Banner trang chủ

Quản lý các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính ở Việt Nam

06/02/2017

   Việt Nam là một trong những quốc gia phải chịu những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt là nước biển dâng. Nhằm ứng phó với BĐKH, tiến tới xây dựng nền kinh tế các bon thấp, Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC), góp phần bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất và giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 2°C vào cuối thế kỷ 21 như cam kết trong Thỏa thuận Pari về BĐKH tại COP 21.

   Sau khi Thỏa thuận Pari được thông qua, việc cắt giảm phát thải KNK trở thành hoạt động có tính cấp bách tại các quốc gia. Bên cạnh việc khuyến khích các quốc gia xây dựng và triển khai các hành động giảm nhẹ phát thải KNK, một trong những yêu cầu quan trọng mà các quốc gia cần đáp ứng khi công bố các báo cáo, cam kết giảm nhẹ là tính minh bạch của các hành động này, cụ thể là cần thể hiện rõ các thông tin và số liệu được công bố trong báo cáo quốc gia của mỗi nước về các nỗ lực giảm nhẹ phát thải KNK, có khả năng đo lường, báo cáo và thẩm tra (MRV).

   Hệ thống MRV

   Do các nỗ lực giảm nhẹ phát thải KNK quốc gia đều là những nội dung cần có trong nhiều loại báo cáo quốc gia khác nhau nên theo UNFCCC, hoạt động đo đạc được đề cập tới từ trước tới nay chủ yếu về thực hiện kiểm kê KNK quốc gia để báo cáo trong Thông báo quốc gia và các Báo cáo cập nhật hai năm 1 lần đệ trình cho UNFCCC. Tại các Hội nghị các bên liên quan tại Cancun và Durban, đã quyết định “tăng cường” kiểm kê quốc gia KNK đối với các nước đang phát triển với chu kỳ tối thiểu 4 năm 1 lần. Ngoài ra, sẽ cần thêm báo cáo về hiệu quả và tiến độ xây dựng, thực hiện các hành động giảm nhẹ biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA) cụ thể của mỗi quốc gia.

Đề xuất sơ đồ tổ chức của hệ thống MRV quốc gia

   Cũng theo UNFCCC, có hai loại báo cáo được quy định: Thông báo quốc gia và Báo cáo cập nhật hai năm 1 lần (BUR). Các nội dung cần báo cáo đã được đề xuất trong Thỏa thuận Cancun và hoàn thiện ở Durban. Các quốc gia không thuộc Phụ lục I, hoặc các nước đang phát triển, được yêu cầu phải báo cáo hoạt động giảm nhẹ BĐKH trong Thông báo quốc gia và phải được nộp Báo cáo này bốn năm một lần. Bên cạnh các thông tin về kiểm kê quốc gia KNK, báo cáo này cần bao gồm các nội dung về: các hành động giảm thiểu KNK và tác động của chúng, các hỗ trợ nhận được. BUR là báo cáo cung cấp các thông tin cập nhật như đã nêu trong Thông báo quốc gia và bao gồm thông tin về các hành động giảm thiểu KNK, các nhu cầu và hỗ trợ nhận được. Mỗi quốc gia có thể tự nguyện báo cáo các NAMA của mình nhưng không bắt buộc.

   Mặt khác, việc tư vấn và phân tích quốc tế (ICA) cho báo cáo BUR là cơ chế thẩm định các hành động giảm nhẹ KNK, các kết quả và tài trợ nhận được. Điều được nhấn mạnh là quá trình ICA cần “không gây phiền nhiễu, không có tính trừng phạt và tôn trọng chủ quyền quốc gia”. Mục đích của ICA là làm tăng tính minh bạch của các hành động giảm nhẹ cũng như các tác động của chúng. Đợt tư vấn và phân tích ICA đầu tiên sẽ được thực hiện trong vòng 6 tháng sau khi quốc gia đệ trình báo cáo BUR. Mặc dù các phương thức và hướng dẫn về ICA đã được thông qua, thành phần chuyên gia và quy trình thực hiện sẽ được quyết định tùy theo trường hợp cụ thể.

   Bên cạnh việc làm rõ MRV đối với các NAMA, quyết định được thông qua tại COP17 (Durban, Nam Phi) đã đưa vào vận hành hệ thống đăng ký NAMA để làm cơ sở cho quá trình hỗ trợ tài chính, phát triển năng lực và công nghệ cho các NAMA đang cần tìm tài trợ quốc tế. Mặc dù, không yêu cầu nhưng các bên được mời đệ trình cho Ban thư ký “các chỉ thị khác để thực hiện” các NAMA cần nhận tài trợ quốc tế, ví dụ như: các đồng lợi ích cho phát triển bền vững.

   Như vậy, hệ thống MRV được thiết lập mới sẽ tăng tính minh bạch trong các báo cáo cho cộng đồng quốc tế và phù hợp với các hướng dẫn của Công ước BĐKH.

   Đề xuất hệ thống MRV cho Việt Nam

   Ở quy mô quốc tế, khung MRV cho các quốc gia không thuộc Phụ lục 1 bao gồm: Hướng dẫn lập báo cáo trong các Thông báo quốc gia và BUR; Hướng dẫn thiết lập hệ thống khung MRV trong nước; Quá trình xem xét, đánh giá các thông tin trong các BUR được đệ trình bởi các quốc gia không thuộc Phụ lục 1 thông qua ICA; Đối với các quốc gia không thuộc Phụ lục 1 tự nguyện thực hiện các hành động REDD+ và muốn có cơ hội được chi trả theo kết quả thì áp dụng hướng dẫn quốc tế về MRV cho các hành động REDD+.

Trồng rừng và tái tạo rừng giúp TP. Hồ Chí Minh giảm nhẹ phát thải KNK, thích ứng BĐKH

   Ở quy mô quốc gia, các Bên tham gia sẽ áp dụng các hướng dẫn quốc tế về khung MRV trong nước và soạn thảo, báo cáo các thông tin theo hướng dẫn về báo cáo thông qua các Thông báo quốc gia và BUR, bao gồm thông tin về phát thải/hấp thụ KNK, các hành động giảm nhẹ và hiệu quả của chúng, các hỗ trợ cần thiết, hỗ trợ nhận được.

   Hệ thống MRV của Việt Nam cần được tổ chức gắn liền với cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp và sẽ là một hệ thống kiểm soát, theo dõi, giám sát thông tin, số liệu được cung cấp hoặc theo dõi trong một quá trình hoạt động cụ thể của đối tượng được quản lý. Các thông tin, số liệu quản lý trong hệ thống MRV cần gắn liền với quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan quản lý.

   Trên cơ sở hướng dẫn của UNFCCC, đề xuất hệ thống MRV quốc gia của Việt Nam sẽ gồm hai cấp:

   Cấp quốc gia: có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu MRV đối với các báo cáo quốc tế như: các nội dung liên quan đo đạc và báo cáo liên quan tới kiểm kê quốc gia KNK và các nỗ lực giảm nhẹ BĐKH trong nước trong các Thông báo quốc gia và BUR, và tham gia ICA đối với các báo cáo BUR.

   Cấp Bộ, ngành: có trách nhiệm xây dựng các khung MRV nội địa dựa trên các hướng dẫn về MRV cho các NAMA do quốc gia tự tài trợ, quản lý thông tin về các nỗ lực giảm nhẹ khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA) và các tác động của chúng trong lĩnh vực phụ trách của Bộ, ngành và cung cấp thông tin cần thiết cho cấp quốc gia.

   Như vậy, hệ thống MRV cấp quốc gia sẽ đặt tại cơ quan đầu mối quốc gia về BĐKH nhằm đảm nhiệm các nội dung liên quan trực tiếp về các báo cáo cho quốc tế. Các Bộ, ngành tùy theo quy mô và mức độ các hành động giảm nhẹ phát thải KNK trong lĩnh vực của mình mà xây dựng các bộ phận phụ trách về MRV, đồng thời điều hành các hoạt động giảm nhẹ KNK và cung cấp thông tin báo cáo cho cấp quốc gia.

Nguyễn Lanh, Nguyễn Thị Thu Hà, Lưu Lê Hường

Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2016

Ý kiến của bạn