Banner trang chủ

Trải nghiệm vùng Miệt Thứ - U Minh

10/05/2016

   Từ TP. Rạch Giá (Kiên Giang), xe ô tô đưa chúng tôi đi về phía Nam gần 30 km, đến phà Tắc Cậu, qua rạch Xẻo Rô là đã đặt chân lên vùng Miệt Thứ. Miệt Thứ là tên chung chỉ vùng đất rộng lớn bao gồm các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng (Kiên Giang) đến huyện U Minh của Cà Mau. Sách Đại Nam nhất thống chí viết rằng “vùng này gọi là Thập Câu, tức mười con rạch”. Người xưa theo mốc thứ tự của các con rạch đặt tên cho địa bàn, lần lượt là Thứ Hai, Thứ Ba... tới Thứ Mười. Chữ Thứ gắn với chữ Miệt, giống như miệt đồng, miệt vườn trở thành “Miệt Thứ”.

   Ông Thái Thành Lượm, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Kiên Giang cho biết, xưa kia nói đến Miệt Thứ, người ta hình dung đến một nơi xa xôi, hoang vu không người ở. Cách đây nửa thế kỷ, đến sống ở vùng Miệt Thứ chủ yếu là những người trốn thuế thân, tá điền chống lại địa chủ, người trốn nợ. Nơi đây, kênh rạch chằng chịt, phía trên là rừng tràm, dưới là dừa nước và cỏ lác. Dưới ngòi bút của nhà văn Đoàn Giỏi trong “Đất rừng phương Nam”, Miệt Thứ có đa dạng các loài động vật hoang dã: Rắn, rùa, kỳ đà, heo rừng, ba ba, ong, tôm cá…

VQG U Minh Thượng - khu Ramsar thứ 8 của Việt Nam và thứ 2.228 của thế giới

   Từ khi đất nước thống nhất, cuộc sống Miệt Thứ phát triển nên có nhiều người qua lại làm ăn. Dân cư Miệt Thứ dần đông đúc. Tại mỗi ngã ba kênh rạch, dân cư tập trung để mua bán, trao đổi hàng hóa. Đặc biệt, nơi ấp Xẻo Nhàu trước kia được miêu tả là chốn hoang vu, thì ngày nay đã tấp nập ghe tàu đánh cá neo đậu, những ngôi nhà khang trang mọc lên.

   Nằm giữa vùng Miệt Thứ là Vườn quốc gia (VQG) U Minh Thượng. Chúng tôi tham quan khu căn cứ địa cách mạng xưa, nơi người dân từng chở che, đùm bọc các vị lãnh đạo như Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh… Ông Lê Hoàng Hưởng, Giám đốc VQG U Minh Thượng cho hay, trong hệ sinh thái rừng úng phèn của đồng bằng sông Cửu Long thì chỉ còn duy nhất hệ thực vật rừng của vùng lõi thuộc VQG U Minh Thượng có những đặc điểm của rừng cực đỉnh nguyên sinh. Đó là các ưu hợp rừng tràm hỗn giao và rừng tràm trên đất than bùn. Tại khu vực VQG U Minh Thượng, hiện nay đã điều tra được 250 loài thực vật, trong đó có 243 loài được định danh, 8 loài rất hiếm và 71 loài hiếm có.

   VQG U Minh Thượng đang trở thành địa điểm thu hút nhiều khách du lịch, mỗi năm đón khoảng 5 vạn lượt khách tham quan. Nhiều hoạt động, tuyến tham quan đang được mở để phục vụ du khách: Câu cá giải trí, tham quan vườn chim, vườn dơi. Theo ông Lê Hoàng Hưởng, vùng lõi VQG có diện tích hơn 8.000 ha, trong đó có khoảng 500 ha là mặt nước trống để câu cá giải trí. Ngoài thời gian đóng cửa 3 tháng vào mùa khô để phòng cháy rừng thì dịch vụ câu cá phục vụ quanh năm. Khách đến nhiều nhất là từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Vũng Tàu, Đồng Nai, Cần Thơ…

   Ban quản lý VQG dùng xuồng gắn máy chở chúng tôi theo con kênh đi sâu vào những khu vực cây tràm đang tái sinh. Dưới tán rừng bắt gặp bầy khỉ trèo lên cây cao nhìn sang hướng vỏ máy. Ông Hưởng cho biết, kết quả khảo sát cho thấy, ở VQG U Minh Thượng hiện có 4 đàn khỉ, sống trong các khu rừng tràm và thường di chuyển đến các dòng kênh trong Vườn. Đến khu vực của các loài chim, những chú chim đồng loạt vỗ cánh bay khi chúng tôi đến gần để quay phim, chụp ảnh. Những cánh chim tung bay giữa bầu trời bao la trên nền xanh bạt ngàn cây lá của khu rừng nguyên sinh thơ mộng, hữu tình. Rời sân chim, chúng tôi đến Máng Dơi. Được biết, tại đây đã thống kê được 7 loài dơi, trong đó có loài dơi ngựa Thái Lan đã được đưa vào Sách đỏ Thế giới. Kết quả các công trình nghiên cứu đã phát hiện có 186 loài chim tại VQG U Minh Thượng, trong đó có nhiều loài quý hiếm cần được bảo vệ. Các nhà khoa học cũng đã xác định gần 500 loài động vật tại đây, trong đó có một số loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới như rái cá lông mũi, mèo cá dơi ngựa lớn, sóc lửa, sóc đuôi ngựa… Năm 2013, VQG U Minh Thượng được nhận chứng chỉ danh hiệu Vườn di sản ASEAN và ngày 22/2/2016, được công nhận là khu Ramsar thứ 8 của Việt Nam và thứ 2.228 của thế giới.

                Minh Khôi - N. Hiền

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2016)

Ý kiến của bạn