Banner trang chủ

Tìm giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học khu Ramsar Tràm Chim

24/07/2018

     Ngày 19/7/2018, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tổ chức Hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) khu Ramsar Tràm Chim, nhằm đánh giá tình hình bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) thời gian qua và đưa ra giải pháp bảo tồn hiệu quả trong thời gian tới của VQG Tràm Chim. Tham dự Hội thảo có đại diện các nhà nghiên cứu, nhà khoa học của Tổ chức IUCN, Trường Đại học Cần Thơ, Khu Ramsar Láng Sen, VQG Tràm Chim và các Sở, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh.

     Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Minh Hải - Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế VQG Tràm Chim cho biết, trong thời gian qua, VQG Tràm Chim đã phục hồi bãi năng kim và hoa hoàng đầu ấn được 190 ha, phục hồi 2 ha hoa nhĩ cán tím, phục hồi lại cây bản địa, cải tạo bãi ăn cho chim và tạo điểm cho chim về sinh sản tại khu A2. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu giám sát thủy sản còn phát hiện thêm 36 loài/166 loài thủy sản và thả thêm con giống thủy sản vào tự nhiên hơn 10 cá thể (cá Ét Mọi, cá Hô, cá Dày); Phát hiện thêm 71 loài thực vật trong vườn…          

 

Khu Ramsar Tràm Chim (Ảnh minh hoạ: IE)

 

     Đề cập đến việc ĐDSH và những thay đổi trong thời gian qua của VQG Tràm Chim, ông Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, nguyên nhân chính là sự thay đổi hệ sinh thái, khai thác quá mức, ô nhiễm, dịch bệnh, loài ngoại lai và biến đổi khí hậu. Vì vậy, để bảo tồn ĐDSH, trước mắt cần ưu tiên phát triển đồng cỏ rồi đến rừng tràm, không nên giữ mực nước cao và lâu. Vấn đề phục hồi đàn sếu tự nhiên về sinh sống nơi đây là rất thấp, nên hiện nay chỉ có khả năng phục hồi nuôi nhốt là khả thi và nếu thực hiện mô hình nuôi nhốt phải mất từ 5-10 năm. 

     Tiến sĩ Lê Phát Quới, Trung Tâm Khoa học môi trường và Sinh thái TP. Hồ Chí Minh cho hay, ở VQG Tràm Chim hiện nay, chế độ nước sẽ dẫn đến những thay đổi đặc tính của đất và thành phần các quần xã thực vật, sau đó là môi trường sống của các loài chim nước. Từ đó, ông đề ra giải pháp cải thiện môi trường đất ở khu A1 giúp phục hồi - mở rộng diện tích đồng cỏ Năng Kim, lúa ma, các quần xã thực vật và rừng tràm sẽ thu hút quần thể chim sếu và gia tăng số lượng các loài chim khác. Ông Quới đề nghị để mực nước hợp lý, tạo điều kiện cho đồng cỏ năng phát triển và tạo củ làm bãi ăn cho chim sếu, phải phát triển rừng tràm ở khu A1, A2 làm nơi trú ngụ và sinh sản cho các loài chim nước, đồng thời tạo cho các đoạn kênh nối với nhau để có lượng nước ngọt đồng đều, tránh phèn… 

     Theo ông Nguyễn Hoàng Minh Hải, cần điều chỉnh, bổ sung nhóm cố vấn bảo tồn đất ngập nước ở VQG Tràm Chim; cho phép người dân sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên để cải thiện cuộc sống trong mùa lũ; tiếp tục điều chỉnh, bổ sung quy chế quản lý hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù cho VQG Tràm Chim là quản lý nước từng khu; được đốt cỏ chủ động; kiểm soát cây tràm tái; phục hồi 450 ha lúa ma tạo nguồn gen và thu hoạch phục vụ du lịch; phục hồi 90 ha bãi năng kim làm thức ăn cho sếu đầu đỏ…

 

Châu Long

Ý kiến của bạn