Banner trang chủ

Tình hình buôn bán động thực vật hoang dã qua thương mại điện tử tại Việt Nam

06/08/2018

     Ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, hơn một nửa dân số Việt Nam đang sử dụng internet chiếm 57,5% dân số. Đáng chú ý, 68% người sử dụng internet ở Việt Nam, tương đương 36.75 triệu người, đang sử dụng các mạng xã hội. Việc sử dụng internet và hoạt động thương mại điện tử quy mô lớn đã tạo điều kiện cho các hoạt động buôn bán động, thực vật hoang dã và sản phẩm động, thực vật hoang dã qua mạng.

     Trong thời gian qua, TRAFFIC - Mạng lưới giám sát buôn bán động thực vật hoang dã đã có nghiên cứu về “Thực trạng thương mại điện tử tại Việt Nam: Đánh giá tức thời về hành vi thương mại điện tử động thực vật hoang dã ở Việt Nam trong năm 2017”. Nghiên cứu đã khảo sát trên 13 địa chỉ website với tên miền kết thúc bằng .vn thông qua việc sử dụng từ khóa tìm kiếm sản phẩm động vật hoang dã như voi, báo đốm hoa, tê tê, tê giác, linh dương Saiga, rùa biển và hổ. Trên tổng số những website được khảo sát, chỉ có 30% trong số đó xuất hiện quảng cáo cho loài mục tiêu. Có tổng số 14 quảng cáo với kết quả tương tự xuất hiện 1,072 sản phẩm từ động thực vật hoang dã, 90% trong số những sản phẩm này được tìm thấy trong một quảng cáo từ tháng 3 đến tháng 10/2017. Trong số đó, chỉ có 6 trên tổng số những sản phẩm quảng cáo được làm từ ngà voi, các sản phẩm còn lại được làm từ hổ.

 

      Ngà voi là một trong những mặt hàng được rao bán nhiều trên mạng

 

     Kết quả này trái ngược với kết quả của những nghiên cứu trước đây về thực trạng thương mại điện tử động thực vật hoang dã tại Việt Nam bao gồm cả những trang web có tên miền kết thúc bằng đuôi .com, trong đó có cả những trang mạng xã hội với nhiều quảng cáo về sản phẩm động thực vật hoang dã hơn. Những trang web này nằm trong khảo sát năm 2017 của Tổ chức TRAFFIC đã tìm thấy 1,095 sản phẩm từ hổ được bày bán trên 187 quảng cáo từ 85 người bán hàng trực tuyến tại 4 trang mua sắm trực tuyến và 02 trang mạng xã hội trong khoảng thời gian 25 ngày tiến hành khảo sát. Phần lớn, những quảng cáo này (chiếm 95% trên tống số) được tìm thấy ngay trên một trang mạng xã hội duy nhất. Website mua sắm trực tuyến tương tự cũng chiếm 89% tổng số sản phẩm từ động vật hoang dã (ngoại trừ những sản phẩm được tính bằng khối lượng).

     Tất cả các loài thuộc phạm vi của nghiên cứu này được liệt kê trong Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Như vậy, việc buôn bán các loài này bị hạn chế hoặc bị cấm theo Nghị định số 82/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Việc buôn bán các loài được liệt kê trong Nghị định số 32/2006/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm cũng bị cấm hoặc hạn chế. Việc buôn bán bất hợp pháp các loài trong Phụ lục I hoặc II của CITES và/hoặc các loài được liệt kê trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP sẽ bị xử lý hình sự theo Luật Hình sự số 37/2009/QH12 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi Bộ luật Hình sự. Theo đó, voi Châu Á, hổ, 2 loài tê tê (Manis javanica, M. pentadactyla), tê giác Java, 4 loài rùa biển (Eretmochelys imbricata, Lepidochelys olivacea, Caretta caretta, Chelonia mydas) và báo bị cấm khai thác thương mại dưới mọi hình thức theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP và Nghị định số 32/2006/NĐ-CP.

     Luật Thương mại điện tử Việt Nam được quy định bởi Bộ luật số 51/2005/QH11 về những giao dịch điện tử và Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về hoạt động thương mại điện tử, trong đó nghiêm cấm mọi hành vi thương mại điện tử cho một số danh mục hàng hóa, bao gồm những sản phẩm từ động thực vật hoang dã nếu như được phát hiện. Những đối tượng vi phạm này sẽ bị xét xử cùng mức như những đối tượng buôn bán động thực vật hoang dã trực tiếp. Tuy nhiên, việc xác định nghi phạm và thu thập bằng chứng về buôn bán động thực vật hoang dã qua mạng bất hợp pháp vẫn là một thách thức đối với việc thực thi pháp luật. Rất ít vụ bắt giữ tội phạm buôn bán động thực vật hoang dã qua mạng được thực hiện.

     Với những phát hiện từ nghiên cứu này, TRAFFIC đưa ra các khuyến nghị: Chính phủ Việt Nam nên tìm hiểu và áp dụng những khung chương trình hiện hành nhằm đưa ra những biện pháp xử lí vi phạm hiệu quả cho những kênh thương mại điện tử. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam có thể thành lập Nhóm chuyên gia giám sát hành vi thương mại điện tử động thực vật hoang dã. Nghiên cứu còn đề ra giải pháp yêu cầu những đơn vị thực thi pháp luật và cộng đồng báo cáo về tội phạm buôn bán động thực vật hoang dã trái phép. Hoạt động này có thể tiến hành thông qua việc sử dụng ứng dụng điện thoại Giám sát động thực vật hoang dã, Mẫu báo cáo về thương mại điện tử của Phòng Công an Môi trường Việt Na, hoặc thông qua đường dây nóng của Tổ chức Giáo dục Thiên Nhiên Việt nam (18001522).

 

Kim Dung

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2018)

 

Ý kiến của bạn