Banner trang chủ

Những giá trị đa dạng sinh học nổi bật của Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh

15/05/2017

   Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Ngọc Linh nằm trên địa bàn 5 xã (Xốp, Đak Choong, Đak Man, Mường Hoong và Ngọc Linh) thuộc huyện Đak Glei, tỉnh Kon Tum. Khu BTTN là kho tàng đa dạng sinh học lớn của Việt Nam với hệ động thực vật vô cùng phong phú và đa dạng. Không chỉ thế, Ngọc Linh còn là nơi đầu nguồn của nhiều con sông lớn Đắk Pô Kô, Đắk Bla (Kon Tum), Thu Bồn (Quảng Nam)... có tác dụng cân bằng môi trường sinh thái trong khu vực và đóng góp một nguồn năng lực thủy điện lớn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà thủy điện Ya Ly là một điển hình.

Đỉnh núi Ngọc Linh cao đến 2.598 m 

   Những giá trị đa dạng sinh học nổi bật

   KBTTN Ngọc Linh có diện tích hơn 39.816 ha, trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt hơn 31.973 ha; phân khu phục hồi sinh thái là 7.708 ha; hơn 134 ha là phân khu hành chính, dịch vụ và du lịch. Theo các nghiên cứu ban đầu ghi nhận, KBTTN Ngọc Linh có tổng số 1.091 loài thực vật bậc cao có mạch; 173 họ, 600 chi, trong đó có 40 loài trong Sách đỏ Việt Nam; 25 loài trong Danh lục đỏ của IUCN; 11 loài trong Nghị định số 32. Đặc biệt trong KBTTN có các loài quý hiếm như: sâm Ngọc Linh, lan kim tuyến, trầm hương và 9 loài trong nhóm IIA: đỉnh tùng, du sam, thông Đà Lạt, vù hương, hoàng đắng, tuế, đẳng sâm, bình vôi, vằng đắng.

   Khu BTTN Ngọc Linh có 88% diện tích là đất có rừng tự nhiên. Kiểu rừng chính là rừng thường xanh núi thấp và rừng thường xanh núi cao. Rừng thường xanh núi cao phân bố ở độ cao trên 2.000 m. Kiểu rừng này hầu như còn chưa bị tác động và thường ưu thế bởi các loài của các họ long não, dẻ, chè, nhân sâm, mộc lan và thích. Ngoài ra, trong kiểu rừng này có sự tham gia của một số loài hạt trần như thông nàng, thông Đà Lạt và hoàng đàn giả. Rừng thường xanh núi thấp phân bố ở độ cao từ 1.000 đến 2.000 m với các loài cây gỗ lá rộng thường xanh, điển hình nhất là các họ dẻ và long não. Thảm thực vật tự nhiên ở độ cao dưới 1.000 m là rừng thường xanh đất thấp, nhưng kiểu rừng này đã và đang bị tác động quá nhiều bởi các hoạt động khai thác gỗ và phá rừng làm nương rẫy, do đó, hầu hết những vùng bên dưới độ cao 1.000 m đều ưu thế bởi các kiểu thảm thực vật thứ sinh.

   Hệ động vật rất phong phú về thành phần loài với 309 loài (52 loài thú, 194 loài chim, 63 loài bò sát, ếch nhái). Đáng chú ý, có 5 loài thú được ghi trong Sách đỏ thế giới là khí mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, báo gấm, hổ, nhím đuôi ngắn. Trong khu hệ bò sát và ếch nhái có 18 loài quý hiếm (ghi trong Sách đỏ Việt Nam) và 3 loài đặc hữu là thằn lằn đuôi đỏ, rùa hộp trán vàng và ếch da cóc. Khu hệ bướm có 227 loài, trong đó có 15% là loài đặc hữu thuộc phía Đông dãy Himalayan (bao gồm Vân Nam và Bắc Đông Dương)... Khu hệ chim có 190 loài đã được ghi nhận, trong đó có 6 loài đang bị đe dọa hoặc sắp bị đe dọa trên toàn cầu gồm có cả hai loài lần đầu tiên phát hiện tại khu vực là khướu Ngọc Linh và khướu vằn đầu đen. Đây là hai loài chim mới được phát hiện lần đầu tiên tại vùng Đông Nam Á trong vòng 30 năm qua. Tính cả hai loài mới được ghi nhận, khu vực có 7 loài chim có vùng phân bố giới hạn, do vậy được đưa vào vùng chim đặc hữu cao nguyên Kon Tum. Ngoài ra, Khu BTTN là một phần của hai vùng chim quan trọng Ngọc Linh và đèo Lò Xo.

   Nơi đầu nguồn của những con sông lớn

   Vùng rừng núi Ngọc Linh là nơi đầu nguồn của nhiều hệ thống sông chính có tác dụng cân bằng môi trường sinh thái và phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực. Trong địa bàn KBTTN có nhiều núi cao và dốc như Ngọc Tion (2.032 m), Ngọc Peukpee (1.728 m) và Ngọc Lum Heo (2.030 m) ở phía Bắc; Ngọc Lepho (2.070 m) và Ngọc Pa (2.251 m) ở phía Đông Nam KBTTN. Đỉnh cao nhất trong KBTTN chính là núi Ngọc Linh cao đến 2.598 m, núi này có độ dốc rất cao từ đỉnh xuống đến 300 m ở thung lũng Đăk Mỹ. Núi Ngọc Linh cũng là ngọn núi cao nhất của vùng Tây Nguyên. Các ngọn núi ở Khu BTTN Ngọc Linh hình thành nên vùng thượng nguồn của ba hệ thống sông chính là các sông Đăk Mek, Đăk Pu Ko và Đăk Plô. Sông Đăk Mek chảy về hướng Bắc là tỉnh Quảng Nam và nhập với sông Đăk Sê đổ ra biển Đông ở TP. Đà Nẵng. Sông Đăk Pu Ko chảy về hướng Nam đi qua tỉnh Kon Tum là một trong những nguồn nước quan trọng nhất cung cấp cho nhà máy thủy điện Ya Ly. Sông Đăk Plô chảy về hướng Tây đổ vào đất Lào cung cấp một phần nước cho sông Mê Kông. Chính rừng núi Ngọc Linh với hệ thống sông suối dày đặc có tác dụng quan trọng cân bằng môi trường sinh thái, là nơi cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt trong khu vực, nơi đóng góp một nguồn năng lượng thủy điện lớn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà thủy điện Ya Ly là một điển hình.

   Vùng đệm của Khu BTTN có 13.876 khẩu sinh sống, hầu hết là người Xê Đăng, Dẻ và Dẻ Triêng. Phương thức canh tác nông nghiệp chủ yếu trong vùng đệm là canh tác ruộng nước và nương rẫy. Bốn mối đe dọa chính đối với tính đa dạng sinh học của Khu BTTN Ngọc Linh (Kon Tum) có thể thấy là phá rừng làm nương rẫy, săn bắn động vật rừng, khai thác gỗ và lâm sản trái phép và cháy rừng. Rừng ở Khu BTTN Ngọc Linh (Kon Tum) đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn cho một số sông lớn ở hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Những con sông này cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho hàng ngàn héc-ta đất nông nghiệp và là nguồn nước sinh hoạt chính cho hàng ngàn hộ dân sống ở vùng hạ lưu.

   Các hoạt động bảo tồn và phát triển

   Trong thời gian qua, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh đã có nhiều hoạt động để bảo vệ và phát triển tài nguyên thiên nhiên Ngọc Linh. Ban quản lý đã tiến hành trồng 400 ha rừng thông ở xã Mường Hoong; giao khoán trên 15 nghìn ha rừng cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc ít người địa phương quản lý, bảo vệ. Dưới sự chỉ đạo của Ban quản lý khu Bảo tồn và cơ quan kiểm lâm cấp trên, hạt Hạt Kiểm lâm KBTTN đã thành lập được 4 trạm bảo vệ ở các xã vùng đệm và tổ chức nhiều đợt tuần tra, truy quét ngăn chặn nhiều vụ phá rừng làm nương rẫy trái phép và vi phạm các quy định phòng chữa cháy rừng (PCCCR); tham mưu cho các xã thành lập Ban chỉ huy PCCCR, cam kết phối hợp quản lý bảo vệ rừng. Tổ chức cho 500 hộ gia đình các xã Mường Hoong, Ngọc Linh, Đắk Choong, Xốp và Đắk Man ký cam kết bảo vệ rừng và giúp các thôn xây dựng quy ước bảo vệ rừng.

   Với tầm nhìn xa, Ban quản lý KBTTN Ngọc Linh đã xây dựng dự án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh. Đây là cây bản địa, đặc hữu của núi rừng Ngọc Linh và là loại cây quý hiếm. Dự án đã xây dựng vườn thực nhiệm, vườn nhân giống và chuyển giao giống - kỹ thuật trồng sâm cho nhân dân. Đồng thời, Ban quản lý còn phát triển dự án ở các vùng đệm nhằm giảm áp lực người dân vào KBTTN. Nhiều hộ dân sống trên đỉnh Ngọc Linh đã tham gia trồng sâm Ngọc Linh để bảo tồn và phát triển. Những năm qua, tỉnh Kon Tum phối hợp với các ngành có liên quan, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh triển khai đề tài, dự án nghiên cứu việc bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh. Cùng với đó, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương ban hành nhiều chính sách ưu tiên phát triển sâm thành sản phẩm hàng hóa, nâng cao đời sống của người dân tại vùng phân bổ sâm tự nhiên. Nguồn gen quý của sâm Ngọc Linh nhờ vậy dần được người dân cùng chính quyền chung tay bảo tồn.

Mai Hồng Quân

Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2017

Ý kiến của bạn