Banner trang chủ

Người đầu tiên ứng dụng thành công mô hình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh ở tỉnh Thừa Thiên - Huế

18/04/2017

     Với mong muốn tận dụng những phế thải dư thừa trong cuộc sống, tiết kiệm chi phí trong quá trình trồng trọt cây caosu của gia đình, đồng thời góp phần BVMT, ông Đỗ Xuân (sinh năm 1942) đã cất công tìm hiểu, mày mò trên sách báo để rồi biến rác thải thành hàng chục tấn phân bón hữu cơ vi sinh giàu chất dinh dưỡng.

     Sinh ra và lớn lên tại vùng đất nông nghiệp Tân Mỹ, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế), ông Xuân là người đầu tiên ứng dụng thành công mô hình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh duy nhất ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từ một lần tình cờ được đi tập huấn về vấn đề phục hồi và tái sử dụng vùng đất bị suy thoái vào tháng 11/2011, ông Xuân biết đến sản phẩm men vi sinh. Rồi cơ duyên đưa ông đến với ý tưởng thử nghiệm sản xuất phân hữu cơ vi sinh để phục vụ trong nông nghiệp cũng bắt đầu từ đó. Cơ duyên chợt đến với ông, rồi sau đó lại được “Dự án Nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Thừa Thiên - Huế” tiếp sức bằng nguồn đầu tư hỗ trợ hơn 27 triệu đồng, ông mạnh dạn góp thêm 25 triệu đồng để xây dựng 2 bể ủ với sức chứa 36 m3. Sau khi dự án kết thúc giữa năm 2012, ông tiếp tục mày mò và tìm đến Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ tỉnh nơi có chế phẩm sinh học Vixura và chế phẩm đa chức năng, có thể sử dụng để sản xuất phân hữu cơ vi sinh. Sau khi tìm hiểu và học được một số kiến thức từ Trung tâm này, ông liền về nhà ứng dụng quy trình sản xuất phân hữu cơ cho cơ sở của mình.

 

Ông Đỗ Xuân với sản phẩm phân hữu cơ làm từ rác của mình

 

     Đến năm 2014, ông được Dự án Nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới khảo sát hỗ trợ máy xát và trộn rác hữu cơ. Đến nay, cơ sở của ông Xuân đã có 3 bể ủ và 2 kho chứa phân diện tích lớn. Để có được một khối lượng phân lớn với độ dinh dưỡng cao, ông Xuân đã thuê người thu gom nhiều loại rác thải trong sinh hoạt cũng như những phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp như mùn cưa, rơm rạ, phân trâu, bò. Nguồn rác để ủ phân rồi cũng cạn kiệt, sắp đến ông dự định sẽ thuê người ra các địa bàn lân cận để vớt bèo tây về để tiếp tục ủ phân.

     Sau gần 5 năm, kể từ khi dự án của ông được đi vào vận hành và đã đạt được kết quả như mong muốn. 40 tấn phân hữu cơ vi sinh được sản xuất từ rác trong năm 2016 vừa qua là nguồn phân bón cung cấp cho hơn 20 ha caosu của gia đình và nhiều diện tích cây trồng khác cho bà con trong thôn, xã. Đó là niềm động viên về mặt tinh thần rất lớn cho ông trong con đường làm phân hữu cơ.

     Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ Hoàng Chiến cho biết, mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh của ông Xuân không chỉ phục vụ cho công tác trồng trọt, mà còn giúp hạn chế hóa chất độc hại do sử dụng phân hóa học, đồng thời việc thu gom phế thải để tái sử dụng còn góp phần BVMT. Không những làm phân sạch, cơ sở ông Xuân còn tạo công ăn việc làm cho một số lao động địa phương. Đây là một mô hình tiêu biểu cần được hoan nghênh và nhân rộng.

 

Hoàng Tố Uyên

Ý kiến của bạn