Banner trang chủ

Công ty CP Vận tải biển Việt Nam: Nỗ lực giảm thiểu lượng khí nhà kính từ hoạt động vận tải biển

22/08/2018

     Thời gian qua, Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) có nhiều giải pháp giảm thiểu lượng khí nhà kính từ hoạt động vận tải biển, nhằm hướng tới một thương hiệu ngang tầm khu vực Đông Nam Á trong việc mang đến cho khách hàng dịch vụ vận tải biển tốt nhất với giá thành cạnh tranh nhất. Nhân dịp này, phóng viên Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Lâm Phúc Tú - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải biển Việt Nam.

 

Ông Lâm Phúc Tú - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải biển Việt Nam

 

PV: Xin ông cho biết đôi nét về quá trình hình thành và phát triển của VOSCO trong thời gian qua?

Ông Lâm Phúc Tú: Công ty CP Vận tải biển Việt Nam chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2008 trên cơ sở chuyển đổi sang mô hình cổ phần từ Công ty Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) được thành lập ngày 1/7/1970.

     Từ khi thành lập đến nay, VOSCO luôn không ngừng nỗ lực mở rộng, phát triển và đổi mới đội tàu. Hiện tại, đội tàu Công ty gồm 15 chiếc (tàu hàng, tàu dầu và tàu container), tổng tổng trọng tải khoảng 440 dwt. Với đội tàu hiện đại, VOSCO có thể hoạt động không hạn chế trên các tuyến trong nước và quốc tế.

PV: Vừa qua, tổ chức hàng hải quốc tế đã thông qua Chiến lược khung ban đầu về giảm phát thải khí nhà kính (KNK) từ hoạt động vận tải biển. Vậy Công ty đã có bước triển khai thực hiện nội dung này như thế nào?

Ông Lâm Phúc Tú: Theo quy định, việc ngăn ngừa ô nhiễm không khí được phân loại theo từng loại khí thải với chi tiết như sau: NOx (với các động cơ sản xuất từ năm 2000 - 2011 - đạt tiêu chuẩn Tier I; các động cơ sản xuất từ năm 2011 - 2016 - đạt tiêu chuẩn Tier II; các động cơ sản xuất sau 1/1/2016 - đạt tiêu chuẩn Tier III. Đối với Sox (trước năm 2012 - dưới 4.5%; từ năm 2012 - 2020 - dưới 3.5%; từ 1/1/2020 - dưới 0.5%), đó là quy định chung, tại các vùng đặc biệt ECA dưới 0.1%; PM (Các chất không tan trong không khí); HC (Khí HC khi chở dầu thô được kiểm soát thông qua VOC management plan); CO (Toxic gas); CO2 (Khí nhà kính).

     Mặc dù lượng KNK từ hoạt động vận tải biển chỉ khoảng 2% so với tổng lượng KNK toàn thế giới nhưng IMO đã họp với sự thống nhất của 170 quốc gia, tổ chức đưa gia mục tiêu đến năm 2050 giảm tối thiểu 1/2 lượng KNK từ hoạt động vận tải biển. Điều đó có nghĩa đến năm 2030 các tàu đóng mới sẽ không sử dụng năng lượng hóa thạch.

 

VOSCO họp sơ kết các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

 

     Như vậy, ngoài mục tiêu về giảm KNK thì Tổ chức hàng hải quốc tế(IMO) đưa ra các yêu cầu về việc giảm khí NOx, SOx với hoạt động vận tải biển. Trong đó yêu cầu từ 1/1/2020 tất cả các tàu hoạt động trên các tuyến quốc tế phải sử dụng dầu có hàm lượng lưu huỳnh dưới 0.5% hoặc phải sử dụng các biện pháp tương đương. Để đáp ứng yêu cầu của IMO, Công ty đã triển khai một số giải pháp sau: Tăng cường tình trạng hệ động lực giảm tiêu thụ nhiên liệu cũng là giảm khí thải; Mua dầu thỏa mãn các yêu cầu theo từng vùng và thời gian theo quy định; Cải thiện quá trình cháy như việc thay thế Slide fuel valve cho máy chính (Công ty đã tiến hành cho tàu Đại Nam và dự kiến thời gian tới cho tàu Vosco Unity); Tăng hiệu suất chân vịt (lắp đặt chân vịt phụ với tàu Vosco Sunrise), giảm sức cản vỏ tàu (sử dụng hệ sơn chống hà đặc biệt khi lên đà tàu Blue Star); Áp dụng các giải pháp tăng hiệu suất của hệ động lực như lựa chọn trim mũi lái hợp lý khi hành trình. Với các dự án mới đảm bảo động cơ thỏa mãn yêu cầu IMO, ưu tiên tiêu chí ngăn ngừa ô nhiễm môi trường.

PV: Bên cạnh đó, việc thực hiện các công ước quốc tế, trong đó có Công ước Quốc tế về kiểm soát hệ thống sơn chống hà độc hại trên tàu, có hiệu lực thi hành từ ngày 27/2/2016 đối với Việt Nam cũng có những quy định khá ngặt nghèo trong việc chọn loại sơn để sơn tàu. Vậy Công ty có giải pháp gì?

Ông Lâm Phúc Tú: Công ước quốc tế về kiểm soát hệ thống sơn chống hà đốc hại trên tàu áp dụng cho các tàu hoạt động tuyến quốc tế trong tải trên 400 GT từ 1/1/2003. Việt Nam tham gia đầy đủ các công ước quốc tế của IMO trong đó có phần kiểm soát hệ thống sơn chống hà độc hại trên tàu từ 27/2/2016. Các tàu của Công ty hoạt động quốc tế nên thực tế đã phải áp dụng từ 1/1/2003, do đó các giải pháp cụ thể: Tại các kỳ lên đà, Công ty chọn loại sơn chống hà của các hãng có uy tín và loại sơn được cấp chứng nhận tuân thủ theo quy định của công ước, được chấp nhận bởi các tổ chức đăng kiểm quốc tế và đăng kiểm Việt Nam. Đánh giá hiệu quả của sơn chống hà trong quá trình khai thác tàu; Lựa chọn sơn có khả năng chống hà bám cao nhằm giảm sức cản qua đó giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm ô nhiễm không khí

PV: Theo ông, những khó khăn mà ngành vận tải biển Việt Nam đang gặp phải là gì?  

Ông Lâm Phúc Tú: Do các năm 2010 trở về trước thị trường vận tải biển rất sôi động nên các Công ty đã đầu tư mua tàu với giá cao, tương ứng với hiệu quả khai thác tàu trong giai đoạn này. Sau năm 2010, giá cước đã trượt dốc do nguồn cung vượt cầu làm cho các dự án mua và khai thác tàu bị điêu đứng không chỉ đối với các Công ty trong nước mà kể cả các Công ty danh tiếng của nước ngoài cũng bị phá sản hoặc sát nhập.

     Do vậy hầu hết các Công ty vận tải biển Việt Nam chọn giải pháp an toàn là mua các tàu cũ sử dụng công nghệ cũ, tiêu thụ nhiên liệu nhiều, ô nhiễm môi trường cao. Muốn cải thiện được tình trạng này cần phải đầu tư công nghệ và các biện pháp như hoán cải vỏ tàu, trang bị chân vịt phụ, áp dụng bộ sơn duy trì vỏ tàu trơn nhẵn, nâng cấp hệ thống động lực đẩy tàu, tối ưu hóa sức cản vỏ tàu sẽ đòi hỏi chi phí không nhỏ và cũng là thách thức. Nếu như mua tàu mới đáp ứng đầy đủ yêu cầu của IMO cũng như tiết kiệm nhiên liệu, giảm đáng kể các nguồn làm ô nhiễm môi trường cần phải có nguồn vốn rất lớn nên các Công ty vận tải biển của Việt Nam thực sự không dám mạo hiểm để đầu tư.

     Với yêu cầu của IMO ngày càng khắt khe, đây cũng là thách thức lớn cho các Công ty vận tải biển Việt Nam có thể đáp ứng không chỉ về trang thiết bị của con tàu, hệ thống quản lý và đặc biệt là đội ngũ thuyền viên làm việc trên tàu.

 

Ứng dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả nhiên liệu, giảm phát khí thải được Công ty CP VTB Việt Nam (VOSCO) triển khai thời gian qua

 

PV: Trong quá trình triển khai hoạt động, ông có những đề xuất, kiến nghị gì với các cơ quan chức năng?

Ông Lâm Phúc Tú: Bộ Giao thông vận tải và các Bộ/ngành liên quan cần có sự nghiên cứu đánh giá đối với tương lai của ngành vận tải biển Việt Nam. Thông qua đó cần có định hướng đối với các doanh nghiệp vận tải biển phát triển phù hợp với xu hướng phát triển của Việt Nam cũng như hòa nhập với ngành hàng hải thế giới, để không bị tụt hậu hay phát triển quá nóng dẫn đến sự suy giảm như giai đoạn sau năm 2010.

PV: Xin cảm ơn ông.

Phạm Đình Tuyên (thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tăng trưởng xanh năm 2018)

 

Những ứng dụng tiết kiệm nhiên liệu của VOSCO

     Trong lĩnh vực công nghiệp vận tải biển, VOSCO đã có những phương pháp tiết kiệm nhiên liệu cho việc vận hành đội tàu, nâng cao hiệu suất, cụ thể như sau:

    Nhờ ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực tính toán, thiết kế và vật liệu mới, một số hãng tàu thủy đã cho ra đời những động cơ diesel hiện đại với hiệu suất có ích vượt trên 50%. Đối với các động cơ đã được lắp đặt trên tàu, các nhà chế tạo cũng đã đưa ra một số cải tiến về mặt chế tạo mang lại hiệu suất có ích tăng lên góp phần tiết kiệm được tiêu thụ nhiên liệu và lấy lại được vốn chi phí hoán cải và lắp đặt sau một đến hai năm chạy tàu. Hiện tại, VOSCO đang duy trì công tác bảo dưỡng, sửa chữa sao cho các thiết bị trở về trạng thái ban đầu để giữ cho mức tiêu thụ nhiên liệu không bị tăng và đã áp dụng việc hoán cải các vòi phun trong hệ thống nhiên liệu cho một số tàu của mình theo khuyến cáo của nhà chế tạo.

     Sử dụng năng lượng được chuyển đổi sao cho tiết kiệm và hiệu quả nhất là xu hướng phổ biến nhất, đó là việc tối ưu hóa hành trình của con tàu, sử dụng hợp lý và hiệu quả các thiết bị tiêu thụ năng lượng trên tàu, nâng cao hiệu suất đẩy tàu trong số đó việc giảm thiểu tối đa sức cản vỏ tàu, giảm mô men xoắn trục chân vịt là một trong những biện pháp mang lại hiệu quả nhất, làm giảm thiểu tiêu thụ nhiên liệu nhiều nhất, khả năng ứng dụng (tính khả thi) là thuận lợi nhất cũng như chi phí đi theo hướng này là thấp nhất.

    Có rất nhiều biện pháp làm giảm sức cản vỏ tàu và giảm mô men xoắn trục chân vịt hiện đang được áp dụng trên thế giới, sau đây là 03 biện pháp mà VOSCO đang triển khai cụ thể cho tàu Blue Star:

    Lắp chân vịt phụ cho tàu Blue Star và các tàu khác: Đây là biện pháp đã được áp dụng trong vòng 5 năm trở lại đây trên thế giới và cho thấy đã mang lại hiệu quả tích cực, tiết kiệm nhiên liệu từ 3-5%. Sau 10 tháng chạy tàu đã thu hồi được vốn và sau 5 năm với một tàu tiêu thụ trung bình 17 tấn dầu (FO)/ngày, một năm chạy 120 ngày sẽ tiết kiệm khoảng 2,9 tỷ đồng bao gồm cả việc trừ đi chi phí mua chân vịt phụ.

     Áp dụng bộ sơn 5 năm cho tàu Blue Star: Biện pháp này cũng được áp dụng từ lâu trên thế giới nhưng do kinh phí hạn hẹp nên chủ tàu Việt Nam ít áp dụng. Sau khi đánh giá phân tích và với sự hỗ trợ của hãng sơn International, VOSCO đã áp dụng bộ sơn 5 năm của hãng này với cam kết tiết kiệm nhiên liệu ít nhất 3%, theo đó sẽ tiết kiệm được khoảng 3,3 tỷ đồng bao gồm cả giá trị chênh lệch khi áp dụng bộ sơn này với mức tiêu thụ trung bình của tàu là 17 tấn dầu FO/ngày.

     Áp dụng phần mềm "Tối ưu hóa hiệu số mớn nước tàu biển", đây là phương pháp không phải trang bị, cung cấp thêm gì cho tàu ngoài việc cài đặt phần mềm lên máy tính của tàu, qua đó thuyền trưởng và các sỹ quan sẽ xử lý chênh lệch mớn nước của tàu sao cho sức cản vỏ tàu là nhỏ nhất tương ứng với tốc độ hiện tại của tàu và theo đó lượng nhiên liệu sẽ giảm đi ước tính khoảng 2% và với mức giảm lượng tiêu thụ như vậy sau 5 năm sẽ tiết kiệm được 2,1 tỷ đồng với mức tiêu thụ trung bình của tàu là 17 tấn dầu FO/ngày.

     Phương pháp áp dụng phần mềm được viết bởi Nhóm tư vấn do Phó Giáo sư Nguyễn Công Vịnh chủ trì với sự hỗ trợ của Dự án CIGG đã đem lại cơ hội triển khai cho doanh nghiệp vì các phần mềm của nước ngoài giá thành rất cao. Việc nghiên cứu và phát triển phần mềm này đã tạo điều kiện thuận lợi để triển khai cho đội tàu và VOSCO rất kỳ vọng vào việc mang lại hiệu quả của phương pháp này đối với Công ty nói riêng và các công ty vận tải biển của Việt Nam nói chung để đạt được mục tiêu giảm tối đa phát ra khí thải, góp phần thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cũng như mang lại hiệu quả kinh doanh cho các công ty tàu biển trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

      Như vậy, với việc áp dụng tổng hợp các biện pháp tiết kiệm nhiên liệu như trên dự kiến đối với tàu Blue Star, VOSCO sẽ tiết kiệm được khoảng 8,3 tỷ đồng, con số đối với một tàu là khiêm tốn trong vòng 5 năm nhưng nếu áp dụng cho khoảng 09 tàu còn lại sẽ là một con số đáng ghi nhận.

Ý kiến của bạn