Banner trang chủ

Gà Ðông Tảo - Sản vật ngày Tết

10/02/2017

   Trải dài dọc theo dải đất hình chữ S, mỗi vùng đất đều có một sản vật đặc trưng cho con người và khí hậu nơi đó. Nếu như Thanh Hóa có nem chua, Bắc Giang gắn với vải thiều, Thái Bình có bánh cáy… còn khi nhắc đến Hưng Yên thì ai ai cũng không quên câu ca ''Nhãn lồng bổ ngập dao phay, gà to Đông Tảo ba ngày một cân”. Những năm gần đây, gà Đông Tảo - một trong hai sản vật "tiến vua" của đất Hưng Yên, luôn được du khách trong cả nước mua về làm "quà độc" để biếu và ăn Tết.

Gà Đông Tảo

   Gà Đông Tảo, hay gà Đông Cảo là một giống gà quý hiếm chỉ có ở Việt Nam. Đặc điểm nổi bật của gà Đông Tảo là đôi chân to và thô, hình dáng bệ vệ, da đỏ, khi trưởng thành gà trống có thể nặng trên 4,5 kg và trên 3,5 kg đối với gà mái. Đây là loại gà nuôi cổ truyền của xã Đông Tảo, thuộc danh sách những giống gia cầm quý hiếm cần được bảo tồn nguồn gen. Đặc biệt, giống gà này càng già càng quý, thịt ăn có mùi vị thơm ngon đặc trưng không lẫn với bất kỳ loại gà nào, chế biến được nhiều món ăn đặc sản. Gà Đông Tảo có vóc dáng đẹp, to cao, dễ nuôi, dễ thích nghi với nhiều vùng miền, dễ nhân giống, đạt hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với các giống gà khác. Không chỉ dùng làm thực phẩm, gà Đông Tảo còn được dùng làm vật nuôi cảnh, dùng trong cúng tế hay làm quà biếu.

   Để phân biệt giữa gà Đông Tảo với các giống gà khác, gà con phải được mua ở những cơ sở cung cấp giống đáng tin cậy, chất lượng đồng đều, nhanh nhẹn, da chân bóng mượt, hồng hào. Con trống có hai màu lông cơ bản là tím pha đen (mã mận) và màu mận. Chân gà to, bao quanh chân ở phía trước là lớp vảy da sắp xếp không theo hàng, phần còn lại da sùi, bốn ngón chân xòe ra, chia ngón rõ nét, bàn dày, cân đối nên gà bước đi vững chắc. Đỉnh đuôi và cánh có màu đen ánh xanh. Mào gà trống là mào sun (ngắn và thun lại), màu đỏ tía, gà mái có 3 màu cơ bản: Mã nõn chuối - vàng nhạt, mã thó hay nâu nhạt - màu đất thó hay lá chuối khô, mã ngà - trắng sữa. Lông phần cổ và cánh gà thường pha trộn những chiếc lông màu vàng, trắng sữa, nâu, đỏ, đen. Gà mái cũng có mào tựa mào con trống nhưng chỉ to bằng 1/3 mào gà trống. Gà mái mới nở có lông trắng đục, khối lượng 38 - 40 gam, mọc lông chậm.

   Theo Hội Chăn nuôi và kinh doanh gà xã Đông Tảo, số lượng gà phục vụ Tết chủ yếu là gà thịt. Cả xã có trên 2.000 hộ nuôi gà Đông Tảo, trong đó, 200 hộ nuôi theo quy mô lớn để phục vụ Tết với khoảng 4.000 con. Riêng gà Đông Tảo thuần chủng để làm quà biếu khoảng 1.000 con. Với số lượng này, chỉ riêng dịp Tết Nguyên đán, người nuôi gà thu về hàng chục tỷ đồng. Những năm gần đây, do thị trường ưa chuộng giống gà quý hiếm này, nên mỗi hộ chăn nuôi gà Đông Tảo thu lãi từ 150 - 300 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, hiện nay, mặc dù, mỗi năm, người dân trong xã xuất bán hàng vạn con, song việc chọn gà thuần chủng rất khó bởi mỗi hộ dân dù nuôi hàng trăm con mới có thể chọn được 1 - 2 con thuần chủng. Với đặc trưng này, từ năm 1992, giống gà Đông Tảo được đưa vào Chương trình Bảo tồn quỹ gen vật nuôi khi chúng được xếp vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng. Bên cạnh đó, do dịch cúm gia cầm năm 2008, gà Đông Tảo bị tiêu hủy khoảng 10.000 con nên đến nay, gà thuần chủng đang dần mai một, chất lượng con giống bị suy giảm bởi hiện tượng cận huyết ngày càng tăng. Hơn nữa, nuôi gà Đông Tảo thuần chủng không cho lãi cao như gà thường nên chỉ những gia đình tâm huyết, say mê mới thực sự gắn bó với gà Đông Tảo. Ngoài ra, lợi dụng uy tín gà Đông Tảo, nhiều người chăn nuôi ở nơi khác đã mua và lai tạo với giống gà khác dẫn tới bị biến đổi gen, làm cho thương hiệu gà Đông Tảo bị ảnh hưởng.

   Lãnh đạo xã Đông Tảo cho biết, để bảo tồn và lưu giữ giống gà Đông Tảo, ngành nông nghiệp Hưng Yên và huyện Khoái Châu đã triển khai nhiều biện pháp. Cùng với sự hỗ trợ của trường Đại học Nông nghiệp 1, từ năm 2012, Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên đã triển khai Dự án hỗ trợ mỗi con gà giống Đông Tảo 30.000 đồng. Theo đó, huyện Khoái Châu đã thành lập Hội Chăn nuôi và kinh doanh giống gà Đông Tảo với trên 150 thành viên tham gia, gồm những hộ chăn nuôi quy mô lớn và trung bình. Các hội viên khi đăng ký tham gia phải tuân thủ quy chế hoạt động, được hỗ trợ một phần kinh phí, kỹ thuật để bảo tồn, phát triển giống gà Đông Tảo. Bên cạnh đó, chính quyền xã cũng tích cực tuyên truyền vận động các hộ duy trì và bảo tồn nguồn gen gà Đông Tảo tại địa phương…

   Tết Đinh Dậu 2017, khách thập phương về Đông Tảo mua gà nhộn nhịp hơn mọi năm, bởi theo tiềm thức của người Việt, năm “con gà mà mua gà để biếu, tặng hay ăn Tết thì sẽ gặp nhiều may mắn”. Do vậy, nhiều cặp gà có giá vài triệu đồng, thậm chí vài chục triệu đồng vẫn đắt khách nhờ tính thuần chủng, gen trội, không pha tạp. Để gà Đông Tảo giữ vững được giá trị cả về nguồn gen, chất lượng thịt, giá trị độc đáo của hình thể, tránh bị mai một do dịch bệnh, lai tạo, các cấp, các ngành và người dân địa phương cần bảo tồn, phát huy hơn nữa thương hiệu của giống gà quý hiếm này.

                Nguyễn Đình Việt

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2017

Ý kiến của bạn