Banner trang chủ

Mô hình đồng quản lý rừng pơ mu của đồng bào dân tộc Cơ Tu

29/11/2016

   Rừng pơ mu ở huyện Tây Giang thuộc hai xã miền núi Axan và Tr’Hy, nằm trên núi Zi’liêng ở độ cao khoảng 1.500 m so với mực nước biển, với 95% là đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống. Rừng pơ mu được chính quyền Tây Giang phát hiện vào năm 2008, đến năm 2011 mới công bố. Quần thể pơ mu phân bố trên diện tích gần 500 ha, với hơn 1.400 cây, trong đó 725 cây có độ tuổi từ 300 đến hơn 1.000 tuổi được công nhận là cây di sản Việt Nam.

   Với mục tiêu “Rừng còn Tây Giang phát triển, rừng mất Tây Giang suy vong”, bao đời qua, người dân Tây Giang luôn quyết tâm bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng pơ mu. Hiện quần thể cây pơ mu được chính quyền và nhân dân địa phương bảo vệ nghiêm ngặt và gần như còn nguyên vẹn, không bị phá vỡ. Đây được đánh giá là một trong những rừng cây gỗ quý hiếm nhất còn sót lại ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

   Với người dân tộc Cơ Tu, từ xa xưa, những cây rừng cổ thụ là nơi trú ngụ của thần linh. Những cây rừng to lớn trở thành biểu tượng cho sự khỏe mạnh, cường tráng, dẻo dai của những người con sống giữa đại ngàn, nên dân làng không dám động đến. Cây pơ mu không nằm ngoài tín ngưỡng đó. Cây pơ mu theo tiếng Cơ Tu là Hynghee. Đây được xem là cây thiêng, nên trước đây, mỗi lần dân làng muốn chặt hạ một cây pơ mu thì phải cúng tế, xin phép thần linh rồi mới được phép chặt. Pơ mu là gỗ quý nên con người luôn săn lùng, thậm chí trả công cho dân làng để có được những khối gỗ mang về. Từ ngày phát hiện cánh rừng, dân làng họp nhau, bàn bạc đi đến thống nhất sẽ cùng chính quyền bảo vệ đến cùng những gốc cây pơ mu quý giá. Dân làng huy động mọi người cùng mở đường mòn, đến từng gốc pơ mu để việc tuần tra, bảo vệ dễ dàng. Dân làng còn lập một chốt chặn ngay lối vào, hàng ngày cử người canh giữ. Nếu chưa được sự đồng ý của chính quyền, bộ đội biên phòng và già làng thì người ngoài không được vào rừng.

   Trước tình trạng “lâm tặc” liên tục phá rừng trái phép, chính quyền huyện đã thành lập tổ bảo vệ rừng gồm 30 người là những thanh niên, già làng dân tộc Cơ Tu thay phiên nhau tuần tra, canh giữ rừng. Mỗi cây pơ mu được đánh số, gắn chíp định vị để theo dõi, bảo vệ nghiêm ngặt. Chính quyền địa phương cũng vận động các Hội Nông dân, Phụ nữ địa phương tham gia bảo vệ rừng, đưa tiêu chí bảo vệ rừng pơ mu như một trong những chương trình hành động, bình xét danh hiệu thi đua trong năm. Mặt khác, các hộ dân được giao khoán quản lý, bảo vệ, chăm sóc rừng, với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước.

Định vị để theo dõi, bảo vệ nghiêm ngặt

   Dựa theo truyền thống của người Cơ Tu, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã nghiên cứu triển khai mô hình đồng quản lý rừng pơ mu Tây Giang. Theo mô hình, văn hóa rừng (tri thức bản địa) được tôn trọng và áp dụng tối đa trong hoạt động quản lý bảo vệ rừng, trong đó vai trò của già làng được đề cao. Hoạt động của đội bảo vệ rừng cộng đồng nhận được sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, được đầu tư kinh phí và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công tác quản lý (đánh số cây, gắn chíp vào các cây quý, làm đường tuần tra…). Đặc biệt, mô hình đồng quản lý rừng đảm bảo tôn trọng vị thế, chủ quyền của cộng đồng địa phương đối với các cánh rừng truyền thống; giúp bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn nhưng không hạn chế sinh kế truyền thống của cộng đồng. Các nguồn lợi rừng vẫn được cung ứng cho cuộc sống của người dân nên họ nhận thấy việc bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chính mình.

   Tây Giang đã xác định phát triển du lịch sinh thái, du lịch trên cơ sở cộng đồng, du lịch di sản… là thế mạnh và hướng đi chính của miền núi cao Tây Giang. Từ đó, khai thác được vốn di sản văn hóa và sinh thái giàu tiềm năng của vùng đất này trong khi môi trường vẫn được bảo vệ. Bên cạnh đó, mô hình đồng quản lý rừng pơ mu Tây Giang khác với các mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ rừng ở nhiều nơi khác ở chỗ nó kế thừa và phát huy phong tục bảo vệ rừng qua nhiều năm của cả một cộng đồng dân tộc. Mô hình cũng khẳng định quyền sở hữu và sử dụng tài nguyên rừng của cộng đồng, qua đó góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống, cũng như đảm bảo an ninh, sinh kế địa phương. Đây là những nét đặc sắc nhất của mô hình đồng quản lý rừng pơ mu Tây Giang.

Nguyễn Đình Hòe

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

Ý kiến của bạn