Banner trang chủ

Doanh nghiệp Hàn Quốc chung tay cùng bảo vệ môi trường tại Việt Nam

31/05/2017

   Những năm qua, nhiều doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc chọn Việt Nam đầu tư và kinh doanh rất hiệu quả. Bên cạnh thành công thì việc chấp hành quy định pháp luật về BVMT của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cũng được coi trọng và đặt lên hàng đầu. Trong khuôn khổ của Hội chợ triển lãm quốc tế về Sản phẩm sinh thái (EPIF) 2017 vừa diễn ra tại TP.HCM, phóng viên Tạp chí Môi trường có cuộc trò chuyện với ông Jung Gun Young - Trưởng đại diện Viện Công nghệ và Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc (KEITI) tại Việt Nam kiêm Giám đốc Trung tâm Hợp tác Môi trường Việt Hàn thuộc Bộ Môi trường Hàn Quốc (KMoE) về sự hợp tác của doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực BVMT.

Ông Jung Gun Young - Trưởng đại diện KEITI tại Việt Nam

   PV: Xin ông cho biết kết quả Hội chợ triển lãm EPIF 2017 vừa diễn ra tại TP.HCM mà các doanh nghiệp Hàn Quốc tham dự?

   Ông Jung Gun Young: Trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm lần này, Viện Công nghệ và Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc (KEITI), Bộ Môi trường Hàn Quốc (KMoE) đã phối hợp với Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT cùng với Hiệp hội Môi trường Hàn Quốc (KEIA) tổ chức Diễn đàn Hợp tác Công nghệ Môi trường Việt - Hàn năm 2017, nhằm tạo cơ hội để các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam trao đổi hợp tác. Tại Diễn đàn, đại diện các Bộ, ngành Việt Nam đã chia sẻ với các doanh nghiệp Hàn Quốc về những chính sách ưu tiên của Chính phủ trong lĩnh vực công nghệ và sản phẩm thân thiện môi trường cũng như các cơ hội đầu tư cho các doanh nhân quốc tế trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, trong 3 ngày Hội chợ triển lãm đã có nhiều cuộc gặp gỡ, kết nối các doanh nghiệp tại gian hàng của Bộ Môi trường Hàn Quốc (KMoE), Viện Công nghệ và Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc (KEITI).

   Tham gia Hội chợ EPIF 2017, có khoảng 20 doanh nghiệp Hàn Quốc với 28 gian hàng giới thiệu các công nghệ vượt trội của Hàn Quốc trong lĩnh vực xử lý nước, đất, chất thải, tiết kiệm và an toàn năng lượng, các hệ thống bảo vệ bờ kè, chống rửa trôi đất bằng thảm thực vật, các công nghệ về tòa nhà xanh…Nhiều Công ty Hàn Quốc lần đầu tiên tới Việt Nam nên họ rất ấn tượng đối với những chính sách kiểm soát ô nhiễm và quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường. Từ đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã hiểu thêm về tiềm năng thị trường công nghệ và sản phẩm thân thiện môi trường cũng như các cơ hội đầu tư cho phát triển công nghệ và công nghiệp môi trường ở Việt Nam. Theo tôi, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã học hỏi được nhiều điều tại Hội chợ triển lãm EPIF 2017. Hy vọng rằng, với những trải nghiệm và thông tin thu nhận được ở Hội chợ, các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ xác định được chiến lược kinh doanh lâu dài tại thị trường Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp môi trường và BVMT ở Việt Nam nói riêng cũng như những nỗ lực chung về BVMT toàn cầu.

   PV: So với các nước trong khu vực và trên thế giới, những công nghệ môi trường do Hàn Quốc nghiên cứu, chế tạo có ưu điểm như thế nào và khả năng áp dụng tại Việt Nam, thưa ông?

   Ông Jung Gun Young: Sự phát triển và tiến bộ của công nghệ môi trường có mối liên hệ mật thiết với các đặc tính của nền kinh tế cũng như chính sách môi trường của quốc gia. Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về quy mô dân số, diện tích đất đai, văn hóa, thói quen làm việc và mô hình quản lý doanh nghiệp.

   Công nghệ môi trường Hàn Quốc trong những năm gần đây được đánh giá cao và có khả năng cạnh tranh rất tốt trên thị trường thế giới nhờ các chính sách BVMT nghiêm ngặt cũng như các nỗ lực hỗ trợ phát triển công nghiệp môi trường của Chính phủ Hàn Quốc. Do đó, các công nghệ được phát triển không ngoài mục tiêu giải quyết các vấn đề môi trường ở Hàn Quốc. Một số vấn đề môi trường mà hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt khá tương đồng với những bài học đắt giá mà chính Hàn Quốc đã trải qua ở cách đây vài thập kỷ. Chính vì vậy, tôi cho rằng, các công nghệ môi trường của Hàn Quốc sẽ rất phù hợp với điều kiện phát triển hiện tại ở Việt Nam. So sánh với công nghệ tiên tiến hàng đầu trên thế giới của các quốc gia châu Âu, công nghệ của Hàn Quốc có chất lượng tốt tương đương và có lợi thế cạnh tranh về giá cả.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng tham quan gian hàng của Bộ Môi trường Hàn Quốc (KMoE) và Viện Công nghệ và Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc (KEITI)

   PV: Năm 2017 đánh dấu sự kiện kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc đồng thời Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA Việt Nam - Hàn Quốc) chính thức có hiệu lực được 3 năm. Trong bối cảnh này, Bộ Môi trường Hàn Quốc (KMoE) và Viện Công nghệ và Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc (KEITI) đã có những hoạt động gì nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia nhằm mục đích xúc tiến thương mại và đầu tư giữa hai nước, trong đó có lĩnh vực môi trường?

   Ông Jung Gun Young:Chính phủ Hàn Quốc coi trọng và đánh giá cao mối quan hệ hợp tác chiến lược với Chính phủ Việt Nam. Hiện các Công ty Hàn Quốc đang là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam, vì có nguồn nhân lực rất dồi dào và các chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ. Nhờ những điều kiện này mà các doanh nghiệp Hàn Quốc đã có những thành công nhất định trong phát triển kinh doanh và đóng góp đáng kể tạo công ăn việc làm, tăng nguồn thu của Chính phủ cũng như GDP chung của Việt Nam. Có thể nói, chúng ta như những người bạn đồng hành đang đi chung trên một con thuyền lớn. Nếu nền kinh tế của Việt Nam tốt thì các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng sẽ thành công. Hai nền kinh tế Việt Nam và Hàn Quốc đã có những sự gắn kết mạnh mẽ hơn trong những năm qua. Chúng tôi hiểu rằng, sự thành công của các nhà đầu tư Hàn Quốc ở đây sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những hỗ trợ từ phía Chính phủ và người dân Việt Nam. Việc Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực là minh chứng cho sự gắn kết và hợp tác ngày càng mạnh mẽ giữa hai nền kinh tế. Với niềm tin vững chắc vào sự gắn kết mạnh mẽ này, Bộ Môi trường Hàn Quốc (KMoE) và Viện Công nghệ và Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc (KEITI) sẽ tăng cường các hoạt động hỗ trợ tài chính, sự ủng hộ về mặt chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp môi trường ở Việt Nam, nhằm đảm bảo chắc chắn tiến trình nâng cao chất lượng sống chung cho mọi người dân Việt Nam.

Toàn cảnh Diễn đàn Hợp tác công nghệ môi trường Việt - Hàn

   PV: Nhân dịp này, ông có đề xuất, kiến nghị gì với các cơ quan chức năng của Việt Nam nhằm đưa sản phẩm công nghệ mới thân thiện với môi trường của Hàn Quốc áp dụng tại Việt Nam?

   Ông Jung Gun Young:Việc phát triển các công nghệ và sản phẩm thân thiện môi trường sẽ phụ thuộc nhiều vào sự tham gia tích cực của các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương, doanh nghiệp nhà nước. Kinh nghiệm ở Hàn Quốc cho thấy, ở thời kỳ đầu, việc đưa các sản phẩm và công nghệ thân thiện ra thị trường gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi đã có những chính sách đúng đắn nhằm thúc đẩy thị trường như các chính sách về mua sắm xanh (trong đó yêu cầu các hoạt động mua sắm bằng ngân sách công phải ưu tiên mua các sản phẩm xanh). Để thúc đẩy thị trường công nghệ và sản phẩm thân thiện môi trường, Chính phủ Việt Nam cũng cần phải xem xét và cân nhắc ban hành các chính sách thúc đẩy mua sắm xanh để kích cầu tiêu dùng. Hiện tại, Việt Nam đã triển khai chương trình nhãn xanh Việt Nam. Tuy nhiên, quan sát của tôi cho thấy, Chương trình đang gặp khó khăn trong triển khai do không có các chính sách khuyến khích các sản phẩm dán nhãn. Do đó, các doanh nghiệp không nhìn thấy lợi ích để đăng ký cấp nhãn xanh. Bên cạnh đó, có rất ít người tiêu dùng quan tâm mua các sản phẩm được dán nhãn. Những lý do này làm cho các sản phẩm thân thiện môi trường gần như không có ưu thế cạnh tranh trên thị trường. Vì không có những ưu thế cạnh tranh so với các sản phẩm thông thường khác, tất nhiên, các nhà sản xuất sẽ không quan tâm đến việc đầu tư phát triển công nghệ và sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cũng không có động lực để đầu tư cho sản xuất sạch, thân thiện môi trường. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần phải tham gia mạnh mẽ hơn trong thúc đẩy phát triển thị trường cho các sản phẩm thân thiện môi trường. Chúng tôi cũng đã có những thành công nhất định trong lĩnh vực này và sẵn sàng chia sẻ với các cơ quan hữu quan của Việt Nam trong thời gian tới.

   PV: Xin cảm ơn ông.

Phạm Tuyên (Thực hiện)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2017

Ý kiến của bạn