Banner trang chủ

Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng và giá trị đa dạng sinh học Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh

05/12/2017

   Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Tây Côn Lĩnh nằm ở phía Bắc tỉnh Hà Giang, trên địa bàn các xã Cao Bồ, Phương Tiến, Xín Chải, Lao Chải, Thượng Sơn, Quảng Ngần (huyện Vị Xuyên); Phương Độ, Phương Thiện (TP. Hà Giang) và Túng Sán, Đản Ván, Thèn Chu Phìn (huyện Hoàng Su Phì), diện tích 20.580 ha, nổi tiếng với đỉnh Tây Côn Lĩnh, độ cao 2.428,5 m.

Cây râu hùm trên đỉnh Tây Côn Lĩnh có tác dụng chữa bệnh

   Đây là khu vực với nhiều núi cao, độ dốc lớn, địa hình chia cắt mạnh, hiểm trở, do vậy, KBTTN vẫn giữ được một khu rừng kín lá rộng, thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới, diện tích 6.247,76 ha, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Nơi đây có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao với 796 loài thực vật đã được ghi nhận, trong đó có 54 loài thực vật quý hiếm (chiếm 7% tổng số loài); 49 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam (chiếm khoảng 6,2% tổng số loài), gồm: 3 loài thuộc cấp rất nguy hiểm, 19 loài thuộc nhóm nguy cấp, 27 loài thuộc nhóm sẽ nguy cấp; 4 loài nằm trong Danh lục đỏ của IUCN (chiếm khoảng 0,41% tổng số loài), gồm: 3 loài thuộc cấp ít nguy cấp, 1 loài sẽ nguy cấp; 14 loài nằm trong Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (chiếm khoảng 1,76% tổng số loài); 5 loài nằm trong phụ lục II của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã bị đe dọa (CITES 2008) (chiếm khoảng 0,63% tổng số loài); 669 loài cây có ích, trong đó: Nhóm cây thuốc (390 loài), cho gỗ (91 loài), cây cảnh (35 loài), cho quả và hạt ăn được (54 loài), làm rau ăn (31 loài), tinh dầu (36 loài), dùng đan lát (12 loài), có độc (10 loài), làm thức ăn gia súc (6 loài), cho dầu béo (4 loài).

   Về động vật, có 213 loài được ghi nhận tại KBTTN, trong đó 36 loài quý hiếm; 14 loài thú nằm trong Danh lục đỏ IUCN; 24 loài trong Sách đỏ Việt Nam; 17 loài trong Nghị định số 32/2006/NĐ-CP và 15 loài ghi trong Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định tại các Phụ lục của CITES.

   Hiện nay, KBTTN Tây Côn Lĩnh và khu vực xung quanh chưa có địa điểm du lịch nào chính thức hoạt động nhưng quần thể chè San tuyết cổ thụ ở các thôn, bản của đồng bào dân tộc Hmông, Clao, Dao... thuộc xã Cao Bồ và đỉnh Tây Côn Lĩnh là địa điểm hấp dẫn, tiềm năng để khai thác, phát triển du lịch sinh thái nhân văn, du lịch khám phá mạo hiểm, đặc biệt vào mùa thu hoạch.

   Thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn hệ sinh thái KBTTN Tây Côn Lĩnh, thời gian qua, Ban quản lý (BQL) rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, quy định về phòng cháy chữa cháy rừng… Bên cạnh đó, tham mưu cho các phòng ban, cơ quan chức năng của huyện, xã kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp xâm phạm rừng, săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trái phép; chủ động phối hợp với lực lượng dân quân, bộ đội biên phòng, cộng đồng dân cư vùng đệm nhận khoán bảo vệ rừng tổ chức tuần tra rừng, vừa tăng thu nhập cho người dân, vừa nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, BQL cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức trong công tác quản lý, bảo vệ rừng do nguồn kinh phí đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cũng như quốc tế cho các hoạt động bảo tồn ĐDSH và nghiên cứu khoa học trong KBTTN Tây Côn Lĩnh còn hạn chế; Lực lượng cán bộ làm công tác quản lý, bảo vệ rừng còn thiếu...

   Để công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn ĐDSH đạt hiệu quả, trong thời gian tới, KBTTN Tây Côn Lĩnh sẽ tiến hành các chương trình điều tra, nghiên cứu, theo dõi, đánh giá tài nguyên rừng trong KBTTN, làm cơ sở xây dựng chương trình quản lý, bảo vệ, phát triển lâu dài; Tăng cường năng lực bảo tồn, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng, trang thiết bị và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ nhân viên của Hạt Kiểm lâm. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cũng như thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương trong công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, ĐDSH; Phát triển du lịch sinh thái, kết hợp với giáo dục môi trường... từng bước cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa, từ đó thay đổi lối sống, hành vi của cộng đồng về bảo tồn rừng và BVMT sinh thái.

                Đức Thái

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2017

Ý kiến của bạn