Banner trang chủ

Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái Ðảo Cò Chi Lăng Nam

07/12/2017

   Đảo Cò Chi Lăng Nam thuộc xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, có diện tích 31,67 ha, với khoảng 16.000 con cò và 6.000 con vạc sinh sống. Trong đó, có 9 loại cò: Trắng, lửa, bợ, duồi, đen, hương, nghênh, ngang, diệc và các loài vạc lưng xanh, xám, sao. Nằm giữa lòng hồ An Dương mênh mông sóng nước và nhiều đền, chùa, miếu mạo trong vùng, Đảo Cò giàu tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái (DLST).

Du khách tham quan Đảo Cò

   Để phát triển DLST Đảo Cò, năm 2012, UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định số 2552/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng mô hình điểm Phát triển du lịch cộng đồng ở Đảo Cò Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện đến năm 2020. Trong đó, định hướng cơ bản của Đề án tập trung vào phát triển xây dựng mô hình DLST tại Đảo Cò và phát triển các điểm du lịch bổ trợ. Hệ thống cơ sở vật chất du lịch tại Đảo Cò được xây dựng tương đối đồng bộ, có chất lượng như: Các homestay, sân sinh hoạt cộng đồng để tổ chức các hoạt động văn nghệ, vui chơi giải trí thể thao, phương tiện vận chuyển khách du lịch và các dịch vụ khác để tạo điều kiện cho khách vừa tham quan, tham gia vào các hoạt động của nhà nông và sinh hoạt cộng đồng. Tổng kinh phí dự kiến đầu tư thực hiện Đề án là hơn 15 tỷ đồng.

   Theo Đề án, mô hình du lịch cộng đồng ở Đảo Cò được chia thành 2 phân khu riêng và có quan hệ tương tác với nhau. Khu vực Đảo Cò dành cho khách tham quan gồm 2 hồ An Dương, Triều Dương và các công trình: Trung tâm quản lý, nhà trưng bày, bãi đỗ xe, khu du lịch (KDL)… Các hoạt động du lịch chủ yếu phục vụ du khách: Giới thiệu về khu bảo tồn đa dạng sinh học, các loài chim ở phòng trưng bày, tham quan, quan sát đời sống sinh hoạt của chim; tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí trên mặt nước như (câu cá, chèo thuyền bằng tay). Bên cạnh đó, xây dựng thêm các tuyến du lịch cộng đồng tại xã Chi Lăng Nam, gồm: Nhà dân - Đảo Cò - chùa An Dương - đền mẫu Triều Dương - chợ Giao - làng nghề bánh đa Hội Yên, chùa, miếu Triều Trang; tuyến kết nối du lịch Đảo Cò với các điểm của huyện Ninh Giang gồm: Đền Khúc Thừa Dụ - múa rối nước Hồng Phong, đình Bồ Dương - đền Tranh.

   Năm 2014 đánh dấu mốc lịch sử quan trọng cho sự phát triển du lịch nơi đây đó là việc Đảo Cò chính thức được công nhận là Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh của tỉnh Hải Dương. Theo đó, UBND huyện Thanh Miện đã thành lập 2 Ban quản lý (BQL): Dự án du lịch và bảo tồn sinh thái Đảo Cò do Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban, các phòng đơn vị liên quan làm ủy viên nhằm quản lý toàn bộ mọi hoạt động liên quan đến KDL; khu Di tích Quốc gia danh lam thắng cảnh Đảo Cò xã Chi Lăng Nam gồm lãnh đạo HĐND-UBND, MTTQ xã cùng các ban, ngành, đoàn thể trực tiếp quản lý các hoạt động xây dựng, khai thác trong khu. Đồng thời, đầu tư tôn tạo một số công trình tại khu vực Đảo Cò bao gồm Chùa Nam, Trung tâm giáo dục môi trường, khu vực sân chùa, cây đa, bến thuyền… Ngoài ra, UBND xã Chi Lăng Nam đã kiện toàn lại tổ chức, xây dựng quy chế hoạt động của tổ dịch vụ; bố trí lại nhà trưng bày và đảm bảo vệ sinh môi trường KDL Đảo Cò; triển khai việc ký cam kết với các hộ thôn An Dương về việc thực hiện quy chế quản lý KDL của UBND huyện…

   Nhờ những nỗ lực trên, khách du lịch đến Đảo Cò đã tăng từ 30.000 lượt năm 2011 lên 45.000 lượt năm 2015. Thị trường khách nội địa chủ yếu là khách trong tỉnh và các tỉnh Hưng Yên, Hà Nội, Hải Phòng… Giai đoạn 2012 - 2015, theo số liệu của BQL Đảo Cò, doanh thu từ các hoạt động thu vé tham quan, chèo thuyền, trông giữ xe đạt khoảng 400 triệu đồng/năm; doanh thu của các hộ kinh doanh ăn uống, lưu trú, bán hàng lưu niệm ước đạt trên 1 tỷ đồng. Mặc dù, số lượng khách cũng như doanh thu còn hạn chế nhưng đây là dấu hiệu khả quan để phát triển sản phẩm DLST.

Đảo Cò Chi Lăng Nam

   Tuy nhiên, Đảo Cò là KDL mới được khai thác với cảnh quan còn hoang sơ nên việc thu hút những nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, bộ máy quản lý KDL chưa hiệu quả; đội ngũ nhân viên khai thác làm dịch vụ du lịch thiếu về số lượng và yếu về kiến thức du lịch; công tác quy hoạch du lịch, quản lý còn hạn chế; chưa thực hiện kè giữ Đảo Cò nên đảo ngày càng bị xói lở, diện tích thu hẹp, cây trên đảo không phát triển trong khi số lượng cò vạc ngày càng đông…

   Tiềm năng DLST tại Đảo Cò rất lớn do có vị trí thuận lợi, điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng. Trong thời gian tới, để phát triển DLST tại Đảo Cò, chính quyền huyện Thanh Miện cần khai thác giá trị văn hóa, lịch sử nhằm xây dựng kịch bản cho các tour du lịch; đồng thời, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về ngành kinh tế du lịch trong các cấp, ngành và nhân dân. Bên cạnh đó, phát huy tính năng động, tích cực mở rộng tìm kiếm và kêu gọi xã hội hóa, đầu tư khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có, coi đây là mũi đột phá hiệu quả nhằm phát triển DLST Đảo Cò tương xứng với tiềm năng, lợi thế, tạo điểm nhấn và sức lan tỏa.

Phương Lê

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2017

Ý kiến của bạn