Banner trang chủ

Kiểm soát ô nhiễm và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vừa và nhỏ

03/05/2017

     Ngày 28/4/2017, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) phối hợp với Viện Nghiên cứu Doanh nghiệp vừa và nhỏ (RISME) tổ chức hội thảo “Kiểm soát ô nhiễm và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam - Vai trò của công nghiệp xử lý nước thải". Hội thảo được tổ chức nhằm tạo không gian trao đổi giữa doanh nghiệp, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu về việc thực thi quy định pháp luật môi trường trong doanh nghiệp vừa và nhỏ; các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thực thi pháp luật  BVMT trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

     Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng cho biết, thực thi các biện pháp  BVMT tại các doanh nghiệp là bắt buộc và cũng là điều kiện để một doanh nghiệp phát triển bền vững. Tuy vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trong áp dụng các biện pháp kiểm soát ô nhiễm, cũng như tuân thủ các quy định pháp luật môi trường.

 

 

     Ở Việt Nam, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trước tiên là tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành, như Luật Lao động, Luật BVMT năm 2014, Luật Thanh tra kiểm tra…Theo đó, doanh nghiệp phải có trách nhiệm với tác động đến chất lượng môi trường và cuộc sống cộng đồng, thông qua các hành vi kiểm soát ô nhiễm và xử lý, tái chế chất thải, tiết kiệm tài nguyên. Đặc biệt, nếu doanh nghiệp tuân thủ pháp luật môi trường, sẽ đạt được nhiều lợi ích thiết thực cả về tổ chức, môi trường, tài chính, nhân sự, thương mại và truyền thông. Tiêu biểu như các doanh nghiệp Vinamilk, DOW, Pepsico…

     Tại Hội thảo, các đại biểu cũng trao đổi về vấn đề rào cản hiện nay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ khi tuân thủ pháp luật môi trường, đó là họ chưa có nhận thức đầy đủ, nguồn vốn hạn chế, nhân lực thiếu chuyên môn, công nghệ lạc hậu, quy định pháp luật thay đổi thường xuyên, thiếu chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Vì vậy rủi ro mà các doanh nghiệp này phải đối mặt rất lớn. Ví dụ như liên quan đến chất thải nguy hại có thể bị xử phạt lên tới 1 tỷ đồng, tăng thời gian đình chỉ hoạt động lên đến 9 tháng theo Nghị định 155/2016. Hậu quả là lợi nhuận của doanh nghiệp giảm, thậm chí phá sản. Do đó, ngoài tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ về chính sách và công nghệ hỗ trợ, Nhà nước cần có những hướng dẫn quản lý hồ sơ môi trường về kiểm soát các nguồn thải trong doanh nghiệp, đồng thời tổ chức chương trình đào tạo “Quản lý môi trường theo pháp luật và thực hiện trách nhiệm xã hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ”…

 

Châu Loan

 

Ý kiến của bạn