Banner trang chủ

Khám phá rừng già Ý Tý

31/07/2017

    Là xã vùng sâu, vùng xa và còn nhiều khó khăn của huyện Bát Xát nói riêng, tỉnh Lao Cai nói chung, thế nhưng Ý Tý lại là nơi có mật độ cũng như chất lượng rừng thuộc vào loại nhất nhì của tỉnh. Đây cũng là khu rừng nguyên sinh duy nhất còn lại của tỉnh Lào Cai, vì vậy mà Ý Tý được gọi là khu rừng treo, một tài sản vô giá, một nguồn vốn sinh thái đáng được trân trọng. 

    Nằm giữa một thung lũng đá hình vòng cung, rộng 8.000 ha với độ cao hơn 2.000 m, rừng nguyên sinh Ý Tý có rất nhiều loài động thực vật có tên trong Sách đỏ Việt Nam như bách xanh, thông tre, cây vù hương một lá, rùa ba vạch, tê tê vàng, kỳ đà vân, sóc bay… Đặc biệt, ở Ý Tý còn có loài hoa đỗ quyên đỏ, một trong 30 loài đỗ quyên chỉ có trên dãy núi Hoàng Liên. Vào mùa xuân, loài hoa đỗ quyên đỏ nở rộ mọc xen kẽ với rất nhiều cây hoa đỗ quyên loại lá to, hoa trắng. Dưới tán rừng cổ thụ là bạt ngàn thảo quả xanh mướt, không chỉ làm phong phú cho thảm thực vật rừng nguyên sinh mà còn trở thành nguồn "vàng nâu" của người dân nơi đây.

 

    Loài hoa đỗ quyên nở rực rỡ

 

     Những năm qua, rừng Ý Tý được người Hà Nhì bảo vệ nghiêm ngặt với các luật tục quy định hành vi ứng xử của con người với nhau, cũng như với thiên nhiên. Đến nay, những luật tục đó đã trở thành quy chế tại các bản làng. Họ quan niệm rừng và các con thú trong rừng đều có sinh mạng, đời sống như con người, trong mỗi khu rừng đều có một vị thần trị vì và là phúc thần của mỗi bản làng, cho nên vận mệnh của dân làng có liên hệ mật thiết đối với sự tồn vong của khu rừng ấy. Vì thế, tất cả mọi người dân đều quan tâm đến việc bảo vệ rừng.

     Theo đó, trong các bản làng của người Hà Nhì đều có các khu rừng cấm là Gà ma do, Mu thu do, thờ thần Thủ tỷ và rừng vui chơi A gờ là do, được cộng đồng tôn thờ, chăm sóc và bảo vệ từ nhiều đời nay. Mỗi khu rừng đều có quy định thời gian, lễ vật và người đứng ra cúng tế rất cụ thể, không bao giờ được vi phạm. Gà ma do là khu rừng thiêng quan trọng nhất, thờ thần hộ mệnh của bản. Vận mệnh của dân làng gắn liền với vận mệnh của những cánh rừng này, vì vậy người Hà Nhì nói chung đều cấm mọi người vào rừng thiêng. Hàng năm, chỉ có ngày cúng Gà ma do (thường là ngày con rồng Lò no của tháng Giêng hoặc tháng Hai), các thành viên nam giới đại diện các gia đình mới được theo thầy cúng quản rừng Mí Cù và người phụ giúp La chạ vào rừng thiêng làm lễ cúng thần rừng...

     Bên cạnh rừng Gà ma do là khu rừng vui chơi, ca hát A gờ la do. Người dân còn gọi là rừng công viên. Khu rừng này là địa điểm tổ chức lễ hội Khô zà zà, lễ hội cầu mùa lớn nhất hàng năm của dân tộc Hà Nhì, hay còn gọi là Tết tháng sáu, khi cây lúa bắt đầu lên đòng, ngô gieo đã lên xanh. Gọi là rừng vui chơi, ca hát, hay rừng công viên, nhưng đây cũng là khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, cấm tự tiện khai thác, chặt cây....

     Còn khu rừng thiêng thứ ba là khu rừng thờ Mu thu do, có vị trí thấp hơn, nằm ở cuối nguồn nước của làng và gần khu vực canh tác. Theo quan niệm người Hà Nhì, thần rừng thờ Mu thu do là nữ thần và là vợ của thần rừng Gà ma do, do vậy cây thần được thờ trong rừng Mu thu do phải là cây có thể ra hoa kết quả, nhưng không nhất thiết phải là cây ăn quả... Nữ thần rừng Mu thu do là nữ thần phù hộ cho sự sinh sôi, phát triển, sẽ phù hộ cho thôn trại có mùa màng tốt tươi, gia súc phát triển, con cháu trong làng đông đúc. Từ quan niệm này nên người ta cũng gắn lễ cúng rừng Mu thu do với lễ gieo mạ - Gu xè xè.

     Luật tục người Hà Nhì quy định, bất cứ ai vi phạm đến rừng cấm cũng đều bị xử phạt nặng bằng tiền và buộc phải trồng lại đúng loài cây đã chặt phá. Sau khi trồng phải chăm sóc cho đến khi cây lớn, người làng đến nghiệm thu mới xong. Đây là một luật tục rất độc đáo và nhân văn, không chỉ thể hiện sự nghiêm minh của luật tục, mà còn là sự nhân ái, công bằng của con người với thiên nhiên... Ngoài ra, gia đình nào muốn xin gỗ về dựng nhà, làm vật dụng sinh hoạt đều phải trình bày bằng văn bản với kiểm lâm viên của thôn. Kiểm lâm viên có trách nhiệm báo cáo già làng, trưởng thôn, nếu những người này thống nhất đồng ý và kiểm lâm viên ký duyệt vào đơn thì gia đình đó mới được vào rừng khai thác, bảo đảm đúng số lượng, chủng loại và sử dụng đúng mục đích. Nếu sai phạm, hộ dân đó sẽ bị cấm vĩnh viễn không được vào rừng khai thác nữa. Ðặc biệt, luật tục còn quy định, người nào thấy rừng cháy mà thờ ơ, không dập lửa, hoặc không thông báo kịp thời cho mọi người biết cũng sẽ bị phạt rất nặng. Chính những bài học nghiêm khắc, đã tạo nên "tấm áo giáp" thực sự trong ý thức bảo vệ rừng của người Hà Nhì.

     Mặt khác, rừng còn mang lại cho người Hà Nhì nhiều nguồn lợi để nuôi sống gia đình, cho con cái được học hành và những điều may mắn khác. Những năm gần đây, đời sống của người dân trên địa bàn xã Ý Tý đã có nhiều chuyển biến, tỷ lệ hộ đói, hộ nghèo giảm còn dưới 30%. Người dân tích cực chuyển đổi giống cây trồng cho năng suất cao như khoai tây, lúa nếp... Bên cạnh đó là các loài cây thảo quả đang được trồng đại trà trên diện tích hơn 100 ha, cho giá trị kinh tế cao, là nguồn thu nhập chính cho người dân trong xã. Mỗi năm, có gia đình thu từ hai đến ba tấn quả, trị giá hàng trăm triệu đồng. Thành quả đó có sự góp sức rất lớn của những cánh rừng nguyên sinh mà người dân gìn giữ. Chúng giúp ổn định nhiệt độ, nguồn nước cho cây trồng, chống lũ quét gây thiệt hại mùa màng.

 

Tán thảo quả dưới rừng già Ý Tý

 

     Năm 1996, tỉnh Lào Cai quyết định mở đường ô tô từ Dền Sáng lên Ý Tý, nhiều phương án đã được đặt ra để tránh đụng vào rừng cấm, nhưng không có cách nào khác, vì  bốn bề là vách đá dựng đứng, chỉ có đi xuyên giữa rừng. Lúc đó, người dân Hà Nhì cam kết sẽ giữ rừng Ý Tý với điều kiện là đơn vị thi công làm đúng thiết kế, không xâm hại cây cối ngoài phạm vi nền đường.  Mặc dù con đường lớn chạy qua giữa cánh rừng đã hoàn thành, kinh tế hàng hóa đã mở ra, nhưng bên cạnh những khu rừng thiêng, thì hơn 8.000 ha rừng nguyên sinh Ý Tý vẫn nguyên vẹn vẻ hoang sơ, kỳ vĩ và huyền bí, trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn ở vùng núi phía Tây Lào Cai, thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước. Nếu lên Ý Tý vào ngày thứ bảy, du khách sẽ được hòa mình vào phiên chợ văn hóa với sắc màu thổ cẩm của các dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì. Mỗi dân tộc một kiểu trang phục, một cách vấn khăn, một lối trang sức, không lẫn vào nhau làm cho bức tranh Ý Tý trở nên đa sắc màu. 

     Với những tiềm năng tự nhiên sẵn có, rừng già Ý Tý có đầy đủ các yếu tố thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch nghiên cứu… Rừng già Ý Tý vẫn như "cô gái đẹp ngủ quên" trong rừng với những nét đẹp tiềm ẩn đang chờ được đánh thức.

 

Đỗ Huyền (TTXVN)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2017)

Ý kiến của bạn