Banner trang chủ

Phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới sản xuất, kinh doanh sản phẩm chè theo chuỗi giá trị tại Thái Nguyên

07/08/2018

     Thái Nguyên là vùng chè trọng điểm của cả nước, với trên 60 nghìn hộ trồng và chế biến chè. Tuy nhiên, sức cạnh tranh sản phẩm không cao, thương hiệu chè Thái Nguyên đã có nhưng chưa được đầu tư phát triển đầy đủ để tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, vấn đề cấp thiết đặt ra cho ngành chè Thái Nguyên hiện nay là cần hình thành những HTX kiểu mới liên kết sản xuất giữa các nhóm nông dân và nối liền giữa các khâu, từ cung cấp đầu vào, sản xuất, thu gom, sơ chế, tiêu dùng hay còn gọi là chuỗi giá trị trong sản xuất chè.

     Thái Nguyên là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về diện tích và sản lượng chè. Năm 2017, toàn tỉnh Thái Nguyên có trên 21.300 ha chè, đóng góp 17% giá trị sản xuất trong ngành trồng trọt của tỉnh; trong đó 18.750 ha chè đã cho thu hoạch, năng suất bình quân 112,6 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt gần 211.250 tấn, giá trị sản phẩm đạt 95 triệu đồng/ha. Chè được trồng tập trung chủ yếu ở các địa phương trong tỉnh như: TP. Thái Nguyên, huyện Phú Lương, Định Hóa, Đồng Hỷ, Đại Từ, thị xã Phổ Yên, Sông Công và Võ Nhai. Để phát huy tiềm năng thế mạnh về cây chè đặc sản, hiện tỉnh Thái Nguyên đã quy hoạch, mở rộng vùng chè Tân Cương gồm các xã phía Tây thành phố như Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân, với tổng diện tích khoảng 1.300 ha. Trong đó, chè kinh doanh chiếm hơn 1.000 ha, sản lượng trung bình khoảng 14.000 tấn/năm. Tại huyện Đại Từ, nông dân các xã hình thành các vùng chuyên canh cây chè như Hùng Sơn, La Bằng Phú Thịnh, Phú Xuyên …

     Trong những năm qua, mặc dù được coi là sản phẩm quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, có lợi thế về cơ chế, chính sách hỗ trợ nhưng việc phát triển cây chè ở Thái Nguyên vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là diện tích chè sản xuất theo quy trình VietGAP còn thấp. Hiện toàn tỉnh mới có trên 350 ha chè được cấp chứng nhận VietGAP. Việc đầu tư phát triển cây chè, chế biến phần lớn vẫn là kinh tế hộ, chưa thu hút được nhiều nguồn vốn từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào sản xuất, đặc biệt là chế biến. Nhiều hộ trồng chè do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không rõ nguồn gốc, dẫn đến chất lượng chè không đảm bảo chất lượng…

     Để khắc phục vấn đề trên, Thái Nguyên đã đẩy mạnh phát triển HTX kiểu mới sản xuất, chế biến và kinh doanh chè theo chuỗi. Khi tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị, HTX đóng vai trò thay thế nhiều trung gian trong kênh phân phối sản phẩm, khi kênh phân phối sản phẩm còn ít lại (chủ yếu là nông dân-HTX- Doanh nghiệp) thì giá trị tăng thêm của chuỗi sản phẩm được phân chia cho các tác nhân còn lại trong chuỗi. Trong chuỗi giá trị, người tiêu dùng yêu cầu phải đảm bảo chất lượng chè an toàn, HTX thu thập thông tin và đàm phán với công ty phân bón về chủng loại, số lượng để tiến hành sản xuất chè theo yêu cầu. Có thể hình thành hai kiểu chuỗi giá trị: Chuỗi liên kết ngắn - ít trung gian (HTX chế biến chè về đầu ra và cung cấp cho tư thương. Trong chuỗi liên kết này chủ yếu có 3 tác nhân chính là nông dân trồng chè - HTX - tư thương); chuỗi liên kết dài - nhiều trung gian: (Nông dân trồng chè - thương lái thu mua - HTX - các tiểu thương bán chè tại chợ - công ty chế biến chè).

 

Các HTX chè kiểu mới ở Thái Nguyên đã tạo thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động trên địa bàn tỉnh  

 

     Các hộ nông dân trồng chè tham gia  HTX trong chuỗi giá trị sẽ có được vị thế thuận lợi trong liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư, thu mua chè nguyên liệu để chế biến và xuất khẩu chè; giảm chi phí giao dịch, chống bị ép giá. Liên kết giữa các hộ trồng chè thông qua HTX, còn cho phép các hộ trồng chè mua được các vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng; nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất chè an toàn thông qua hợp đồng kinh tế giữa hợp tác xã và doanh nghiệp; tạo ra vùng nguyên liệu chè có chất lượng, đảm bảo vệ sinh môi trường, có xuất sứ địa lý rõ ràng.

     Hiện toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 36 HTX kiểu mới sản xuất kinh doanh chè theo chuỗi giá trị. Bước đầu các HTX đạt được kết quả nhất định, doanh thu bình quân hàng năm của các HTX chè tăng 10% -15%, khoảng 135 tỷ đồng/năm. Kết quả cho thấy, việc tham gia HTX kiểu mới chất lượng chè được nâng cao giúp người nông dân giải quyết nhiều khó khăn về vốn đầu tư, xây dựng thương hiệu cũng như hình thành, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chè, tạo sự gắn kết giữa nhà quản lý, nhà khoa học trong định hướng phát triển ngành chè. Ngoài ra, các HTX kiểu mới còn đóng vai trò là đầu mối cho sự hợp tác của các hộ sản xuất chè với doanh nghiệp trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đưa thương hiệu chè vươn xa.  Tạo ra vùng nguyên liệu chè có chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, có xuất sứ địa lý rõ ràng. Nhờ đó, sản phẩm chè sau chế biến có thể chiếm lĩnh được thị trường trong nước và quốc tế bền vững, đạt hiệu quả kinh tế cao.

     Trong thời gian tới, để đẩy mạnh phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới sản xuất, kinh doanh sản phẩm chè theo chuỗi, Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên tiếp tục xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế hợp tác; phối hợp với các ngành liên quan triển khai thực hiện các nội dung Đề án phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2020, trong đó tập trung hỗ trợ xây dựng mô hình HTX sản xuất, kinh doanh chè gắn với chuỗi giá trị như: Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hướng dẫn để các HTX  kiểu mới xây dựng phương án sản xuất - kinh doanh; Tạo điều kiện cho các HTX vay vốn ưu đãi để mở rộng đầu tư, tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động; Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý HTX kiểu mới và đơn vị thành viên; Hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa dây chuyền công nghệ cao trong sản xuất; xây dựng thương hiệu sản phẩm, nhãn hiệu hàng hóa; xây dựng mô hình tiêu thụ sản phẩm cho các HTX, chương trình kết nối cung cầu giữa người trồng chè…

     Cùng với đó, Liên minh HTX tỉnh cần tăng cường công tác quản lý thuốc BVTV trong sản xuất chè thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng thuốc BVTV an toàn cho các HTX. Đồng thời, tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn về sử dụng an toàn thuốc BVTV cho nông dân ở các vùng sản xuất chè trọng điểm; tăng cường tuyên truyền về ứng dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất như “bón phân 4 đúng”, “3 giảm, 3 tăng”… trong sản xuất chè; triển khai áp dụng công nghệ mới trong khảo nghiệm, sản xuất thử giống chè mới…

     Ngoài ra, cần tăng cường các hoạt động BVMT gắn với vai trò của người nông dân trong HTX sản xuất chè, giúp khắc phục khó khăn; nâng cao năng lực, mở rộng hoạt động phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy HTX kiểu mới phát triển hài hòa, bền vững.

 

TS. Phạm Thị Tố Oanh

Liên minh HTX Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2018)

 

 

 

 

 

 

           

Ý kiến của bạn