Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 12/12/2024

Du lịch cộng đồng - mô hình áp dụng tại Tây Nguyên

13/02/2020

     Tây Nguyên có trên 30% dân số là người dân tộc thiểu số (thuộc 47 dân tộc khác nhau). Kinh tế Tây Nguyên nhìn chung chậm phát triển so với khu vực khác. Cơ cấu kinh tế chủ yếu vẫn là nông nghiệp, thậm chí một số nơi vẫn còn hình thức sản xuất nông nghiệp lạc hậu gắn với tập quán canh tác cổ truyền của nhân dân thuộc nhóm dân tộc thiểu số... Đứng trên khía cạnh du lịch, Tây Nguyên hoàn toàn có đầy đủ khả năng để áp dụng mô hình du lịch cộng đồng một cách rộng rãi.

     Những đặc thù của Tây Nguyên cho phép áp dụng mô hình du lịch cộng đồng

     Khu vực có nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống

     Theo thống kê cho thấy, các dự án về du lịch cộng đồng chủ yếu tập trung vào các bản dân tộc thiểu số. Lý do lựa chọn các bản làng dân tộc thiểu số để phát triển du lịch cộng đồng chủ yếu dựa trên cơ sở có sự khác biệt văn hóa tương đối khi so sánh với nền văn hóa lớn (văn hóa Việt) và với các nền tiểu văn hóa khác (Tày, Nùng, Kinh, Mông, Dao…). Tây Nguyên hiện nay là nơi cư trú của 47 dân tộc khác nhau bao gồm cả nhóm dân tộc bản địa sinh sống lâu đời và nhóm dân tộc di cư từ nơi khác đến; họ là chủ nhân của nền văn hóa rất đặc sắc khi chúng ta so sánh với các dân tộc thiểu số miền Bắc, từ kiến trúc nhà cộng đồng cho đến những yếu tố văn hóa như các nghi lễ vòng đời người. Nếu so sánh với các vùng khác, cơ cấu dân tộc nơi đây hết sức đa dạng, tạo nên bức tranh tương phản lớn đối với khách du lịch quốc tế và trong nước, những người sẵn sàng chi trả tiền để được trải nghiệm những không gian văn hóa khác biệt. Theo các công ty lữ hành và quan sát của hướng dẫn viên, khách du lịch quốc tế có nguồn gốc Âu - Mỹ thường rất thích đi du lịch, tham quan đến những bản làng dân tộc chứ không phải đến các thành phố, thị xã thị trấn đông người. Tây Nguyên có thể tham khảo các mô hình du lịch cộng đồng tại các tỉnh miền núi phía Bắc và áp dụng mô hình buôn Đôn, bản Voi đã được làm thí điểm khá lâu trong khu vực.

     Khu vực có nhiều nhóm xã hội thuộc diện nghèo

     Mục đích của các tổ chức phi chính phủ là hỗ trợ ban đầu cho hoạt động du lịch từ đó kích thích phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho người dân địa phương. Chính sách này cũng khuyến khích người dân chủ động tham gia nhiều hơn vào việc xây dựng chính sách, phát triển sản phẩm du lịch, trực tiếp tham gia vào lực lượng lao động từ đó khẳng định được vị thế của mình trong một xã hội rộng lớn hơn. Sau đó, từ những thu nhập từ du lịch, nguồn vốn được hình thành và tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm thỏa mãn yêu cầu phát triển bền vững.

 

Lễ hội truyền thống tại Tây Nguyên

 

     Dựa vào tiêu chí lựa chọn trên, Tây Nguyên là khu vực đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của các tổ chức phi chính phủ, đồng thời thống nhất với mục tiêu của các chương trình hành động quốc gia như chương trình xây dựng đời sống văn hóa cơ sởvà chương trình xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước. Du lịch cộng đồng có thể đáp ứng được nhiều mục tiêu khác nhau trong cùng một giai đoạn như mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa - tinh thần của người dân, bảo tồn nền văn hóa truyền thống, tạo việc làm tại chỗ, tăng nguồn lưu thông tiền mặt và xuất khẩu tại chỗ các sản vật địa phương.

     Khu vực có khung cảnh thiên nhiên còn tương đối nguyên sơ,có vùng núi cao, cao nguyên và rừng nhiệt đới

     Cho dù hiện nay tình trạng phá rừng, hoạt động lạm dụng khai thác tài nguyên đang đi đến tình trạng báo động nhưng về cơ bản Tây Nguyên vẫn còn những cánh rừng nguyên sinh độc đáo, đặc biệt hệ thống thác nước tuyệt đẹp luôn tạo ra sự hấp dẫn đối với khách du lịch thuộc nhóm du lịch cộng đồng. Yếu tố môi trường nguyên sơ, trong lành khi đặt cùng nguồn tài nguyên du lịch văn hóa (các làng bản người dân tộc thiểu số, phong tục, tập quán, trang phục, nề nếp sinh hoạt) tạo ra một thế mạnh rất cạnh tranh dành khu vực này so với những khu vực khác. Có thể nói, du lịch cộng đồng không nên chỉ được xác định là một loại hình du lịch có triển vọng mà còn phải được coi là sản phẩm du lịch đặc thù trong chiến lược phát triển du lịch của 5 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng. Sản phẩm du lịch đặc thù nhằm phân biệt sản phẩm du lịch của địa phương này so với địa phương khác, gây ấn tượng cho du khách và định hình sản phẩm của các công ty lữ hành.

     Tây Nguyên có những nghề thủ công truyền thống rất độc đáo

     Ở Tây Nguyên, các nghề thủ công truyền thống của dân tộc ít người hiện nay vẫn còn đang tồn tại và gắn bó chặt chẽ với đời sống của người dân như nghề dệt vải thổ cẩm của người Ê Đê, nghề bánh tráng ở Buôn Đôn, nghề rèn, mây tre đan… đặc biệt ở đây còn có một số nghề gần như bị biến mất (thất truyền) bởi quá trình công nghiệp hóa và biến đổi lối sống theo thời đại như nghề rèn đồ đi rừng, làm cung tên, nghề chạm khắcvà nghề làm nhà rông. Làng nghề ở Tây Nguyên cũng đang trong tình trạng chuyển đổi nghề nghiệp rất lớn, do đó phát triển du lịch có thể được xem như sự thay thế tốt cho các lao động dư thừa khi một số nghề truyền thống dần bị biến mất trong cơ chế thị trường. Nghề và các làng nghề truyền thống tự thân đã là một nguồn hấp dẫn du lịch độc lập (có thể xây dựng sản phẩm du lịch độc lập), vì thế khi được hỗ trợ bởi các yếu tố khác như văn hóa dân tộc ít người, khí hậu trong lành có lợi cho sức khỏe chúng có thể tạo ra sức hấp dẫn hết sức lớn đối với khách du lịch miền Bắc và du khách quốc tế đến từ các nước phát triển.

     Phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững

     Để phát triển du lịch cộng đồng đúng hướng, khai thác tốt hệ thống tài nguyên du lịch phong phú tại đây, xin đưa ra một số đề xuất nhằm đưa loại hình du lịch cộng đồng trở thành một điểm sáng, có đóng góp lớn về mặt kinh tế - xã hội của khu vực và quan trọng nhất là sự phát triển đó phải luôn gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

     Thứ nhất, theo nhà văn Nguyên Ngọc, văn hóa Tây Nguyên gắn bó chặt chẽ với không gian - môi trường tự nhiên đã tồn tại từ ngàn đời tại đây - đó là môi trường rừng. Hiện nay,có một số xu hướng biến đổi văn hóa tiêu cực gây ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào bản địa và xu hướng biến đổi này có nguyên nhân trực tiếp đến từ việc phá rừng, phá vỡ môi trường cho lối sống cộng đồng của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Việc bảo vệ rừng nguyên sinh ngoài những khu bảo tồn cần được đặc biệt quan tâm để gìn giữ môi trường phát triển văn hóa cho người dân bản địa. Trong tình trạng ỗ nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu ngày nay, nhu cầu bảo vệ rừng càng cần được quan tâm nhiều hơn bởi tác động của việc phá rừng ngày càng lớn và ảnh hưởng ở phạm vi rộng hơn địa bàn Tây Nguyên rất nhiều.

     Thứ hai, xây dựng mô hình bản làng du lịch cộng đồng theo cả tiêu chí cứng và tiêu chí mềm: tiêu chí cứng bao gồm những điều kiện cơ bản để bản làng xây dựng và phát triển hoạt động du lịch theo hướng cộng đồng (bản có bao nhiêu hộ, thuộc nhóm dân tộc nào, khả năng tiếp cận của khách du lịch có cao hay không, có làng nghề hay không, có khả năng biểu diễn văn nghệ truyền thống?); tiêu chí mềm là những dịch vụ bổ sung cần phải có như việc bán đồ lưu niệm, nhóm người có khả năng tham gia thị trường lao động du lịch, dịch vụ bưu chính viễn thông và những hoạt động hỗ trợ cho du lịch khác. Cần tránh phát triển du lịch cộng đồng tràn lan, không có trọng điểm dẫn đến hiệu quả thực hiện không cao.

     Thứ ba, có cơ chế và khuyến khích người dân bản địa tham gia nhiều hơn vào công tác lập quy hoạch phát triển du lịch, tổ chức xây dựng sản phẩm du lịch và trực tiếp phục vụ khách du lịch nhằm phân phối lợi ích nghiêng về phía cộng đồng. Có như vậy, du lịch cộng đồng tại Tây Nguyên mới thỏa mãn yêu cầu xóa đói giảm nghèo, tạo công việc, thu nhập và nâng cao cao đời sống người dân như mục tiêu của các chương trình về nông thôn của Đảng, Nhà nước ta đang thực hiện.

     Thứ tư, nâng cao trình độ và năng lực của người dân bản địa thông quatổ chức những khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ năng, nghiệp vụ du lịch…

     Thứ năm, thiết kế logo riêng cho Du lịch Tây Nguyên và du lịch cộng đồng ở làng bản: các logo cần phải được dán trên các phương tiện vận chuyển, đại lý lữ hành và ở vị trí dễ thấy tại các cơ sở homestay. Logo cần nêu bật được đặc trưng tài nguyên du lịch cộng đồng, du lịch làng bản.

     Thứ sáu,liên kết giữa các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh với đại diện chương trình phát triển du lịch cộng đồng tại cơ sở. Bước đầu UBND xã, huyện có thể làm trung gian giữa bản làng với công ty lữ hành, sau đó chuyển giao công việc lại cho những người, nhóm người đại diện trong bản.

     Thứ bảy, tổ chức các sự kiện riêng của Tây Nguyên như Lễ hội trái cây, Lễ hội cồng chiêng… Những lễ hội truyền thống có thể gắn với lễ hội của từng dân tộc cụ thể  nhằm giới thiệu văn hóa truyền thống đặc sắc và không khí mới lạ cho du khách. Những sự kiện hiện đại cần tập trung vào tính đa dạng văn hóa và tinh thần chinh phục - khai phá thiên nhiên của các dân tộc bản địa. Việc tổ chức các sự kiện nhằm mục đích quảng bá du lịch và văn hóa, thu hút khách du lịch đến với Tây Nguyên nhiều hơn…

 

ThS. Trương Sỹ Tâm

ThS. Mai Thị Tình

 Đại học Công Đoàn

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt 4/2019)

 

 

Ý kiến của bạn