Banner trang chủ

Nạn săn bắn trái phép đe dọa nghiêm trọng các loài động vật hoang dã

03/07/2015

   Thực trạng săn bắn trái phép các loài hoang dã trên thế giới

  Tổng thư ký của Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), John E.Scanlon cho biết, tình trạng săn trộm, vận chuyển và tiêu thụ các loài hoang dãngày càng diễn ra nghiêm trọng và phức tạp, ảnh hưởng trên phạm vi rộng đến kinh tế, môi trường và xã hội. Vì vậy, các quốc gia cần có những biện pháp và hình phạt nghiêm khắc hơn để đối phó với loại tội phạm nguy hiểm này, cũng như tội phạm buôn người, hay buôn lậu các loại thuốc bào chế từ động, thực vật hoang dã.

   Các loài hoang dã di cư theo đường bộ, trên bầu trời hoặc băng qua các đại dương đều là đối tượng của tội phạm săn bắn, buôn bán loài hoang dã. Chúng bao gồm: chim, voi, mèo lớn (hổ, sư tử, báo đốm Mỹ và báo hoa mai), linh dương, cá kìnhvà rùa biển. Nhiều quốc gia đang nỗ lực tăng cường công tác bảo tồn để cứu chúng khỏi nguy cơ biến mất vĩnh viễn.

   Tội phạm loài hoang dã gắn với nạn buôn lậu thuốc, buôn người và buôn bán vũ khí trái phép là một trong những loại hình tội phạm quốc tế lớn nhất và là nguyên nhân chính dẫn đến sự tuyệt chủng của các loài, đe dọa đến những nỗ lực bảo tồn xuyên biên giới.

   Hiện, mỗi ngày có khoảng 100 con voi bị giết để lấy ngà và thịt, trong đó số lượng bị giết ở châu Phi hàng năm khoảng 20.000 - 25.000 trong tổng số 600.000 cá thể. Nguyên nhân chính dẫn đến nạn săn bắn voi, tê giác và hổ ngày càng tăng là do nhu cầu tiêu thụ lớn trên thế giới.

   Hơn 40% báo tuyết ở Trung Á biến mất do nạn “trophy hunting” (hình thức săn bắn giải trí và được giữ lại con vật làm chiến lợi phẩm) để lấy da từ năm 1990; cùng thời điểm Liên Xô tan rã, nạn săn trộm linh dương Saiga cũng tăng vọt, khiến số lượng loài này giảm từ gần 1 triệu xuống chỉ còn 50.000 cá thể.

   Tội phạm động thực vật hoang dã không chỉ nhắm tới các con vật là biểu tượng của châu Phi và châu Á, mà còn có các loài chim - linh hồn của châu Âu. Những loài chim di cư đối diện với nguy cơ tuyệt chủng cao vì chúng thường tập trung thành đàn, xuất hiện vào thời điểm, vị trí nhất định, nên dễ dàng cho loài người săn bắn.

   Theo Dữ liệu không được công bố của Tổ chức Bảo tồn chim quốc tế, hàng năm, khoảng 10 triệu cá thể chim có nguy cơ bị giết và bị bắn trái phép khi bay qua các nước thuộc khu vực Địa Trung Hải.

   Hàng trăm năm trước, loài người đã dùng những chiếc lưới tự chế để bắt các loài chim di cư dọc bờ biển Bắc Phi, tuy nhiên hình thức săn bắt này hầu như không làm ảnh hưởng hoặc ít tác động đến đa dạng loài. Nhưng ngày nay, với công nghệ tiên tiến, loại lưới mới chế tạo từ nhựa không tái sinh, bền và chắc với chiều dài lên tới hàng trăm km đe dọa nghiêm trọng đến số lượng, cũng như sự sinh tồn của loài di cư này.

   Rùa biển là loài xuất hiện ở đại dương hơn 100 triệu năm nay cũng đang bị giết trái phép để lấy thịt và mai làm các sản phẩm trang trí; trứng của chúng cũng được tiêu thụ đáng kể. Sự khai thác trực tiếp rùa biển để lấy thịt, trứng và mai diễn ra tập trung và có xu hướng ngày càng tăng tại Tam giác san hô (nằm chủ yếu ở Đông Nam Á). Nhiều loài động vật biển có vú, nhỏ như cá nược và trâu biển, cũng như 6 trong 7 loài thuộc họ rùa biển, bị săn bắt để lấy thịt, đe dọa đến sự sống còn của chúng.

   Theo ước tính, hàng nghìn con cá heo ở sông Amazon (Nam Mỹ) bị giết mỗi năm, chủ yếu để lấy thịt làm mồi câu cá. Ngoài ra, các mối nguy hại được tích lũy dần từ cần câu cá bị bỏ lại, nguy cơ rủi ro từ các đập nước và chất ô nhiễm do hợp chất clo hữu cơ và kim loại nặng làm gia tăng áp lực lên môi trường sống của loài cá heo này.

   Mặc dù sử dụng mìn để đánh bắt thủy sản đã bị cấm ở nhiều quốc gia, tuy nhiên thực tế vẫn còn tiếp diễn, ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của động vật có vú, đồng thời phá hủy một lượng lớn hệ sinh vật biển.

   Các mối đe dọa do tội phạm săn bắn, buôn bán động vật hoang dã mang lại rất thảm khốc, gây nguy hiểm đến các loài động vật di cư, đồng thời, các loài di cư cũng đang phải đối mặt với mất sinh cảnh trên diện rộng, và diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu. Nếu không có những giải pháp kịp thời thì sự sống còn của nhiều loài di cư sẽ bị đe dọa, dẫn đến tuyệt chủng.

   Các giải pháp bảo vệ loài hoang dã

   Công ước Bảo tồn loài động vật hoang dã di cư (CMS) cần phối hợp chặt chẽ cùng với CITES để đưa ra danh sách các loài cần được bảo tồn, làm cơ sở cho công tác phòng và chống nạn săn bắt và buôn bán các loài hoang dã ở các quốc gia trên thế giới. Đây có thể là đối tượng hiện tại hay là đối tượng trong tương lai của tội phạm săn bắt và buôn bán các loài hoang dã, bao gồm khỉ đột, báo tuyết, cừu núi Argali, linh dương Saiga, rùa biển và chim cắt Saker.

   Hơn nữa, 2 Công ước phải làm việc với các Chính phủ để đảm bảo an toàn cho các loài động vật khi di chuyển qua biên giới của các nước này. Hội nghị các bên tham gia CMS lần thứ 11 đã quyết định phải ngăn chặn nạn giết, săn bắn, buôn bán các loài chim di cư.

   Cần thành lập lực lượng đặc nhiệm quốc tế để tập trung làm việc với Chính phủ các nước về hoạt động săn bắn, buôn bán loài trái phép. Tổ chức này sẽ giúp đưa ra các giải pháp hữu ích, phù hợp với luật pháp của nước sở tại, cũng như yêu cầu các nước thực thi tuân thủ các cam kết quốc tế trong việc bảo vệ các loài chim di cư.

   Tại Hội nghị, các nước cũng đồng loạt thống nhất hợp tác chặt chẽ với nhau, cũng như với các tổ chức trong cuộc chiến chống lại tội phạm buôn bán động vật hoang dã, cũng như các loại tội phạm trong và ngoài nước khác.

   Thư ký điều hành CMS, Bradnee Chambers nhấn mạnh: “Ngày Động thực vật hoang dã thế giới là dịp để nâng cao nhận thức cộng đồng về sự cấp thiết phải bảo tồn và bảo vệ thế giới hoang dã, đặc biệt là các loài di cư, vì thế hệ mai sau”.

   Bên cạnh đó, các giải pháp đưa ra cần bao quát tình hình cụ thể các loài hoang dã ở các nước thành viên để chiến lược bảo tồn hiệu quả với từng kiểu đa dạng sinh học tại nước sở tại. Đồng thời, cần đưa ra được hạn ngạch đánh bắt bền vững và hành lang pháp lý cho tất cả các loài để tạo cơ sở cho các nhà bảo tồn cũng như thay đổi tư tưởng cố hữu của người tiêu dùng sản phẩm từ động, thực vật hoang dã.

Trung Thảo (theo www.cms.int)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi Trường số 6/2015)

Ý kiến của bạn