Banner trang chủ

Hành trình 9 năm Cù Lao Chàm được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới

09/07/2018

     Vừa qua, UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam tổ chức kỷ niệm 9 năm Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (KDTSQTG). Nhân dịp này, phóng viên Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Hồng Thúy - Giám đốc Khu bảo tồn biển (KBTB) Cù Lao Chàm về việc duy trì danh hiệu và quảng bá hình ảnh Cù Lao Chàm - TP. Hội An đến với toàn thế giới.

     PV: Thưa bà, lý do để UNESCO công nhận Cù Lao Chàm là KDTSQTG?

     Bà Trần Thị Hồng Thúy: Ngày 26/5/2009, tại đảo Jeju - Hàn Quốc, Ủy ban điều phối quốc tế chương trình con người và sinh quyển thế giới của UNESCO đã công Cù Lao Chàm - Hội An là KDTSQTG. Có thể nói, danh hiệu Khu DTSQ Cù Lao Chàm - Hội An là một sản phẩm của công tác bảo tồn, là kết quả nỗ lực trong thời gian dài của cộng đồng cư dân địa phương và các ban, ngành TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam.

 

Bà Trần Thị Hồng Thúy - Giám đốc KBTB Cù Lao Chàm

 

     Hồ sơ đề cử KDTSQTG Cù Lao Chàm - Hội An được UBND tỉnh Quảng Nam cùng Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam (MAB/UNESCO-Việt Nam) đề xuất, đệ trình ngày 26/4/2008. Tổ chức Văn hóa - Khoa học - Giáo dục của Liên hợp quốc chuẩn y và phê duyệt chính thức ngày 26/5/2009 trở thành KDTSQ Cù Lao Chàm - Hội An, với những giá trị độc đáo và đặc trưng duy nhất trong 9 khu DTSQ thế giới của Việt Nam hiện nay: Di sản văn hóa Phố cổ Hội An, di sản văn hóa UNESCO (1999); Rừng đặc dụng trên núi đảo Cù Lao Chàm; Rừng phòng hộ, rừng ngập mặn Cẩm Thanh, Cửa Đại, Cẩm Kim…; KBT Cù Lao Chàm (Hệ thống các KBTB quốc gia); Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

     So với các Khu khác của Việt Nam, KDTSQ Cù Lao Chàm - Hội An là một minh chứng điển hình nhất về sự giao thoa, kết nối giữa thiên nhiên và con người đúng như bản chất tên gọi Ủy ban Con người và Sinh quyển của UNESCO.

     PV: Sau 9 năm được công nhân KDTSQTG đến nay, Cù Lao Chàm đã có những bước thay đổi như thế nào đối với người dân, thưa bà?

     Bà Trần Thị Hồng Thúy: Nhìn lại chặng đường đã qua, từ một xã đảo Tân Hiệp nghèo khó, thiếu thốn mọi mặt từ cơ sở vật chất, môi trường ô nhiễm cho đến các vấn đề an sinh xã hội và cuộc sống người dân rất bấp bênh thì cho đến nay, Cù Lao Chàm đã chuyển mình toàn diện, trở thành viên ngọc quý tỏa sáng trong hành trình của du khách thập phương, góp phần đưa Tân Hiệp thoát nghèo, vươn lên dẫn đầu cả tỉnh về mức thu nhập. Nền tảng của sự thay đổi đó chính là sự ra đời của KBTB Cù Lao Chàm, với sứ mệnh chính là bảo tồn các giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn trong đó trọng tâm là rạn san hô, thảm cỏ biển, HST rừng nguyên sinh Cù Lao Chàm trong mối liên kết giữa rừng và biển để bảo tồn tính ĐDSH tại quần đảo này. Sau khi khu bảo tồn chính thức hoạt động cùng với những nỗ lực của người dân và chính quyền xã đảo, chất lượng môi trường được cải thiện rõ nét, tài nguyên sinh vật cả trên rừng, dưới biển được bảo tồn nguyên vẹn, sinh kế người dân chuyển từ khai thác thủy sản bấp bênh sang dịch vụ du lịch một cách bền vững. Từ chỗ người dân bắt rùa, thu trứng rùa để ăn thì đến nay toàn dân đã chung tay, góp sức trong công cuộc tái phục hồi và bảo vệ loài bò sát cổ cực kỳ quý hiếm này của thế giới. Có một thời gian, san hô bị khai thác để làm cảnh, làm vật liệu xây dựng thì đến nay người dân đã chủ động thực hiện trọn vẹn công nghệ phục phồi san hô và có thể hỗ trợ cho các địa phương khác của Việt Nam.

     Cũng tại Cù Lao Chàm, hầu hết nguồn tài nguyên được định hướng khai thác một cách văn minh, có trách nhiệm. Từ chỗ cua đá bị khai thác bừa bãi thì đến nay nguồn lợi này đã được quản lý, khai thác, bảo tồn một cách hiệu quả với sự vào cuộc của đại diện 4 lực lượng gồm nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và người dân địa phương. Thông qua câu chuyện bảo tồn và khai thác bền vững cua đá tại Cù Lao Chàm đã khẳng định trách nhiệm của toàn xã hội với việc sử dụng tài nguyên, tạo được niềm tin với UNESCO khi trao tặng các danh hiệu cao quý cho thành phố chúng ta. Ngoài ra, các sản phẩm khác trong khu sinh quyển cũng đang được định hướng phát triển ổn định về chất lượng, hướng tới thân thiện với môi trường và sẽ được gắn nhãn hiệu chứng nhận KSQ. Quy trình này sẽ tạo được sự gắn kết giữa người sản xuất, người tiêu dùng, nhà quản lý để cùng tham gia vào công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị của KSQ.

     PV: Sau khi được công nhận KDTSQTG, địa phương và TW đã có những chính sách gì để triển khai công tác BVMT, bảo tồn ĐDSH tại Cù Lao Chàm, thưa bà?

     Bà Trần Thị Hồng Thúy: Cù Lao Chàm đã rất thành công với chương trình “nói không với túi nilon”, sắp tới là “không sử dụng ống hút nhựa, các sản phẩm từ nhựa”. Những việc làm đầy ý nghĩa như  “xách giỏ đi chợ”, các em nhỏ trên đảo tận dụng giấy, báo để làm bao bì thay thế cho túi nilon hay việc khai thác cua đá, tôm hùm và các nguồn lợi khác một cách văn minh, có kiểm soát đã tạo được một Cù Lao Chàm rất riêng, rất đặc trưng mà không phải nơi nào cũng thực hiện được. Chính từ điều này đã thu hút được các nhà nghiên cứu, các tổ chức giáo dục, đào tạo và những tình nguyện viên đến từ khắp nơi trên thế giới đến với KSQ của chúng ta.

     Sau 9 năm được công nhận, KSQ của chúng ta đã tạo được niềm tin, sự yêu mến trong lòng du khách và bạn bè quốc tế. Điều này đã tạo thêm động lực cho người dân cũng như chính quyền thành phố quyết tâm hơn trong việc xây dựng Cù Lao Chàm thực sự xinh đẹp cả về tự nhiên và con người, tương xứng với tầm của một KSQTG.

     Để phát huy giá trị Di sản Phố cổ Hội An, KDTSQTG Cù Lao Chàm - Hội An và mới đây là Nghệ thuật hô hát Bài Chòi - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, chính quyền thành phố đã hoạch định chiến lược nhằm phát triển TP. Hội An theo định hướng (Sinh thái - văn hóa - du lịch) dựa trên nền tảng giá trị của 3 di sản thế giới mà thành phố đang sở hữu. Đây chính là một lợi thế vô cùng to lớn trong sự nghiệp phát triển KT-XH của thành phố, một món quà vô giá của thiên nhiên ban tặng và là tài sản quí báu của ông cha đã để lại cho con cháu sau này.

     Các định hướng, chính sách lớn của thành phố đã được lồng ghép và cụ thể hóa vào các chương trình hành động của các ban ngành, địa phương một cách hiệu quả. Bất cứ nơi đâu trên mảnh đất Hội An này, chúng ta đều cảm nhận được âm hưởng của một thành phố di sản. Từ những giá trị lớn lao như nền văn hóa các quốc gia đã được tái hiện một cách sống động trên từng chi tiết kiến trúc của quần thể hơn 1.000 di tích, sự nổi trội về giá trị cảnh quan, các HST rạn san hô, rừng dừa nước, các bãi biển xinh đẹp cho đến không gian yên tĩnh của các làng quê sinh thái, sự tinh xảo trong các sản phẩm thủ công mỹ nghệ hay sự tinh tế trong các món ăn đặc biệt là trong văn hóa ứng xử rất đỗi chân chất, mộc mạc của người dân. Tất cả đã làm nên thương hiệu “Di sản Hội An” cổ kính, trầm mặc, đậm chất văn hóa trong sự hòa quyện giữa con người với thiên nhiên mà khó nơi nào sánh được. Một chốn đặc biệt, làm nức lòng du khách thập phương và là niềm tự hào cho bao người con sinh ra và lớn lên tại đây.

 

Hoạt động ngắm san hô tại Cù Lao Chàm được du khách ưa thích

 

     Phân vùng chức năng của KSQ cũng đã xác định sự phát triển của các khu vực khác nhau tùy vào điều kiện tự nhiên, lợi thế về các giá trị nổi trội trong mối liên kết, tương hỗ nhau để cùng hòa nhịp vào sự phát triển bền vững TP di sản Hội An trong bối cảnh tác động mạnh mẽ từ thiên tai, BĐKH. Quần đảo Cù Lao Chàm sẽ trở thành trung tâm bảo tồn ĐDSH mang tầm quốc tế; Cẩm Thanh sẽ trở thành Làng quê sinh thái đặc thù, là trung tâm sản sinh và nuôi dưỡng nguồn lợi thủy sản ven bờ có liên kết với quần đảo Cù Lao Chàm; Cẩm Kim sẽ trở thành trung tâm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tự nhiên gắn với du lịch sinh thái; Các làng nghề truyền thống khác sẽ được bảo tồn, phát huy giá trị và được lồng ghép một cách linh hoạt, sáng tạo với các hoạt động phát triển KT-XH của thành phố theo tôn chỉ: Bảo tồn để phát triển và Phát triển để bảo tồn.

     PV: Thưa bà, bên cạnh những thành tích, KDTSQTG Cù lao Chàm có gặp những khó khăn thách thức gì không?

     Bà Trần Thị Hồng Thúy: Bên cạnh những kết quả đạt được, KSQ cũng đang đứng trước những khó khăn và thách thức từ thiên nhiên và chính từ con người. Hàng năm TP phải hứng chịu những trận bão, lụt kinh hoàng, uy hiếp trực tiếp đến quần thế di tích phố cổ Hội An, làm sạt lở bờ sông, gây ngọt hóa và lắng đọng trầm tích trên các rạn san hô, thảm cỏ biển tại đảo Cù Lao Chàm. Hiện tượng xỏi lở và mất bãi biển vẫn diễn biến hết sức phức tạp, các nhà khoa học đã có nhiều nghiên cứu nhằm tìm ra giải pháp, các doanh nghiệp cũng như chính quyền thành phố cũng rất nỗ lực để cứu lấy bãi biển ... nhưng trên thực tế, bãi biển xinh đẹp, thơ mộng của TP. Hội An đã bị biến mất.

     Sự đô thị hóa, công trình hóa diễn ra khắp nơi từ đất liền đến hải đảo, từ sông ra biển đã làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, cảnh quan, các hệ sinh thái, tính DDSH kể cả nét văn hóa truyền thống của người dân Hội An.

     Dòng sông Thu Bồn thơ mộng cũng không còn được giá trị nguyên bản, các hệ thống cồn bãi tự nhiên trên sông đã được đầu tư các công trình, dịch vụ, làm mất đi tính tự nhiên hoang sơ vốn dĩ rất quí của Khu sinh quyển. Sự xuất hiện của con người tại các khu vực này đã làm ảnh hưởng đến đời sống hoang dã, chia cắt vòng đời tự nhiên của rất nhiều loài. Tại Cẩm Thanh trước đây từng là nơi thu hút rất nhiều chim, cò về kiếm ăn và sinh sống, tuy nhiên sự xuất hiện của con người tại các vạc dừa đã xua đuổi dần những đàn chim di cư, cắt đứt nhiều chuỗi giá trị và làm tính cân bằng sinh thái kể cả trong và ngoài phạm vi KSQ.

     Những khó khăn, thách thức này có thể được phân chia thành các nhóm tác động trên từng lĩnh vực cụ thể như sau:

     Vn đề ô nhim: Cảnh quan, các HST và tính ĐDSH tại CBR đang bị tác động nặng do nguồn nước bị ô nhiễm từ hoạt động dân sinh, các công trình xây dựng và ảnh hưởng từ các dòng hải lưu ven bờ.

     Áp lc t du khách: Sự gia tăng nhanh chóng số lượng và nhu cầu sử dụng thực phẩm, các dịch vụ hệ sinh thái của khách đến KSQ (đặc biệt là vùng lõi tại quần đảo Cù Lao Chàm và rừng dừa nước tại Cẩm Thanh) đã gây áp lực rất lớn đến môi trường, sức khỏe các hệ sinh thái. Trong lúc cơ sở hạ tầng, năng lực của doanh nghiệp và cộng đồng chưa nâng cao tương ứng thì sự gia tăng đột biết du khách là một thách thức đáng kể đối với môi trường, tài nguyên và các giá trị nổi trội của KSQ.

     S bt cp, chưa hòa hp gia các mc tiêu chiến lược ca thành ph: Quần đảo Cù Lao Chàm được ghi nhận có tính ĐDSH cao cả trên rừng và dưới biển. Các hệ sinh thái và tính ĐDSH ở đây được xác định là có mối liên kết sinh thái rất chặc chẽ từ đỉnh núi, qua các cánh rừng, đến vùng triều bờ đá/bãi biển cho đến các rạn san hô, thảm cỏ biển dưới đáy đại dương. Tuy nhiên sự liên kết này đang bị cắt đứt bởi các con đường bao quanh đảo cũng như các công trình xây dựng của các doanh nghiệp. Đất đá, chất thải công trình theo dòng chảy tích tụ và gây ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại và phát triển của các rạn san hô và thảm cỏ biển xung quanh đảo. Vùng sinh cư của các loài bị phân cắt về môi trường sống, đường di cư sinh sản và cả chu kỳ vòng đời của chúng. Tại vùng cửa sông, nơi KSQ đang nỗ lực bảo vệ rừng dừa nước và các hệ sinh thái cồn bãi tự nhiên, đây chính là các bãi đẻ và ươm giống của nhiều loài thủy sản và chúng có mối liên kết sinh thái, liên kết quần thể với nguồn lợi thủy sản tại quần đảo Cù Lao Chàm. Tuy nhiên khu vực này cũng đang chịu sức ép vô cùng lớn từ việc đầu tư quá nhiều công trình, cơ sở hạ tầng như cầu Cửa Đại và hệ thống đường dẫn vắt ngang qua trung tâm rừng dừa, nhà máy xử lý nước thải của thành phố, hầu hết các hệ thống cồn bãi tự nhiên trên sông, ven biển đã và đang được đầu tư xây dựng. Thực tế này đã làm mất đi giá trị cảnh quan sinh thái, tính hoang sơ, mất các bãi giống tự nhiên, ảnh hưởng đến dòng chảy, khả năng kiểm soát chất lượng môi trường của rừng dừa và các hệ sinh thái vùng cửa sông, ven biển và nguy cơ cắt đứt mối liên kết sinh thái, liên kết quần thể giữa các vùng chức năng khác nhau trong KSQ và cả lưu vực sông cũng như vùng bờ ven biển duyên hải miền Trung.

     Tác động ca thiên tai, biến đổi khí hu (BĐKH): Bão tố, lũ lụt, hiện tượng nước biển ấm lên và những tác động khác của BĐKH đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến tài nguyên và các giá trị của CBR. Trầm tích kết hợp với hiện tượng ngọt hóa và ô nhiễm toàn lưu vực đã gây ra hiện tượng tấy trắng san hô và làm chết nhiều thảm cỏ biển tại Cù Lao Chàm và khu vực cửa sông Thu Bồn. Hiện tượng sạt lở bờ sông, xói lở bãi biển đang là vấn đề lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển KT-XH nói chung và du lịch nói riêng cũng như sinh kế của người dân địa phương tại CBR.

     PV: Là đơn vị quản lý Khu bảo tồn, bà có những đề xuất, kiến nghị gì với các cơ quan chức năng để việc duy trì, phát huy danh hiệu và quảng bá hình ảnh Cù Lao Chàm - Hội An đến với thế giới?

     Bà Trần Thị Hồng Thúy: Để vận hành hiệu quả KDTSQ Cù Lao Chàm - Hội An, thực hiện được sứ mệnh bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân của địa phương nhưng mang tầm ý nghĩa toàn cầu, chúng tôi xin đề xuất một số vấn đề quan trọng:

     Về cách tiếp cận vận hành KSQ: Với những thuộc tính, điều kiện cụ thể của địa phương và để bảo tồn và phát huy được các giá trị tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn của KSQ, cần xác định các cách tiếp cận phù hợp và hiệu quả đối với nguồn tài nguyên mà chúng ta đang sở hữu. Các cách tiếp cận khuyến nghị được áp dụng bao gồm: Tiếp cận HST, tiếp cận quản lý tổng hợp vùng bờ, tiếp cận quản lý lưu vực sông, tiếp cận từ đầu nguồn đến rạn san hô  và tiếp cận mô hình tổng hợp SLIQL, tư duy hệ thống - Quy hoạch cảnh quan - Điều phối liên ngành – Kinh tế chất lượng do Ủy ban quốc gia chương trình con người và sinh quyển MAB Việt Nam đề xuất để góp phần xây dựng Hội An trong tương lai theo đề án “Hội An - Thành phố sinh thái vào năm 2030.

     Về định hướng chiến lược: Các hoạt động của KSQ phải phù hợp với tình hình, xu thế phát triển chung của TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam và tôn chỉ của UNESCO. Các hoạt động cần bám sát nội dung của Kế hoạch quản lý, Đề án phát triển bền vững KSQ.

     Phát huy vai trò điều phối của BQL KSQ:  Các hoạt động đang hoặc sắp diễn ra trong phạm vi KSQ cần được BQL KSQ, UBND thành phố quan tâm, xây dựng chương trình đánh giá môi trường chiến lược (SEA) phục vụ cho việc cân nhắc đầu tư và đánh giá tác động môi trường cho các dự án cụ thể (EIA). Đối với các dự án đã và đang triển khai (Dự án kéo cáp điện ra đảo; Công trình đường quanh đảo và các hoạt động xây dựng công trình, cơ sở hạ tầng; Kho dự trữ xăng dầu tại Cù Lao Chàm; Dự án cầu Cửa Đại và đường dẫn có ảnh hưởng khá lớn đến diện tích rừng ngập mặn dừa nước tại vùng đệm KSQ; Dự án nhà máy xử lý nước thải tập trung của thành phố tại rừng dừa nước Cẩm Thanh; Công trình đầu tư tại cảng Cửa Đại; dự án “xây dựng hệ thống cung cấp điện năng lượng từ pin mặt trời tại khu phố cổ Hội An”; Các dự án khu dân cư, khai thác quỹ đất; Công trình sửa chữa kè, nâng cấp hồ chứa nước Bãi Bìm, Công trình khắc phục tình trạng ô nhiễm một số mương tiêu tại Cù Lao Chàm, xây dựng hệ thống nước thải kết hợp với đường giao thông sau nhà hàng Bãi Ông (Cù Lao Chàm)..., cần có chương trình giám sát ảnh hưởng đến môi trường và tài nguyên của Khu sinh quyển một cách có lộ trình.

     Cần phân tích đánh giá và tổ chức hội đồng phản biện nghiêm túc các dự án có ảnh hưởng lớn đến KSQ, đặc biệt là việc đầu tư các công trình, dự án tại các vùng nhạy cảm của các hệ sinh thái như hệ thống cồn bãi tự nhiên trên các con sông, rừng dừa nước hạ lưu sông Thu Bồn, các bãi biển, rừng đặc dụng tại quần đảo Cù Lao Chàm.

     Cần tính toán kỹ lưỡng các bài toán về tài nguyên nước, vấn đề thực phẩm, quản lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt của toàn TP. Hội An; giải quyết bài toán xói lở và vệ sinh môi trường tại biển Cẩn An và Cửa Đại và quy hoạch sử dụng mới Bãi tắm An Bàng, các dự án Bảo tàng văn hóa tín ngưỡng dân tộc và phật giáo tại Cẩm Thanh, dự án Bảo tàng cổ vật tàu đắm tại Cù Lao Chàm; Phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng của thành phố và Phương án trồng cây xanh của thành phố...

     Giải pháp chiến lược: Thực hiện thường xuyên việc kiểm kê, đánh giá, giám sát diễn thế của tài nguyên mà KSQ đang sở hữu. Cụ thể ở đây là cả tài nguyên thiên nhiên như cảnh quan, chất lượng môi trường, các HST, tính DDSH và tài nguyên nhân văn bao gồm cả văn hóa vật thể (quần thể kiến trúc, các di tích) và văn hóa phi vật thể (lễ hội, nghệ thuật diễn xướng dân gian, nép sống người dân địa phương...).

     Nhanh chóng thực hiện qui hoạch quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên của KSQ. Đây là cơ sở khoa học để thành phố quyết định việc đầu tư, xây dựng TP. Hội An theo hướng bảo tồn để phát triển và phát triển để bảo tồn.

     Thực hiện chiến lược lồng ghép giữa văn hóa và tự nhiên trong hoạt động phát triển kinh tế xã hội của TP. Hội An. Đây là cách tốt nhất để tôn vinh những giá trị độc đáo của Khu sinh quyển, nơi thể hiện rõ nét nhất về sự hòa quyện giữa con người với thiên nhiên hay là sự kết hợp hoàn hảo giữa HST tự nhiên và hệ sinh thái nhân văn.

     Xây dựng mối liên kết giữa các ngành nghề với phát triển du lịch, đặt biệt là nông nghiệp, dịch vụ với du lịch sinh thái.

     Thực hiện quy hoạch không gian biển và lượng hóa giá trị kinh tế các HST tự nhiên và hệ sinh thái nhân văn làm cơ sở đầu tư, phát triển  bền vững TP. Hội An

     PV: Xin cảm ơn bà.

 

Phạm Đình (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2018)

 

 

Ý kiến của bạn