành chế biến thủy hải sản, cao su, bột tôm, hóa chất… có nguồn gốc tự nhiên hoặc nhân tạo. Các nguyên liệu bản thân đã có mùi đặc trưng hoặc phát sinh mùi do sự phân hủy các hợp chất hữu cơ trong quá trình vận chuyển, lưu trữ.

       Mùi từ quá trình sản xuất công nghiệp. Trong quá trình sản xuất, mùi hóa chất, phụ phẩm hoặc mùi hữu cơ phát sinh trong công đoạn sấy, chưng cất.

       Mùi sinh ra từ hệ thống xử lý nước thải do bay hơi và lên men sinh học tại khu vực các bể: thu gom, điều hòa, tách dầu mỡ, lắng, xử lý kỵ khí, xử lý hiếu khí và xử lý bùn.

       Thành phần khí ô nhiễm gây mùi thường chứa nhóm các chất gây mùi có khả năng dễ định lượng dưới dạng vô cơ như ammoniac, hydrosulfua… hay nhóm các chất hữu cơ như thuốc bảo vệ thực vật, dung môi hữu cơ (metan, butan, benzen, xylen, xiclohexanon, toluen...) hoặc nhóm các chất rất khó định lượng, bay hơi ở điều kiện nhiệt độ thường như VOC (gồm nhiều chất hữu cơ bay hơi mà điển hình là nhóm các chất thuộc ngành công nghiệp sản xuất thực phẩm (mùi gia vị), mỹ phẩm…

       Cho đến hiện nay, công nghệ xử lý mùi vẫn còn là vấn đề tồn tại ở nước ta. Việc lựa chọn quy trình công nghệ xử lý mùi phải đáp ứng được yêu cầu về tính năng kỹ thuật và chi phí xử lý. Do vậy, một quy trình xử lý với sự kết hợp nhiều phương pháp khác nhau được đề xuất.

       Bài báo này trình bày tổng quan nguồn gốc phát sinh mùi từ một số ngành công nghiệp phổ biến ở phía Nam Việt Nam như công nghiệp thuộc da, chế biến thức ăn chăn nuôi, sản xuất cao su, và chăn nuôi. Dựa trên đặc điểm phát sinh mùi của các nguồn thải, các công nghệ xử lý thích hợp được giới thiệu. Ưu nhược điểm của các công nghệ này cũng được phân tích, đánh giá và so sánh.

 

Nguyễn Thị Thanh Phượng, Nguyễn Văn Phước

Viện Môi Trường và Tài Nguyên, ĐHQG TP.HCM

(Toàn văn đăng trên Tạp chí Môi trường số 12 - 2015)

Ý kiến của bạn