Banner trang chủ

Trồng 800 nghìn cây xanh tại Vĩnh Phúc, hưởng ứng Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ

07/02/2017

     Ngày 6/2/2017, tại TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Lễ hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” với mục tiêu trồng 800 nghìn cây xanh. Tham dự buổi Lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTW MTTQ) Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan cùng đại diện lãnh đạo 15 tỉnh, TP và đông đảo người dân.

     Phát biểu buổi Lễ, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động ngày Tết trồng cây với mong muốn đất nước sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn. Trên tinh thần đó, ngày 11/1/1960, tại Công viên Thống nhất, hàng nhìn nhân dân Thủ đô và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức Tết trồng cây đầu tiên. Ngày 14/4/1964, trong thư gửi Đại hội Hợp tác xã và Đội sản xuất nông nghiệp tiên tiến miền núi và trung du, Bác Hồ viết: “Nếu rừng kiệt, không còn gỗ và mất nguồn nước thì ruộng nương mất màu, gây ra lũ lụt, hạn hán. Vì vậy, đồng bào miền núi và trung du cũng như đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế phải bảo vệ rừng như bảo vệ nhà của mình”. Ngày 31/1/1965, Hà Nội tổ chức Tết trồng cây đồng loạt trên tuyến quốc lộ số 3, Bác Hồ cũng đã tham dự. Xuân 1969, tuy sức khỏe đã yếu nhưng Bác vẫn tham dự kỷ niệm 10 năm Tết trồng cây, tổ chức tại xã Vật Lạy, Ba Vì, Hà Nội và dịp đó Bác đã trồng 1 cây đa.

 

Các đại biểu tham gia trồng cây (Ảnh:Thành Trung)

 

     “Tết trồng cây đã trở thành phong trào, tập quán tốt đẹp của nhân dân ta trong những ngày vui Tết, đón Xuân, góp phần tích cực vào công tác BVMT, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao đời sống của nhân dân” - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

     Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, trồng rừng, trồng cây thì phải 5 năm, 10 năm mới có được lợi ích, nhưng phá rừng, chặt cây thì ngay ngày mai có hậu quả xã hội. Chúng ta trồng rừng, trồng cây chính là tăng khả năng tự làm sạch không khí, thêm nguyên liệu gỗ cho ngành gỗ phát triển, giảm xói mòn của đất, giảm mất chất màu của đất, giảm việc mất khả năng giữ nước trên rừng, giảm khả năng gây ra lũ lụt… Vì vậy, Tết trồng cây cần được duy trì thực hiện ở khắp nơi và lặp lại mỗi năm mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

 

Nhật Minh

Ý kiến của bạn