Banner trang chủ

Phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải

30/10/2017

     Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Tiền Hải được công nhận theo Quyết định số 2159/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thái Bình về việc phê duyệt đề án và xác lập khu rừng đặc dụng tại 3 xã ven biển Nam Hưng, Nam Phú và Nam Thịnh (huyện Tiền Hải). Với tổng diện tích 12.500 ha, KBTTN gồm diện tích rừng ngập mặn, đất bãi bồi và đất ngập nước, trong đó khoảng 9.000ha thuộc diện trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, 3.500 ha phục hồi sinh thái và 1.700 ha là khu vực vùng đệm.

     Tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học

     KBTTN nằm về phía Bắc cửa sông Hồng, còn phía Nam là Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy. Ngày 20/9/1988, VQG Xuân Thủy được quy hoạch thành khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam. Ngày 24/1/1995, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có Công văn số 14/Tmg, mở rộng khu vực Ramsar bao gồm cả Cồn Vành và Cồn Thủ, thuộc KBTTN Tiền Hải, với sự đa dạngsinh học phong phú. Trong đó, lớp thực bì của KBTTN có rừng ngập mặn, rừng phi lao và đa dạng các kiểu sinh cảnh đất ngập nước như ưu hợp sú, bân, măm, o rô mọc xen kẽ, rừng trồng thuần… Ngoài ra, KBTTN còn có sinh cảnh đầm tôm, cồn cát, bãi cát, khu bồi lắng. Do đặc điểm KBTTN là bãi bồi, do phù sa sông Hồng bồi đắp, hình thành nên rừng ngập mặn xen lẫn rừng trồng, vì vậy, vào mùa chim di cư, nơi đây trở thành nơi trú ngụ của hàng triệu con chim.

     Hiện nay, KBTTN Tiền Hải tập trung 215 loài chim thuộc 31 họ, 14 bộ (chiếm gần 26% tổng số loài chim và trên 73% tổng số bộ hiện có ở Việt Nam), trong đó có 7 loài chim có giá trị bảo tồn nguồn gen, được ghi trong Sách đỏ Việt Nam như bồ nông chân xám, choắt lớn mỏ vàng, choắt chân vàng lớn, choắt mỏ thìa… Theo thống kê mới đây nhất, thực vật có 115 loài, 42 họ, thuộc 99 chi, lớp thực vật này là thức ăn cho các loài chim. Đặc biệt, KBTTN còn có tới 43 loại cây có thể làm thuốc, chiếm 40% tổng số loài.

     Theo Viện nghiên cứu Hải sản, thành phần các loài cá tại KBTTN bao gồm 107 loài thuộc 44 họ, 12 bộ, trong đó có duy nhất một loài cá sụn, còn lại là cá có xương (khoảng 20 loài có giá trị kinh tế cao như ngao dầu, ngán,vọp, don, dắt, móng tay, ngó, cua biển, ghẹ, tôm). Ngoài ra, còn có khoảng 113 loài côn trùng, 37 loài lưỡng cư, bò sát trong đó có 4 loài thuộc diện quý hiếm, cần bảo tồn, được ghi trong Sách đỏ Việt Nam.

     Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái

     Với đặc điểm vị trí địa lý và giá trị của KBTTN Tiền Hải, những năm qua, tỉnh Thái Bình đã khai thác những lợi thế đó phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch dựa vào hệ sinh thái.Năm 2008, UBND tỉnh Thái Bình đã phê duyệt Quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái Cồn Vành trên diện tích hơn 140 ha, được xây dựng ở ven biển, kết hợp đa dạng giữa khu du lịch nghỉ dưỡng, khu ở kết hợp với dịch vụ, khu vui chơi giải trí và nuôi thủy sản.

     KBTTN Tiền Hải là khu vực đa dạng về sinh cảnh, trong đó quan trọng nhất là các bãi cát ngập triều, trảng sậy và rừng ngập mặn. Được biết, cả 3 xã thuộc vùng đệm ven biển KBTTN Tiền Hải, gồm Nam Thịnh, Nam Hưng và Nam Phú đều có một trong các hệ sinh thái đặc trưng như: rừng ngập mặn, rừng phi lao chắn cát trên cồn Vành, hệ sinh thái thủy sinh và  vùng cửa sông - ven biển... Nơi đây cũng được biết đến với nhiều hệ thống đình, chùa, nhà thờ, lễ hội, đặc biệt có nhiều trò chơi dân gian và hoạt động văn nghệ truyền thống như hát chèo, trầu văn, múa tế lễ, kèn đồng… Đây là những yếu tố không thể thiếu trong việc phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại Thái Bình.

     Trong những năm gần đây,riêng trong đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, mỗi ngày có khoảng 10.000 lượt du khách đến Cồn Vành tham quan và tắm biển.Bên cạnh việc tận dụng lợi thế phát triển du lịch, người dân trong vùng đệm thuộc địa phận 3 xã Nam Phú, Nam Thịnh và Nam Hưng (huyện Tiền Hải) còn phát triển vùng nuôi tôm, vạng, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

 

Bãi tắm Cồn Vành

 

     Các giải pháp phát triển bền vững

    Hiện nay, việc phát triển chưa theo quy hoạch của các đầm tôm, vạng và đánh bắt, khai thác thủy hải sản quá mức, tận thu trên địa bàn đang là vấn đề đặt ra trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại đây.Theo Ban quản lý KBTTN Tiền Hải, trong quá trình nuôi tôm, người dân đã phát quang cây nên độ che phủ tại khu vực nuôi chỉ còn dưới 50%. Đặc biệt, những năm gần đây, số lượng chim về đây có chiều hướng giảm do việc nuôi và khai thác tôm ảnh hưởng đến tập tính của nhiều loài chim.

     Để KBTTN phát triển bền vững, trước hết, cần hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý và quy hoạch chi tiết các dạng tài nguyên đất, rừng ngập mặn, động thực vật, khu du lịch, giao thông; nâng cao nhận thức và tuyên truyền cho người dân địa phương về vai trò, tầm quan trọng của hệ sinh thái (HST) rừng ngập mặn; quy hoạch đất bãi bồi ven biển phù hợp hơn với các bên liên quan, chú trọng đến lợi ích người nghèo. Mặt khác, khoanh định không gian - diện tích những khu vực lõi, đệm và chuyển tiếp với mục đích bảo tồn đa dạng sinh học, rừng ngập mặn và BVMT trên đất liền, sông, biển; huy động sự tham gia và đóng góp của cộng đồng dân cư, các bên liên quan vào công tác quy hoạch, quản lý, khai thác sử dụng các loại tài nguyên.

     Đồng thời, nghiên cứu đa dạng sinh kế cho cộng đồng dân cư quanh vùng đệm; Lượng giá kinh tế hệ sinh thái tự nhiên đầy đủ của từng tiểu khu và toàn bộ khu BTTN Tiền Hải; Phối hợp với các công ty du lịch để triển khai dịch vụ du lịch sinh thái; Thiết lập các chốt bảo vệ rừng ở nơi xung yếu và tất cả các tiểu khu, tạo lập mối quan hệ giữa các lực lượng bảo vệ rừng và nhân dân quanh vùng đệm; Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương huyện, xã, các lực lượng vũ trang trên địa bàn để tổ chức quản lý, bảo vệ rừng, làm tốt công tác khuyến lâm, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động thông qua trồng rừng…

 

ThS. Nguyễn Thị Hường

Trường Trung cấp Kinh tế - Tài chính Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2017)

Ý kiến của bạn