Banner trang chủ

Xuân Mậu Tuất: Khám phá về các loài chó hoang dã ở Việt Nam

02/03/2018

   Khám phá và tìm hiểu đời sống hoang dã của những loài sinh vật trong tự nhiên, để cảm nhận vẻ đẹp của chúng luôn là đề tài cuốn hút không chỉ với những nhà khoa học nghiên cứu trong lĩnh vực này mà còn đối với nhiều người yêu thiên nhiên. Mỗi loài sinh vật có một hình thái, đời sống và cách thức tìm kiếm thức ăn, đấu tranh sinh tồn khác nhau. Tuy nhiên, sự tồn tại, phát triển của muôn loài đều có sự cộng sinh và tương hỗ lẫn nhau trong chuỗi mắt xích sinh học.

   Trong số những loài thú hoang dã, họ Chó được các nhà khoa học quan tâm và con người yêu quý, bởi loài này thông minh, nhanh nhẹn, có khả năng đánh hơi, nhận biết mùi lạ tốt. Họ Chó là một họ lớn thuộc lớp thú, gồm nhiều giống và nhiều loài, phân bố ở khắp các châu lục. Ở Việt Nam, ít ai biết, vẫn còn tồn tại loài chó hoang dã. Theo các nhà khoa học, ở Việt Nam hiện chỉ còn 3 loài chó hoang dã thuộc 2 giống là chó và cáo. Trong giống chó có 2 loài là chó rừng, sói lửa; giống cáo chỉ có 1 loài là cáo lửa. Ba loài này đều là những nguồn gen quý hiếm, nằm trong Sách đỏ Việt Nam và cần được bảo tồn.

   Loài chó rừng rất hiếm gặp trong tự nhiên hoang dã, chúng sinh sống ở nhiều loại rừng khác nhau như rừng khộp, rừng bán thường xanh, rừng bị suy thoái… Thức ăn của chúng gồm thịt thú rừng (hoẵng, hươu, nai, lợn rừng…) và một số loài gia súc (bò, trâu, dê…). Loài chó rừng có cân nặng 5-9 kg; hình dáng giống chó nhà; màu lông xám hung, có đám màu xám đen phớt trắng ở lưng, sau bả vai. Má sáng, bốn chân chuyển sang hung đỏ. Tai vểnh cao, mõm nhọn. Đuôi xù, màu chuyển sang nâu đen ở phần cuối. Dài đuôi xấp xỉ 1/3 dài thân đầu.

Chó rừng được tìm thấy ở Vườn quốc gia Chư Yang Sin thuộc tỉnh Đắc Lắc

 

   Chó rừng sống thành đàn 4-8 con, săn mồi tập thể, vì vậy nhiều nơi còn gọi là “chó đàn”. Thời gian hoạt động chủ yếu vào sáng sớm và chiều tối, có lúc cả ban ngày và ban đêm. Có thể giao phối quanh năm, mang thai khoảng 2 tháng, đẻ mỗi lứa 4-5 con. Tuổi thọ trên 12 năm. Hiện nay, tình trạng các sinh cảnh rừng bị suy giảm nghiêm trọng, nguồn thức ăn bị giảm sút nhiều và việc săn bắt trộm phổ biến là nguy cơ đe dọa diệt vong loài này. Theo ghi nhận của các nhà khoa học, loài chó rừng Việt Nam phân bố ở các tỉnh: Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum…

   Loài sói đỏ hay có tên gọi khác là chó sói, phân bố ở Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Bắc Cạn, Quảng Trị, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng. Sói đỏ phân bố rộng ở các tỉnh miền núi từ Bắc xuống Nam, trừ các tỉnh đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long, hải đảo.

   Sói đỏ có hình dạng giống chó nhà, cân nặng lớn hơn loài chó rừng, khoảng 8-20 kg. Tai cao vểnh, đỉnh tai tương đối tròn, lông phía trong vành tai trắng. Chân cao khỏe, vuốt và giữa các ngón có lông dày. Bộ lông màu đỏ da bò, phần mõm và đuôi nâu đen, phần họng và bụng hơi sáng màu. Con đực và cái ít khác nhau về hình dáng và kích thước.

Chó sói đỏ

 

   Sói đỏ sống và hoạt động ở vùng rừng núi lớn, rừng đầu nguồn thường xanh, rừng khộp. Dạng rừng cây bụi có diện tích lớn như ở Phú Mỹ (tỉnh Bình Định) và Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) vẫn có sói đỏ xuất hiện. Thức ăn của sói đỏ gồm thịt động vật rừng (hươu, nai, lợn rừng…), đôi khi cả gia súc (trâu, bò, dê…). Sói đỏ sống thành từng đàn, thường từ 2-4 con. Lúc săn mồi có thể quy tụ đàn 6-8 con. Chúng phát hiện con mồi từ xa bằng khứu giác. Chúng luôn di chuyển trên diện tích rộng, không sống cố định lâu ngày trong một khu vực. Thời gian hoạt động tích cực là vào sáng sớm và chiều tối. Sói đỏ mang thai khoảng 63 ngày, mỗi năm đẻ 1-2 lứa, mỗi lứa từ 2-4 con. Trước năm 1975, sói đỏ có số lượng khá phong phú, tuy nhiên hiện nay bị giảm sút nghiêm trọng do nạn săn bắt và mất nơi sinh sống an toàn.

   Cáo lửa là loài thú cỡ trung bình, nặng 5-7 kg, có hình dáng giống chó nhà nhưng mõm nhọn hơn. Tai to vểnh cao, chân cao. Màu lông cáo lửa có nhiều biến dị theo cá thể và vùng địa lý, có thể đỏ, vàng - nâu hoặc phớt đen. Cáo lửa có bàn chân lớn, gan bàn chân phủ lông, dài duôi quá nửa dài thân, lông đuôi không xù.

   Cáo lửa có thể sống ở nhiều dạng sinh cảnh khác nhau như rừng, trảng cây bụi, đất canh tác nông nghiệp, gần các khu dân cư. Thức ăn của cáo lửa là các loài động vật nhỏ như chuột, thỏ, chim, côn trùng, giun. Ngoài ra, cáo lửa có thể ăn cả xác động vật và một số quả cây. Sống theo đôi, có thể giao phối quanh năm, mang thai khoảng 49-55 ngày. Cả bố và mẹ cùng chăm sóc con. Con non trong 3 tháng đầu sau khi sinh chỉ sống trong hang, sau 1 năm tuổi thì mới rời bố mẹ sống độc lập. Ở Việt Nam, cáo lửa phân bố hẹp, mới chỉ thu được mẫu ở Cao Bằng. Số lượng, vùng phân bố có thể bị giảm sút nghiêm trọng do rừng bị tàn phá và tình trạng săn bắn diễn ra trong nhiều năm.

Loài cáo lửa

 

   Hiện nay, các loài chó hoang dã bị khai thác, săn bắn nghiêm trọng, chúng đang gặp nguy hiểm và cần phải có chính sánh bảo vệ. Nếu không có chính sách hợp lý thì các loài này có thể gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân. Do vậy, cần tiến hành điều tra, xác định rõ vùng phân bố và tình trạng quần thể hiện nay của các loài chó hoang dã; nghiêm cấm săn bắn và bảo vệ, phát triển nguồn con mồi phong phú tại những nơi chúng cư trú; đồng thời có kế hoạch bảo vệ phù hợp và tổ chức nhân nuôi bán tự nhiênn

                        Phạm Thị Nhâm

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2018

Ý kiến của bạn