Banner trang chủ

Khu rừng hơn 50 ha được hoàn nguyên sau khai thác titan

14/06/2018

    Một khu rừng hơn 50 ha đã phủ xanh mỏ khai thác titan ở 2 xã Sen Thủy, Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), đưa lại nhiều kỳ vọng về cải tạo môi trường. Khu rừng chỉ mới được khoảng 3 - 5 năm tuổi nhưng đã trở thành bức tường chắn cát hiệu quả, có những cây cao cả chục mét, đường kính hơn 20 cm. Khâu trồng rừng sau khai thác titan được giám sát chặt chẽ.

     Phía sau cổng làng Trung Tân (xã Sen Thủy) là cánh rừng trước đây từng khai thác titan. Người dân từng không đồng tình, nhưng sau khi doanh nghiệp giữ lời hứa hoàn thổ, trồng rừng mới tốt hơn, người dân mới dần nguôi ngoai. Nay đi dưới thảm rừng tràm, ngỡ như đi trong khu rừng đã 10 năm. Nguồn nước trong rừng dồi dào, trong vắt, ngày hè nhưng suối trên cát vẫn không cạn. Không những thế, dưới vạt rừng còn có gà rừng, chim rừng, chồn, thỏ hoang, đôi khi xuất hiện cả loài cáo.

 

Con suối ở thôn Trung Tân (xã Sen Thủy) dưới thảm rừng 3 năm tuổi sau khai thác titan

 

     Để có hơn 50 ha rừng xanh tốt sau khai thác titan như ngày hôm nay là cả một quá trình ràng buộc cũng như cam kết của Ban Quản lý các dự án khai thác titan với việc yêu cầu các đơn vị trước khi khai thác titan phải nộp ký quỹ 72 triệu đồng/ha, buộc doanh nghiệp đầu tư kinh phí trồng lại rừng. Khi rừng lên xanh, được nghiệm thu mới được nhận lại tiền ký quỹ. Hiện Ban Quản lý đang giữ hơn 7 tỷ đồng tiền ký quỹ của các doanh nghiệp. 

     Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình, cho biết: “Rừng trồng sau khai thác titan phải trải qua từ 3 năm tốt xanh, đúng tiêu chuẩn thiết kế mới phê duyệt đã hoàn thổ, trồng rừng thành công. Lúc đó mới cho phép khai thác mới”.

     Ông Đặng Xuân Huề - Trưởng Ban Quản lý các dự án khai thác titan mong muốn, các nhà khoa học, nhà quản lý có đề tài nghiên cứu về việc rừng trồng thay thế sau khai thác titan, bởi vì nhiều nơi khai thác không theo quy trình cam kết, không ít đơn vị sau khai thác đã đi khỏi địa bàn, không đếm xỉa đến hoàn thổ và trồng rừng, dẫn đến người dân có cái nhìn không thiện cảm về việc lấy titan.

     Các chuyên gia môi trường khuyến cáo, muốn khai thác titan bền vững, các cơ quan địa phương cần giám sát chặt chẽ theo giấy phép cũng như thực địa và triển khai phương pháp đóng tiền ký quỹ trên mỗi ha khai thác, nhằm tránh việc doanh nghiệp bỏ đi sau khi khai thác tài nguyên titan.

 

Lê Chính

Ý kiến của bạn