Banner trang chủ

Công Ty Cp Supe Phốt Phát và hóa chất Lâm Thao: Tiếp tục đổi mới công nghệ, thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường

31/01/2018

Ông Văn Khắc Minh - Phó Tổng Giám đốc Công ty

   Hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Công ty Supe Phốt phát Lâm Thao) đặt mục tiêu trở thành trung tâm phân bón lớn của cả nước. Tuy nhiên, điều quan trọng mang tính sống còn đối với đơn vị là tăng cường gắn bó với người nông dân bằng việc xây dựng quy trình công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường. Nhân dịp Xuân Mậu Tuất - 2018, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Văn Khắc Minh - Phó Tổng Giám đốc Công ty về quá trình hình thành, phát triển của đơn vị trong những năm qua và hướng triển khai trong năm tới.

   Xin ông cho biết đôi nét quá trình 55 năm xây dựng và trưởng thành của Công ty?

   Ông Văn Khắc Minh: Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao được Liên Xô (cũ) giúp đỡ Việt Nam đầu tư xây dựng tại huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ từ năm 1959, bắt đầu đi vào sản xuất năm 1962. Sản phẩm chính là phân bón supe lân phục vụ cho nông nghiệp (100.000 tấn/năm), axít sunfuric (40.000 tấn/năm) phục vụ cho công nghiệp và quốc phòng. Sau 55 năm sản xuất và phát triển (1962 - 2017), Công ty đã nhiều lần đầu tư cải tạo chiều sâu, đổi mới để mở rộng công suất, hiện đại hóa công nghệ, tăng thêm chủng loại sản phẩm phân bón phục vụ cho nhu cầu nông nghiệp của cả nước. Hiện tại, Công ty đã sản xuất các sản phẩm: Axít H2SO4 công suất 280.000 tấn/năm; supe lân đơn (SSP) công suất 800.000 tấn/năm; phân lân nung chảy (FMP) công suất 300.000 tấn/năm; phân bón hỗn hợp N.P.K các loại công suất 750.000 tấn/năm. Trong hơn 55 năm qua, các sản phẩm phân bón Lâm Thao đã trở thành một thương hiệu mạnh bền vững, đồng thời cung cấp ra thị trường gần 30 triệu tấn phân bón các loại, góp phần làm nên những mùa vụ bội thu, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

   Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, Công ty đã tập trung đầu tư hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường, vệ sinh công nghiệp, xây dựng môi trường Xanh - Sạch - Đẹp… Vậy xin ông cho biết hiệu quả của hoạt động này như thế nào?

   Ông Văn Khắc Minh: Sau hơn 32 năm hoạt động sản xuất, năm 1993, Việt Nam mới bắt đầu có Luật BVMT, vì vậy, nhiều hạng mục trong dây chuyền xây dựng không đáp ứng tiêu chuẩn quy định về môi trường, đây là vấn đề tồn tại do lịch sử hoạt động của Công ty. Kể từ đó đến nay, Công ty đã chủ động rà soát tất cả các dây chuyền sản xuất, đánh giá thực trạng và liên tục cải tạo thiết bị công nghệ, đồng thời kết hợp thực hiện các đề tài khoa học nhằm giải quyết bài toán môi trường, cải thiện điều kiện lao động.

   Từ năm 1998, Công ty đầu tư cải tạo công nghệ dây chuyền axít 1, thay thế 6 lò cơ khí BXZ đốt quặng pyrít bằng 1 lò đốt lưu huỳnh sạch với công nghệ, thiết bị của Ba Lan. Đến năm 2003, Công ty tiếp tục đầu tư cải tạo dây chuyền sản xuất axít số 2 từ đốt quặng pyrít trong lò tầng sôi sang đốt lưu huỳnh sạch. Sau khi đầu tư hai dự án này đã chấm dứt hoàn toàn việc thải xỉ pyrit (Fe2O3), chất thải rắn công nghiệp ra bãi xỉ của Công ty.

   Trong hai năm 2006 - 2007, Công ty chuyển đổi công nghệ 2 dây chuyền axít 1, axít 2 từ công nghệ tiếp xúc đơn hấp thụ một lần sang tiếp xúc kép hấp thụ 2 lần với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng. Từ đó, khí thải có chứa SO2, SO3 của 2 dây chuyền luôn đạt Quy chuẩn môi trường theo quy định.

   Năm 2008, Công ty thực hiện Dự án cải tạo, xây dựng hệ thống cung cấp nước sản xuất và xử lý tuần hoàn nước thải 1.900 m3/h, với tổng kinh phí 47 tỷ đồng, đã xử lý và tuần hoàn quay trở lại sản xuất được 98,5% tổng lượng nước thải. Đồng thời, Công ty đã nghiên cứu và áp dụng vào thực tế sản xuất Đề tài khoa học kỹ thuật, chuyển đổi công nghệ sản xuất supe lân từ quặng apatít tuyển ẩm (18¸20% H2O) sấy khô sang công nghệ dùng trực tiếp 100% quặng tuyển ẩm không sấy tại dây chuyền supe số 2. Hàng năm, Công ty tiết kiệm được khoảng 5.000 tấn than/năm; tiết kiệm điện năng khoảng 2,4 triệu kwh/năm; giảm thiểu ô nhiễm môi trường về bụi do không phải vận hành bộ phận sấy nghiền; giảm lượng phát thải khí CO2.

   Tiếp tục các hoạt động đầu tư cho công tác BVMT, trong hai năm 2010 - 2012, Công ty đã nghiên cứu công nghệ và thực hiện Dự án đầu tư cải tạo dây truyền supe số 1 sang sản xuất supe đơn theo phương pháp nghiền ướt, thay thế cho công nghệ sấy khô với tổng mức đầu tư 59,2 tỷ đồng. Dự án sản xuất ổn định từ năm 2013 đến nay, tiết kiệm được 4.000 tấn than/năm, khoảng 2 triệu kwh/năm, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường về bụi và phát thải khí CO2.

   Đặc biệt, trong năm 2017, Công ty đã thực hiện thành công Đề tài khoa học cấp Tập đoàn Hóa chất Việt Nam về việc nghiên cứu áp dụng vào sản xuất giải pháp xử lý dung dịch H2SiF6 trong sản xuất supe lân đơn, giải quyết được vấn đề trăn trở hàng chục năm qua của các thế hệ lãnh đạo Công ty. Nhờ đó, Công ty đã tuần hoàn được 100% các nguồn nước thải sản xuất, sinh hoạt, không còn thải ra môi trường, góp phần quan trọng cho Công ty sản xuất kinh doanh ổn định và phát triển bền vững.

   Ngoài ra, Công ty còn áp dụng nhiều giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả như tận dụng hơi nhiệt thừa từ các dây chuyền sản xuất axít sunfuric để phát điện đạt công suất bình quân 2,5Mwh, góp phần giảm điện năng mua từ lưới điện quốc gia, giảm phát thải khí nhà kính quy đổi. Giải pháp về sử dụng các nguồn nguyên nhiên liệu tái tạo: Sử dụng đốt cám cưa (nguồn nhiên liệu sinh khối, sản phẩm phụ của ngành chế biến gỗ) thay cho việc đốt dầu FO (có nguồn gốc từ dầu mỏ) và thay cho đốt than (nhiên liệu hóa thạch), để lấy nhiệt sấy sản phẩm phân bón, mang lại hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính.

   Bên cạnh hiệu quả kinh tế, Công ty đã giải quyết được triệt để các tồn tại về môi trường (khí thải, bụi thải, chất thải rắn, nước thải) trong suốt nhiều năm. Mặt khác, Công ty đã tuân thủ đúng các yêu cầu của Luật BVMT và Quy chuẩn môi trường Việt Nam, góp phần củng cố hình ảnh thân thiện của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và phát triển bền vững.

Máy nghiền bi ướt, giải pháp xử lý môi trường được Công ty đưa vào sử dụng, giúp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải

   Với số lượng cán bộ, công nhân lớn, việc thực hiện chính sách đối với người lao động và nghĩa vụ đối với Nhà nước được Công ty triển khai như thế nào, thưa ông?

   Ông Văn Khắc Minh: Công ty hiện có 2.700 lao động với hơn 300 kỹ sư, cử nhân. Lực lượng lao động của Công ty đều đã được đào tạo chuyên môn tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, Công nhân kỹ thuật chuyên ngành và được bố trí công việc phù hợp. Các cán bộ quản lý được đào tạo, tôi luyện trưởng thành qua thực tế sản xuất, kinh doanh. Hàng năm, Công ty mời các giảng viên bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, an toàn lao động cho công nhân. Thường xuyên tổ chức tập huấn, diễn tập Hội thi chuyên đề để cập nhật và nâng cao kiến thức cho người lao động. Đối với chế độ chính sách, cũng như đầu tư các công trình phúc lợi văn hóa, thể thao phục vụ người lao động được quan tâm, tạo sự gắn bó và tâm huyết của nhiều thế hệ lao động với sự phát triển của Công ty.

   Nhân dịp năm mới 2018, xin ông cho biết một số kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đầu tư cho công tác BVMT của Công ty và những năm tới?

   Ông Văn Khắc Minh: Năm 2018, cũng là năm thứ 9 Công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần hóa (năm thứ 56 xây dựng và phát triển), năm thứ 2 thực hiện Nghị định số 108/2017/NĐ-CP của Chính Phủ về quản lý phân bón… Do đó, Công ty tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý sản xuất, kinh doanh, phát huy phong trào lao động sáng tạo, tiết kiệm để tạo ra sản phẩm phân bón phục vụ nông nghiệp có chất lượng cao, thân thiện, an toàn với nông sản. Đồng thời, Công ty triển khai áp dụng các cơ chế chính sách để giữ vững thị trường, cung cấp cho cây trồng hơn 1,1 triệu tấn phân bón các loại trong năm 2018. Về công tác BVMT, Công ty tiếp tục duy trì áp dụng có hiệu quả các giải pháp, đề tài năm 2017 và những năm trước; Tập trung triển khai đầu tư hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục cho các nguồn thải theo quy định của Luật BVMT.

   Trân trọng cảm ơn ông!

   Với những cống hiến to lớn cho đất nước và xã hội, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 3 lần danh hiệu đơn vị Anh hùng; Huân chương Hồ Chí Minh; 3 Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba; 8 Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; 15 lần được tặng cờ Thi đua luân lưu của Chính phủ…​

Phạm Đình (Thực hiện)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2018

Ý kiến của bạn