Banner trang chủ

Phát triển du lịch bền vững ở Núi Cấm, An Giang

26/12/2016

   Núi Cấm còn có tên là Thiên Cấm Sơn, được ví là Thiên Cẩm Sơn (núi đẹp như gấm lụa), một ngọn núi cao và hùng vĩ nhất của vùng Thất Sơn, nằm trong khu tam giác Tịnh Biên - Nhà Bàng - Tri Tôn, thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang. Nơi đây phong cảnh hữu tình như một bức tranh sơn thủy làm xao xuyến tâm hồn du khách trong nước và quốc tế mỗi dịp ghé thăm. Gần đây, môi trường cảnh quan, hệ thống cơ sở hạ tầng núi Cấm được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện cho du lịch phát triển, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia.

Toàn cảnh Khu du lịch Lâm Viên - Núi Cấm

   Hoàn thiện sản phẩm du lịch đặc thù

   Hoạt động du lịch ở núi Cấm đã đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế địa phương, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thời gian qua. Các hộ gia đình sống dưới chân núi và các tuyến đường lên núi đã tham gia vào các hoạt động phục vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển, bán quà lưu niệm... cho du khách. Sự phát triển của các sản phẩm du lịch đã có tác động thu hút khách du lịch đến với An Giang ngày càng tăng. Trong đó nổi bật là sự kiện khánh thành hệ thống cáp treo dài 3.461m với 89 ca bin đôi, công suất phục vụ 2.000 lượt khách/giờ, góp phần tạo nên sức bật cho hoạt động du lịch ở núi Cấm…

   Tuy nhiên, du lịch ở núi Cấm vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình phát triển. Nguồn lực tham gia vào hoạt động du lịch hạn chế về số lượng lẫn chất lượng. Nhận thức của người dân về quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia hoạt động du lịch chưa có chuyển biến sâu sắc. Sự trải nghiệm, khám phá văn hóa của du khách vẫn mờ nhạt. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch chưa hoàn thiện và chưa đáp ứng tốt nhu cầu của du khách. Bên cạnh đó, du lịch núi Cấm còn mang tính mùa vụ cao, mùa cao điểm chỉ diễn ra từ Tết dương lịch đến mùa Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (tháng 4 âm lịch). Khu du lịch núi Cấm nằm xen lẫn khu dân cư nên đã phát sinh nhiều bất cập trong quản lý, khai thác du lịch...

   Vì vậy, để phát triển du lịch ở núi Cấm, ngành Du lịch An Giang, chính quyền địa phương, các công ty du lịch và cộng đồng địa phương cần thực hiện những giải pháp phù hợp: Hướng ưu tiên quan trọng trong quy hoạch, kinh doanh và khai thác du lịch của núi Cấm là hành hương và lễ Phật. Sản phẩm du lịch tâm linh ở núi Cấm mang lại cho du khách những trải nghiệm sâu sắc về các triết lý của Phật giáo. Những yếu tố hấp dẫn của hệ thống di sản văn hóa Phật giáo nơi đây là nguồn tài nguyên để thiết kế những sản phẩm du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách. Thông qua đó, du khách được tham gia, tham quan, tìm hiểu, chiêm bái, thưởng thức, trải nghiệm không gian nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, kết cấu bày trí trong không gian văn hóa của các ngôi chùa Phật giáo.

   Công tác quảng bá, xúc tiến tiềm năng du lịch của núi Cấm nên hướng vào việc đa dạng hóa các kênh thông tin, khai thác lợi thế của hệ thống thông tin đại chúng nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch thông qua công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang web du lịch… Đẩy mạnh công tác truyền thông qua internet nhằm rút ngắn khoảng cách địa lý, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí…

   Tăng cường hoạt động nghiên cứu tâm lý, thị hiếu, sở thích của du khách đối với các loại hình du lịch đặc trưng của núi Cấm. Qua đó, xác định được phân khúc thị trường của loại hình du lịch tâm linh nhằm hoàn thiện các sản phẩm du lịch, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần thu hút đông đảo du khách. Cần có chính sách kích cầu vào mùa thấp điểm nhằm khắc phục tính thời vụ của du lịch núi Cấm. Phát triển thị trường học sinh, sinh viên với mục đích khám phá, thể thao, sinh thái trải nghiệm nông nghiệp, tham quan vườn ươm, trang trại. Thu hút thị trường khách du lịch gắn với mục đích thiền, nghiên cứu Phật học, các tôn giáo bản địa kết hợp với hành hương. Chú trọng phát triển các thị trường khách du lịch vui chơi giải trí, cắm trại, dã ngoại.

   Để người dân có thể tham gia vào hoạt động du lịch một cách có hiệu quả, cần đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của họ về du lịch bền vững và ưu tiên sử dụng nguồn lao động địa phương, nguồn nguyên liệu tại chỗ càng nhiều càng tốt. Không chỉ vậy, từ các cấp quản lý cho đến các bên tham gia hoạt động du lịch cũng phải có sự thay đổi về nhận thức.

Miếu bà chúa Xứ Châu Đốc

   BVMT, phát triển du lịch bền vững

   Hiện nay, vẫn còn nhiều người dân địa phương săn bắt các loài động vật quý hiếm, các loài thuốc quý để bán cho du khách và lái buôn làm ảnh hưởng đến nỗ lực bảo tồn sinh thái, tính đa dạng sinh học của núi Cấm. Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền BVMT bằng nhiều hình thức đến cộng đồng địa phương và du khách; giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường, hạn chế những việc làm ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh học (chặt phá rừng bừa bãi, săn bắn động vật hoang dã); lắp đặt thêm các biển hướng dẫn, nhắc nhở du khách bỏ rác đúng nơi quy định, đặt thêm thùng rác ở những điểm tham quan, trên phương tiện vận chuyển du khách; có biện pháp xử lý rác thải, nước thải ở các cơ sở lưu trú, nhà hàng tốt hơn.

   Tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi và sự an toàn của du khách nhằm tạo môi trường du lịch thân thiện và chuyên nghiệp. Xử lý nghiêm khắc và có nhiều biện pháp đẩy lùi những tệ nạn chèo kéo, “chặt chém”, lừa gạt du khách. Nâng cao vai trò của chính quyền địa phương trong việc bảo vệ an toàn, trật tự xã hội tại khu du lịch.

   Thường xuyên kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, điểm du lịch thực hiện tốt quy định bảo tồn đa dạng sinh học, không chế biến động vật hoang dã.

   Ngoài ra, cần liên kết giữa đầu tư phát triển du lịch với các ngành và lĩnh vực khác, giữa núi Cấm với các trọng điểm phát triển du lịch trong tỉnh An Giang và TP. Hồ Chí Minh; liên kết với các điểm du lịch quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long (Phú Quốc, Hà Tiên, Cần Thơ...). Trong đó, chú trọng liên kết phát triển du lịch núi Cấm với các điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn tỉnh như TP. Châu Đốc, rừng tràm Trà Sư, cù lao Mỹ Hòa Hưng, Vàm Nao, cửa khẩu Tịnh Biên, các chùa Khmer...

   Hy vọng, núi Cấm sẽ trở thành điểm đến không chỉ thu hút du khách bởi sự hấp dẫn của tài nguyên, mà còn ở những chiến lược phát triển du lịch chuyên nghiệp.

                Mỹ Duyên 

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2016

Ý kiến của bạn