Banner trang chủ

Khu bảo tồn Sao la Thừa Thiên - Huế: Ðiểm dừng chân lý tưởng của các loài động vật hoang dã

11/10/2017

   Được thành lập từ năm 2013, với diện tích hơn 15,5 nghìn ha, trên địa bàn 3 xã Hương Nguyên (huyện A Lưới), Thượng Quảng, Thượng Long (huyện Nam Đông), Khu Bảo tồn (KBT) Sao la Thừa Thiên - Huế là nơi ẩn chứa nhiều giá trị đa dạng sinh học (ĐDSH) độc đáo.

   Giá trị đa dạng sinh học

   KBT Sao la Thừa Thiên - Huế có hệ động, thực vật phong phú, chứa đựng nguồn gen đa dạng của hơn 1.200 loài động, thực vật. Đến nay, KBT vẫn giữ lại được diện tích lớn rừng kín thường xanh nhiệt đới, là nơi sống của nhiều loài chim, thú quý hiếm, những khu rừng nguyên sinh kéo dài từ A Roàng (A Lưới, Thừa Thiên - Huế) đến Quảng Nam với nhiều thác cao, vực sâu.

   Bên cạnh đó, nơi đây còn có sự hiện diện của nhiều loài thú lớn, có giá trị bảo tồn toàn cầu mới được phát hiện trên thế giới như mang lớn, mang Trường Sơn... Đặc biệt, KBT còn là nơi sinh sống của sao la - một trong những loài động vật bí ẩn nhất thế giới. Sao la đã tồn tại từ lâu cùng với sự hình thành và kiến tạo dải rừng Trường Sơn hùng vĩ, nhưng đến năm 1992, sao la mới được phát hiện bởi một nhóm các nhà khoa học của Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ NN&PTNT) và WWF khi nghiên cứu ĐDSH rừng tại Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh), gần biên giới Việt Nam và Lào. Đó là phát hiện đầu tiên về loài động vật có vú lớn trên thế giới trong vòng 50 năm, một trong những phát hiện về loài tuyệt vời nhất trong thế kỷ XX.

Sao la đã được phát hiện lần đầu tiên tại Thừa Thiên - Huế vào năm 1988

   Sao la thuộc nhóm thú sừng rỗng trông giống loài linh dương, còn được gọi là kỳ lân châu Á, với hai cặp sừng song song, nhọn dần về phía cuối và có thể dài tới 50 cm. Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN) và Sách đỏ Việt Nam đã xác định, sao la là loài có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao. Hiện nay, trên thế giới, ước tính chỉ còn không quá 250 con và trên thực tế có thể thấp hơn nhiều. Tại Thừa Thiên - Huế, năm 1998, 2 cá thể sao la được phát hiện, đánh dấu mốc quan trọng đối với sự phân bố của loài thú này trên bản đồ ĐDSH của tỉnh, bao gồm 1 con đực (52 kg) xuất hiện tại thôn Hộ, xã Dương Hòa, huyện Hương Thủy (nay là thị xã Hương Thủy) và 1 con cái đang mang thai (80 kg) tại khu vực rừng của xã Hương Nguyên, huyện A Lưới. Năm 1999, 1 con sao la con có trọng lượng 10 kg đã xuất hiện tại bản Bụt, xã Hương Nguyên. Các phát hiện này đã đóng góp quan trọng trong lĩnh vực ĐDSH không chỉ đối với Việt Nam, mà còn trên thế giới.

   Những nỗ lực trong công tác bảo tồn ĐDSH

   Ngày 30/3/2014, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết định thành lập Hạt kiểm lâm KBT Sao la trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Hạt kiểm lâm có nhiệm vụ bảo tồn quần thể sao la, 2 loại thú móng guốc là mang lớn và mang Trường Sơn, cũng như các loài động, thực vật đặc hữu và quý hiếm khác; bảo vệ diện tích rừng tự nhiên nguyên sinh đất thấp còn sót lại ở khu vực Trung Trường Sơn; bảo tồn ĐDSH, các loài, nguồn gen và sinh cảnh, cảnh quan của các khu rừng…

KBT Sao la Thừa Thiên - Huế

   Nhằm ngăn chặn tình trạng sao la bị mắc bẫy của thợ săn đặt để bắt các loài động vật khác, với sự hỗ trợ của WWF tại Việt Nam, mô hình đội tuần tra bảo vệ rừng đã được thành lập. Đây là cách tiếp cận mới trong công tác bảo tồn ĐDSH rừng. Sau gần 5 năm triển khai, các đội bảo vệ rừng đã tiến hành tuần tra, tháo dỡ hơn 60 nghìn giây bẫy thú rừng, phá hủy hơn hàng chục lán trại trái phép, cứu hộ thành công và thả về rừng nhiều loài động vật quý hiếm như voọc chà vá chân nâu, mang Trường Sơn, sơn dương... Đây là nỗ lực đáng ghi nhận trong công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã (ĐVHD), bảo vệ tài nguyên rừng.

   Cùng với việc tuần tra bảo vệ rừng, các đội tuần tra thường xuyên phối hợp với các chuyên gia bảo tồn tiến hành các hoạt động giám sát ĐDSH, thực hiện nhiều cuộc khảo sát, duy trì chương trình đặt 50 bẫy ảnh để ghi nhận hình ảnh các loài ĐVHD quý hiếm, thu nhận mẫu phân, mẫu vắt, xét nghiệm ADN trong máu vắt. Qua đó, phát hiện nhiều loài quý hiếm như thỏ vằn, mang lớn, mang Trường Sơn… đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác bảo tồn loài sao la nói riêng, ĐVHD nói chung tại Việt Nam.

   Mặc dù, đã đạt được những thành công nhất định trong công tác bảo tồn ĐDSH, song vẫn còn những thách thức cho KBT Sao la Thừa Thiên - Huế. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để cân bằng được những lợi ích phát triển kinh tế - xã hội, hài hòa với việc lưu giữ những cánh rừng nguyên sinh còn sót lại - nơi trú ấn của các loài muông thú hoang dã? Hy vọng trong thời gian tới, KBT Sao la Thừa Thiên - Huế vẫn là điểm dừng chân lý tưởng của các loài ĐVHD.

Hoa Vũ

Đại học Lâm nghiệp

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2017

Ý kiến của bạn