Banner trang chủ

Du lịch môi trường - Hướng đi mới giàu tiềm năng

26/12/2016

   Với hệ sinh thái đặc trưng (san hô, đất ngập nước, vùng cát ven biển và rừng nhiệt đới...) cùng lịch sử văn hóa lâu đời, Việt Nam được đánh giá là đất nước giàu tiềm năng để phát triển du lịch môi trường (DLMT).

   Nét độc đáo của DLMT

   DLMT cũng giống như du lịch sinh thái, là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa gắn với giáo dục môi trường, có đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, nó có điểm đến riêng, là nơi có dấu tích lịch sử môi trường độc đáo, đáp ứng sự hiếu kỳ của du khách như khu vực bán hoang mạc, khu rừng tái sinh… và khác du lịch sinh thái ở chỗ, khai thác cả yếu tố tích cực và tiêu cực của môi trường.

Du khách thích thú với đi ghe thuyền ở phố cổ Hội An

   DLMT còn khai thác yếu tố thời tiết có ảnh hưởng cực đoan như thiên tai, lũ lụt, mưa bão, hạn hán và chú ý đến cách ứng xử với thiên tai của cộng đồng địa phương. Chẳng hạn như Hội An vẫn có thể làm du lịch trong mùa mưa lũ. Hội An nằm ở cuối sông Thu Bồn, có Cửa Đại giáp với Biển Đông, do đó, khi trời mưa, nước lớn, lũ lụt thường xuyên xảy ra. Vào mùa nước lên, hai bên đường Bạch Đằng bị ngập nên người dân tổ chức đi ghe để du khách tham quan Hội An ở một góc khác, một phố cổ Hội An trong nước. Có thể thấy, người dân Hội An đã chủ động thích nghi với tự nhiên và biết tận dụng tự nhiên để phát triển du lịch, tạo ra giá trị kinh tế.

   Trong những năm trở lại đây, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đưa ý tưởng “Mưa Huế” vào khai thác như một sản phẩm du lịch đặc trưng. Là một trong những tỉnh nằm ở phía Đông dãy Trường Sơn của khu vực duyên hải Bắc Trung bộ, Thừa Thiên - Huế là địa phương có số ngày mưa kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân cũng như việc tổ chức các hoạt động du lịch tại địa phương. Do đó, việc biến mưa trở thành sản phẩm du lịch là một ý tưởng thú vị nhằm khai thác những giá trị đặc trưng của xứ Huế. Các sản phẩm du lịch khai thác từ mưa Huế gồm có các tour du lịch mang tính trải nghiệm phù hợp với việc thưởng thức cảnh quan Cố đô Huế vào những ngày mưa; các gian hàng có kiến trúc mái che trong suốt, trưng bày và bán các sản phẩm quà lưu niệm, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm làng nghề; phục vụ các món ăn đặc sản của Huế, phù hợp với ngày mưa (món ăn nóng, món nướng…). Ngoài ra, các cơ sở du lịch ở Huế còn kết hợp với các phòng trà trên địa bàn thành phố phục vụ du khách trong những ngày mưa, vì đây là không gian lý tưởng để du khách có thể vừa thưởng thức trà vừa ngắm mưa và trải nghiệm nhiều giá trị tinh tế khác của Huế.

   Một số giải pháp phát triển DLMT

   Hiện nay, DLMT ở Việt Nam mới phát triển ở giai đoạn khởi đầu, còn nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết như: Công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản và quy hoạch phát triển còn hạn chế; Quy mô và hình thức hoạt động du lịch còn đơn điệu, mờ nhạt, sản phẩm và đối tượng thị trường còn chưa rõ nên ít có khả năng thu hút khách; Công tác đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ điều hành quản lý, hướng dẫn viên chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển…

   Để khai thác các thế mạnh tiềm năng của tài nguyên DLMT, trước hết cần tạo cơ chế, chính sách phát triển DLMT bền vững, làm cơ sở cho việc giám sát chặt chẽ hoạt động du lịch và quản lý nguồn tài nguyên.

   Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, nâng cao ý thức BVMT đối với cộng đồng dân cư địa phương, du khách các cấp quản lý và đối tượng kinh doanh tại các điểm du lịch thông qua các hình thức: phát hành ấn phẩm; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, phổ biến video clip về cảnh quan DLMT…

   Đồng thời, chọn lựa các yếu tố môi trường thích hợp để xây dựng sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách; Nâng cao kỹ năng và kiến thức của hướng dẫn viên cũng như khả năng tiếp thị của các hãng lữ hành.

   Vấn đề đặt ra đối với DLMT ở nước ta hiện nay là phải phát triển nhanh và bền vững, vừa khai thác môi trường tự nhiên và văn hóa nhằm thỏa mãn nhu cầu đa dạng của khách du lịch vừa quan tâm đến lợi ích kinh tế, duy trì các khoản đóng góp cho công tác BVMT, tôn tạo tài nguyên du lịch và góp phần nâng cao mức sống của cộng đồng địa phương. Để làm được điều đó, Việt Nam đã và đang kêu gọi đầu tư vào du lịch một cách tập trung, không dàn trải; ưu tiên khai thác gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, nhấn mạnh các biện pháp giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường...

            Đậu Thị Như Trang

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2016

Ý kiến của bạn