Banner trang chủ

Gia Lai: Phát triển du lịch văn hóa - sinh thái

24/05/2018

     Gia Lai là địa bàn có nhiều danh lam thắng cảnh cùng với những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa, nằm ở vị trí lý tưởng - ngã ba Đông Dương. Vùng đất Bắc Tây Nguyên này được đánh giá là điểm đến du lịch đầy tiềm năng. Tỉnh Gia Lai đang tập trung mọi nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng, hình thành các điểm du lịch văn hóa - sinh thái hấp dẫn.

     Đến với Gia Lai, du khách có cơ hội được khám phá những điểm du lịch hấp dẫn như: Núi lửa Chư Đăng Ya, Biển Hồ, Quảng trường Đại Đoàn kết, Bảo tàng tỉnh Gia Lai, Nhà máy Thủy điện Ya Ly, Nhà lao Pleiku, Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG, di tích lịch sử văn hóa Làng kháng chiến Stơr, thác Phú Cường và Vườn quốc gia Kon Ka King. Gia Lai còn là vùng đất ghi dấu ấn lịch sử hào hùng với những địa danh nổi tiếng như: Quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo, di tích căn cứ địa cách mạng Khu 10, PleiMe, Cheo Reo, thung lũng Ia Đrăng...

 

Biển Hồ, thắng cảnh du lịch nổi tiếng của TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai

(Ảnh: Nguyễn Hoài Nam - TTXVN)


     Cùng với đó, điểm nhấn thu hút du khách khi đến với Gia Lai là những khu rừng nguyên sinh với thảm thực vật quý hiếm nằm trong quần thể Vườn quốc gia Kon Ka King, khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, những thác nước tự nhiên thơ mộng và hùng vĩ được bao bọc bởi bạt ngàn núi rừng cao nguyên.

     Gia Lai còn là cái nôi của nền văn hóa bản địa Jarai, Bahnar với những lễ hội kỳ bí, linh thiêng trong không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Nét văn hóa tâm linh lâu đời cùng những nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số đã làm nên sự hấp dẫn của vùng đất đỏ bazan khiến ai cũng mong một lần được đến, trải nghiệm.

     Ông Nguyễn Ngọc Ngô, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện cho biết: Sau khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội cúng cầu mưa là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, địa phương đã có phương án cụ thể, phục dựng loại hình văn hóa tín ngưỡng dân gian đặc sắc này gắn với phát triển du lịch nhằm gìn giữ, phát huy, bảo tồn giá trị tín ngưỡng độc đáo mang đậm bản sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số Jarai ở huyện Phú Thiện nói riêng, Tây Nguyên nói chung. Việc làm mày cũng góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa Lễ hội dân gian của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

     Gia Lai phấn đấu đến năm 2025 phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

 

Phương Linh

Ý kiến của bạn