Banner trang chủ

Thúc đẩy tín dụng xanh vì sự phát triển bền vững đất nước

20/07/2016

   Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH). Tác động của BĐKH đe dọa tới tiến trình xóa đói giảm nghèo, thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước. Do đó, tăng trưởng xanh (TTX) chính là phương thức thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế theo định hướng sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, góp phần giảm nghèo và tạo động lực tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.

   Một trong những mắt xích quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX là hệ thống tài chính ngân hàng. Theo đó, hệ thống ngân hàng sẽ quyết định nguồn vốn đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các khu vực kinh tế hoạch định nhằm phát triển kinh tế bền vững. Vì thế, các chính sách tín dụng xanh là giải pháp quan trọng hướng nền kinh tế tới mục tiêu TTX.

Vốn tín dụng chính sách góp phần phủ xanh những cánh rừng 

   Hiệu quả từ Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

   Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là một trong những kênh tín dụng “xanh”, mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng nhằm xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Chương trình không nhằm mục tiêu kinh doanh mà giúp các hộ gia đình ở khu vực nông thôn vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình nước sạch và vệ sinh, bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc gia nhằm nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn.

   Theo NHCSXH, Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã hỗ trợ các hộ gia đình vay vốn với lãi suất ưu đãi để xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh. Mỗi hộ gia đình được vay tối đa 6 triệu đồng cho một công trình nước sạch hoặc một công trình vệ sinh, thời hạn vay 5 năm kể từ ngày giải ngân. Mức vay tối đa để một hộ thực hiện cùng lúc cả 2 công trình là 12 triệu đồng/hộ. Hiện tỷ lệ người dân ở nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh trong cả nước đạt trên 84%. Số hộ gia đình nông thôn có công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn là trên 63%. Sau hơn 10 năm thực hiện, NHCSXH đã triển khai tới 63/63 tỉnh, TP với tổng dư nợ trên 21.343 tỷ đồng với gần 2,4 triệu khách hàng còn dư nợ. Tính từ khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình đến nay đã có trên 8 triệu công trình nước sạch, vệ sinh được xây dựng và đưa vào sử dụng.

   Mặt khác, NHCSXH đang thực hiện cho vay theo Chương trình dự án phát triển lâm nghiệp giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới. Đây là một dự án cho vay trồng rừng thương mại đầu tiên tại Việt Nam, với 2 trọng tâm chính là: Phát triển trồng rừng sản xuất ở một số tỉnh miền Trung Việt Nam và bảo tồn thiên nhiên. Ngân hàng cho vay theo chương trình dự án phát triển lâm nghiệp được triển khai tại 6 tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thanh Hóa, Nghệ An. Tính đến hết tháng 4/2016, tổng dư nợ cho vay phát triển lâm nghiệp đạt hơn 516 tỷ đồng với gần 17 nghìn khách hàng còn dư nợ. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2016, doanh số cho vay của chương trình đạt gần 11 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt hơn 30 tỷ đồng với 242 lượt khách hàng vay vốn. Đến nay, nguồn vốn đã giúp phủ kín trên 70 nghìn ha rừng trồng sản xuất. Chương trình đã có những tác động lớn về mặt chính sách trong chiến lược phát triển rừng trồng quốc gia đến năm 2020 thông qua những chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, hộ gia đình vay vốn tín dụng trồng rừng với lãi suất ưu đãi, góp phần phát triển ngành lâm nghiệp của đất nước.

   Bên cạnh đó, Chương trình đã góp phần cải thiện đời sống kinh tế - xã hội của người dân, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, tạo nguồn thu nhập và phát triển kinh tế hộ gia đình. Đồng thời, Chương trình góp phần BVMT, tăng độ che phủ rừng thông qua hoạt động trồng rừng, cải thiện chất lượng đất và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động nông nghiệp và chống BĐKH. Như vậy có thể thấy, chính sách tín dụng “xanh” đang là điểm tựa vững chắc, vì sức khỏe của cộng đồng, góp phần bảo tồn thiên nhiên và phát triển sinh kế cho người dân hướng nền kinh tế tới mục tiêu TTX.

   Định hướng phát triển tín dụng xanh

   Tín dụng xanh đã và đang chứng minh là hướng đi tất yếu của ngành tài chính toàn cầu. Từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành hoạt động tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng gắn với hiệu quả và ưu tiên đầu tư vốn tín dụng vào các lĩnh vực, dự án hỗ trợ TTX. Nhận thức được tầm quan trọng của tín dụng xanh, Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng chỉ rõ, hoạt động cấp tín dụng của ngành ngân hàng cần chú trọng đến vấn đề BVMT, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững.

   Theo đó, các tổ chức tín dụng cần rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế tín dụng cho phù hợp với mục tiêu TTX; tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện TTX.

   Đồng thời, xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh nhằm khuyến khích hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội như nghiên cứu và phát triển sản phẩm tín dụng xanh, triển khai chương trình tín dụng có chính sách khuyến khích đối với các dự án, phương án sản xuất kinh doanh có mục tiêu TTX. Cải thiện chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng trưởng tín dụng xanh, quan tâm tài trợ các dự án, phương án sản xuất kinh doanh thực hiện TTX.

   Cùng với đó, tổ chức tín dụng cần tập trung ưu tiên cấp tín dụng xanh cho các ngành kinh tế thực hiện bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; sử dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sử dụng công nghệ, thiết bị thân thiện với môi trường, sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường. Chủ động nghiên cứu, xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng thông qua việc cải thiện các chính sách, nguồn lực, quy trình và thủ tục cấp tín dụng để tăng cường sự phối hợp trong công tác BVMT và quản lý tín dụng.

Nguyễn Thị Liên

Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2016

Ý kiến của bạn